(Dân trí) - Cách đây gần hai tháng, Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã có cuộc chia tay với bạn bè trí thức ở Sài Gòn trước khi sang Mỹ để thực hiện một công việc mà theo ông, đó là sự nghiệp mà ông theo đuổi cả đời người.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cụ thể là dịch các công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông.
Công trình gồm có ba phần. Phần thứ nhất là tư liệu của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và các tài liệu của phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước, chứng minh chủ quyền của VN trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Phần thứ hai là các tham luận của TS Nguyễn Nhã tại các hội thảo về biển Đông được tổ chức tại VN, Pháp và Mỹ. Phần thứ ba là toàn văn luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa” của TS Nguyễn Nhã, có thêm phần phụ lục bổ sung các tư liệu mới. Theo TS Nguyễn Nhã, năm trước, ông gửi hồ sơ tư liệu này cho Văn phòng Quốc hội Mỹ, ông Jim Webb - Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Hội Địa lý quốc gia Mỹ, cùng Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế Mỹ.
Từ Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Nhã gửi một bức tâm thư cho các bạn trẻ Việt Nam, xin được trích ra để giới thiệu cùng bạn đọc Dân trí.
“Tháng 8 năm 2011, tôi cùng nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy nói chuỵên về Hoàng Sa & Trường Sa tại Trường Đại học Ngọai thương ở Hà Nội. Một nữ sinh viên đã phát biểu một câu: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa & Truờng Sa đều có tội với tổ tông và dân tộc”, sau khi nghe tôi nói: “Bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với tổ tông và dân tộc”. Tôi cũng đã từng nói: “Sự thật lịch sử chỉ có một. Lịch sử rất công bằng và nghiêm khắc với bất cứ ai kể cả nhà sử học”.
Ngày 16 tháng 6 năm 2012 tới, từ Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao, tôi vẫn cố lặn lội đến Boston, chỉ cốt nói với các du học sinh tại Trường Đại học Harvard về sự thật lịch sử chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa, với ước mong các bạn du học sinh ở Trường Harvard giúp tôi hoàn chỉnh bản tiếng Anh hơn 500 trang hồ sơ tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa, cùng giúp tôi đưa đến các thư viện có trong danh sách mà năm 1960, Headquarters, U.S. Pacific Broadcasting and Visual Activity AP0331 đã gửi tài liệu “Analysis on The Spratley – Paracel Islands Dispute”, no 010660.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã lưu ý các bạn trẻ tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử để nắm chắc kiến thức, chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Cụ thể là tập trung vào ba tài liệu sau:
Một là Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789) do các sử thần thời Lê – Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, đã nói rõ về họat động của đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải. Hai là Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) một lần nữa ghi rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa & Trường Sa. Đặc biệt năm 1838, Giám mục Taberd đã vẽ bản đồ có tọa độ An Nam Đại Quốc Họa Đồ đính kèm trong cuốn tự điển Latin – An Nam ghi rõ Paracel seu Cát Vàng; seu tiếng Latin có nghĩa: hay là.
Ba là Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng…
Cuối thư, tiến sĩ Nguyễn Nhã viết:
Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt Nam như quá ham những tư lợi, thiếu đoàn kết… mà phải có lòng yêu nước chân chính, có tâm, có tầm như người Nhật Bản để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường.
Mong vậy thay!
Các bạn có suy nghĩ gì về những lời tâm huyết của trí thức yêu nước Hãn Nguyên Nguyễn Nhã?
Lê Chân Nhân
Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-607141/tam-thu-cua-mot-nguoi-yeu-nuoc.htm
No comments:
Post a Comment