Các chiến sĩ hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa. Ảnh: GIANG HUY
Hoàng Sa, Trường Sa là chất men yêu nước, bởi có biết bao nhiêu người Việt thân yêu của chúng ta đã ngã xuống vì tổ quốc, vì bảo vệ một phần lãnh thổ của đất nước! Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ đất nước ấy thì tổ quốc phải ghi công và gia đình họ phải được Nhà nước và nhân dân quan tâm đến.
Sau bốn mươi năm lịch sử, Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và sau đó năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đá, bãi cạn ở Trường Sa, tôi đã bỏ hết công sức mình đi tìm hiểu đâu là sự thật về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Song học lịch sử Việt Nam, chúng ta đều thấy không nghi ngờ gì nữa về lòng yêu nước của người Việt Nam qua các thời đại, nếu cần, người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Hơn 4 năm nay, năm nào tôi cũng đi các nước để nói về sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cùng những nguy cơ có thể nảy sinh. Tại các cuộc tiếp xúc, tôi cũng đã tiếp nhận và suy nghĩ nhiều về hai chữ “Đại hòa” cho dân tộc.
Bởi theo tôi, chỉ có “Đại hòa” từ chất men yêu nước mới có thể xây dựng nội lực hùng cường, mới không còn bị xử ép ở biển Đông, cũng như thoát khỏi các nguy cơ luôn rình rập.
Khát vọng “Đại hòa” không chỉ đối với người Việt trong nước, mà cũng là mối quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong một buổi tôi tham gia nói chuyện về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường Đại học Melbourne, ban tổ chức cho chiếu lại phim cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 do Đài Truyền hình Đồng Nai phát sóng từ những năm trước đây. Xem xong, nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Australia có thái độ rất thiện chí và có suy nghĩ về sự “Đại hòa” mà tôi đề cập.
“Đại hòa” là nền tảng để xây dựng nội lực hùng cường.
Làm việc này là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Vì thế, giới trẻ nên có kỹ năng sống và yêu nước như thanh niên Nhật và kỹ năng sáng tạo như thanh niên Do Thái. Hãy đừng vì lợi ích riêng tư mà làm hại đến đất nước hay khiến cho đất nước kém phát triển, tụt hậu.
Chúng ta vẫn có niềm tin vào thế hệ trẻ về lòng yêu nước của họ. Trong những lần giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường Đại học Harvard hay tại Trường Đại học Melbourne (Australia), tôi cảm nhận được sự chia sẻ của các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn phát biểu rất cảm kích, có bạn ôm lấy tôi mà khóc, có bạn tự trách mình chưa làm được gì để xây dựng nội lực đất nước hùng cường.
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, con người mới làm được nhiều điều cho đất nước, vì đất nước.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học
Nguồn: http://laodong.com.vn/xa-hoi/hoang-sa-truong-sa-la-chat-men-yeu-nuoc-185291.bld
No comments:
Post a Comment