Thursday, November 28, 2013

Chương trình ra mắt Câu lạc bộ Âm nhạc Dân tộc "Hương sắc ba miền"

Hồ Chí Minh City's first organization dedicated to folk songs and folk dance was established on Sunday November 24th, 2013 at Hồ Chí Minh City's Center for Light Music (57 Cao Thắng, Ward 3, District 3).

Buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ Dân ca Hương Sắc Ba Miền do TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã chủ nhiệm đã diễn ra lúc 9 giờ sáng Chủ Nhật ngày 24/11/2013 tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ Tp.HCM (57 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3).

Chương trình biểu diễn văn nghệ ra mắt:

1. Hòa tấu Đàn đá với nhạc cụ gõ dân tộc: Âm vang ngàn xưa
Biểu diễn: NS Đức Dậu cùng nhóm nhạc Phù Đổng
2. Đơn ca: Lý quy phụng (Dân ca Nam bộ)
Biểu diễn: NSUT Bích Phượng
3. Hòa tấu đàn tranh: Liên khúc dân ca Bắc bộ
Biểu diễn: Tốp nữ CLB
4. Song ca và nhóm múa phụ họa: Lời yêu gởi Noọng
Biểu diễn: Minh Luân – Linh Đan
5. Tốp ca nam: Đàn đá đêm nay (Amư Nhân, Âm hưởng dân ca Raglai)
Biểu diễn: Trường Thi - Thanh Liêm – Anh Hào - Thanh Mai – Thanh Hoa – Diễm Phương
6. Đơn ca: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)
Biểu diễn: Bích Hồng
7. Múa độc lập: Múa bóng
Biểu diễn: Anh Đào
8. Đơn ca: Lý Hoài Nam (Dân ca Trung bộ)
Biểu diễn: NSUT Hồng Vân
9. Độc tấu đàn Cò và đàn K’ní
Biểu diễn: Văn Thảo cùng toàn ban nhạc CLB phụ đệm
10. Tốp ca Nam nữ: Liên khúc Lý Cây Đa – Lý Mười Thương – Lý Ngựa Ô Nam bộ
Biểu diễn: Tốp ca nam nữ CLB và nhóm múa phụ họa


Sunday, November 24, 2013

Thư ngỏ nhân dịp nhận chức chủ nhiệm CLB Âm nhạc Dân tộc "Hương sắc ba miền"


THƯ NGỎ CỦA TIẾN SĨ SỬ HỌC NGUYỄN NHÃ NHÂN DỊP NHẬN CHỨC  CHỦ NHIỆM “CLB ÂM NHẠC DÂN TỘC HƯƠNG SẮC BA MIỀN TP. HỒ CHÍ MINH” NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2013

Trong thời kỳ đổi mới & hội nhập, toàn cầu hóa xây dựng đất nước hiện nay có nhiều nguy cơ vọng ngoại, lòng yêu nước mờ nhạt, mất phương hướng, thiếu động lực cao xây dựng đất nước, giới trẻ cứ chăm chăm kiếm tiền lo vun vén tư lợi riêng hoặc ăn chơi phung phí, ít quan tâm nỗ lực xây dựng đất nước hùng cường dân giàu nước mạnh mà không biết những giá trị quý báu của lịch sử văn hóa dân tộc khiến lòng tự hào dân tộc lại tạo ra được động lực xây dựng đất nước giàu mạnh, lại sinh ra nhiều tiền cho mỗi người.

Trong khi lịch sử văn hóa Việt Nam trong đó thơ ca, âm nhạc dân tộc có nhiều độc đáo, rất đáng tự hào như thơ lục bát hay lục bát biến thể được ca hát hàng ngàn làn điệu dân ca ca cổ ba miền có khả năng hun đúc, thúc đẩy lòng yêu nước, cứu nước cũng như giữ hồn dân tộc, giữ bản sắc dân tộc. Chưa có nước nào trên thế giới từ mẫu giáo đến lớp 12 học nhiều thơ đến thế, nên đem hát thơ vào trường học là tự nhiên đem âm nhạc truyền thống vào trường học. Cũng chưa nước nào có đàn bầu, đàn đáy (ghi ta của Việt Nam) đàn cò kéo hát xẩm, các tiếng chim, chó... bộ gõ hay, độc đáo như Việt Nam. Âm nhạc dân tộc có khả năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam yêu nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Trong khi ấy, TP. Hồ Chí Minh, nơi hội tụ nhiều cư dân của tất cả các địa phương ba miền, là Việt Nam thu nhỏ, nơi hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng của đất nước.

Chính vì thế, một câu lạc bộ âm nhạc dân tộc lấy tên CLB Âm Nhạc Dân Tộc Hương Sắc Ba Miền TP.HCM ra đời hơn bao giờ hết  là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu  bức xúc và khát vọng của những người yêu nước trong đó có chúng tôi.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Lâm Thời, tôi xin chân thành cám ơn Trung Tâm Văn Hóa TP. Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho ra đời cũng như lễ ra mắt trọng thể song ấm cúng của CLB của chúng ta ngày hôm nay. Cũng xin chân thành cám ơn tất cả mọi người có mặt hay không có mặt trong Buổi lễ ra mắt hôm nay đã và sẽ cùng nhau chia sẻ những ước mơ, những tâm huyết và cả những bức xúc hiện nay: giới trẻ hình như chưa hẳn đã quay lưng song thật sự nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà đối với dân ca, dân nhạc, dân vũ, âm nhạc dân tộc.

Chúng tôi xin xác định định hướng và mục tiêu của CLB Âm Nhạc Dân Tộc Hương Sắc Ba Miền TP.HCM như sau:

Một là về định hướng CLB nỗ lực giữ gìn bản sắc riêng dân tộc, giữ hồn dân tộc để đất nước tồn tại và phát triển. CLB này khác với các câu lạc bộ bình thường, đã và sẽ qui tụ những nghệ sĩ gạo cội vừa mang tính tiêu biểu, trung tâm cho các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc vừa có khả năng lan tỏa, truyền đạt quần chúng rộng rãi có nhiều người nghe, người coi và người kế tục từ giới trẻ nhất là trong các trường học từ tiểu học đến trung học đại học.

Hai là về mục tiêu CLB  là sưu tầm, khảo cứu, phát huy, quảng bá âm nhạc dân tộc ba miền từ dân nhạc, dân ca, dân vũ ba miền từ đó nghiên cứu, phát huy các loại hình để góp phần quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Cũng từ đó với sự góp mặt tự nguyện của các nghệ sĩ lão thành tích cực đào tạo, truyền lửa cho các thế hệ trẻ kế thừa, nhất là tổ chức biểu diễn  tiêu biểu, quảng bá cho các giới trẻ ở các trường học. Đồng thời sẽ nỗ lực góp phần phát triển quảng bá trong du lịch quốc nội và quốc ngoại; kết hợp với ngành du lịch có những hoạt động từ hát rong đường phố đến các nhà hàng, các lễ hội, các cuộc giao lưu trong và ngoài nước để đẩy mạnh quảng bá âm nhạc dân tộc ba miền.

Với ba phó chủ nhiệm phụ trách 3 tổ dân ca, dân nhạc, dân vũ  cùng với phó chủ nhiệm về bảo trợ tài chánh, đặc trách về du  sẽ có kế hoạch cụ thể giao lưu biểu diễn, quảng bá ở trong và ngoài nước.

Riêng tôi có ước mơ như GSTS Trần Văn Khê một ngày nào đó âm nhạc dân tộc được đưa vào trường học. Như Thái Lan chẳng hạn, các trường tiểu học đều trưng bày nhạc cụ dân tộc để giới trẻ tiếp cận ngay từ bé.

Nhân dịp này, Tôi kêu gọi các ban giám hiệu các trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học tại TP. Hồ Chí Minh và một ngày không xa của cả nước tạo mọi điều kiện cho ra đời các câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ,

Từ các trường như trường Đại Học Kinh Tế, Ngân Hàng tại TP. HCM... hiện nay đã có câu lạc bộ dân ca, sau ngày ra mắt ngày hôm nay sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều các câu lạc bộ dân ca của nhiều trường khác nữa, sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao cho riêng tôi cũng như cho CLB này và cho những người yêu nước Việt Nam.
Các nghệ sĩ gạo cội lão thành của CLB nhiều người đã bỏ hết cả cuộc đời cho âm nhạc dân tộc sẽ sẵn sàng truyền lửa, đào tạo cho giới trẻ về dân ca, dân  nhạc, dân vũ.

Qua mười tiết mục biểu diễn chào mừng Lễ ra mắt CLB Âm Nhạc Dân Tộc Hương Sắc Ba Miền TP.HCM ngày hôm nay với các nghệ sĩ gạo cội như các nghệ sĩ Hồng Vân, Bích Phượng, Bích Hồng, Văn Thảo, Đức Dậu... cùng các nhạc sĩ lão thành như Minh Quang, Quốc Trụ, Thúy Hoan... cùng với các bạn trẻ rất nhiệt tình từ các trường học của TPHCM, dù chỉ có chưa tới 10 ngày tập luyện, đã nói lên bầu nhiệt tâm yêu dân ca, dân nhạc, dân vũ  như thế nào.

Chúng ta có quyền ước mơ ngày nào đó trả lời cho một đầu bếp người Nhật Onuki Hiroo từng nói rằng ông ta rất ngưỡng mộ Việt Nam, đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, song mỗi lần đến thăm, ông rất thất vọng vì thấy giới trẻ Việt Nam cứ chăm chăm đi kiếm tiền mà không biết những gia trị quý báu của lịch sử văn hoá của  đât nước mình lại sinh ra nhiều tiền. Bởi giới trẻ có lòng tự hào dân tộc, yêu nước trong xây dựng sẽ khiến nước mình giàu mạnh như nước Nhật thì thiếu gì tiền.

Tôi xin phép được có quyền ước mơ một ngày nào đó trong các lễ hội như ở Nhật hay bao nước khác có hàng ngàn giới trẻ Việt Nam tự hào cùng nhau biểu diễn đánh trống, gõ bộ gõ, sử dụng các nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, dân vũ tại TP.HCM và nhiều nơi khác.

Và như thế thì mỗi người trong chúng ta có mặt hay không có mặt ngày hôm nay phải chia sẻ ước mơ và phải bắt đầu quí trọng và có hành động cụ thể, khởi đầu bằng những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt nhất.

Và tôi xin nhắc lại lời phát biểu  của một nữ sinh viên Trường Đại Học Ngoại Thương Hà Nội năm 2011, song xin dược “nói trại” thay vì Hoàng Sa mà là Dân ca, Dân nhạc, Dân vũ rằng: “Bất cứ ai vô cảm với Dân Ca, Dân Nhạc, Dân Vũ là có tội với Tổ Tông và Dân Tộc”.

Rất mong mọi người nhất là giới truyền thông chia xẻ.

Xin chân thành cảm tạ tất cả quí vị.

TPHCM ngày 24 tháng 11 năm 2013.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

Saturday, November 16, 2013

Tường thuật: Hội thảo biển đảo Việt Nam tại Boston ngày 16/06/2012

Hội thảo Biển Đảo Việt Nam do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng (TNSV Boston) tổ chức từ 9am-12pm ngày 16/06/2012 tại Lecture Hall, Harvard Yenching Library, Đại học Harvard. Hội thảo cũng sẽ được thu hình và phát sóng trực tiếp trên kênh Youtube của TNSV Boston.

Hội thảo nhằm cung cấp cho các bạn du học sinh các thông tin liên quan đến tình hình biển đảo của Việt Nam, các bằng chứng xác đáng về chủ quyền, cùng những cập nhật về luật quốc tế liên quan đến vấn đề biển đảo qua các diễn giả như tiến sĩ Nguyễn Nhã, tiến sĩ Tạ Văn Tài (giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc Ðại học Harvard), ông Thomas Vallely (Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard) cùng những chuyên gia về biển Đông...

Sunday, November 10, 2013

Chàng sinh viên với công trình nghiên cứu về Hoàng Sa -Trường Sa

TS. Nguyễn Nhã trả lời phỏng vấn trong chương trình truyền hình “Tiếp sức những ước mơ” kỳ 26 phát hình lúc 19g50 ngày 10/11/2013 trên kênh VTV9 (Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, http://www.vtv9.com.vn) và trang mạng báo Tuổi Trẻ: http://tv.tuoitre.vn.

Truy cập www.hannguyennguyennha.com để xem thêm chi tiết các hoạt động của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.


Chàng sinh viên với công trình nghiên cứu về Hoàng Sa -Trường Sa
10/11/2013 05:57 (GMT + 7)

 TT - Câu chuyện của Trần Mỹ Hải Lộc- sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM - xoay quanh đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa.

Gia đình thuộc diện cận nghèo, Hải Lộc được đến trường suốt bốn năm qua là nhờ vào quỹ vay vốn học tập từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cuộc sống ngày càng khó khăn nhưng Lộc vẫn nuôi ước mơ trở thành một giảng viên với những đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu nhằm truyền đạt đến học sinh - sinh viên kiến thức về lịch sử của nước nhà một cách sâu sát nhất. Ước mơ đó đã không ngừng thôi thúc Lộc tham gia nghiên cứu lịch sử một cách bài bản và nghiêm túc. “Làm thế nào để các bạn trẻ hiểu một cách hệ thống về Hoàng Sa - Trường Sa?” - câu hỏi này đã làm Lộc suy nghĩ mãi, và rồi đề tài nghiên cứu khoa học “Luật pháp quốc tế với cơ sở lịch sử: Hệ thống bản đồ VN - Trung Quốc - các quốc gia, tổ chức phương Tây liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa” được ra đời sau nhiều đêm trăn trở.

Mời quý vị theo dõi câu chuyện của Hải Lộc (ĐH Sư phạm TP.HCM) được giới thiệu trong chương trình truyền hình “Tiếp sức những ước mơ” phát sóng lúc 19g50 chủ nhật, 10-11-2013 trên kênh VTV9 và trên trang Truyền hình báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ http://tv.tuoitre.vn/

ANH ĐÀO 

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/579303/chang-sinh-vien-voi-cong-trinh-nghien-cuu-ve-hoang-sa-truong-sa.html

Thư gửi bạn trẻ từ châu Âu

Tâm thư ngày 29/06/2013 gửi bạn trẻ nhân chuyến đi nói chuyện về chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông ở các nước châu Âu: Pháp, Đức, Tiệp...

 *Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã

 (Trưởng Đề án bếp Việt - Bếp của thế giới)

 Sau chuyến đi tham gia Hội thảo về Biển Đông ngày 16/6/2012 tại Đại Học Harvard do Hội sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức, nay tôi lại có dịp đi nói chuyện về Chủ quyền của  Việt Nam tại Hoàng Sa , Trường và Biển Đông tại một số nơi như Pháp, Đức, Tiệp cũng do các hội sinh viên Việt Nam tại các nước ấy tổ chức.

 Với tính cách của một nhà nghiên cứu sử học, tôi muốn trình bày khách quan khoa học về sự thật chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trưởng Sa và Biển Đông. Tôi đã từng nói “Tôi rất trân trọng những nhà chính trị ở bất cứ nơi đâu, song cũng mong những nhà chính trị cũng tôn trọng những người nghiên cứu sử học như tôi”.

 Tôi cũng muốn nêu hai vấn đề cùng trao đổi với các bạn trẻ ở khắp nơi trong và ngoài nước:

 Một là làm cách nào các bạn trẻ góp phần quảng bá sự thật lịch sử rất khách quan về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa & Biển Đông tới người dân trong nước cũng như nhân dân các nước kể cả nhân dân Trung Quốc?

 Hai là làm cách nào để mỗi người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường trong tương lai không xa trở thành cường quốc biển để không còn bị xử ép, làm nhục hay ý đồ biến Việt Nam trở thành thuộc quốc.

 Theo tôi, đất nước là của chung, dĩ nhiên thời nào cũng vậy, chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất, song không có ai độc quyền yêu nước mà “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Kẻ thất phu cũng có trách nhiệm, huống hồ chúng ta đều là thành phần trí thức chắc chắn cũng phải có trách nhiệm không kém đối với đất nước; mỗi người mỗi việc, mỗi người một chuyên môn, nhất là do nỗ lực học hỏi các tinh hoa thế giới như các bạn để nỗ lực góp phần xây dựng đất nước như bao thanh niên các nước phát triển trên thế giới trong đó có thanh niên Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 đến nay.

 Hai vấn đề nêu trên, chắc chắn mỗi người đều có ý riêng tham gia có thể phát biểu công khai trước mọi người. Song tôi mong muốn mỗi người có thể tự nhủ với lòng mình, âm thầm tìm các giải pháp và tự mình âm thầm hành động chứ không chỉ góp ý suông mà thôi.

 Theo tôi hiện nay chúng ta đang thiếu hai điều khiến cuộc sống kém hẳn chất lượng: Một là thiếu minh bạch, thiếu trung thực, hay quá gian dối. Hai là thiếu sự tử tế với nhau kể cả nói chung người với người. Nếu mỗi người chúng ta cố thể hiện khắc phục hai điều nói trên, chắc chắc xã hội sẽ có nhiều chuyển biến, thay đổi chất cuộc sống kể cả đời sống chính trị.

Tôi là người vừa nói thẳng, nói thật hết tâm tư của mình trong ba tập Việt Nam Huyết Lệ Thi Thư, Tập 1 (năm 2006) và tập II, III (năm 2013) và bằng những hành động cụ thể về Kế hoạch nhỏ: xây dựng Bếp Việt - bếp của thế giới và khởi xướg Chương trình ”Ngàn Thanh niên thế kỷ XXI".

 Chính chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI” với 4 tiêu chí trong đó có tiêu chí phải có tâm, có tầm, cố gắng có đề án để đời góp phần xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc biển trong Tương lai và phải trung thực, tử tế với mọi người. Trong ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vừa qua đã có một số thanh niên đăng ký đề án của mình như thanh niên từng du học Nhất Bản, đăng ký đề án “Ngàn cánh hạc”, rèn luyện kỹ năng sống theo cách thanh niên Nhật hay một siêu đầu bếp đăng ký đề án “đào tạo ngàn thanh niên đầu bếp giỏi” quảng bá bếp Việt ra thế giới hay một thanh niên đăng ký “ngàn thanh niên thế giới du”, học hỏi các tinh hoa thế giới về xây dựng đất nước nhà…

 Tôi muốn nhắc lại tâm nguyện của tôi khi tôi đến Singapore vào ngày 1/6/2013 nói chuyện về "Cơ sở pháp lý quốc tế về Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa & Biển Đông" do Hội Chuyên gia Việt Nam tại Singapore tổ chức với ước mong bạn trẻ trong và ngoài nước chia sẻ Tâm nguyện của tôi khi khởi xướng chương trình "Ngàn Thanh niện thế kỷ XXI" nêu trên.

 Mong vậy thay!

 Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

 Trưởng Đề án Bếp Việt- Bếp của Thế giới)

 Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Foundation

 www.hannguyennguyennha.com

 www.amthuc.net.vn

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ky-uc-xa-hoi/19-thu-trong-nha-thu-trong-nha/13-tam-thu-hoang-sa-truong-sa-bien-dong-chau-au