Saturday, November 3, 2012

Công khai tài liệu quý hiếm về biển đảo

(01/11/2012)

Hội thảo “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam” đã được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức tại TP.HCM ngày 30/10. Hội thảo có một phần nội dung “kiểm đếm” các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khảo sát tài liệu châu bản của nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trái) - người tìm thấy nhiều chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa từ các châu bản - Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Đây là những khởi đầu của đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt tháng 5/2012. Theo đó, một nội dung quan trọng cũng chính là nhiệm vụ đặt ra với Cục Văn thư và lưu trữ là khẩn trương, tích cực sưu tầm và phát huy giá trị tài liệu về chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam.

Nếu hình dung đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên lĩnh vực học thuật và lưu trữ tài liệu cũng là một mặt trận, thì đây là những bước điểm binh cần thiết.

Độ tin cậy cao

Phần trình bày của các thạc sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu và là cán bộ của các trung tâm lưu trữ quốc gia I, II, IV cho thấy hệ thống tài liệu quý hiếm hiện có của Việt Nam về đề tài chủ quyền biên giới, hải đảo thật sự phong phú và có độ tin cậy cao.

Trước hết là nguồn tài liệu Hán Nôm về biển đảo, bao gồm: châu bản triều Nguyễn, địa bạ triều Nguyễn, phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Trong đó châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập tài liệu gốc, là những tài liệu hành chính được các vua nhà Nguyễn tự tay “ngự phê” hoặc “ngự lãm”, có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành cao nhất, có giá trị thông tin mang tính chân thực lịch sử. Đây là loại văn bản được sử dụng làm phương tiện quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong quá trình hoạt động của triều Nguyễn.

Về nội dung này, TS Nguyễn Nhã có nhắc đến một văn bản châu bản triều Minh Mạng (1836), nội dung có lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân đi đo đạc, cắm cột mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Theo đánh giá của nhiều giới, đây là những bằng chứng lịch sử có giá trị thông tin gốc mà không một quốc gia nào đang tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Việt Nam có được.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn lưu trữ được hệ thống bản đồ hành chính liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây phát hành trước thế kỷ 20. Cả ba hệ thống bản đồ này đều là những chứng cứ pháp lý có tính thuyết phục cao, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Đồng thời tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II còn các tài liệu phản ánh quá trình thiết lập chế độ hành chính của các chính quyền thời phong kiến Pháp thuộc và thực dân mới Mỹ tại Hoàng Sa, Trường Sa. Ở đây cũng còn lưu trữ tài liệu về chính quyền quốc gia Việt Nam (do thực dân Pháp dựng lên trong cuộc tái chiếm Việt Nam) tham dự Hội nghị San Francisco từ ngày 5 đến ngày 8-9-1951 do các nước đồng minh trong chiến tranh Thế giới II tổ chức để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, ông Trần Văn Hữu, thủ tướng, dẫn đầu phái đoàn quốc gia Việt Nam vào ngày 7-9-1951 đã tuyên bố xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tài liệu về hoạt động kinh tế tại Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, tài liệu tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa từ sau năm 1945 cũng còn lưu trữ đầy đủ.

Cần một sự thống kê có hệ thống

TS Nguyễn Nhã cho biết trong quá trình nghiên cứu, ông nhiều lần tìm cách tiếp cận văn bản châu bản Minh Mạng năm 1836 - một văn bản tối quan trọng thể hiện chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - nhưng đến nay vẫn chưa được. Lý do là chưa được tiếp cận tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Minh Hương - cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - khẳng định tại hội thảo rằng cánh cửa vào trung tâm lưu trữ không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. “Chúng tôi vẫn nói với các nhà nghiên cứu, sử học như Vũ Minh Giang, Dương Trung Quốc rằng các anh nên đến trung tâm lưu trữ, và khi giảng dạy cho sinh viên cũng nên nói cho các em hiểu rằng nếu các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có sử dụng tài liệu tham khảo từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia thì giá trị tăng lên rất nhiều”. Thạc sĩ Hà Văn Huề trong phần phát biểu của mình cũng khẳng định hiện nay văn bản châu bản Minh Mạng năm 1836 đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bà Minh Hương cũng đã khẳng định rằng “chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ các nhà nghiên cứu”.

Dù vậy, nhìn rộng ra công tác tư liệu đối với các tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhà báo Nguyễn Văn Kết cho rằng hiện nay các nguồn tài liệu chưa được thống kê có hệ thống để thu thập có hiệu quả, chưa có đầu mối thống nhất trong việc thu thập và quản lý tài liệu. Ông Kết cũng đề xuất khẩn trương thu thập các tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Hoàng Sa, Trường Sa cả ở trong và ngoài nước, và hệ thống hóa tài liệu thu thập được để công bố bằng hình thức thích hợp: xuất bản, đăng tải trên cổng thông tin, hội thảo...

Về nội dung này, ThS Nguyễn Thị Thùy Trang - Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - cho biết trong kế hoạch lựa chọn tài liệu về Việt Nam cần sưu tầm ở nước ngoài, có ưu tiên nội dung tài liệu chứng minh chủ quyền lãnh thổ và biên giới biển, hải đảo, đất liền, không trung của Việt Nam. TS Nguyễn Nhã cho rằng hiện nay cần tích cực xây dựng thư mục về các châu bản và văn bản về Hoàng Sa, Trường Sa. Đây cũng là một việc cần làm, bởi có thư mục chuyên đề như vậy, chúng ta dễ dàng nắm bắt tình hình tư liệu sưu tập, khai thác và sử dụng đến đâu, như cách điểm binh để ước lượng tình hình vậy./.

Nguồn: http://biengioilanhtho.gov.vn/vie/congkhaitailieuquyhiem-nd-be735c35.aspx & http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121030/cong-khai-tai-lieu-quy-hiem-ve-bien-dao-viet-nam.aspx

Thursday, November 1, 2012

Xây dựng kho tư liệu Hoàng Sa và Trường Sa: Khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Thứ ba, 30/10/2012, 23:48 (GMT+7)

“Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo do Bộ Nội vụ thông qua Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức vào sáng 30-10 tại TPHCM. Hội thảo đã kêu gọi sự chung tay góp sức từ các cơ quan lưu trữ nhà nước đến nguồn tư liệu đang có trong nhân dân để củng cố những chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với các vấn đề về biên giới, hải đảo, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bằng chứng xác tín từ tài liệu lưu trữ

Vừa qua, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao đã công bố một số Châu bản (công văn giấy tờ Vua phê duyệt) triều Nguyễn có liên quan đến các vấn đề quản lý hành chính với quần đảo Hoàng Sa, ví dụ như trong Tờ tâu của Nội các ngày 22-11 năm 1833 (Minh Mệnh thứ 14) có nội dung: “Tâu trình ông Phạm Văn Sênh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, khi trở về đã kê khai sai số người đi thực hiện công vụ nên việc ban thưởng có số thừa. Số tiền bạc thừa chưa lĩnh, mà lại quá ít, nên Nội các xin gia ân miễn xét tội cho ông Sênh”.

Còn rất nhiều tờ tâu khác được công bố với các thông tin về trả lương cho dân phu đang làm công vụ ở Hoàng Sa, xử phạt việc đi công vụ trễ hạn tại Hoàng Sa, báo cáo việc đo đạc tại các đảo, thông báo về việc cứu thuyền buôn nước ngoài gặp nạn tại Hoàng Sa…

Các tài liệu này cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà báo Nguyễn Văn Kết thuộc Tạp chí Văn thư - Lưu trữ Việt Nam cho biết: “Trong 3 loại chứng cứ lịch sử để xác định chủ quyền gồm Lịch sử thành văn, Vật chứng kết quả khảo cổ và Tài liệu lưu trữ thì tài liệu lưu trữ được cho là chính xác và khách quan nhất”. Ở hai tòa án quốc tế là Tòa án trọng tài thường trực (PCA) và Tòa án công lý quốc tế (ICJ) cũng xem các tư liệu lịch sử như trên là yếu tố quan trọng để xem xét chủ quyền của một quốc gia với một vùng lãnh thổ, biển đảo.

Tiếp tục sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu

Thạc sĩ Hà Văn Huề, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cho biết: “Chỉ tính Châu bản triều Nguyễn thì hiện trung tâm đang bảo quản 772 tập nhưng theo các nhà nghiên cứu thì con số này chỉ bằng 1/5 số Châu bản thực sự”. Cũng theo ông Huề thì còn khá nhiều tài liệu, tư liệu lưu trữ thuộc dạng quý, hiếm còn đang bảo quản phân tán trong các cơ sở thờ tự, di tích và trong nhân dân… một số còn nằm ở nước ngoài.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, một người có nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa cho rằng: “Cần tích cực xây dựng mục lục Châu bản và các văn bản về Hoàng Sa - Trường Sa”. Ông cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang lưu giữ văn bản năm 1836 ghi lại châu phê của Minh Mạng về Hoàng Sa. Theo ông, hiện nay tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa có rất nhiều, nếu không xây dựng hệ thống mục lục sẽ gây khó khăn và hao tốn công sức khi cần nghiên cứu, trích dẫn nguồn tư liệu này. Thậm chí còn xây dựng cả mục lục cho tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa từ nguồn nước ngoài vì gần đây nhiều tư liệu từ nước ngoài như báo chí xưa, bản đồ đều cho thấy đến tận đầu thế kỷ 20 Hoàng Sa - Trường Sa đều không được ghi nhận nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ngay tại cuộc hội thảo đã khẳng định với các nhà nghiên cứu là các tư liệu luôn mở rộng theo đúng quy định để các nhà nghiên cứu có thể tiếp xúc, tham khảo. Các đại biểu đã đề nghị khẩn cấp thu thập các loại tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong đó có Hoàng Sa - Trường Sa. Thống nhất tổ chức quản lý các loại tài liệu về một đầu mối là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tiến hành thu thập có tính định kỳ các tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ từ các cuộc hội thảo cấp quốc gia, ngành. Tận dụng nguồn thu thập tài liệu từ các nhà trí thức, chuyên môn người Việt ở nước ngoài. Tiến hành hệ thống hóa toàn bộ các tài liệu đã thu thập và công bố bằng nhiều hình thức như xuất bản sách, đăng tải trên mạng chính thức, hội thảo, ngoại giao…

Cũng tại hội thảo, các Trung tâm Lưu trữ Nhà nước I, II, II, IV đã công bố nhiều tài liệu quý hiếm về biển đảo trong đó có nhiều tài liệu vừa được phát hiện.
Gần 100 đại biểu đến từ 40 cơ quan quản lý tham dự hội thảo. 17/24 tham luận được trình bày tập trung vào 3 vấn đề chính: Tổng kết, đánh giá công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý; giới thiệu nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam hiện đang bào quản tại các cơ quan lưu trữ và ở một số nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam.
TƯỜNG VY

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2012/10/302918/

Công bố nhiều tài liệu quý hiếm về Hoàng Sa, Trường Sa

30/10/2012 16:27

Những châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, các nghị định, quyết định thiết lập chế độ hành chính ở hai quần đảo này… được công bố tại hội thảo khoa học về biển đảo Việt Nam.

Ngày 30/10, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức tại TP.HCM hội thảo “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam”.


Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương trao đổi với chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Nguyễn Nhã. Ảnh: Tá Lâm

Bà Nguyễn Hồng Nhung - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, có 772 tập châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại trung tâm, trong đó có một số châu bản về Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, những châu bản này đề cập đến việc nhà Nguyễn cử người đi khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ ở Hoàng Sa. “Những châu bản có tại Trung tâm khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này thông qua việc nhà Nguyễn cứu thuyền buôn nước ngoài gặp nạn ở Hoàng Sa và Trường Sa”, bà Nhung cho biết.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I còn có nhiều tài liệu gốc quý hiếm bằng tiếng Pháp quy định về việc đi lại qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam…

TS Nguyễn Xuân Hoài - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho biết, ở đây đang lưu trữ các tài liệu bao gồm: các nghị định, quyết định thiết lập chế độ hành chính ở các địa phương biên giới và các hải đảo như Hoàng Sa và Trường Sa…Tài liệu về việc phân định ranh giới, giải quyết tranh chấp lãnh thổ và thềm lục địa với các nước trong khu vực, các báo cáo và tường trình về các vụ xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải trái phép…

“Điển hình như năm 1932, nghị định số 156-QC của Chính phủ bảo hộ Pháp thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Nghị định này sau đó được xác nhận bởi Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại ngày 8/3/1938”, ông Hoài nói.

Ngoài ra, ông Hoài cũng cho biết thêm nhiều tài liệu quý về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tài liệu này cho thấy, việc tranh chấp chủ quyền bắt đầu từ sau năm 1945, tiếp đó là việc chính quyền Sài Gòn tập hợp các tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

“Đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt, là những minh chứng hùng hồn, có tính lịch sử và pháp lý liên quan đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc. Song, những tài liệu này vẫn còn nằm trong kho lưu trữ, chưa được khai thác.Việc công bố, giới thiệu những tài liệu này sẽ phát huy tối đa giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, TS Hoài nói.

TS Nguyễn Nhã, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói: “Hội thảo này là bước ngoặt để các nhà nghiên cứu tiếp cận với tài liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Ông đề nghị các cơ quan lưu trữ cần thay đổi tư duy, rộng cửa để các nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận, đồng thời công bố công khai những tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Vũ Thị Minh Hương khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lưu trữ sẽ mở rộng cửa để các nhà nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học… tiếp cận nguồn tài liệu này, đồng thời nhanh chóng tìm kiếm các tư liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam từ nhiều nguồn khác trong và ngoài nước.

“Nhiệm vụ được đặt ra đối với các cơ quan lưu trữ nói chung và Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước nói riêng là phải khẩn trương tích cực sưu tầm, sưu tập và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, chủ quyền hải đảo, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo Việt Nam”.

Tá Lâm

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/94791/cong-bo-nhieu-tai-lieu-quy-hiem-ve-hoang-sa--truong-sa.html