"Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 ÂL, nhằm ngày 9 tháng 4 năm 2014, tại Quán Phở Phương, đường 34 Trần Não, Quận 2 TPHCM, hồi 17 giờ nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Hồng Oanh hát thơ với các làn điệu dân ca ba miền những vần thơ trích từ “Trường Ca giáo dục Gia đình & Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã."
Trên đây là bản tin vắn được gửi qua thư điện tử và đưa tin trên Cổng thông tin www.hannguyennguyennha.com khoảng 4 giờ sau khi ban tổ chức hình thành chớp nhoáng hồi 10 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 2014 tại Quán Phở Phương.
Vào hồi 17g30 ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng 3 ÂL, sau khi nghệ nhân dân gian Nguyễn thị Hồng Oanh, người con Xứ Nghệ Tĩnh giới thiệu chương trình và mời TS. Nguyễn Nhã phát biểu. TS. Nguyễn Nhã phát biểu rằng “trong đời tôi chưa từng có tổ chức một buổi có ý nghĩa hết sức trọng đại mà lại nhanh đến thế và rất xúc động có mặt đông đủ mọi thành phần” (có cả đài truyền hình đến đến quay hình làm tài liệu nữa).
TS. Nguyễn Nhã đã giới thiệu một số người tiêu biểu như TS. Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Khoa Văn hóa học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Tp.HCM); Nhạc sĩ Đỗ Ngọc Quang, NS. Võ Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca Huế Phú Xuân; KS Đỗ Bội Quyết, Việt kiều ở Pháp, người sành ăn đã viết trong sách Phở Việt rằng đã nếm phở từ năm học lớp ba trường làng từ thập niên 30 thế kỷ trước, từ những phở gánh đến quán phở ở Hà Nội, tại Paris quán phở đầu tiên thập niện 50, các nhà hàng phở ở trong và ngoài nước sau 1975; họa sĩ Caroline Ziep Pham (Phạm Ngọc Diệp), Việt kiều ở Mỹ đang có dự án học bổng nghiên cứu Fulbright về “Việt Nam Revisited and Rebuild” (tạm dịch: Thăm lại và Tái thiết Việt Nam), cùng các thành viên Câu lạc bộ Nguyễn Du, Câu lạc bộ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt…
TS. Nguyễn Nhã nhấn mạnh hơn lúc nào hết cần cùng nhau trở về nguồn, thấy những nét độc đáo của Việt Nam mà tự hào, trong đó có Quốc đạo, con đường Việt Nam, thờ Quốc Tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc và tổ tiên cùng các triết lý sống của người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến, địa phương.
Quốc đạo không phải là tôn giáo, khác với Do Thái Giáo, có kinh thánh và có vua lập quốc là vua David, thờ độc thần. Quốc đạo Việt Nam cũng khác với thần đạo của Nhật Bản, tuy cũng thờ đa thần, có đền thờ thần đạo mỗi địa phương có khác, song Việt Nam lại thờ Quốc Tổ là vua Dựng nước Văn Lang đầu tiên ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). Ngoài Quốc tổ Hùng Vương, Việt Nam còn thờ Mẫu (Mẹ từ Mẫu Liễu Hạnh đến bà Chúa Xứ) và Cha (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) cùng các anh hùng dân tộc khắp nơi như Ký Thường Kiệt, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trương Định, Nguyễn Trung Trực…
Mỗi gia đình Việt Nam khác với Nhật và các nước Á Đông là có bàn thờ tổ tiên rất hệ trọng không những trong lễ hội gia đình ngày Giỗ, ngày Tết. mà còn trong những ngày trọng đại như lễ Thành hôn, lễ Vu qui, lễ Khao vọng, Vinh qui bái Tổ, lễ Thượng thọ… không phân biệt tôn giáo, chính kiến, địa phương đều có lễ vật rất Việt, khấn vái kính trình Tổ tiên và xin Tổ tiên phù hộ độ trì.
Quốc đạo Việt Nam còn có hẳn triết lý sống được đúc kết trong hàng ngàn năm nay như “Triết lý vuông tròn”, bánh chưng bánh dày; “Triết lý bầu bí”, thương nhau cùng chung một giàn từ cộng đồng, quốc gia đến nhân lọai, giàn trái đất; “Triết lý Thương người như thể thương thân”, cụ thể hơn “Từ bi”, “bác ái”; hay “Chết vinh còn hơn sống nhục” cùng hàng trăm triết lý sống được đúc kết trong hàng trăm, ngàn câu tục ngữ ca dao Việt Nam mà trên thế giới khó có nước nào có được.
Quốc đạo Việt Nam có ngày 10 tháng 3 ÂL. Thần đạo của Nhật Bản có ngày 31 tháng 12 Dương lịch, hàng năm con cháu trong gia đình cùng nhau đến Đền thờ thần đạo. Song ở Việt Nam trước đây chủ chốt là các người già đến Đền Hùng lễ bái, đi trẩy hội Đền Hùng.
Hiện nay Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đã được coi là quốc lễ như thời Vua Lê Thánh Tông cũng như Nhà Nguyễn, thực hiện câu ca dao:
Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng mười tháng Ba”
Chắn chắn sau này các đình, đền thờ và cả nhà thờ sẽ là nơi các thành viên gia đình sẽ rủ nhau đến như người Nhật đến đền thờ thần đạo ngày 31/12. Và như vậy phải có biểu tượng Quốc Tổ treo ở các Đình, Đền, Nhà thờ… Khi ấy là ước mơ Đại Hòa Dân tộc sẽ trở thành hiện thực sau hơn nửa thế kỷ chịu biết bao thương đau, là nạn nhân của thời cuộc quốc tế…
Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ cùng các tổ chức văn hóa giáo dục ở trong và ngoài nước tổ chức những cuộc thi vẽ Biểu tượng Quốc Tổ để treo ở tất cả các Đình, Đền Thờ, Nhà thờ và cả bàn thờ tổ tiên của mọi nhà.
Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ cùng các tổ chức văn hóa giáo dục ở trong và ngoài nước tổ chức những cuộc thi thực hiện các băng đĩa hát ca trù, hát thơ Quốc đạo, Kinh Quốc đạo với hàng trăm, hàng ngàn làn điệu dân ca, ca cổ ba miền với hơn 6000 câu thơ lục bát trong “Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.
Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm Giáp ngọ, 2014 đã bắt đầu buổi nghệ nhân dân gian Hà Tĩnh Hồng Oanh hát thơ Quốc đạo như là khởi đầu một hành trình mới vô cùng quan hệ với lịch sử đại hòa của Dân tộc Việt Nam…
Những vần thơ trích trong “Trường Ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã được hát tại quán Phở Phương, một quán phở đã đăng ký danh sách quán phở đạt chuẩn về chất lượng phở ngon lành sạch và không gian thuần Việt vào ngày 09/04/2014.
Sau Quán Phở Phương sẽ còn nhiều quán phở khác ở trong và ngoài nước đăng ký đạt chuẩn. Về sau sẽ có tổ chức nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn.
HVT
HVT
No comments:
Post a Comment