GS Nguyễn Chung Tú kính mến,
Nhớ GS xưa sống hết mình, hiền hòa qua bao thời đại lịch sử thăng trầm, luôn được người đời, mọi chính quyền quý trọng, là tấm gương sáng cho đời về học và dạy học, tấm gương sáng về một người thầy của thế kỷ XX.
Năm 1946, mới 24 tuổi, GS đã đậu cử nhân Toán lý Hóa tại Đại Học Hà Nội; hai năm sau, năm 1948, GS lấy bằng cử nhân Vật lý tại trường đại học danh tiếng Sorbonne ở Paris. Mười hai năm sau, năm 1960, GS lấy bằng Tiến sĩ Quốc gia tại Đại Học Rennes (Pháp) hạng tối danh dự.
Với tài học như vậy, GS vẫn quyết về quê hương, đóng góp nhiều công sức xây dựng Khoa vật lý cũng như trường Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn, sau là trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, đào tạo biết bao thế hệ học trò thành đạt về khoa học tự nhiên, về vật lý…
Với kinh nghiệm chuyền môn về giảng dạy và quản lý mà GS từng làm Trưởng Ban Vật lý rồi phó khoa, khoa trưởng tức hiệu trưởng trường Đại học Khoa học (1965-1973), để lại cho đời hơn 30 đầu sách và nhiều bài viết trên báo, tạp chí. Sau khi về hưu, GS còn tham gia sáng lập trường Đại học Tư thục Hùng Vương.
Tôi còn nhớ như in khi nhà nước Ban hành Quy chế chính thức đại học tư thục năm 1993, ba chúng tôi là GS Ngô Gia Hy, Võ sư Trần Huy Phong và tôi kết nghĩa “Vườn đào” quyết tâm thành lập một trường đại học tư mà trước năm 1975 chúng tôi đã có dự án thành lập đại học tư còn đang dang dở, ba chúng tôi đã nhất trí mời GS là một trong người đầu tiên trong 9 người tham gia sáng lập mà Công ty CP Tin học Lạc Việt là tổ chức bảo trợ xin thành lập Trường.
Với uy tín rất lớn và kinh nghiệm chuyên môn cao, quản lý trường đại học, GS đã nhận chức Hiệu phó thứ nhất lo về đào tạo, đã đóng góp lớn lao về chất lượng đầu vào và đầu ra nhất là những khóa đầu tiên của Trường vào trường nắm 1995, 1996, 1997, 1998, 1999…
Chỉ tiếc rằng việc đào tạo theo tôn chỉ bất vụ lợi mà chỉ duy nhất là Trường Đại học Hùng Vương, những người sáng lập trong đó có GS quyết tâm không cổ phần hóa, thương mại hóa như một công ty, nhất định không chia lời, không hoàn vốn đóng góp ban đầu, nhất định lấy chất lượng làm đầu, lại không còn tiếp tục như thưở ban đầu, trong đó có GS và chúng tôi không thể tiếp tục tham gia.
Bác Tú ơi, Bác mất đi, gia đình mất đi người cha, người ông nhân hậu; bạn bè mất đi người bạn hiền khả kính; những người thân, những học trò mất đi một vị trưởng thượng, người thầy uy tín, đáng phục, chân tình; xã hội mất đi một nhà sư phạm có tầm nhìn xa trông rộng.
Trong giờ phút âm dương đôi ngả, xin được khóc Bác, cầu chúc hương hồn Bác sớm tiêu diêu miền cực lạc, xin chân thành chia buồn cùng tang quyến.
Vĩnh biệt Bác,
Ô hô thượng hưởng
Thay mặt các thành viên sáng lập
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học
(Nguyên Ủy viên thường trực Hội đồng Sáng lập trường, đại diện Thành phần Sáng lập trường trong Hội đồng Quản trị Nhiệm kỳ 2 của Trường Đại học Hùng Vương)
No comments:
Post a Comment