Thursday, January 23, 2014

Mâm cỗ truyền thống của người Việt

* Bài viết này có trong ấn phẩm "Bản sắc ẩm thực Việt Nam" do Đề án Bếp Việt chủ biên, có thể mua bản sách giấy tại các nhà sách và đọc thử 25 trang hoặc mua bản mềm qua mạng sachbaovn.vn.

TTO - Tết thường bắt đầu từ 30 tháng Chạp (ít nhất đến mùng 4, mùng 5) ở một số nơi, người ta ăn Tết vui chơi, hội hè đình đám…kéo dài đến hết tháng Giêng. Thế nhưng, việc chuẩn bị có khi bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp và phải hoàn tất trước buổi trưa ngày 30. Đây cũng là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình.

Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà sắp xếp chuẩn bị mâm cỗ lớn cúng đón rước ông bà vào buổi trưa hoặc buổi chiều 30, và mâm cỗ vào ngày mồng 3 hoặc mồng 4 Tết để tiễn ông bà đi gọi là cúng đưa.

Do điều kiện địa lý, thói quen trong ăn uống, phong tục của từng miền. Nên mỗi miền có mâm cỗ Tết khác nhau.Ở miền Bắc gọi là mâm cỗ, miền Trung gọi là mâm cộ, miền Nam gọi là mâm cơm cúng ông bà.
Mâm cỗ Tết miền Bắc theo đúng bài bản, thường thì 4 bát, 4 dĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 dĩa hoặc 8 bát, 8 dĩa… có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.

Trước khi dâng cúng tổ tiên thì dùng giấy trang kim đậy các bát, dĩa thức ăn lại cho vệ sinh, tinh khiết và đẹp mắt.

Bốn bát, bốn dĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. Bốn dĩa gồm: dĩa thịt gà, dĩa thịt heo, dĩa giò lụa, dĩa chả quế.

Rồi có thể thêm những dĩa như: dĩa thịt đông, dĩa giò thủ, dĩa xào hạnh nhân, dĩa lạp xưởng khô, dĩa trứng muối, dĩa cá kho riềng, dĩa nộm sứa hoặc nộm rau quả…

Bánh Tết ở miền Bắc phổ biến nhất là bánh chưng ăn kèm dưa hành.

Món tráng miệng đặc trưng thì có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, hồng khô, ô mai mơ gừng… Đặc biệt món chè kho có tính giải độc và giả rượu.

Mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết ở miền Nam, luôn luôn có thịt heo kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc kèm dưa giá, canh khổ qua nhồi thịt (khổ qua là mướp đắng, nhưng người Nam bộ muốn chơi chữ đồng âm theo nghĩa Tiếng Việt).

Theo dân gian thì khổ qua là món ăn mong muốn sự khổ cực trong năm cũ qua đi, để tiếp đón điều tốt đẹp trong năm mới.

Các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô - củ kiệu, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, phá lấu, nem, chả.

Miền Nam phổ biến nhất là bánh tét ăn kèm cà rốt, củ cải ngâm nước mắm.

Món tráng miệng: có các loại mứt trái cây như: mứt dừa, mứt me, mứt khoai, mứt ổi, mứt mảng cầu, mứt củ năng, bánh ít ngọt, kẹo thèo lèo và kẹo chuối…

Ngoài ra còn có món tráng miệng rất đặc sắc là cơm rượu.

Mâm cộ Tết miền Trung thì có các món nước như: gà tiềm hạt sen, canh hoa Kim Châm với tôm thịt, giò heo hầm.
Các món mặn như: tôm rim, thịt kho tàu, cuốn ram, thịt hon, gà rán, thịt phay, nem, chả, tré, thịt ngâm nước mắm… Rồi có thêm các món đồ mộc như: măng khô xào thịt, mít trộn, giá xào nham…

Món tráng miệng rất phong phú, có mứt cam quật, mứt sen, mứt gừng như miền Bắc, có mứt me, mứt dừa… như miền Nam. Ngoài ra có thêm mứt củ bình tinh, mứt củ khoai mài, mứt củ sen, mứt chanh, mứt khế. Bánh thì có bánh sen tán,bánh măng, bánh mận, bánh bó mứt, bánh thuẩn, bánh phục linh, bánh nổ, bánh tổ…

Ở miền Trung có cả bánh chưng và bánh tét ăn kèm dưa món.

Mâm cỗ miền Trung trong dân gian thì có cả bánh chưng và bánh tét. Nhưng mâm cỗ tiến cúng ở miếu điện trong cung đình thì chỉ dâng cúng bánh chưng chứ bánh tét thì không dùng làm vật phẩm để dâng cúng tổ tiên.

Khác với mâm sinh soạn để cúng tế trời đất, thần thánh, vua chúa... Như vào những dịp nhà vua tế Trời ở đàn Nam Giao hoặc tế các vị Tiên đế ở Thế miếu… Vật phẩm là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến,lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Hoặc ngoài dân gian khi cúng Đất thì bộ tam sinh là miếng thịt heo, con cua, cái trứng chỉ luộc chín chứ không chế biến.

Còn mâm cơm để cúng ông bà trong 3 ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến, gồm đủ các thành phần: Thượng cầm (các loại gia cầm biết bay) như chim, gà, vịt… Hạ thú (các gia súc trên mặt đất) như: heo, bò, gà... Rồi các loài thủy tộc dưới nước như: tôm, cua, cá… trong dân gian mâm cơm như vậy được gọi là hào soạn.

Trong cung đình mâm cỗ để tiến cúng ở miếu điện gọi là ngọc soạn, gồm các món ăn được chế biến từ các thành phần sơn hào hải vị quý hiếm trong cả nước, được chế biến công phu và trình bày kiểu cách tỉ mỉ.
Các món ăn như là: chim sâm cầm nhồi yến, hải sâm nấu độn, vi cá nấu rối, món nấu bong bóng cá đường, món nấu cửu khổng, gân nai, nem công, chả phượng…

Món tráng miệng có các loại mứt như mứt nhân sâm, mứt bát bửu làm từ các loại mứt quý và thịt heo quay. Mứt cam sành còn nguyên trái, mứt các loại củ quả như bí đao, đu đủ, gừng… gọt tỉa thành hình bát bửu hoặc các con vật trong tứ linh như long, lân, qui, phụng… rim khô.

Bánh ngọt thường là loại bánh khô, làm từ bột ngũ cốc đóng trong khuôn chữ nhật có in hình hoa mai, hoa đào, hoặc chữ phước, lộc, thọ… gói trong giấy ngũ sắc-như mang lời chúc tốt lành đầu năm.

Ngoài ra có loại bánh bắt hình các nhánh lộc, hoa mai, hoa đào, các loại trái cây như trái phật thủ, trái lựu,trái đào, nhân sâm… đem sấy khô được xếp thành hình tháp trên quả bồng sơn son thếp vàng, hoặc bằng sứ men lam để dâng cúng tổ tiên.

Bên cạnh những mâm hào soạn ở ngoài dân gian và ngọc soạn trong chốn cung đình, thì ở miền Trung vào những ngày đầu năm những gia đình theo Phật giáo có mâm cơm chay ngày mồng một gọi là mâm trai soạn để cúng tổ tiên.

Qua mâm cỗ ngày Tết của dân tộc, chúng ta thấy rằng món ăn Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Từ các món dân giả như măng hầm, mít trộn… cho đến các món ăn cao cấp được chế biến bằng nguyên liệu trong nước. Có đủ sơn hào hải vị mà thế giới công nhận quý hiếm, bổ dưỡng như yến sào, bào ngư, vi cá… Đó là những món ăn Việt Nam có từ lâu đời, nhưng rất tiếc suốt một thời gian dài chúng ta xem đó như là một món ăn đặc biệt của người Trung Hoa.

Trong mâm cổ 3 miền truyền thống trước đây, thường không có món thịt bò. Sau này, khoảng đầu thế kỷ 20, khi ảnh hưởng phương Tây tràn vào, thì các món ăn được chế biến từ thịt bò mới được phổ biến. Và trong mâm cỗ Tết ngày nay, bên cạnh những món ăn truyền thống thì có thêm những món ăn mới bổ sung, tiếp thu cách thức chế biến của nhiều nước trên thế giới như món thịt nấu rượu chát, ca ri, ra gu…

Nhìn chung mâm cổ ngày Tết của 3 miền có một vài điểm khác biệt tùy theo địa phương. Nhưng đặc điểm căn bản mà miền nào cũng phải có trong mâm cổ là cơm và xôi, đặc biệt là bánh chưng, bánh tét ăn kèm với các loại dưa muối đặc trưng của từng miền – là loại bánh Tết của người Việt Nam, mặc dù hình thức và ý nghĩa khác nhau, như bánh chưng tượng trưng cho Đất là âm, bánh tét khi cắt lát ra từng khoanh tròn tượng trưng cho Trời là dương nhưng nguyên vật liệu gần như không có gì khác biệt. Đó là đặc điểm chung nhất phản ánh bản sắc văn hóa, lịch sử, địa lý… của một đất nước có nền văn minh lúa nước như chúng ta.

HỒ THỊ HOÀNG ANH


Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/am-thuc/71-mam-co-tet-co-truyen

Sunday, January 19, 2014

Nhớ ngày Hoàng Sa 19 tháng 1

Thắm thoát đã 40 năm rồi. Tôi còn nhớ như in đúng ngày mùng Ba Tết, tôi đang chúc tết ở nhà Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tác giả tác phẩm Tư Tưởng Việt Nam, nguyên Khoa trưởng (Hiệu Trưởng) Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi nghe Đài phát Thanh Sài Gòn đưa tin Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, thú thật tôi thật sự xúc động.

Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại xúc động đến như thế.Bởi một người nghiên cứu lịch sử như tôi đã được rèn luyện tinh thần khách quan khoa học về những biến cố lịch sử mới có thể tiếp cận được sự thật lịch sử. Khi triệu tập một số người trong Ban biên tập thông qua ý kiến chuẩn bị một số Tập San Sử Địa đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa thì cũng đã có người nêu ý kiến rằng Tập San Sử Địa phải giữ tính khách quan khoa học, đừng đưa vấn đề thời sự chính trị vào Tập san nghiên cứu, nhất là lại đưa ra một số báo nói về vấn đề thời sự chính trị như thế. Có người viện dẫn các báo, đài đang hàng ngày nêu lên trang báo tít lớn vấn đến thời sự “hải chiến Hoàng Sa”.

Tôi cũng liên tưởng ngay đến có lần một vị giáo sư dạy tôi về phương pháp sử học, tuy có khen nội dung các số tạp san đã xuất bản song đã phê bình lời lẽ thiếu khách quan trong Lá thư Tòa soạn mà chính tôi đã viết, mang tinh thân dân tộc, tinh thần yêu nước. Tôi nghĩ vị giáo sư khả kính ấy rất có lý, nhất là trong không khí học thuật ở Miền Nam lúc bấy giờ, tính thần “phi chính trị” rất cao, song tôi không trả lời vị giáo sư ấy mà chỉ ậm ừ cho phải phép. Thật sự lúc bấy giờ tôi đã không ”lý luận lý trí” mà chỉ “lý luận con tim”. Con tim có lý của nó, vậy thôi!

Trong buổi họp Ban Biên tập, tôi chỉ lắng nghe và tôi tuyên bố tôi sẽ suy nghĩ để quyết định như các số chủ đề khác, Lúc bấy giờ tôi cũng biết một số người thân thiết với “Mặt Trận” trong đó có nhà biên khảo Đông Tùng, tên thật là Nguyễn Tư Hồng gốc Nghệ An, đã bị bắt đầy ra Côn Đảo; năm 1963 khi Chính quyền TT Ngô Đình Diệm bị đổ, ông mới được thả. Chính ông đã nhiều lần thuyết phục tôi rằng hiện Tập San Sử Địa rất có uy tín về học thuật, các cơ quan nhà nước từ Phủ quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thông Tin… đang nhập cuộc nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa, nếu Tập san ra số chủ đề không ra gì, sẽ mất uy tín. Tôi cũng chỉ ậm ừ, không trả lời, song trong bụng tôi lại thấy tự ái dâng trào, tôi lại quyết làm để xem ai hơn ai. Và con tim tôi đã thắng lý trí, tôi đã âm thầm gửi thư riêng đến các học giả ở trong và ngoài nước. Thật không ngờ chỉ trong ba tháng, nội dung có thể tạm hoàn thành một số đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa.

Song, lý trí của tôi lại buộc tôi suy nghĩ, tôi quyết định không ra ngay số đặc khảo để bị mang tiếng là tham gia vào thời sự chính trị, mà sẽ ấn hành vào dịp kỷ niệm một năm mất Hoàng Sa. Thế là được mọi người tán đồng , nhất là có thêm thời giờ để làm cẩn thận hơn, nhất là về tôi có 4 bài viết trong đó có bài tham gia với tên Hoàng Việt Sơn trong bài Thư mục chú giải của Nhóm các anh Nguyễn Văn Hường, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Nhật Tấn, Trần thế Đức (về chuyên môn phải để là thư tịch mới đúng).

Ngày 20 tháng 1 năm 1975, kỷ niệm 1 năm thất thủ chứ không phải kỷ niệm Chiến thắng ngày 19/1, khi Trung Quốc dùng võ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu giới thiệu GS Trần Văn Quế, đại diện 5 vị Quốc lão chủ tọa (trong đó có Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải) phát biểu khai mạc Triển lãm Sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và ấn hành Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa tại Thư viện Quốc gia, tôi quá xúc động khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như Nhật báo Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin.

Cũng từ đó, không biết bao lần, tôi cứ nghẹn ngào rơi lệ khi có ai nhắc đến ngày 19/01. Ngay ngày 16/08/2012 khi tôi tham gia hội thảo tại Đại Học Harvard về Biển Đông do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vùng Boston mở rộng tổ chức, khi nghe một vị nữ tiến sĩ Việt Nam hỏi các diễn giả về sự kiện Hoàng Sa ngày 19/1, tôi đã xúc động mà trả lời rằng câu hỏi của bạn đã làm nhói trái tim tôi và sau tôi được đọc một bài viết của một bạn trẻ với bài “Một Tiến sĩ sử học đã rơi lệ trên đất nước Mỹ”. Bạn trẻ sinh viên du học ấy cũng nói rất cảm cảm động và tự thấy xấu hổ chưa làm được gì cho Đất nước.

Ngày 21/12/2013 vừa qua khi tôi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa qua Hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang đã được hoàn chỉnh mà chưa có phương tiện phổ biến trên thế giới tại Đại học Melbourne (Úc), ngay khi tôi mở đầu buổi nói chuyện rằng vừa rồi xem đoạn phim về Hải chiến Hoàng Sa do Đài Đồng Nai ở trong nước vừa mới phát, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện kể trong một bàn ăn sau buổi nói chuyện về Hoàng Sa của Hội Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế Biển Tp.HCM tổ chức, một sĩ quan hải quân có thuật lại rằng sau ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, có tổ chức một buổi liên hoan chào mừng “Chiến Thắng Tây Sa”, đã mời Đoàn hải quân VNDCCH lúc đó đang có mặt ở Hải Nam. Đoàn có đánh điện về cấp trên rằng sẽ không tham dự. Cấp trên hỏi sao lại không tham dự thì Đoàn trả lời “Không muốn vỗ tay”. Nhắc đến người Việt Nam bất cứ chính kiến nào cũng như thế, tôi lại nghẹn ngào rơi lệ. Cuối buổi nói chuyện một nữ du học sinh ờ Úc cũng lên phát biểu nhận xét về không khí vừa sôi nổi vừa quá khích gay gắt của một số cử tọa và đã ôm lấy tôi mà khóc.




Và không hiểu tại sao ngay giờ này đây, viết đến đây nước mắt tôi cũng đang dàn dụa nghẹn ngào!

Rôi nghĩ nước mắt nghẹn ngào cho sự kiện ngày 19/01, ngày Hoàng Sa biết đâu sẽ làm cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ sẽ bừng tỉnh rằng suốt thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân của Thời cuộc quốc tế!

Có lẽ lý lẽ con tim của một người công dân Việt Nam như tôi đã được tôi trình bày vào ngày 18/01/2003, khi tôi bảo vệ Luận án tiến sĩ: ”Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa", tôi đã phổ biến một bản văn bản "Thử đặt Vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật”, tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu trên thế giới nhất là những nhà nghiên cứu, giới học thuật ở Trung Quốc cùng chia sẻ với tôi nguyện vọng đi tìm sự thật lịch sử. Tôi cũng kêu gọi giới trẻ Việt Nam học suốt đời, góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chất lượng cao hầu xây dựng cho đất nước một nền kính tế tri thức phát triển trong thế kỷ XXI. Tôi cũng kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước không phân biệt chính kiến, sắc tộc, tôn giáo, địa phương hãy quên và bỏ qua những hận thù trong quá khứ, hãy hướng về tương lai. Kế thừa truyền thống lấy chữ Tâm làm đầu mà năm 1992 khi làm phim Thăng Long Hà Nội Xưa, tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đã khấn trước Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa rằng “xin Đức Vua phù hộ cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự”. Tôi cũng nhắc qua một món nợ khác mà tôi phải trả là đem âm nhạc dân tộc, đem hát thơ vào trường học để gíao dục cho các thế hệ trẻ vừa để giữ hồn dân tộc, tạo lòng tự hào dân tộc, bỏ đi những xấu xí của người Việt Nam để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam hùng cường.


Nhân ngày kỷ niệm 40 năm Trận hải chiến Hoàng Sa 19/01, ngày Hoàng Sa của người Việt Nam bất cứ ở đâu, tôi xin thắp nén hương dâng lên các liệt sĩ đã bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 và cũng xin nhắc lại lời nói không bao giờ quên trong nói chuyện cùng với nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy tại trường Đại học Ngoại Thương tại Hà Nội năm 2011, khi tôi nói bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc thì một nữ sinh viên đã phát biểu rằng “vậy thì bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học



Nguồn: http://www.hannguyennguyennha.com/thu-trong-nha/70-nho-ngay-hoang-sa-19-thang-1

Trường ca biển Đông dậy sóng: Địa lý chính trị biển Đông

 Trích đoạn "Trường ca biển Đông dậy sóng" của tác giả Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ được trình diễn trong đêm hát thơ 19/01/2014 chủ đề "Hịch Biển Đông & Trường ca biển Đông dậy sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế".

ĐỊA LÝ CHÍNH TRỊ BIỂN ĐÔNG
57

Năm châu bốn biển bao la
Sóng cao Đông Hải mái nhà Đông Nam
Thái Bình Dương sấm đại ngàn
Biển Đông Nam Á còn vang chủ quyền

58

Brunei, Phi, Mã một niềm
Việt Nam dân tộc kết liên cứu nàn
Cho dù đảo hải di san
Dương cao chính nghĩa - lòng tham phải lùi!

59

Cho dù "nhược tiểu" giống nòi
Chung lưng "một hạt bụi trời" cũng to
Ba cây chụm lại không lo
Đập tan trứng nước ý đồ xâm lăng

60

Ta dù đang lúc khó khăn
Cũng cho Thế giới rõ phần Thực, Hư!
Ỷ đông xử ép ta ư?
Thì đây Sử Việt viết từ nghìn năm

61

Côn đồ lên giọng "cao nhân"
Chẳng qua mượn gió bẻ măng đắc thời
nhưng nay chuyện đó "xưa rồi"
"Chỉn chu" miệng lưỡi kẻo Đời cười chê!

62

Lưỡi dài co lại mà nghe
xưa nay châu chấu đá xe chuyện thường
ép người ta đến chân tường
coi chừng "tức nước" hết đường tẩu bôn

63

Đã quen mép Dải ngoa ngôn
lại toan lấy thịt cáo chồn đè nhau
manh tâm bá chủ hoàn cầu
mới đi vơ trước quàng sau về mình

64

Xảo ngôn ngụy biện "tài tình"
Lưỡi Bò sao óc thông minh bằng Người?!
lo chi bèo dạt mây trôi
Lưới Trời chẳng sợ Đạo Trời chẳng kiêng

65

Bỗng dưng Lưỡi Kéo thành Thiêng
Cắt phăng cái lưỡi đảo điên cướp ngày
gà què ăn quẩn cối xay
láng giềng "bàn tiệc" xơi ngay, khó gì!

66

Thực đơn là món "Lăng trì"
"Tam ban Triều Điển "chờ khi "đụng vào"
"Trích luân Bất phản" cao trào
"Bất hoàn Phiến Giáp" ngày nào... nhớ chăng?!

67

Thời gian dòng chảy phăng phăng
thế nhưng chân lí khăng khăng chẳng dời
Biển Đông sóng lặng sóng nhồi
đảo San Hô dưới mặt trời đại dương

68

Hải đồ lấp lánh như gương
ai treo giọt móc cành dương đầu nhành
"chứng tri" bao cuộc hải trình
Hoàng Sa quần thể an bình Biển Đông

69

Yết hầu của cả non sông
cũng là huyết mạch trong lòng năm châu
giao thương hàng hải từ lâu
mang tầm chiến lược cũng hầu trọng tâm

70

Nơi hiểm yếu - chốn dừng chân
bao nhiêu dương hạm - bao lần vào ra...
Biên Đông trạm gác hiền hòa
bốn tàu dương, một phải qua nơi này

71

Đại dương đêm nối liền ngày
sóng cồn tiếp với chân mây bốn trời
tuyến đường hàng hải nơi nơi
dừng chân trên nẻo khứ hồi về ngang

72

Quốc kì đa quốc reo vang
lời ca trong gió Cát Vàng gởi theo
nhân ngư hát gọi hồn chiều
mặt trời tắt lửa tịch liêu đang về

73

Đường bay - không phận giao kề
Ngã tư Quốc tế - chim quê liền cành
Hàng không mắc cửi liên hoành
trọng tâm Phi đạo, Hải hành Quốc gia

74

Biển Đông nhịp thở hòa ca
người đi mở đất chưa lòa vầng dương
an nguy - thiên địa vô cương
Người là Hoa Sóng tỏa hương giữa dòng...

75

Yên ba - khói sóng chập chùng
bay theo tiết điệu hòa cung thủy triều
nước trong Bốn bể bừng reo
Biển Đông thức dậy... ráng chiều về soi

76

Hải lưu dòng chảy người ơi
Sát bờ đem cát đắp bồi phù sa
Phì nhiêu ruộng đất của ta
Nhưng làm cạn cảng ngó ra Bắc bờ.

77

Cũng may nhiều cảng Nam bờ,
cửa ra không bị cát bồi cạn đi
Vân Phong là nhất còn gì
cảng sâu đệ nhất vào đi hai đường

78

sâu hơn các cảng bình thường
Phía Tây không có đèo thường đi qua
Cường quốc biển ắt sẽ là
sao ta không cố tìm ra con đường

79

phát huy nội lực hùng cường
mỗi người đề án ta thường làm đi
Làm đi mặc kệ làm chi
Rồi ra sẽ biết những gì thiêng liêng

80

Rồi đây khi ở đất liền
Tài nguyên cạn kiệt thấy miền biển sâu
Biển Đông nào cạn dầu đâu
Trữ lượng xếp hạng hàng đầu Á Châu

81

"Vàng Đen" * trời đất nhiệm mầu
sánh ngang thế giới năm châu kém gì
so cùng Ả Rập Sêu Đi (Arabie Saoudite)
kém thua một chút bởi vì ... "hậu sinh"!

82

Năm xưa chiến cuộc điêu linh
mấy mươi năm tạm ổn bình, triển khai...
tầm cao kĩ thuật ngày mai
sẽ cùng quốc tế vươn vai... khổng lồ

83

Trước tiên là phải ước mơ
Rồi ra ý chí đâu ngờ phải không
Thanh niên ta quyết một lòng
Tự ta tự lực trông mong ai nào

84

Tiên thiên là sức đồng bào
máu xương Lạc Việt anh hào ngàn xưa
Mái nhà Tiên Tổ - xin thưa
Vườn Hoa Thế hệ nắng mưa đại hòa

85

Ta còn đất nước ông bà
với hồn sông núi bao la phụng trì
con tim bất khuất - không quỳ
máu trong huyết quản khác gì lửa sôi

86

Asean một khối chẳng nguôi
tay liền tay nối đất trời bảo sinh
không quên bè bạn tri tình
chí ta ta quyết tranh minh - Tự Cường!

87

"Thắng nhân giả hữu lực" thường
sức mình "Tự thắng giả cường" mới nên
Biển Đông còn sáng tuổi tên
"Tín Nhân Tiến Dũng" là nền đấu tranh

88

Ven bờ hai tám tỉnh thành
Phải làm kinh tế biển tiến nhanh hơn người
Ngư dân đánh bắt xa bờ
Thương thuyền hải đội bao giờ lên ngôi

89

Sinh vật biển đảo ôi thôi
Nhiều khôn tả xiết đến thời thu gom
Nào là vật lạ của ngon
Đồi mồi, đồn đột rùa con khắp vùng

90

Tai voi ốc, sứa biển rong
cá tôm nhiều loại đâu hòng có hơn
ba ba, sam, ghẹ Tri Tôn
"bào ngư chúc sáng" - thổi hồn biển khơi

91

Thêm cua ngũ sắc da trời
từ muôn hải lí sóng nhồi về đây
rừng thời Minh Mệnh còn vây
đảo xanh càng rộn đầu ngày tiếng chim

92

Tôm hùm đỏ mặt trời im
từng đàn mực ống "du thuyền" hải lưu
cá Thu hú lũ chim Cưu
dưới đùa sóng bạc - trên "gừu" trời xanh

93

Cánh buồm tỏa sáng long lanh
Anh hùng biển cả "tung hoành" chu du
Mười lăm ngàn - số đặc thù
đó là diện tích hải đồ Hoàng Sa...

94

Trải dài giữa biển bao la
song song quần đảo đó là miền Trung
vỗ về một dải non sông
bắt từ Quảng Trị, Huế - lòng Thừa thiên

95

Quảng Nam Đà Nẵng nối liền
phần đầu Quảng Ngãi tiếp liên đất nhà
mới hay vạn lí sơn hà
thu vào một dấu son hòa Biển Đông

96

Gío Mùa Nam Bắc hướng Đông
Hoàng Sa hải đảo giữa lòng phong ba
trở thành Tâm Bão vào ra
cánh buồm xứ lạ - Hoàng Sa dạt bờ

97

Những tàu viễn xứ hải hồ
năm xưa Chúa Nguyễn cứu cơ nguy nàn
cấp chu lương thảo hải đoàn
vỗ an bách tính qui ngàn cố hương

98

Trường Sa quần thể trùng dương
bố phòng như cánh rèm buông trải dài
Trung Nam hải phận yên bài
Khánh Hòa Bình Thuận... tới ngoài Cà Mau

99

Thuộc vùng nhiệt đới biển sâu
Ám tiêu dàn trải rực mầu San Hô
Khác Đài Loan với Bành Hồ
Đảo từ granite, ignoeus cấu thành

100

Biển Đông con sóng hiền lành
độ cao ở chuẩn khung thành chín mươi (90m)
Hoàng - Trường Sa ngỡ xa xôi
tới Thềm lục địa cách vời "tầm tay"...

101

Rộng dài diện tích chim bay
mười một cây số cây dầy bao quanh
Trường Sa quần thể xanh xanh
hải dương, thảo mộc như nhành mọc thêm

102

Tấm "Gia huy" của đất liền
miền Trung nước Việt nối thêm cơ đồ
cánh tay thêm bến thêm bờ
bao nhiêu sản vật xưa giờ ở đây

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/69-truong-ca-bien-dong-day-song-dia-ly-chinh-tri-bien-dong

Trường ca biển Đông dậy sóng: Những bằng chứng tư liệu chủ quyền châu bản triều Nguyễn

Trích đoạn "Trường ca biển Đông dậy sóng" của tác giả Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ được trình diễn trong đêm hát thơ 19/01/2014 chủ đề "Hịch Biển Đông & Trường ca biển Đông dậy sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế".

NHỮNG BẰNG CHỨNG TƯ LIỆU CHỦ QUYỀN CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN

122

Nước non đương buổi phân kì
lòng dân xiêu tán chia li trong ngoài
Bắc Nam đôi ngả giêng hai
Đàng Trong Chúa Nguyễn, Đàng Ngoài Trịnh Lê

123

Tây Sơn triều đại thu về
cơ đồ một dải chim quê liền cành
Nguyễn Vương Phúc Ánh bôn hành
con đường tẩu quốc đã đành ra đi

124

Nhưng rồi khí vận suy vi
thế cờ đảo ngược cũng vì... hóa công!
Thời lên như phượng như rồng
bỗng dưng khí đoản mạch hồng... đoạn ngang!

125

Anh hùng mệnh mỏng đa đoan
ngôi cao chưa thỏa... ngai vàng đổi thay
giong buồm Chúa Nguyễn về ngay
giang sơn lại có phen này gồm chung

126

Sau bình định - thống nhất xong
chiếu thiêng lại có bút rồng chuẩn phê
Hòang Sa quần đảo xưa kia
đã thêm Châu Bản duyệt y... tự giờ

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/68-truong-ca-bien-dong-day-song-chau-ban-trieu-nguyen

Trường ca biển Đông dậy sóng: Lịch sử xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa

Trích đoạn "Trường ca biển Đông dậy sóng" của tác giả Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ được trình diễn trong đêm hát thơ 19/01/2014 chủ đề "Hịch Biển Đông & Trường ca biển Đông dậy sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế".

LỊCH SỬ XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TẠI HOÀNG SA & TRƯỜNG SA

103

Theo dòng Lịch sử tên bay
năm trăm năm vẫn như ngày ...đầu tiên
An Nam Đại quốc "dậu phên"
giờ là Nước Việt trái tim giống nòi

104

Thời gian vó ngựa tung trời...
lưỡi gươm Phủ Chúa rực soi bóng vàng
kim âu càng chiếu hào quang
Biển Đông còn tỏa khói Hoàng chưa vơi...

105

Chim trời cá nước reo vui
bước chân Nam tiến đưa người về Đông
con tim nhịp máu Lạc Hồng
từ thời Lê Trịnh góp công đất dày

106

Lập Hoàng sa Đội, đêm ngày...
quản kiêm Bắc Hải Đội - say Cồn Vàng
tháng ba thuyền vội dong sang
quân lương sáu tháng "ăn đàng " nửa năm...

107

Cánh buồm chở gió hùng tâm
ba ngày đêm vượt sóng thần về đông
Hoàng Sa đảo của tiên rồng
gửi theo đôi cánh chờ mong đón người

108

Bông hoa nở dưới mặt trời
bừng lên hương sắc trùng khơi bốn mùa
sóng vàng reo ngọn lô xô
giờ đây là một cơ đồ Việt Nam

109

Không còn than thở bờ hoang
suối khe thao thiết như ngàn đêm xưa
linh hồn dã đảo bơ vơ
đã về nương với gió mưa thuận hòa

110

Đảo hoang giờ dựng mái nhà
vượt lên từ những phong ba đắm chìm
ban mai hòa quyện tiếng chim
là muôn tiết điệu sóng hiền bờ xa

111

Cát vàng cát trổ màu hoa
trái tim mở đất bừng ca dưới trời
bước chân để lại cho đời
còn in trên đá - dấu Người ngàn năm

112

Tàu thuyền vãng thám xa xăm
thủy trình đo đạc đá ngầm (ám tiêu )
hàng trăm đảo nhỏ kề theo
chu vi diện tích trải đều Biển Đông

113

Bảy mươi đinh suất một lòng
thủy quân lực lượng, lính trong Ngãi, Bình
dân phu, hướng dẫn hải trình
cùng đoàn thủy thủ xuất hành ra khơi

114

Tiết xuân lưng lửng gần vơi
tháng ba trời đất còn lơi ánh thiều.
lướt theo ngọn gió - cánh diều
bốn thuyền trên ngọn sóng liều băng băng

115

Mặt trời là ngọn hải đăng
la -bàn phương hướng góp phần trăng sao
ba ngày chưa phỉ khát khao
thêm ba đêm nữa cho trào máu sôi

116

Tấm Bài gỗ - mỗi thuyền mười
cắm vào thành mốc trụ nơi chủ quyền
bãi bờ từ đó thành tên
Hoàng Sa hải đảo - vô biên sức người !..

117

Dựng Bia thay cột chống trời
Từ nay ghi dấu đời đời về sau
cháu con lộc phúc dài lâu
đất lành khai phá công đầu tiền nhân

118

Trồng cây xanh tốt quanh năm
tạo thêm lá phổi cho hồng đảo thiêng
lực ngăn giông bão tự nhiên
bốn mùa hoa trái thành Tiên non Bồng

119

Giếng đào cho ngọt mạch Rồng
Đảo thêm linh nhiệm nhờ công nhang đèn
dựng xây Miếu-võ lưu truyền
ơn vua nợ nước chư thiên thủy thần

120

Trời lên năm sắc phù vân
như hoa thêu dệt như trầm xông hương
cánh cò như hạc chầu phương
quan san viễn cách ngàn sương thủy triều

121

Vẩn vơ vơ vẩn hồn chiều
liềm trăng xuống bãi lửa tiều khơi vơi
Bái thiên địa Bái trùng khơi
bảo an thân mệnh-bày tôi phụng trì !

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/67-truong-ca-bien-dong-day-song-lich-su-xac-lap-chu-quyen

Trường ca biển Đông dậy sóng: Mở đầu

Trích đoạn "Trường ca biển Đông dậy sóng" của tác giả Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ được trình diễn trong đêm hát thơ 19/01/2014 chủ đề "Hịch Biển Đông & Trường ca biển Đông dậy sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế".

MỞ ĐẦU

1

Em ơi em nhớ anh không
xa em anh vẫn trông mong ngày về
ngày về quyết giữ lời thề
lời thề kể chuyện nói về Hoàng Sa

2

Hoàng Sa cùng với Trường Sa
trước đây là một bây giờ là hai
gấm thêu biển rộng đất dài
ngàn năm hoa dệt hương bay lạ thường

3

Trời xanh xanh tự thiên đường
xa trông ngàn cánh hạc vương về chầu
mây hồng mây tía đan nhau
như bông ngũ sắc ánh mầu thời gian

4

Cát vàng trải đến thiên nhan
lưng lưng ngọn biếc khói hoàng chưa vơi
chiêm bao nhớ cảnh nhớ người
thiên di chỉ lũ chim trời về thăm

5

Dã tràng se cát quanh năm
người đâu chưa tới hỏi lòng cồn hoang
rêu xanh hồn đá chưa tan
sóng lô xô ngọn triều loang nhớ người

6

Mặc cho dâu bể chuyển dời
chẳng qua thương hải bãi bồi lắm khi
thủy triều vẫn đến rồi đi
trái tim nhịp thở xanh rì trùng dương

7

Ban mai hoa muối dâng hương
hải âu cánh lợp soi gương mặt trời
"quần tiên" về tụ đây rồi
hỏi đâu hỡi dấu chân người cổ nhân

8

Từ thời khuyết sử vô thân
trời cao linh dị định phần "Nam Bang"
đảo thiêng vạn lí dọc ngang
song song kề cận "Việt Nam" hải đồ

9

Sóng ru Đông hải ôm bờ
sóng sôi con nước hoang sơ thủy triều
từng đàn cò trắng liêu xiêu
rải "châu ngọc" xám buổi chiều triều âm

10

Cầm dương dương liễu xa xăm
đàn trăng rung khúc nguyệt cầm ngàn xưa
biết đâu giông tố đợi chờ
biết đâu tĩnh hải mịt mờ ngày sau

11

Mồ hôi đá dựng ngàn thâu
cuồng phong vùi sóng bạc đầu đảo xanh
thời gian mặc sức xây thành
cho dù dâu bể tung hoành quản chi

12

Đảo mang mạch sống huyền vi
viết nên trang sử thần kì ngày mai
trở thành đất nước tương lai
cánh tay Đại Việt nối dài lửa thiêng

13

Trùng dương có lúc dịu hiền
tấm lòng Từ mẫu uyên nguyên muôn đời
nuôi con nguồn sữa tuyệt vời
bao dung hào phóng vòng nôi cội nguồn

14

Nuôi cho thân xác linh hồn
bao nhiêu sản vật tử tôn con người
rừng vàng biển bạc xanh tươi
chắt từ máu thịt đất trời bảo sinh

15

Có bàn tay Việt thêm linh
Mẹ trùng dương ấm thêm tình nước non
Cát vàng thắm lại màu son
ngàn năm hải đảo lòng con đắp bồi

16

Kể từ sợi khói lên trời
đảo hoang chào đón chân người dân Nam
đâu còn cái buổi hồng hoang
trùng dương sóng bạc Rồng Vàng ẩn thân

17

Uốn mình trong nắng mùa xuân
khí thiêng sông núi nhập thần Rồng thiêng
dương vây mọc cánh bay lên
những khi Đông hải nổi chìm phong ba

18

Ngày đêm tắm ánh Đại Hòa
hào quang Lạc Việt hằng sa đất trời
thời gian biến dịch đổi dời
trong tim máu cuộn giống nòi Lạc Long

19

Mồ hôi tưới biếc non sông
bao thiên niên kỉ viết hồng chí trai
trường sinh mạch chảy đêm ngày
đảo thiêng châu ngọc chung tay giữ nền

20

Dù cho sấm sét vang rền
càng thêm gian khổ càng nên cơ đồ
Biển Đông càng lắm âu lo
sức bền chí cả chấp trò bể dâu

21

Vẫn cùng bốn biển năm châu
cất lên tiếng hát nhiệm màu trùng dương
phải chăng hiểu lẽ vô thường
gió mưa là lính biên cương giữ thành

22

Sinh tồn đá dựng trời lành
san hô hổ phách đâm nhành gươm đao
một mình đêm với ngàn sao
tám phương gió thổi phương nào đảo trôi

23

Hỏi bao quần đảo không thôi
Cát vàng nét mặt chưa nguôi nỗi niềm
bờ Tây bồi bãi chưa phiền
bờ Đông cát lở có liềm trăng treo

24

Hỏi bao quần đảo hoang liêu
Hoàng Sa Song Tử trong chiều Trường Sa
bao giờ ngọn khói thành hoa
là Dân Việt dựng mái nhà đầu tiên

25

Hiệp thương hải đảo đất liền
chiếc cầu bắc nhịp trợ duyên con người
tồn sinh gió thốc mưa rơi
bền sâu sức Việt dưới trời Nam phương

26

Trái tim hải đảo soi gương
lòng trung theo ngọn triều cường về Nam
Biển Đông còn chiếu hào quang
ánh lên sắc trắng chói chang đầu ngày

27

Trời cao chân lí hiện bày
"Anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân" *
sẵn lòng vì nước quên thân
mai sau phương vị, bảo trân sẵn chờ

28

Vô danh chiến sĩ bao giờ
góp thiêng sông núi cơ đồ ngàn xưa
tấc lòng cố quốc xin thưua
nén hương cáo tế cũng vừa hiển linh

29

Đời đời xương máu hi sinh
để non sông trọn vóc hình mai sau
để xanh thêm đất nhiệm màu
để tươi ngọn sóng bạc đầu càng tươi

30

Đất trời như thể sinh sôi
đảo thiêng còn mãi thét lời tử sinh
đất bằng vẫy cánh tay linh
trùng dương tiếp sức bình sinh đợi Người

31

Một hôm giông bão sập trời
đảo hoang cháy nén hương tươi cửu trùng
một đoàn cưỡi sóng binh nhung
giáo gươm ấn tín thư hùng thả neo

32

Trăng còn đầu bãi trăng treo
ngoài kia con sóng hiểm nghèo vừa thôi
Người về hay đảo đang trôi
trái tim chói lửa chân trời còn thiêng

33

Sức Người chế phục thiên nhiên
đảo lân tinh lóe trong đêm mịt mùng
ngọn buồm neo bãi San hồng
máu ai hổ phách vang trong đất dày

34

Hỡi hồn Lính thú về đây
biễn xanh nấm mộ hội ngày trùng dương
ra đi cho biết tình thương
con tim Đông hải cội nguồn về soi

35

Định tên bờ bãi xong rồi
tế cờ cắm cột ngược xuôi tứ bề
chim trời vừa độ thiên di
quanh ta gió thổi ước gì ngày mai...

36

Lòng tin khi đã phôi thai
thành duy ý chí gươm mài canh thâu
trải qua binh lửa cơ cầu
thời gian gọt sắc nhiệm màu sức dân

37

Lòng người trải lắm thu xuân
gốc sâu bền rễ rạch phân giống nòi
biển dâu triều đại chuyển dời
bảo toàn cương thổ vững lời tổ tông

38

Tấc lòng trải thắm non sông
biên thùy lãnh hải nghìn trùng chim bay
mây đan không phận cao dầy
tấc gang địa giới cũng xây cơ đồ

39

Ngàn năm hồ hải chưa mờ
không lo giữ nước - nấm mồ đợi ai !
Biển Đông Gánh Ngọc trên vai
cũng là Chén Thánh trong ngày trường linh

40

Ngoại nhân - cái Khát nguyên sinh
túi tham không đáy - vô minh trí ,lòng
chẳng là con Lạc cháu Hồng
cũng đem Khẩu Thiệt Cáo dòng ... "Si Nhân"!

41

Theo dòng lịch sử qua phân
là đây nghịch lí "chứng nhân" THẾ CỜ
biển sông BỒI LỞ BÃI BỜ
có đau thương đó thời cơ song hành

42

Như thời Trịnh Nguyễn phân tranh...
Trong Nam ngoài Bắc tan tành chia ly
mở mang bờ cõi thần kỳ
Ấy là cái được ước gì nào hơn!

43

Nay thù Trịnh Nguyễn đâu còn
Phú Yên trấn thủ ngựa tròn vó câu
chinh y lớp lớp thay màu
hàng hàng giáo nhọn gồm thâu cõi ngoài

44

Sông trăng rửa kiếm non Đoài
chí trai lưng ngựa chưa phai ác tà
mặt trời dõi bước theo ta
mặc cho thỏ lặn đất nhà vẫn sôi!

45

Thời qua vận nước chia đôi
Chiến tranh thù hận ngút trời thương đau
Tưởng như Việt mãi âu sầu
Ai ngờ những tưởng chẳng cầu chẳng mơ

46

Chiến tranh oan khốc vô bờ
lại là sức đẩy Lên Cơ giống nòi
Phép xưa Nghịch - Hợp lẽ đời
bên kia cát lở bên tôi tim hồng

47

Phận người tan - hợp núi sông
con tim máu chảy chia dòng trường giang
Năm Châu tỏa nhánh sông ngang
Lại hơn bốn triệu người Nam chống chèo...

48

Đi ra khỏi nước cứu nghèo
cũng thành men dậy tình yêu nước nhà
ba đào còn động can qua
Người Việt hội nhập thì ra khó gì

49

Khối người hải ngoại cần chi
Là nguồn nhân lực thần kì Việt Nam
Vượt qua thử thách gian nan
Biển Đông nổi sóng lại càng thời cơ

50

Càng nguy khốn thoát nguy cơ
Chất men yêu nước không ngờ sục sôi
Dựng xây nội lực từng người
Biết đâu sẽ giúp Việt thời tiến lên

51

Đại hòa dân tộc bình yên!
Giấc mơ cường quốc Rồng Tiên sẽ thành
cùng Kinh tế Biển vang danh
Đau thương - Sức mạnh Đại thành Việt Nam

52

Thủy triều xóa vết lầm than
gió càng thêm mạnh diều càng cao bay
Biển Đông - Mạch Đức sâu dầy
sẽ cùng Thế giới góp tay phi thường !

53

Biển Đông xưa gọi Việt Dương
Giao Chỉ Dương, Bắc Phương thường gọi tên
Bởi Hán Tộc chỉ nước Phiên
Nam Man phên dậu có tên Việt Thường

54

Việt Dương - Đông Hải, như dường...
Chỉ là qui ước gọi thường vậy thôi
Biển xanh Ấn Độ dương ơi
Ai người Ấn nhận "chao ôi! của mình..."

55

Vậy mà Trung Quốc thực tình?
China South Biển của mình đấy thôi
Thanh niên Trung Quốc - chao ôi!
"Thành chân lộng giả" hăm đòi nước ta

56

Tội là đế quốc xưa xa
Đã từng xử ép của Ta... thành Người!
Cho nên Tầu "kế tục" rồi
Đâu là sự thật ta thời nói ra!

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/66-truong-ca-bien-dong-day-song-mo-dau

Saturday, January 18, 2014

Hịch biển Đông

Nội dung "Hịch biển đông" của tác giả Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ được trình diễn trong đêm hát thơ 19/01/2014 chủ đề: "Hịch Biển Đông & Trường Ca Biển Đông Dậy Sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế"

"Gươm súng treo đầu ngọn sóng.

Đông Hải sục sôi...

Dân Nam sẽ thay Trời hành Đạo

Vì câu Đại Nghĩa Chí Nhân.

Sấm chuyển ngang mày...

Quyết ra tay lèo lái với cuồng phong..."


1

Hỡi Dân Việt hướng Biển Đông
Cùng ASEAN quyết một lòng như Ta
Xứng danh Nam Quốc Sơn Hà
Biển Đông bão chuyển mồ ma nghịch thù

2

Ta nghe tiếng gọi Thiên thư
Khiến ta sôi máu khư khư lời thề
Nước non non nước ngủ mê
Hãy bừng tỉnh dậy xây quê hương mình


3

Làm sao cho biết sự tình
Đâu còn đồng chí như mình tưởng đâu
Thù nhà thù nước từ lâu
Từ năm bẩy chín biết đâu là thù

4

Hội nghị ngày ấy Thành Đô
Người ta lầm tưởng đã mua nước mình
Tưởng ta chịu ép thật tình
Thành khu tự trị, nước mình còn đâu

5

Người Nam ta hãy cùng nhau
Đại Hòa Dân Tộc bỏ đau hận thù
Được như thế sáng suốt ư
Tầm nhìn xa rộng quyết từ ngày mai

6

Rồng thiêng khi đã vươn vai
Trời cao biển rộng sông dài... Hề chi !
Dương vây Đông Hải .. xá gì
Lòng tham giặc cướp Tiểu nhi lắm trò

7

Tép tôm an phận ao hồ
Đừng ra Biển lớn quanh co đắm chìm
Mệnh Trời thấu tỏ cơ duyên
Làm sao xâm lược đảo điên đắc thời!

8

Người đông của cũng dư rồi
Túi tham không đáy hỏi Trời nào dung
Tội vì quen thói tàn hung
Thuồng luồng mà cứ tưởng chừng kình nghê

9

Biển Đông đã sẵn lời thề
Trời cao dăng lưới cá trê chui đầu
Đã vào miệng vực thâm sâu
Đường ra khó thóat khỏi chầu Diêm Vương

10

Đừng quen gieo rắc tai ương
Ngàn năm đô hộ máu xương đã nhiều
Nợ dầy biết trả bao nhiêu
Đừng vây thêm máu, chớ liều! một khi...

11

Nếu còn nhất điểm lương tri
Hãy quay về với đường đi ban đầu
Ghi lòng ngôn trọng Khổng Khâu
"Kỉ Sở Bất Dục.." chắc hầu gì quên?

12

Biển Đông còn khắc tuổi tên
Cát Vàng, Song Tử một nền đấu tranh
Bảo an cương thổ lũy thành
Phải đâu hoang đảo mà tranh chủ quyền

13

Ba trăm năm cũ lưu truyền
Lễ Khao Lề vọng chẳng hiềm bão giông
Máu xương đã thắm non sông
Hiếu trung với nước đã hồng lòng son

14

Sự đời dù bé cỏn con
Ở sao phải đạo “Vuông Tròn” mới hay
Nhớ câu "Hàm huyết ..." xưa nay
"Tiên ô tự khẩu..." người hay dạy người

15

Muốn yên con cháu đời đời
Có ngày mở mặt có thời vẻ vang
Phải nên học cách Dân Nam
Giữ câu Âm Đức kẻo hàng lệ rơi

16

Người người đi ngược đi xuôi
Vẫn không ra khỏi Luật Trời biển dâu
Cho dù hưng thịnh đến đâu
Cũng không tránh khỏi ngày sau lụi tàn

17

Sống cho tử tế đàng hoàng
Bằng không thì cũng lầm than tiêu đời
Nhớ đừng diễu võ dương oai
Tay chân thượng hạ mép dài ngoa ngôn

18

"Đạo huyền vi tựa Thái sơn" *
Cớ sao để thẹn linh hồn cổ nhân
"Bách Gia Chư Tử" tinh thần
Mà nay mang tiếng ngoại xâm, ích gì!

19

Hỏa phong đã nhập can tì
Lửa gian thiêu đốt tham si ngút ngàn
"Hành tương tựu mộc (tác) nhân nan" **
Nhất thời "lưu xú" "uế" ngàn năm sau

20

Vạn sinh thế giới cùng đau
Thế nên đâu để cơ cầu nảy sinh
Vẫn còn pháp trị nghiêm minh
Kiến trong miệng chén miệng bình chẳng lo?!

21

Nước non với bản dư đồ (ai cũng cơ đồ)
Quê hương trách nhiệm chung lo mọi người
Biển Đông còn có đất trời
Không lo quốc nạn có hồi oan gia!

22

Ta nghe Tiếng vọng Sơn hà
"Tầm nhìn xa rộng, âm tà tiêu vong"
Hoàng Sa nào có thay lòng
Nén hương Cố Quốc hoài trông ngày về

23

Thâu đêm quyên dục sang hè
Phải chăng Hồn Nước lê thê gọi hồn
Tiếng đâu sầm sập mưa nguồn
Trái tim không ngủ như còn thở than

24

Hãy bừng tỉnh hỡi Dân Nam
Đồng minh Đồng chí Bạn vàng, liệu thôi!
Xin đừng ảo tưởng xa xôi
Chỉ vì lợi ích một thời... rồi qua!

25

Răng Môi những tưởng thiết tha
Khi không cần nữa chuyển ra oán thù
Đồng minh lợi ích thế cờ
Tướng xe sĩ tốt thí... giờ bỏ rơi...

26

Thế gian hỡi thế gian ơi
Sao không thấy được cõi đời thủy chung
Thôi đừng hoang tưởng viển vông
Hãy bừng tỉnh lại mới hòng đổi thay

27

Hãy xây đất nước hôm nay
Trở thành cường quốc cho ngày xưa qua
Để không hổ thẹn ông cha
Nỗi đau thuộc quốc chỉ là mây tan

28

Biển Đông sóng vỗ ầm vang
Ta nghe Đông Hải xanh ngàn bể dâu
Không cho xử ép - ngẩng đầu
Thành Cường Quốc Biển trước sau Chủ Quyền

29

Sao cho biển đảo đất liền
Ngàn năm còn dấu Rồng Thiêng trở mình
Ngày mai chào đón Bình Minh
Toàn Dân Việt trọn thắm tình Non Sông

30

Hỡi dân Việt hãy đồng lòng
Cùng nhau xây dựng non sông phú cường
Bỏ qua thù hận lẽ thường
Một dàn bầu bí phải thương nhau cùng

Nuremberg 15/8/2013 – Praha 19/8/2013
Mai Trinh - Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

* Niềm hãnh diện của Trung nguyên nơi phát sinh ra những học thuyết của Lão Tử, Khổng Tử mà các Ngài nâng lên thành Đạo bao trùm tất cả
** Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi mới biết làm Người là một việc khó


 Nguồn: http://www.hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/65-hich-bien-dong

Thursday, January 16, 2014

Điếu văn: Khóc giáo sư Nguyễn Chung Tú

Toàn văn bài điếu văn do của Tiến sĩ Sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đọc trong đám tang GS.TSKH. Nguyễn Chung Tú ngày 15/01/2014.

GS Nguyễn Chung Tú kính mến,

Nhớ GS xưa sống hết mình, hiền hòa qua bao thời đại lịch sử thăng trầm, luôn được người đời, mọi chính quyền quý trọng, là tấm gương sáng cho đời về học và dạy học, tấm gương sáng về một người thầy của thế kỷ XX.

Năm 1946, mới 24 tuổi, GS đã đậu cử nhân Toán lý Hóa tại Đại Học Hà Nội; hai năm sau, năm 1948, GS lấy bằng cử nhân Vật lý tại trường đại học danh tiếng Sorbonne ở Paris. Mười hai năm sau, năm 1960, GS lấy bằng Tiến sĩ Quốc gia tại Đại Học Rennes (Pháp) hạng tối danh dự.

Với tài học như vậy, GS vẫn quyết về quê hương, đóng góp nhiều công sức xây dựng Khoa vật lý cũng như trường Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn, sau là trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, đào tạo biết bao thế hệ học trò thành đạt  về khoa học tự nhiên, về vật lý…

Với kinh nghiệm chuyền môn về  giảng dạy và quản lý mà GS từng làm Trưởng Ban Vật lý rồi phó khoa, khoa trưởng tức hiệu trưởng trường Đại học Khoa học (1965-1973), để lại cho đời hơn 30 đầu sách và nhiều bài viết trên báo, tạp chí. Sau khi về hưu, GS còn tham gia sáng lập trường Đại học Tư thục Hùng Vương.

Tôi còn nhớ như in khi nhà nước Ban hành Quy chế chính thức đại học tư thục năm 1993, ba chúng tôi là GS Ngô Gia Hy, Võ sư Trần Huy Phong và tôi kết nghĩa “Vườn đào” quyết tâm thành lập một trường đại học tư mà trước năm 1975 chúng tôi đã có dự án thành lập đại học tư còn đang dang dở, ba chúng tôi đã nhất trí mời GS  là một trong người đầu tiên trong 9 người tham gia sáng lập mà Công ty  CP Tin học Lạc Việt là tổ chức bảo trợ xin thành lập Trường.

Với uy tín rất lớn và kinh nghiệm chuyên môn cao, quản lý trường đại học, GS đã nhận chức Hiệu phó thứ nhất lo về đào tạo, đã đóng góp lớn lao về chất lượng đầu vào và đầu ra nhất là những khóa đầu tiên của Trường vào trường nắm 1995, 1996, 1997, 1998, 1999…

Chỉ tiếc rằng việc đào tạo theo tôn chỉ bất vụ lợi mà chỉ duy nhất là Trường Đại học Hùng Vương, những người sáng lập trong đó có GS quyết tâm không cổ phần hóa, thương mại hóa như một công ty, nhất định không chia lời, không hoàn vốn đóng góp ban đầu, nhất định lấy chất lượng làm đầu, lại không còn tiếp tục như thưở ban đầu, trong đó có GS và chúng tôi không thể tiếp tục tham gia.

Bác Tú ơi, Bác mất đi, gia đình mất đi người cha, người ông nhân hậu; bạn bè mất đi người bạn hiền khả kính; những người thân, những học trò mất đi một vị trưởng thượng, người thầy uy tín, đáng phục, chân tình; xã hội mất đi một nhà sư phạm có tầm nhìn xa trông rộng.

Trong giờ phút âm dương đôi ngả, xin được khóc Bác, cầu chúc hương hồn Bác sớm tiêu diêu miền cực lạc, xin chân thành chia buồn cùng tang quyến.

 Vĩnh biệt Bác,

 Ô hô thượng hưởng

Thay mặt các thành viên sáng lập

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

(Nguyên Ủy viên thường trực Hội đồng Sáng lập trường, đại diện Thành phần Sáng lập trường trong Hội đồng Quản trị Nhiệm kỳ 2 của Trường Đại học Hùng Vương)

 Nguồn: http://www.hannguyennguyennha.com/giao-duc/64-dieu-van-khoc-giao-su-nguyen-chung-tu

Sunday, January 12, 2014

Chương trình hát thơ và giao lưu âm nhạc cổ truyền 2014

Từ ngày 16 - 21 tháng 01 năm 2014 trong khuôn khổ Hội chợ mua sắm cuối năm tại Nhà thi đấu Phú Thọ sẽ diễn ra chương trình Hát thơ, do nhóm Nghệ sĩ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt do TS. Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm thể hiện. Mỗi đêm sẽ có chủ đề khác nhau và ưu tiên cho những ai yêu thích hát thơ ẩm thực và âm nhạc truyền thống đến giao lưu trong khuôn khổ chương trình.

Đây là chương trình thường niên được tổ chức, do TS. Nguyễn Nhã - Trưởng nhóm Nghệ sĩ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt, Chủ nhiệm Đề án Bếp Việt phụ trách. Chương trình diễn vào lúc 19 giờ đến 21 giờ, với các chủ đề:

- Thứ Năm (16/01/2014): Trường ca giáo dục gia đình 1 (Bé ơi) & Vinh danh ẩm thực Việt
- Thứ Sáu (17/01/2014): Trường ca giáo dục gia đình 2 (Khi con khôn lớn) & Vinh danh ẩm thực Huế
- Thứ Bảy (18/01/2014): Trường ca giáo dục gia đình 3 (Mười đặc điểm của người Việt Nam) & Vinh danh các món ăn Nam bộ
- Chủ Nhật (19/01/2014): Hịch Biển Đông & Trường Ca Biển Đông Dậy Sóng & Vinh danh Phở & Bún bò Huế
- Thứ Hai (20/01/2014): Kinh Quốc đạo & Vinh danh các món chả Việt Nam
- Thứ Ba (21/01/2014): Ca trù Quốc đạo, Hát thơ Quốc đạo & Vinh danh ẩm thực Việt Nam

(lời bài hát sẽ được phát trong các buổi sinh hoạt và đăng tải trên các trang mạng http://hannguyennguyennha.blogspot.com/ và http://www.hannguyennguyennha.com/)

Bên cạnh những bài hát quen thuộc như Mời trầu, Người ở đừng về… người nghe còn có dịp thưởng thức những giai điệu mới mẻ do TS. Nguyễn Nhã sáng tác theo từng chủ đề của đêm diễn. Xen giữa chương trình là phần giao lưu giữa nghệ sĩ và những người yêu âm nhạc truyền thống dân tộc. Thông qua chương trình nhóm Nghệ sĩ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt muốn thổi hồn vào âm nhạc truyền thống, và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ những nét đẹp một thời của cha anh.

Qua những lần biểu diễn trước, số lượng khán giả tham gia cũng tăng lên theo từng đêm… Nhiều khán giả bùi ngùi khi nghe lại những giai điệu mượt mà của quê hương, họ cảm thấy như tìm lại được những kỉ niệm với quê hương, xứ sở.

Và đây cũng là một việc làm thiết thực để “Giữ hồn dân tộc” của TS. Nguyễn Nhã.

Để biết thêm thông tin chi tiết, quý khách vui lòng liên hệ:
Câu lạc bộ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt
Ban Quản lý Đề án Bếp Việt
Số 191/1D Trần Kế Xương, P.7, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
ĐT: 38431913. E-mail: bepviet2009@gmail.com

---

* Đăng ký giao lưu:

Những cá nhân, tập thể yêu thích hát thơ và âm nhạc truyền thống (các làn điệu dân ca các miền, không hạn chế) có thể đăng ký tham gia giao lưu cùng các nghệ sĩ và khán giả. Hạn chót đăng ký: 24 giờ trước mỗi đêm diễn. Chi tiết liên hệ: 0902 848 163 (Nemo) hoặc theo địa chỉ hannguyennguyennha@gmail.com.

Điều kiện đăng ký: nếu muốn đi chương trình một ngày bất kỳ thì chậm nhất là 24 giờ trước đó phải xác nhận chính thức, sau đó sẽ không giải quyết vé nữa. Xin xem chủ đề từng đêm diễn ở trên.

---

* Đóng góp tài chính cho Quỹ Văn hóa Giáo dục “Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Foundation” cùng tiếp bước "giữ hồn dân tộc" với TS. Nguyễn Nhã .

- Trực tiếp tại quầy cô hàng nước (mời uống miễn phí, song mọi người có thể góp vào thùng gây quỹ chuẩn bị sẵn và có lưu sổ vàng)

- Hoặc liên hệ:

Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Hộp thư: hannguyen1940@yahoo.com; hannguyennguyennha@gmail.com
http://www.hannguyennguyennha.com/

Nguồn: http://hannguyennguyennha.com/ca-tru-hat-tho/63-hat-tho-phu-tho-2014