Cứ hễ nghe nơi đâu có tài liệu, hiện vật hay nhân chứng về Hoàng Sa, ngay tập tức anh lên đường tìm gặp cho bằng được. Có khi anh cùng đồng nghiệp vượt hàng ngàn cây số ra đảo xa và ở lại hàng tuần để sao chụp, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh tài liệu, nhân chứng, hiện vật về Hoàng Sa rồi xâu chuỗi lại để đưa ra những minh chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Anh là Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trưởng phòng nghiên cứu, sưu tầm - Bảo tàng Đà Nẵng.
Giếng nước ngọc trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyên Khôi chụp lại tại Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng).
Hấp lực Hoàng Sa
Thiện sinh năm 1976, tốt nghiệp cử nhân lịch sử, chuyên ngành dân tộc – khảo cổ học, Đại học Khoa học Huế năm 2001. Ra trường, về công tác tại Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ - PV) TP Đà Nẵng và được giao nhiệm vụ sưu tầm hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa – một đơn vị hành chính của TP Đà Nẵng. Làm được một thời gian ngắn, Thiện được điều chuyển sang công tác tại Ban quản lý Bảo tàng Lịch sử - Bảo tàng Đà Nẵng. Công việc hàng ngày của anh là sưu tầm hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc, nhưng một địa danh có hấp lực rất lớn, thậm chí nhiều trăn trở đối với anh trong việc nghiên cứu, sưu tầm đó là Hoàng Sa – huyện đảo bị Trung Quốc chiếm giữ từ ngày 19-1-1974. Từ đó, khi có dịp là anh đi sưu tầm tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa và để riêng như một chuyên đề, ấp ủ một ngày nào đó mở triển lãm, trưng bày về Hoàng Sa.
Năm 2002, Ban Biên giới Chính phủ muốn xây dựng phòng trưng bày triển lãm tài liệu, hiện vật về Hoàng Sa đặt tại Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa (tại 132 Yên Bái, Đà Nẵng) và tại Bảo tàng Đà Nẵng để đấu tranh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam. Được lãnh đạo giao trực tiếp công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu để đấu tranh nhân ngày 19-1, ngày Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa, anh Thiện như “mở cờ trong bụng” vì có dịp được hiện thực hóa ước mơ của mình.
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, anh Thiện cùng những cán bộ của Sở Nội vụ như Lê Đức Nồng, Nguyễn Mính… dồn hết công sức, thực hiện không kể ngày đêm cho ra mắt phòng triển lãm trưng bày Hoàng Sa lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. “Lúc đó, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cũng như Ban Biên giới Chính phủ, chúng tôi thực hiện phòng triển lãm như thêm một lời khẳng định: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong lịch sử sở hữu Hoàng Sa”, anh Thiện tâm sự.
Công việc khó, khổ
Sau 10 năm nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và đi tìm nhân chứng, đến nay đã có hàng ngàn đầu tài liệu, sách báo, hình ảnh, hiện vật và ghi chép về Hoàng Sa, trong đó có nhiều tài liệu cổ là các Châu bản từ thời nhà Nguyễn cũng như những nhân chứng sống minh chứng là những nhân viên khí tượng, những người lính Việt Nam Cộng hòa giữ đảo Hoàng Sa từ năm 1974 trở về trước, hoàn toàn đủ chứng cứ để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Hoàng Sa được anh Huỳnh Đình Quốc Thiện cùng nhóm nghiên cứu Sở Nội vụ Đà Nẵng sưu tầm trong 10 năm qua.
Thiện kể, năm 2001, ông Nguyễn Mính, Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa giao anh cùng một nhóm anh em nghiên cứu những cuốn sách viết về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Đến khi chuyển công tác về bảo tàng, anh vẫn tiếp tục duy trì công việc và có niềm say mê đặc biệt với Hoàng Sa. Hàng năm, lãnh đạo cơ quan thường trú UBND huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng từ thời ông Trần Thọ đến nay là ông Đặng Công Ngữ liên tục chỉ đạo, có kế hoạch nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật của Hoàng Sa.
“Lúc ấy, cứ nghe ở đâu phát hiện được tài liệu, hiện vật hay có một người nào đã từng sống và làm việc tại Hoàng Sa từ trước năm 1974 là chúng tôi lên đường tìm kiếm cho bằng được. Tài liệu thì chúng tôi sao chụp, hiện vật thì chúng tôi vận động người dân đóng góp, nhân chứng thì chúng tôi quay phim lại lời kể… Điều đáng trân trọng là khi biết ý định của chúng tôi, ai cũng ủng hộ và sẵn sàng cung cấp tài liệu, hiện vật cho triển lãm. Thậm chí, có người biết công việc chúng tôi đang làm, qua báo chí đã tìm đến tận Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng để cung cấp tài liệu, hiện vật. Cụ Trần Hữu Cát (SN 1921, tổ 12, phường Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) mặc dù sức yếu phải ngồi xe lăn nhưng vẫn nhiệt tình kể lại những câu chuyện ra Hoàng Sa làm công việc sửa chữa đường ống nước ngọt những năm 1940 - 1945 hay trường hợp bác sĩ Nguyễn Tăng Tri (Việt kiều Canada) nghe tin cũng về thăm và tặng sách tư liệu lịch sử - địa lý khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam”, anh Thiện tâm sự.
Thiện bảo, làm công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật và nhân chứng Hoàng Sa khó, khổ nhưng vui và nhiều kỷ niệm. Đã 10 năm qua, cứ vào tháng 4 Âm lịch, Thiện cùng nhóm nghiên cứu lại lên đường đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để dự lễ Khao lề thế lính, để chụp ảnh, ghi chép và sưu tầm tài liệu hiện vật. Thậm chí, có năm Thiện cùng anh Lê Đức Nồng (cán bộ Sở Nội vụ) vào tận TPHCM để tìm cụ Nguyễn Nhã – một nhà “Hoàng Sa học” để xin sao chụp tài liệu nghiên cứu của cụ. “Tài liệu của cụ Nguyễn Nhã về Hoàng Sa phong phú và quý lắm, chúng tôi đã phải sao chép cả tuần lễ mới xong”, Thiện tâm sự.
Thiện cho biết, ý định có một triển lãm, trưng bày chuyên đề về Hoàng Sa là đề tài ấp ủ lâu nay của anh và nhóm nghiên cứu thuộc UBND huyện đảo Hoàng Sa. “Một ngày không xa, nhóm nghiên cứu chúng tôi sẽ tổ chức cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề hoành tráng về Hoàng Sa tại Đà Nẵng. Cuộc triển lãm, trưng bày này sẽ công bố những tài liệu quý, nhân chứng sống về Hoàng Sa. Song song với triển lãm trưng bày là một cuốn kỷ yếu Hoàng Sa cũng đang trong giai đoạn hoàn thành và phát hành trong thời gian ngắn sắp đến”, Thiện tiết lộ.
Kết thúc câu chuyện, Thiện tâm sự, dù sinh sau đẻ muộn nhưng đã là người con nước Việt thì ai cũng có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công việc của anh đang làm góp sức khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Dù thế nào chăng nữa, dù mất bao lâu chăng nữa, chúng ta vẫn kiên quyết đấu tranh cho bằng được!
Nguyên Khôi
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2011/7/262149/
No comments:
Post a Comment