Friday, July 31, 2015

Hát thơ: Di nguyện của GS.TS. Trần Văn Khê


Những vầng thơ thi hóa Di nguyện của GS.TS. Trần Văn Khê do Hãn Nguyên Nguyễn Nhã biên soạn ngày 19/06/2015, NSƯT Hồng Vân hát bằng các làn điệu dân ca ba miền.

Hôm nay mùng sáu sen vàng
Di ngôn để lại - Hai ngàn mười lăm ( 6/6/2015)
Trần Văn Khê húy - chính văn
lập ra di nguyện - chân tâm vững vàng,
tinh thần minh mẫn, rõ ràng:
Ước mơ hậu sự lễ tang, lìa đời
Truyền thống tang chủ nhà tôi
trưởng nam Quang Hải là người quyết ra.
Người cùng hỗ trợ có ba
việc chung thứ nhất hẳn là Ông Xuân
Ông Thùy Bà Lý cận thân
trong Ban Tang Lễ, hương trầm khói lam!
Người Chủ tế Thích Lệ Trang
phối hợp Nhứt Dũng nhạc tang rất cần:
Đờn ca tài tử người thân
khi ra biểu diễn rất cần môn sinh,
hòa tấu một buổi linh đình (đặc biệt).
Mỗi hơi, điệu thức thật tinh vài bài.
Nhạc Truyền thống khác có ai
đến viếng cũng chỉ ít bài mà thôi.
Con cháu, thân thuộc xa xôi
nếu quàn lâu được mọi người kịp thôi.
Tôi mong hỏa táng, cốt tro
về nhà tôi ở, bàn thờ tổ tiên;
bằng không “Tang lễ” quyết liền (Ban Tang Lễ).
Chi phí tang lễ lấy tiền của tôi.
Tiền phúng điếu, lễ xong rồi,
học bổng, giải thưởng tên Tôi hình thành.
Ngôi nhà Tôi ở trở thành
Nhà lưu niệm cũng phải giành tên Tôi.
Mọi hiện vật hiện có rồi
cùng bao tài liệu, mạng thời lập ra (Khánh Vân lập ra)
Vẫn tiếp tục mạng đã qua
phổ biến tư tưởng phải là của Tôi
không thương mại, chẳng khó ai
sử dụng thư viện những ai rất cần
nghiên cứu phổ biến xa gần
Văn hóa dân tộc rất cần cho ta.
Cũng mong công việc cháu Na (Nguyễn Thị Na)
tiếp tục ở lại giúp "Nhà" của tôi (Nhà lưu niệm)
Tất cả trên với ước mơ
Văn hóa truyền thống có cơ lưu truyền.

Tham khảo di nguyện của GS.TS. Trần Văn Khê công bố trên báo Thanh Niên:

“Hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2015. Tôi tên: Trần Văn Khê. Sinh năm: 1921. Passport số: D5456230. Cấp tại: Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Địa chỉ cư ngụ: 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Tôi lập Bản di nguyện này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn và hiểu rõ các vấn đề mà tôi nêu ra dưới đây, đó là những ước mơ của tôi về lễ an táng và các vấn đề hậu sự khi tôi phải lìa đời, vĩnh viễn ra đi.

1. Người chủ tang sẽ là con trai trưởng nam của tôi: Trần Quang Hải, được toàn quyền quyết định mọi việc… Để giúp việc cho chủ tang, tôi đề nghị lập một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

2. Về nghi thức an táng, tuy tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng tôi muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang sẽ là người chủ tế cho nghi thức an táng.

3. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách (nhạc sĩ Nhất Dũng phải phối hợp với thầy Lệ Trang để tổ chức nghi lễ).

4. Một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của tôi sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ (lưu ý: trong mỗi hơi của điệu thức chỉ cần đánh một vài bài thôi). Những bộ môn nhạc truyền thống khác có thể đến viếng và biểu diễn, tuy nhiên cần ngắn gọn để đừng mất nhiều thời gian.

5. Tôi ước ao linh cữu của tôi sẽ được quàn tại tư gia số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

6. Thời gian quàn từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc của tôi ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ…

7. Tôi ước ao sẽ được hỏa táng, nơi hỏa táng sẽ do ban tang lễ quyết định. Hũ tro mang về để tại tư gia tôi đang sống, dưới bàn thờ ông bà. Nếu vì một lý do gì không để được hũ tro tại tư gia của tôi thì các con tôi cùng ban tang lễ sẽ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất.

8. Về các chi phí để lo tang lễ thì sử dụng tiền mặt của tôi hiện có tại nhà. Nếu thiếu thì Trần Thị Ngọc Thủy – con gái út của tôi sẽ lấy tiền trong sổ tiết kiệm của tôi tại VN để thanh toán chi phí an táng. Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

9. Về ngôi nhà và các vật dụng trong nhà: Theo hợp đồng được ký kết giữa tôi và cháu Trương Ngọc Thủy, cháu Nguyễn Thế Thanh (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM) “khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”… Những hiện vật dính vào đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về như: tất cả sách vở, báo chí, phim ảnh, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy cassette, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh… giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ… Riêng trang blog spot, Facebook trước đây do cháu Khánh Vân tạo và quản lý cho tôi trên 10 năm. Khi tôi qua đời, cháu sẽ tiếp tục được quản lý và phổ biến tư tưởng của tôi. Không được dùng tư liệu đó vào mục đích thương mại…

10. Tôi ước ao những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Lưu ý: những tư liệu này chỉ dùng vào công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa, không được dùng vào việc thương mại.

11. Tôi ước mong sau khi tôi vĩnh viễn ra đi, cháu Nguyễn Thị Na – người đã tận tình giúp việc cho tôi trên 10 năm, đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của tôi trong căn nhà này, được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.

Trên đây là những ước mơ của tôi về nghi lễ an táng và việc sử dụng sự nghiệp tinh thần, các vật dụng của tôi để lại vào việc bảo tồn và phổ biến văn hóa truyền thống Việt Nam, đúng theo nguyện vọng và hoài bão của tôi."

* Để góp phần vinh danh giáo sư, Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ lần lượt công bố những thước phim tư liệu quý về những phát biểu và trả lời phỏng vấn riêng của giáo sư trong suốt hành trình hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng phong trào bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam.
* Lời thơ và toàn văn di nguyện: http://www.hannguyennguyennha.com/am-nhac-dan-toc/sang-tac-tho-ca/211-hat-tho-di-nguyen-giao-su-tran-van-khe
* Trang tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê: http://www.hannguyennguyennha.com/tuong-niem/giao-su-tran-van-khe

Friday, June 26, 2015

Giáo sư Trần Văn Khê ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn


Chỉ cách đây ít lâu, trong một buổi nói chuyện thường kỳ Vinh danh lịch sử văn hóa Nam bộ: Lịch sử cải lương tại nhà riêng của GS-TS Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông nói rằng 'niềm vui buổi nói chuyện hôm nay sẽ giúp tôi sống thêm 5 ngày nữa'.

Như thế GS Trần Văn Khê đã biết trước ngày giáo sư phải ra đi và chắc ông cũng biết sự ra đi của mình sẽ để lại biết bao niềm tiếc thương cho mọi người, nhất là những người quan tâm đến Hồn Việt, về giá trị của Hồn Việt đối với việc xây dựng đất nước hùng cường.

Tôi còn nhớ vào năm 1993, tôi có cuộc phỏng vấn GS-TS Trần Văn Khê khi mời ông tham gia Trung tâm nghiên cứu Gia Định (Nam bộ). GS Trần Văn Khê đã nói đây là cuộc phỏng vấn “rút ruột mình” và đã đưa cho một số người coi, trong đó có người đã sao hơn 10 cuốn băng nhựa cho những người thân ở Canada được coi.

Thât sự tôi rất xúc động khi GS-TS Trần Văn Khê kể rằng khi tốt nghiệp ngành Chính trị học ở Pháp, bị bệnh nằm bệnh viện đã suy nghĩ về truyền thống 4 đời nhạc sĩ của gia đình mình. Và ông đã đi tới quyết định trở về với cội nguồn truyền thống gia đình cũng như dân tộc mình, phải tiếp bước ông cha và quyết học lấy bằng tiến sĩ về âm nhạc truyền thống.

Chính vì quyết định về cội nguồn trên mà sự nghiệp của GS-TS Trần Văn Khê thật sự tỏa sáng, đóng góp nhiều công lao quảng bá những gì độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Trong đó đặc biệt góp phần nghiên cứu, giữ gìn những tinh hoa, bản sắc Việt rất đáng tự hào như ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc cồng chiêng Tây nguyên và biết bao di sản đáng tự hào của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mặc dù mắc nhiều bệnh từ tiểu đường đến tim mạch, “luôn sống chung với lũ”, nhưng GS Trần Văn Khê luôn hăng hái tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, luôn khuyến khích động viên các thế hệ trẻ tham gia các chương trình văn hóa dân tộc như chương trình của CLB Tiếng hát quê hương; Chương trình đem âm nhạc truyền thống, đem dân ca, ngâm thơ vào trường học; Chương trình quảng bá bếp Việt ra thế giới…

Cuộc đời có rất nhiều điều kỳ thú đã kể lại qua nhiều tập hồi ký mà chị Lý Thị Lý cùng với Công ty sách Phương Nam đã tích cực lo xuất bản để công chúng thưởng lãm. GS-TS Trần Văn Khê cũng có nhiều bạn tri kỷ tri âm nổi tiếng như nhạc sư Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Phạm Duy, đã để lại những ký ức của nhau nhiều xúc cảm, cũng đã khóc bạn tha thiết khi bạn qua đời như đám tang nhạc sĩ Phạm Duy.
Tuy cuộc sống gia đình vợ chồng không được suôn sẻ, song lúc nào GS-TS Trần Văn Khê cũng lo cho cuộc sống của nhau ngay tới khi người bạn đường qua đời và để lại thế hệ con cháu nhiều tài năng về âm nhạc như GS-TS Trần Quang Hải về đàn môi hay người cháu gái nội đang đam mê quảng bá ẩm thực Việt để tiếp bước ông nội có những kiến thức uyên bác và những phát biểu rất hay về ẩm thực Việt.

Tôi quen với GS-TS Trần Văn Khê từ thập niên 1960 qua GS Hoàng Xuân Hãn, khi tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, thường thư từ qua lại với nhau, song phải nói rất thân từ khi tôi mời GS-TS Trần Văn Khê tham gia hội thảo khoa học Bản sắc Việt Nam trong âm nhạc năm 1998 tại Khách sạn Majestic và hội thảo Tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam tại Khách sạn Kỳ Hòa năm 1999 và mời GS-TS Trần Văn Khê về dạy môn âm nhạc truyền thống tại khoa Du lịch ở Trường đại học Hùng Vương mà GS-TS Trần Văn Khê nói sau khi đã dạy biết bao sinh viên nước ngoài từ Á đến Âu thì đây là lần đầu tiên được dạy sinh viên Việt Nam bằng tiếng Việt tại nước Việt Nam…

Chắc ai có duyên may mới quen được GS-TS Trần Văn Khê và sẽ ngưỡng mộ sự nghiệp, cuộc đời của GS Khê, song tôi chưa từng thấy ai lại có nhiều duyên may như GS-TS Trần Văn Khê, người từng được duyên may mời ở khách sạn 4, 5 sao Majestic mà nhất định không phải trả tiền, ở bao lâu cũng được. Hay có duyên may được “thành phố” thời bà Nguyễn Thế Thanh làm Phó giám đốc Sở VHTT giao biệt thự khang trang làm nơi trưng bày nhạc cụ dân tộc để GS-TS Trần Văn Khê ở cùng lấy nơi đây là nơi sinh hoạt văn hóa dân tộc. Nhiều người đang mong biến nơi đây thành Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nam bộ và tiếp tục có những sinh hoạt văn hóa thường kỳ mà GS-TS Trần Văn Khê đã dụng công truyền lửa cho các thế hệ trẻ.

Thật là mất mát vô hạn khi GS-TS Trần Văn Khê không còn nữa. Song cũng thật là duyên may hiếm có để cùng nhau tiếp bước GS-TS Trần Văn Khê giữ hồn dân tộc tại một nơi mà GS Trần Văn Khê đã truyền lửa cho biết bao thế hệ trẻ vậy. Hi vọng sau này sẽ có các giải thưởng Trần Văn Khê cho các tài năng trẻ, nhất là về âm nhạc truyền thống. Có ý kiến cho rằng để thiết thực hữu ích cho mai sau thay vì đưa các vòng hoa thì nên đưa vào quỹ văn hóa giáo dục Trần Văn Khê vậy.s

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

KHÓC GSTS TRẦN VĂN KHÊ
Bác Khê ơi, Bác ra đi
Biết bao thương tiếc nói gì giờ đây
Giữ hồn Việt bản sắc này
Công lao của Bác, càng ngày khắc ghi
Định hình bản sắc phát huy
Âm nhạc truyền thống những gì Việt Nam
Văn hóa ẩm thực vẻ vang
Văn hóa dân tộc Việt Nam tự hào
Lương sư hưng quốc thuở nào
Bác Khê tiếp bước nêu cao tinh thần
Rồi đây tuổi trẻ rất cần
Noi theo gương Bác giữ hồn Việt Nam
Dựng xây nội lực đàng hoàng
Nguy cơ thuộc quốc sẽ càng đẩy xa

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học
(Trưởng Đế án Bếp Việt - Bếp của Thế giới)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/giao-su-tran-van-khe-ra-di-de-lai-niem-tiec-thuong-vo-han-577539.html

Tuesday, January 20, 2015

Nhớ ngày kỷ niệm một năm thất thủ Hoàng Sa: Cần giáo dục, tuyên truyền và quảng bá về Hoàng Sa-Trường Sa

Bài viết của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tưởng niệm biến cố Hoàng Sa đầu tiên và triển lãm sử liệu Hoàng Sa (20/01/1975-20/01/2015).

Ngày 20/1/1975 là ngày đáng nhớ của tôi.

Cách đây 40 năm, lần đầu tiên tôi rơi lệ vì Hoàng Sa và cũng đã có nhiều người ôm nhau khóc ròng. Các vị Quốc lão, trong đó có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải đốt trầm khai mạc Triển lãm Sử liệu Hoàng Sa, chiêng trống vang rền và báo Sóng Thần hồi ấy đưa tin với tít lớn.

Đó cũng là ngày giới thiệu phát hành Tập San Sử Địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa.

Quên làm sao được khi mà với tư cách Trưởng Ban Tổ chức gồm Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Đền Quốc Tổ Hùng Vương (GS Ngô Gia Hy đại diện), Vovinam - Việt Võ Đạo (Võ sư Trần Huy Phong đại diện) và Nhóm Chủ Trương Tập San Sử Địa (Nguyễn Nhã đại diện), hình như hồn thiêng sông núi khiến tôi đã xúc động khi giới thiệu 5 vị Quốc lão đốt trầm khai mạc.

Cứ mỗi lần nhắc đến Hoàng Sa là mỗi lần tôi rơi lệ, như lần hội thảo tại trường Đại Học Harvard ngày 16/06/2012 về Biển Đông, khi Tiến sỹ Minh Phương nhắc tới biến cố năm 1974 Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều bạn trẻ cũng đã phải suy nghĩ, như Lê Minh Đức (lúc bấy giờ là sinh viên cao học chuyên ngành Quản trị Thông tin tại ĐHTH Massachusetts – Lowell) sau viết bài "Nghĩ về tôi và Tổ quốc" đăng trên trang thông tin của Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng.

Vốn hồi ấy còn là thanh niên, ngay sau khi xúc động rơi lệ, tôi cùng võ sư Trần Huy Phong sau này là trưởng môn đời thứ ba Vovinam, có trao đổi với nhau rằng làm cách nào mà những thanh niên như chúng ta ở hai miền Nam Bắc (bây giờ thì là thanh niên trong và ngoài nước) nhận thức rõ thân phận của một nước nhỏ như Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế với sự sắp xếp của các nước lớn như vụ Hoàng Sa.

Tại sao Trung Quốc lại ngang nhiên dùng vũ lục chiếm Hoàng Sa khiến bao chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong đó hạm trưởng Ngụy Văn Thà và nhiều người bị bắt trong đó có cả một người Mỹ Gerald Kosh, tùy viên quốc phòng tòa đại sứ Mỹ?

Sao Bộ Ngoại giao Mỹ khi ấy lại tuyên bố đó là vấn đề nội bộ của hai nước, Mỹ không can thiệp? Sau này còn được biết Mỹ đã ngăn cản không cho Việt Nam Cộng hòa dùng không quân vượt trội hủy diệt hạm đội Trung Quốc.

Có lẽ vì vậy mà tôi cứ nghẹn lời rơi lệ như tỏ một sự uất hận không thể nói nên lời và tôi đã từng tuyên bố tại Thư viện San Jose năm 2012 rằng người Việt Nam phải bừng tỉnh cả thế kỷ XX, Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế!

Vừa rồi tôi rất lấy làm vui là đầu năm 2015, Phương Nam kết hợp với NXB Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách "Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa'"do tôi chủ biên.

Cuốn sách này hiện được bày bán trong hệ thống phát hành của nhà sách Phương Nam tuy mới in có 1.000 cuốn. Tôi đi nhiều nước, thấy các thư viện vắng bóng các tài liệu của Việt Nam nhưng tràn ngập các tư liệu của Trung Quốc; Trung Quốc có hơn 400 luận văn, luận án về Biển Đông còn Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngay cả những hồ sơ tư liệu của tôi về "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa", tuy đã được dịch ra tiếng Anh song văn phong vẫn chưa phù hợp với người bản xứ nên tôi vẫn chưa dám phổ biến rộng rãi mà chỉ mới đăng để trên trang mạng www.hannguyennguyennha.com để kêu gọi nhiều người cùng nhau hoàn chỉnh và quảng bá.

Tôi kêu gọi có sự hỗ trợ cùng nhau dịch cuốn sách “Đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa” ra nhiều thứ tiếng nhất là tiếng Anh và tiếng Trung. Hiện nay một nhóm giáo sư, tiến sĩ ở Canada và Úc đang cùng nhau dịch sang tiếng Anh cuốn “Những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của NXB Giáo dục Việt Nam.

Và cũng mong một tác phẩm “Trường ca Biển Đông & Giữ hồn Dân tộc” gồm 2.000 câu lục bát thi hóa cuốn sách “Những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa” cùng những bài viết trong mục “Giữ hồn dân tộc" của báo Thanh Niên sẽ được nhiều người hỗ trợ xuất bản để giới trẻ Việt Nam tiếp cận với sự thật và tinh thần giữ bản sắc vì mất bản sắc sẽ mất tất cả.

Khi ấy tôi, một người sống vì sự thật lịch sử với lương tri của mình cho là đúng, sẽ không còn khóc nữa!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã