Sunday, July 29, 2012

Tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng chủ quyền

Thứ Sáu, 27/07/2012 - 07:32

(Dân trí) - Người Việt ở khắp nơi trên thế giới hãy góp sức bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có việc rất quan trọng là tìm kiếm và cung cấp thêm nhiều tư liệu, bằng chứng như tấm bản đồ mà TS. Mai Ngọc Hồng vừa hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Ở các quán cà phê cóc bên đường phố Sài Gòn, trong các cơ quan, công ty, câu chuyện được bàn luận sôi nổi mấy hôm nay là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc. Sự xuất hiện của tấm bản đồ này cùng với thông điệp khẳng định thêm rằng, Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc, không phải ai khác nói mà chính Trung Quốc thừa nhận. Đó chính là điều mà người dân quan tâm, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Trước đây, không ít người Việt Nam chưa biết tới Hoàng Sa, Trường Sa, chưa nhận thức đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo này. Có người coi đó chỉ là “bãi hoang”, thậm chí có những bạn trẻ hỏi “Hoàng Sa ở đâu vậy?”. Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc tấn công hai đảo Gạc Ma, Colin năm 1988 từng được xem như là chuyện “nhạy cảm”. Sự thật lịch sử đó dần dần mới công khai, báo chí gần đây đưa tin về các buổi lễ cầu siêu cho những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Colin năm 1988.

Trung Quốc ngày càng công khai tham vọng chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đã khiến cho mỗi người Việt Nam đều thấy đau lòng vì từng thước núi tấc sông của cha ông để lại đang bị chiếm đoạt. Điều đáng lo ngại là cái tham vọng đó đang cố liếm hết cả biển Đông, sát vào bờ biển của Việt Nam. Nếu căn cứ vào cái lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra thì con cá cũng không có để mà ăn, nói chi đến giọt dầu, hàng hải...

Trước những hành động đó của Trung Quốc,  nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Khi tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được công bố, không chỉ người dân trong nước mà người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều rất quan tâm. Ba ngày qua, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhận rất nhiều email của nhiều người từ nhiều nước, trong đó có các bạn trẻ, gửi về giới thiệu các tấm bản đồ mà họ phát hiện được, xin ý kiến tư vấn của ông để liên hệ mua lại các tấm bản đồ đó.

Việt Nam có đầy đủ hồ sơ, tư liệu làm chứng cứ lịch sử và khoa học để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng để giành thắng lợi trong ngoại giao, thương lượng hoặc tranh tụng trước tòa án quốc tế, rất cần có nhiều bằng chứng, chứng cứ để sức thuyết phục cao hơn hoặc thuyết phục tuyệt đối. Chính vì vậy, người Việt ở khắp nơi trên thế giới hãy góp sức bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có việc rất quan trọng, đó là tìm kiếm và cung cấp thêm nhiều tư liệu, bằng chứng như tấm bản đồ mà tiến sĩ Mai Ngọc Hồng vừa hiến tặng cho Bảo tàng  Lịch sử quốc gia.

Lê Chân Nhân

Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-623423/tiep-tuc-tim-kiem-them-bang-chung-chu-quyen.htm

No comments:

Post a Comment