Saturday, September 27, 2014

Thư gửi GS.TS. Trần Văn Khê


Bức thư thứ năm của Nguyễn Nhã trong loạt bài "Những bức thư xây dựng chân dung người thầy giáo Việt Nam thế kỷ XX", sẽ được thi hóa đem vào “Trường ca chân dung người thầy thế kỷ XX”.

Thầy Hoàng Xuân Hãn đã đào tạo nhiều thế hệ học trò nổi danh, ở Miền Bắc như GS. Hoàng Như Mai, ở Miền Nam như GS.TS. Nguyễn Chung Tú, ở Pháp phải kể đến GS.TS. Trần Văn Khê.

Trường hợp với Bác Khê thì rất đặc biệt, chắc không ai có dịp gần gũi với Thầy Hãn với thời gian dài như Bác và đã coi như thầy của mình.

Tôi còn nhớ khi Thầy Hãn viết thư cho tôi khi tôi là chủ biên Tập San Sử Địa, đã giới thiệu Bác và Bác cũng từng gửi thư từ Paris cho tôi.

Chính vì thế hồi tháng 8/1974 Bác từ Úc trở về Việt Nam, nói chuyện về âm nhạc cổ truyền ở nhiều nơi tại Sài Gòn, tôi đã đến dự và đã viết bài “Những buổi diễn thuyết về âm nhạc cổ truyền Việt Nam của Giáo sư Trần Văn Khê" lấy bút danh là Hoàng Việt Tử, đăng trong Tập San Sử Địa số 28.

Cũng chính vì được biết sự uyên bác và tài diễn thuyết hay như thế, nên vào năm 1993, khi chuẩn bị thành lập trường Đại học Hùng Vương với mục tiêu góp phần xây dựng đại học vừa mang tính Việt Nam, vừa mang tính hiện đại, và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn Hóa Việt Nam, tôi đã phỏng vấn nhiều người như GS. Nguyễn Đăng Thục về “Tư tưởng Việt Nam” khẳng định truyền thống không duy của Việt Nam trong đó có tam giáo đồng nguyên và Bác Khê về “Những độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam”.

Không ngờ đây là lần đầu tiên, Bác nói bị rút ruột nói ra hết và cuốn băng phỏng vấn được Bác gửi cho nhiều người trong đó có ông Nguyễn Tấn Đời ở Canada đã rất thích thú và sang ra hàng chục cuốn gửi tới các bạn bè. Cũng vì thế mà sau năm 1997 tổ chức hội nghị Khoa học “Bản sắc Việt Nam trong ăn uống” tại Khách sạn Majestic, năm 1998 tôi đứng ra tổ chức hội thảo khoa học “Bản sắc Việt Nam trong Âm nhạc” cũng tại Khách sạn Majestic, mời Bác từ Paris về dự. Tại hội thảo này, Bác Ngô Gia Hy, hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương đã phát biểu rằng “quyết tâm đem dân ca vào trường Đại học Hùng Vương” và năm sau đã mời Bác về dạy âm nhạc truyền thống ở Khoa Du lịch mà Bác nói rằng đây là “lần đầu tiên bác dạy âm nhạc dân tộc cho sinh viên Việt Nam, bằng tiếng Việt Nam tại đất nước Việt Nam” sau mấy chục năm bôn ba nước ngoài, "chỉ dạy cho sinh viên nươc ngoài mà thôi!" Và cũng năm 2000, trường Đại học Hùng Vương đã quyết định thành lập CLB Ca trù Đại học Hùng Vương, sinh hoạt tại ngay nhà riêng của tôi, sau này đổi thành CLB Ca trù & Hát thơ Lạc Việt.

Phải nói ngay, tôi đã nhận ra Bác là người đầu tiên với kiến thức uyên bác, dùng phương pháp đối chiếu, so sánh, nghiên cứu, tìm ra những độc đáo của văn hóa Việt Nam, âm nhạc truyền thống Việt Nam mà người ta thường coi thường do người mình có thói quen nghĩ ”Bụt nhà không thiêng”, “Nôm na là cha mách qué”!

Phải thú thực, Tôi đã học hỏi ở Bác về phương pháp nghiên cứu đối chiếu, so sánh này khi nghiên cứu về văn hóa ẩm thực, văn hóa thi ca, văn hóa tín ngưỡng thờ Quốc tổ, anh hùng dân tộc, tổ tiên của Việt Nam để tìm ra những nét độc đáo đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Ngay năm 1992, khi tôi làm phim Thăng Long Hà Nội xưa, tôi thấy ngay từ thời Lý đã có đền Vệ Quốc, thờ người có công bảo vệ đất nước thì các thế hệ sau này mới có biết bao anh hùng dân tộc mà không dễ nước nào cũng có nhiều đến thế và thờ thần Trống đồng mới thấy Việt Nam có nền văn hóa trống đồng rực sáng đến thế so với các nước khác. Cũng như với đền Hai Bà Trưng, bà Triệu cùng các nữ tướng được thờ rất nhiều, trong khi khó có nước nào có được như thế khiến tôi thấy nhiều cái nhất thế giới của người phụ nữ Việt Nam, rất đáng tự hào…

Khi tôi tổ chức Bác nói chuyện tại làng Du lịch Bình Quới, ngay tại trên khấu có người hỏi về “Chương trình Hát thơ” của tôi đang khởi xướng, Bác đã trả lời rằng “Hát thơ là một sáng tạo tuyệt vời nếu được quần chúng hưởng ứng”. Hồi ấy báo chí trong đó có báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ có đưa tin. Hãng phim Truyền hình Thành phố có làm phim “Hát thơ thời mới”. Tôi đã khởi xướng “Chương trình đem hát thơ vào trường học”, tức là thơ các em học sinh đang học được hát với các làn điệu dân ca, ca cổ ba miền, minh họa những vần thơ đang được học, nhất là khi chưa cải cách, các lớp đều học rất nhiều thơ lục bát dễ hát dân ca. Đã có một đề tài nghiên cứu tại Sở Khoa học & Công nghệ Tp.HCM “Hát thơ tại trường học” mà tôi làm cố vấn, song vì thay đổi chủ nhiệm, tôi lại thôi. Tôi đã từng tổ chức hàng chục buổi “Hát thơ Kiều” và Phương Nam Phim đã phát hành dĩa gồm 2 CD Hát thơ Kiều với hơn 30 làn điệu dân ca ba miền. Rồi tiếp nhiều buổi hát thơ “Lục Vân Tiên", “Chinh Phụ Ngâm”... Hiện nay cũng có nhóm hát thơ giao lưu văn hóa ASEAN. Đặc biệt với tính cách Chủ nhiệm CLB Âm nhạc Dân tộc Hương Sắc Ba Miền của Trung tâm Văn hóa Tp.HCM, tôi và NSƯT Hồng Vân đã đến các trường trong đó trường Đức Trí dạy hát dân ca và đã làm nhiều băng đĩa học hát dân ca, hát thơ trong đó co đĩa học hát dân ca ba miền “Việc nhỏ chuyện lớn” với nội dung “Nhặt rác cho người mới quăng”, “xếp hàng nơi công cộng” hay thuyết phục người lớn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là từ bỏ việc “bán những gì không ăn, ăn những gì không bán” để quảng bá văn minh, văn hóa đô thị tại Việt Nam, để cứu người mình khỏi ăn đồ ăn độc hại…

Khi tôi tổ chức hội thảo khao học ”Ẩm thực trị liệu” và “Tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam” tại Khách sạn Kỳ Hòa năm 1999, Bác tham dự và từ đây Bác nói nhiều về ẩm thực Việt Nam mà nhiều người rất lấy làm thích thú khi so sánh với ẩm thực của các nước khác.

Cò thể Bác và tôi có duyên với nhau về văn hóa Việt Nam, nên khi VTV9 làm phim về tôi “Một đời gìn giữ hồn Việt”, phỏng vấn Bác, đã phát biểu:

“… đặc biệt về ẩm thực là một trong những chuyên gia mà từ lý thuyết cũng như thực hành mà tôi tâm đắc về mọi mặt. Kể ra tôi về đây chưa thấy có người thứ hai tâm đắc như thế!.. “

Có thể chính vì Bác quá thương nên quá khen như thế! Song có thể Bác và tôi giống nhau ở điểm chính là người thầy từ thế kỷ XX, đã cố hết sức mình truyền lửa cho giới trẻ thế kỷ XXI để trong tương lai giới trẻ phải rất tự hào về lịch sử, văn hóa Việt Nam, mà cố sức đóng góp xây dựng đất nước hùng cường, không còn bị xử ép, làm nhục như hiện nay ở Biển Đông nữa!

Vừa qua “Nhóm Xuất bản sách Thái Hà” ấn hành cuốn sách “Tôi tự hào là người Việt Nam”, tôi đã viết bài “Tôi tự hào về lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôi có hứa sẽ viết bài “Những gì xấu xí của người Việt” và tự hứa viết cuốn sách “Người Việt xấu xí” để người Việt mình bừng tỉnh, tích cực yêu nước trong xây dựng!

Tôi hiện cũng đang tập trung viết tác phẩm “Khoa cử Nho học dưới thời Pháp thuộc” để “ôn cố tri tân”, tìm xem những bài học lịch sử nào về giáo dục của người xưa nhất là giáo dục làm người ra sao, thấy được chân dung người thầy Nho học đã ảnh hưởng tới chân dung người thầy thế kỷ XX thế nào.

Cũng vừa qua nhân ngày Giỗ ĐứcThánh Trần, 20 tháng 8 ÂL, tôi có phổ biến bài viết "Trần Hưng Đạo - vị tướng soái ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông được tôn thờ như vị thánh" và Kinh chúc Phúc (1 trong 12 hiền kinh Quốc đạo) và yêu cầu bài viết này có nhiều thông điệp về những bài học lịch sử cho người Việt Nam cũng như với người Trung Quốc. Những bài học lịch sử ấy rất cần được bàn bạc, trao đổi để mọi người kể cả giới lãnh đạo chính trị cũng như người Việt trong và ngoài nước thấm thía và có hành động đúng trước tình hình có quá nhiều nguy cơ như hiện nay. Tôi đề nghị trong mục Đối thoại nên nêu vấn đề này nhân Ngày Giỗ Đức Thánh Trần. Theo tôi, những vấn đề sau đây ta nên bàn bạc:

1/ Chúng ta, người Việt Nam ở trong và ngoài nước kể cả lãnh đạo chính trị, nên tìm hiểu Trần Hưng Đạo đã để lại những bài học lịch sử quý giá nào? Bài học nào là quý giá nhất đối với từng đối tượng.

2/ Với từng bài học quý giá ấy cho từng đối tượng, liệu từng đối tượng có thể làm những gì cụ thể để cho tình hình ở Việt Nam cũng như ở Biển Đông tốt đẹp hơn cho mọi phía. Theo tôi biết lịch sử để hiểu hiện tại và dự báo tương lai.

Tôi xin kính tặng Bác “Mười hai bài Hát nói Quốc đạo” do Tôi viết đã được Nhóm Ca trù Thái Hà hát cùng hơn 10 bài viết trong mục “Giữ hồn Dân tộc” của Báo Thanh Niên từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 và 10 bài “Hát thơ Quốc đạo”, 12 hiền kinh Quốc đạo (Thập nhị hiền kinh) do tôi và nhà thơ Mai Trinh sáng tác đã được Nhóm NSUT Thanh Ngoan hát với các làn điệu dân ca.

Thư bất tận ngôn, mong được Bác chia sẻ.

Thân kính,

Nguyễn Nhã

http://www.hannguyennguyennha.com/giao-duc/chan-dung-nguoi-thay/193-thu-gui-giao-su-tran-van-khe

Friday, September 12, 2014

Trần Hưng Đạo - vị tướng soái ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông được tôn thờ như vị thánh


* Bài viết của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Tiến sĩ Sử học) nhân ngày giỗ Đức Thánh Trần, ngày 20 tháng 8 ÂL.
* Xem thêm "Kinh chúc phúc": http://www.hannguyennguyennha.com/am-nhac-dan-toc/sang-tac-tho-ca/10-kinh-chuc-phuc

Thế kỷ XIII, nước Đại Việt chỉ mới tới Quảng Bình. Vậy mà như “Châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Xe nghiêng chính là quân Mông Nguyên đang làm mưa làm gió từ Á sang Âu ở đầu thế kỷ XIII. Chiếm được Trung Quốc, Hốt Tất Liệt trở thành Nguyên Thái Tổ năm 1271, trở thành một đế quốc hùng cường rộng lớn nhất thời bấy giờ.

TRẦN HƯNG ĐẠO VĂN VÕ TOÀN TÀI KIÊN CƯỜNG DÙNG THẾ QUẬT NGÃ 3 LẦN QUÂN NGUYÊN MÔNG HÙNG MẠNH GẤP BỘI

Trước sức mạnh nhất là kỵ binh Mông Cổ xuất quỷ nhập thần khi quân Mông Cổ tấn công từ Vân Nam năm 1258, những kẻ yếu bóng vía như Trần Nhật Hiệu, được Vua Trần Thái Tông hỏi thì chỉ lấy nước viết ở bên mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống” để mong nhờ “Thiên triều” che chở mà không biết rằng chính sinh mạng “Thiên triều” cũng đang chông chênh sắp tới số! Trong khi Thái sư Trần Thủ Độ lại thưa rằng: ”Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo…” Trần Hưng Đạo được cử đốc suất tả hữu tướng quân chống giặc. Và với tài điều binh khiến tướng của Trần Hưng Đạo, quân xâm lược Mông Cổ bị đánh thua phải chạy dài không dám cướp phá mà người thời ấy gọi là “giặc Phật”.

Khi nghe tin Thượng hoàng Trần Thái Tông mới mất, Trần Thánh Tông nhượng vị, Hốt Tất Liệt sai sứ Sài Thung sang nước ta, tỏ ra rất hống hách cởi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân lính cản, không những không xuống ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh vỡ đầu quân lính. Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Ấy vậy mà Trần quốc Tuấn đến thì Sài Thung đứng dậy, vái chào, mời ngồi! Thì ra Trần Quốc Tuấn đã gọt đầu mặc áo vải giả làm nhà sư Tàu, nên buộc Sài Thung phải tiếp! Trần QuốcTuấn ngồi xuống pha trà cùng uống với hắn. Người hầu của Sài Thung cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Trần Quốc Tuấn không hề thay đổi. Khi ra về Sài Thung ra cửa tiễn Ông. Mọi người đều lấy làm kinh dị.

Nguyên Đế lại còn đòi Vua Trần phải đích thân sang chầu, Vua Trần đã sai chú là Trần Di Ái thay mình. Nguyên Đế lại lệnh Sài Thung đem 5000 quân, phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, đưa Di Ái về nước, Sài Thung bị quân ta bắn mù mắt chết. Di Ái về bị tội đồ.

Sang đời vua Trần Nhân Tông, năm 1282, Hốt Tất Liệt lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành, sai Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương cùng với Toa Đô, Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân sang xâm lược nước Đại Việt, Trần Quốc Tuấn được phong Hưng đạo Vương tháng mười năm Quí mùi (1283) và làm Tiết chế thống lĩnh quân lính chống giặc. Vua Trần Nhân Tông cho mở hội nghị quân sự ở Bình Than (sông Lục Đầu) bàn kế đánh giặc, Trần Quốc Tuấn đưa ra bài hịch tướng sĩ, một kiệt tác làm khích động lòng người với những câu văn cảm kích như: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt nằm da nuốt gan uống máu quân thù, tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm. Các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, than chịu quốc sỉ mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quyên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang, thì cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dung làm mưu lược nhà binh, vườn ruộng giàu không mua chuộc được tấm thân ngàn vàng, vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc; tiền của của dẫu nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe khôn đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”…

Không những viết hịch để mọi người biết rõ lòng mình và khích lòng người, Trần Hưng Đạo còn soạn ra "Binh thư yếu lược", "Vạn Kiếp bí truyền" để huấn luyện tướng sĩ!

Trong khí thế ấy mà Trần Hưng Đạo đã gây ra được, Thượng hoàng Trần Thánh Tông còn triệu tập các bô lão trong nước về kinh đô, đặt tiệc ở thềm điện Diên Hồng hỏi kế đánh giặc, nên đánh giặc hay không, các bô lão đều đồng thanh hô đánh!

Quân Nguyên chia ra làm 2 đạo: Một đạo do Toa Đô cầm 10 vạn quân đi đường thủy đánh Chiêm Thành, 1 đạo do chính Thoát Hoan đem đại binh đến ải quan, sai người đưa thư sang nói cho mượn đường đi đánh Chiêm Thành.

Khi giặc do Toa Đô từ Phía Nam, phía Chiêm Thành đánh thốc lên thì quan trấn thủ Nghệ An Trần Kiện và các bộ hạ như Lê Tắc đã đầu hàng giặc, được giặc đưa về Yên Kinh, đến Gò Ôn Khâu, Lạng Sơn, bị quân ta bắn tên chết.

Trần Hưng Đạo đuổi sứ giả A Lý về rồi phân binh trấn giữ các cửa ải, còn mình tự dẫn đại quân đóng giữ ở núi Kỳ Cấp. Những chiến thuyền do Yết Kiêu trấn giữ mặt thủy ở Bãi Tân (thượng lưu sông Lục Nam).
Trước sức tiến của quân Nguyên, Trần Hưng Đạo lui về Nội Bàng. Quân Nguyên rất khôn khéo. Ngoài dùng sức mạnh thiện chiến nhất là kỵ binh của mình, Quân Nguyên còn tìm cách chiêu dụ tất cả các cấp. Ngay Trần Hưng Đạo, khi ở Nội bàng, giặc đã cho người đưa thư dụ dỗ Trần Quốc Tuấn mở đường và đón Trấn Nam Vương Thoát Hoan. Dĩ nhiên chúng không thành công, cũng như Trần Bình Trọng sau này bị sa cơ vào tay giặc, nhất định tuyệt thực ở Thiên Trường, được chính Thoát Hoan dụ dỗ và có hỏi Trần Bình Trọng rằng: ”Có muốn làm vương đất Bắc hay không” , Trần Bình Trọng đã quát lên rằng: “Ta thà làm quỉ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi. Can gì mà còn hỏi lôi thôi!”. Trong khi ấy, quân Nguyên đã thành công khi dụ được Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên hàng giặc để lần xâm lược lần thứ 3, năm 1286, được đưa về làm An Nam quốc Vương! Nếu đất nước Đại Việt này toàn những người như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc thì làm sao tồn tại cho đến ngày nay!

Khi Trần Hưng Đạo phải lui quân trước sức tiến quân của giặc, khi đến Bãi Tân

Trong lúc thế, lực giặc đang mạnh như thế, Vua Trần Nhân Tông cũng hỏi thử Quốc Tuấn xem có nên hàng giặc hay không. Người đại anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã trả lời một câu đầy khí phách còn lưu truyền cho muôn đời sau: “Trước hết chém đầu thần rồi sau hãy hàng”.

Tuy thế lực giặc đang mạnh, Trần Hưng Đạo vẫn bình tĩnh, bàn kế hoạch đối phó, giữ sĩ khí không giảm sút, chọn những người dũng cảm đi tiên phong, rồi chờ thời cơ phản công.

Giặc tiến quân như vũ bão, chẳng mấy chốc chiếm được thành Thăng Long đang bị bỏ trống, trong khi khắp nơi đều thấy những bảng kêu gọi phải liều chết đánh giặc, không được đầu hàng giặc, người nào cũng có hai chữ “Sát Thát” ở cánh tay, cũng đã tạo một thế mới giữa giặc và ta.

Trong khi các cánh quân của ta vẫn bảo toàn lực lượng khi rút lui khỏi Kinh thành hay từ cánh quân chặn địch từ Vân Nam xuống do Trần Nhật Duật chỉ huy đã có cả người mặc áo quân nhà Tống khiến quân giặc hoang mang.

Tuy lực so với địch vẫn yếu, song thế đã có, nhất là khi quân Toa Đô vốn đang chật vật, lại từ đường xá xa xôi, mỏi mệt ra Bắc, Trần hưng Đạo tâu với Vua rằng: “Toa Đô tự Chiêm Thành trở ra, qua vùng Ô Lý (Thuận Hóa), Hoan (Nghệ An), Ái (Thanh Hóa), đường xá gập ghềnh, quân sĩ vất vả, nay lại vượt bể ra ngoài bắc, thì sức lực cũng đã mỏi mệt. Vậy nên sai một tướng đem quân ra đón đường mà đánh thì chắc phá được”. Quả nhiên 5 vạn quân ta do tướng Trần Nhật Duật làm chủ tướng, Trần Quốc Toản làm phó tướng cùng với tướng quân Nguyễn Khoái đánh tan quân giặc ở Hàm Tử (Hưng Yên), Toa Đô phải lui ra cửa Thiên Trường. Thừa thế thắng ấy, Trần Hưng Đạo lại tâu với vua: “Quân ta mới thắng, khí lực đang hăng mà quân Nguyên mới thua, tất cũng chột dạ, vậy nên nhân dịp này tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục Kinh Thành.”.

Trần Quang Khải từ Thanh Hóa ra cùng với Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão đi thuyền đánh đội chiến thuyền của quân Nguyên đóng ở Chương Dương thuộc huyện Thượng Phúc. Quan quân đánh hăng quá, quân Nguyên địch không nổi phải bỏ chạy, cả thắng ở Chương Dương, quan quân lên bộ đuổi giặc đến tận chân thành Thăng Long hạ trại. Thoát Hoan đem binh ra cự địch, bị phục binh Trần Quang Khải đánh úp, quân Nguyên phải bỏ chạy qua sông Hồng sang giữ mặt Kinh Bắc. Trần Quang Khải đem quân vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng, cảm hứng ngâm bài thơ rằng:

“Đoạt giáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái Bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san”

Sau khi hắng trận Hàm Tử, Chương Dương quân thế càng phấn chấn, Trần Hưng Đạo tâu với vua Nhân Tông xin một mặt sai Trần Nhật Duật hợp với Trần Quang Khải chặn các ngả đường không cho Thoát Hoan và Toa Đô liên lạc được với nhau, còn chính mình đem quân đi đánh Toa Đô rồi đánh luôn Thoát Hoan ở Tây Kết. Vua để Trần Hưng Đạo tùy ý sai khiến. Quân ta đánh hăng quá, quân Nguyên địch không nổi phải lên bộ chạy ra biển. Khi đến dãy núi bị phục binh bắn chết Toa Đô. Ô Mã Nhi một mình lẻn lên chiếc thuyền con chạy về Tàu. Thế là vào tháng 5 năm Ất Dậu (1285), thắng trận Tây Kết, bắt được hơn 3 vạn quân Nguyên. Khi quân ta nộp thủ cấp Toa Đô, Vua Trần Nhân Tông nhìn thủ cấp Toa Đô mới than rằng: “Làm bầy tôi nên như người này”, rồi cởi áo ngự bào đắp cho đầu Toa Đô, sai quân dung lễ mai tang tử tế. Thế mới thấy lòng nhân của kẻ chiến thắng Đại Việt!

Biết thời cơ đã đến, đang lúc vào hè, trời nóng nực, sơn lam chướng khí, quân giặc bị dịch tễ giết hại nhiều, Trần Hưng Đạo biết thế nào Thoát Hoan cũng phải rút chạy, liền sai Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão đem 3 vạn quân đi đường núi phục sẵn ở rừng sậy hai bên sông ở Vạn Kiếp, sai hai con là Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy dẫn 3 vạn quân đi đường Hải Dương ra Quang Yên chặn đường rút của quân giặc, còn đích thân Trần Hưng Đạo đem đại quân đến Bắc Giang đánh đuổi quân Thoát Hoan. Thoát Hoan dẫn đại binh đến Vạn Kiếp bị phục binh Nguyễn Khoái chặn đánh thiệt hại mất đến một nửa, Lý Hằng bị tện bắn chết. Thoát Hoan, Phàn tiếp, A bát Xích, Lý Quán cố mở đường máu mà chạy. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng lên xe mà chạy sợ bị bắn tỉa như Lý Quán khi về đến gần châu Tư Minh. Vậy chỉ nội trong 6 tháng trời đến tháng 6 năm ất Dậu (1285) 50 vạn quân Nguyên bị đánh tan tác.

Hốt Tất Liệt thấy bọn Thoát Hoan bại trận về, giận lắm, muốn bắt chém hết cả thẩy. Quần thần can ngăn mãi lại thôi. Bèn quyết định đình việc đi đánh Nhật Bản, đóng thêm 300 chiến thuyền quyết sang ngay đánh trả thù. Song nghe lời can cho quân sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức ít lâu.

Vua Trần Nhận Tông nghe tin Nguyên triều sắp sửa đưa quân sang báo thù, bèn vời Trần Hưng Đạo hỏi rằng: “Thế giặc năm nay thế nào?”. Trần Quốc Tuấn trả lời: ”Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy linh của Tổ tông và thần võ của Bệ hạ, nên đã quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại chúng còn nơm nớp cá thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như Thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.”

Quan Chấp chính xin chọn tráng đinh tăng quân số lên nhiều Hưng Đạo Vương nói: “Quân quí hồ tinh, bất quí hồ đa dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm được gì?”.
Khi đạo quân Nguyên có Vương A Thai đi theo đạo quân từ Vân Nam do A Lỗ chỉ huy bắt đầu tiến tới cửa ải Phú Lương, Vua Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo Vương: “Giặc tới tình hình thế nào?”. Vương trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Trong khi ấy theo Nguyên sử q.168, Lưu Tuyên truyện, t.8a, Lễ bộ thượng thư Lưu Tuyên cũng lo ngại tâu với Hốt Tất Liệt rằng:

“… Giao Quảng là đất viêm chướng khí độc hại người còn hơn binh đao. Nay định đến tháng 7 họp các đạo quân ở Tĩnh Giang, đến An Nam tất nhiều người mắc bệnh chết, lúc cần cấp gặp giặc biết lấy gì ứng phó. Ở Giao Chỉ lại không có lương, đường thủy khó đi, không có xe ngựa, trâu bò chuyên chở thì không thể tránh được vận chuyển đường bộ. Một người phu gánh 5 đấu gạo, đi về ăn hết một nửa, còn quan quân được một nửa. Nếu có 10 vạn thạch lương, dung 40 vạn người cũng chỉ có thể được lương cho quân 1,2 tháng. Chuyên chở, đóng thuyền, phục dịch việc quân phải dùng đến 5, 60 vạn người. Quảng Tây, Hồ Nam điều động nhiều lần, dân ly tán nhiều, lệnh cho cung dịch cũng không thể làm được… sao không cùng người hiểu biết trong quan quân bên kia mà bàn bạc phương lược vạn toàn. Nếu không thì sẽ giẫm vào vết xe cũ”.
Như thế Nguyên triều không phải không biết những mặt nhược điểm của mình có nguy cơ thất bại như đã từng xảy ra. Cũng không phải nước Đại Việt không biết ứng xử khôn ngoan khi cương khi nhu, luôn ngoại giao mềm dẻo. Nhà Trần đã hết sức nhân nhượng, muốn cho Nhà nguyên đỡ mất thể diện, mong tránh được cuộc chiến tranh báo thù, đã cử các sứ bộ mang cống vật và còn tha bọn tù binh đến 50.000 người, đều thích chữ và nói rằng ai bị bắt nữa sẽ bị chém, chứ không tha như lần này.

Vậy mà Hốt Tất Liệt nhất quyết sai Thoát Hoan làm đại nguyên súy cùng Abát Xích, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem tất cả hơn 30 vạn quân với 500 chiến thuyền và đặc biệt có TrươngVăn Hổ, con một tên cướp biển giữ chức Giao chỉ hải thuyền vạn hộ đem 70 thuyền tải 17 vạn thạch lương, giả danh đem Trần Ích Tắc được phong làm An Nam Quốc Vương về nước. Khác với lần trước quân Nguyên cò mũi thủy quân cực mạnh tiến vào cửa sông Bạch Đằng.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lại được cử làm tướng chỉ huy chung, đôn đốc việc chuẩn bị của Triều đình và các vương hầu, Trần Khánh Dư làm phó tướng đóng quân ở Vân Đồn, phụ trách việc quân sự miền ven biển.

Cũng như lần trước Trần Hưng Đạo cử các cánh quân chặn các đường tiến quân của giặc và địch vẫn hùng hổ tiến chiếm thành Thăng Long được bỏ ngỏ. Thấy địch mạnh phải rút lui nhanh để bảo toàn lực lượng. Nên khi thấy cánh quân do Phó tướng Trần Khánh dư bị thiệt hại nặng, Thượng hoàng Thánh Tông cho người đòi Trần Khánh Dư về Triều hỏi tội. Trần Khánh Dư đã xin khất ít lâu để đoái công chuộc tội vì Ông nghĩ rằng đoàn chiến thuyền của giặc đã đi qua, có thể đánh đoàn thuyền lương một cách dễ dàng.Quả nhiên tháng 12 (1288), đoàn thuyền lương nặng nề của Trương văn Hổ bị thủy quân tập kích ở Vân Đồn, Trương Văn Hổ bị đại bại, phải đổ cả thóc xuống biển , chạy thóat về Quỳnh Châu, Hải Nam.

Sau khi chiếm thành Thăng Long bỏ ngỏ. quân Nguyên truy tìm vua, triều đình nhà Trần khắp nơi không gặp, quân nhà Nguyên bị chặn đánh, phục kích khắp nơi. Bấy giờ ở Thăng Long, Thoát Hoan đang lâm vào tình trạng lúng túng, A-ba–tri bàn:”Giặc bỏ sào huyệt trốn vào, núi biển là có ý đợi chúng ta mệt mỏi rồi thừa cơ đánh lại. Tướng sĩ phần nhiều là người Phương Bắc, lúc xuân hạ giao nhau, khí chướng tệ hoành hành, chưa bắt được giặc, ta không thể giữ lâu được. Nay chia quân bình định khắp nơi, chiêu hàng những người qui phụ, ngăn cấm quân lính không được cướp bóc, kịp bắt ngay Nhật Huyên (Trần thánh Tông). Đó là kế hay”.
Chẳng bao lâu quân Nguyên lâm vào thế bị động, bị chận đánh khắp nơi, lương thực được dân cất rất kỹ, Thăng Long trở thành một hòn đảo cô lập, có nguy cơ bị tuyệt lương. Ngày 5-3-1288 Thóat Hoan phải rút về Vạn Kiếp. Nguyên sử q. 129 An Nam truyện viết những dòng bi đát tại Vạn Kiếp: ”Tướng sĩ phần nhiều bị bệnh dịch không thể tiến được mà chư man lại phản, những nơi xung yếu đã chiếm được nay đều thất thủ”.
Bọn tướng tá bàn với Thoát Hoan, Nguyên sử , q.209, An Nam truyện chép: ”Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại, khí trời đã nóng nực, sợ lương hết, quân mệt, không lấy gì chống giữ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn”).

Thoát Hoan buồn rầu thừa nhận:”Ở đây nóng nực ẩm thấp, lương hết quân mệt và đồng ý rút lui về” ( An Nam Chí lược , q.4).

Thế là đúng như dự kiến của Trần Hưng Đạo lần này quân ta dễ đánh và trận địa cọc phục kích Bạch Đằng là mồ chôn quân Nguyên Mông vào ngày 9-4-1288, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp vị bắt sống, Thóat Hoan chạy thoát về Tàu.

TRẦN HƯNG ĐẠO , NGƯỜI ĐẠI ANH HÙNG DÂN TỘC ĐƯỢC TÔN VINH NHƯ VỊ THÁNH
Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm qua là lịch sử đấu tranh chống xâm lược. Từ thời Lý đã bắt đầu có đền thờ Vệ Quốc ở Thăng Long bên Hồ Tây. Những người có công bảo vệ đất nước được được thờ. Các tướng như Lý Thường Kiệt ờ Đình Nam Đồng đều có bức hoành phi “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần}. Ai chết vì nước hay có công lao cho đất nước đều được thờ.

Song thánh là nhân vật siêu phàm tài năng xuất chúng, nên thánh rất ít so với thần. Ngoài thánh Gióng, thánh mẫu (tứ phủ), Khổng Tử, Trần Hưng Đạo được người đời tôn vinh là Đức Thánh Trần, thờ khắp nơi... Ngày giỗ Đức Thánh Trần, ngày 20 tháng Tám âm lịch được người dân Việt gọi là ngày giỗ cha.

Đó chính là do võ công kiệt xuất, vô tiền khoáng hậu của ngài. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chiến thắng quân Nguyên Mông đã âm vang trên thế giới, nhà sử học Ba Tư Fazl Allah Rasidud- Din (1247-1318) đã viết trong bộ sử biên niên Ba Tư “Zani al- Tawarikh: “Một lần, Tugan [Thóat Hoan] đem quân vào nước đó, chiềm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy trong một tuần lễ, nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi xuất hiện những dội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang lo cướp bóc. Tugan trốn thoát được…” (Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1970, tr.5-6).

Đó cũng là do con người đức độ, nhà chiến lược có tầm nhìn xa trong chiến tranh đã đành mà còn trong xây dựng đất nước.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (CM) của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng khi Quốc Tuấn mới sinh ra, có người xem tướng trông thấy, nói: “Mai sau có thể kinh bang tế thế được. Lúc lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh khác thường, xem rộng các sách, có tài văn vũ. Thân phụ Quốc Tuấn là An Sinh vương trước đây có hiềm riêng với Thái Tông, đem lòng oán giận, đi tìm khắp những người có tài, nghệ giỏi để dạy bảo Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dẫu chết cũng không nhắm mắt được! Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng”.

Trần Hưng Đạo đã vì nghĩa lớn mà gạt bỏ thù riêng, Khi một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Da Tượng và Yết Kiêu, đã cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi lời nói trung nghĩa của hai người, vừa không còn băn khoăn về chữ hiếu không nghe lời cha trăn trối. Khi quân Nguyên xâm lấn lần thứ hai, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng đi theo. Đến lúc quan quân thua trận, thủy quân tan rã, Trần Hưng Đạo định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: ”Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền. Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: ”Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”.

Đến cuối đời, Quốc Tuấn giả vờ hỏi ý con là Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn rằng: ’Cổ nhân giàu có cả thiên hạ để truyền cho con cháu về sau, việc ấy ý con nghĩ thế nào? Quốc Nghiễn thưa rằng: ”Việc ấy với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ”. Quốc Tuấn rất lấy làm phải, sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói: ”Tống Thái Tổ là người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ”. Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng: ”Những người bầy tôi phản loạn chính là những đứa con bất hiếu mà ra”. Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiễn phải chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho.

Đến khi Trần Hưng Đạo bị bệnh, Vua Trần Nhân Tông đến nhà riêng thăm và hỏi rằng: “Nếu có sự không lành xảy ra, mà quân Nguyên lại sang xâm lấn, thì chống cự lại bằng cách gì?” Trần Hưng Đạo đại khái thưa lại rằng quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh; đem đoản binh đánh trường trận, là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tầm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại, phải bớt dùng sức dân để làm cái kế “thâm căn cố đế”, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn”!

Chữ Tâm, chữ Đức sáng ngời cũng như những lời vàng ngọc chí tình của Hưng Đạo Đại Vương coi như vị Thánh có giá trị cho muôn đời sau, nhất là đối đầu với những thách thức lớn lao chưa từng có tại Biển Đông. Cần sự đồng thuận xây dựng nội lực đất nước hùng cường. Mọi hành động làm cho thế nước suy sẽ là có tội với Tổ tông cũng như với Đất nước Việt Nam!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Tiến sĩ Sử học)

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/lich-su/nghien-cuu/190-tran-hung-dao-ba-lan-thang-quan-nguyen-mong