Thursday, March 22, 2012

Có một đại học như thế tại Việt Nam

* Trích tài liệu lưu hành nội bộ "Có một đại học như thế tại Việt Nam: Trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Quá trình hình thành và phát triển (1993-2000)" do các thành viên Hội đồng Sáng lập trường Đại học Dân lập Hùng Vương biên soạn.

Năm 1919, khoa thi nho học cuối cùng ở Việt Nam đã kết thúc một thời kỳ dài hơn 800 năm của các trường lớp đại học do dân lập ra ở Việt Nam, bởi những nhà nho đỗ đạt thành lập và giảng dạy. Sau này chỉ còn lại trường đại học của nhà nước thời chính quyền thực dân hay thời Việt Nam độc lập và chiến tranh, trừ tại Miền Nam có một số đại học tư, không phải do chính quyền thành lập, cụ thể là đại học Đà Lạt, Minh Đức, Vạn Hạnh…

Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương được thành lập năm 1995 là một trong những trường đại học do dân lập ra trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong thời kỳ có chủ trương của Đảng và Nhà Nước xã hội hoá giáo dục, xây dựng một nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 6 năm vừa qua, Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương đã có nhiều nỗ lực trong hình thành chiến lược thành lập và phát triển Trường, một hướng đi riêng trong các hoạt động cụ thể từ kế hoạch phát triển, tài chính, đào tạo, hoạt động ngoại khóa cùng công tác sinh viên, công tác nghiên cứu khoa học và văn hóa dân tộc, xây dựng môn phương pháp học tập đại học, thư viện theo mô hình hiện đại, làm chuyên đề, bài tập nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, học việc hè, ngày nghề nghiệp, tiếp thị, quảng bá, đối ngoại, bảo trợ sinh viên, y học cổ truyền…

Mỗi hoạt động trong thời gian vừa qua của Trường đã được những người sáng lập tổng kết đóng thành từng tập tư liệu truyền thống. Mỗi tư liệu truyền thống dày trên dưới 100 trang trong đó có phần tổng kết của mỗi hoạt động. Riêng tập này bao gồm tất cả các phần tổng kết, đánh giá chung cũng như riêng của từng hoạt động và kèm theo có một số văn bản, bài phát biểu của những người sáng lập.

Sau 6 năm hoạt động cùng với 2 năm chuẩn bị thành lập Trường, những người sáng lập hầu hết là những người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, đã đúc kết những kinh nghiệm và nghiên cứu giáo dục của mình cùng vận dụng trong thực tế vào việc xây dựng Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương.

Ngày 17 tháng 8 năm 2000, Thủ tướng ban hành qui chế số 86/2000/QĐ-TTg về “quy chế đại học dân lập”, quy định những người trên 70 tuổi không được tham gia Hội Đồng Quản Trị cũng như Ban Giám Hiệu. Quy chế này đã khiến hầu hết những thành viên sáng lập trường đã quá tuổi 70 không còn tham gia lãnh đạo Trường, dự vào những quyết định quan trọng của Trường. Chính vì vậy, những tập tư liệu tổng kết sẽ là những tập tư liệu di sản truyền thống của Trường và những người sáng lập có ước nguyện những người lãnh đạo kế tục của Trường tiếp nhận và tiếp bước. Rất mong những suy nghĩ và hành động trong những năm qua của những người sáng lập trường được phát huy một cách tối đa.

Hoài bão của những người sáng lập thể hiện trong mục tiêu của Trường là góp phần xây dựng một nền giáo dục đại học vừa mang tính Việt Nam vừa mang tính hiện đại, sánh với các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tâm huyết của những người sáng lập theo tôn chỉ bất vụ lợi, những người góp vốn không chia lời, không hoàn lại. Chủ trương quan trọng của những ngừơi sáng lập là "Chất lượng là mục tiêu đào tạo hàng đầu".

Sáu tuổi đời của một đại học thật còn quá non trẻ! Với hai bàn tay trắng, với vốn liếng chất xám, uy tín và tâm huyết, khi chưa có Trường, những người sáng lập huy động được hơn 2 tỷ đồng. Sau sáu năm hoạt động, dù không chạy theo số lượng và doanh thu, những người sáng lập đã để dành được hơn 4 tỷ đồng để cố có được một khu đất xây dựng cơ sở đầu tiên của Trường tại khu Nam đô thị mới (giá bồi hoàn là 45000đ /m2).

Sau sáu năm hoạt động, hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp, hầu hết sinh viên có công ăn việc làm, được xã hội chấp nhận hoan nghênh. Số dự thi trong kỳ tuyển sinh năm 2001 đã tăng gấp 3 lần so với kỳ tuyển sinh năm 2000 và đầu vào được cải thiện, điểm chuẩn cao, có ngành học như Công nghệ thông tin là 31/40 điểm.

Những người sáng lập tin tưởng với thành quả đã gặt hái được như thế, những người sáng lập có khả năng huy động từng bước sự đóng góp của xã hội ở trong và ngoài nước xây dựng cơ sở đầu tiên ở khu Nam Đô Thị Mới, một địa điểm rất gần trung tâm thành phố, gần hầu hết các quận quan trọng trong thành phố như Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, nằm trên một đại lộ rộng 120m mang tầm vóc quốc tế, chạy song song và cách đại lộ Đông Tây khoảng 2 km, một đường xương sống và là cửa ngõ giao lưu của thành phố. Bỏ địa điểm này là bỏ một địa điểm tốt có một không hai, khó mà có cơ hội nào lần thứ hai! Những người lãnh đạo Trường phải có một tầm nhìn chiến lược mới thấy tầm quan trọng của địa điểm đối với sự phát triển Trường mang tầm vóc quốc tế.

GS Ngô Gia Hy đã từng nói rằng: 'Trường Đại Học Dân Lập Hùng Vương là trường của thầy và trò, trước hết là của hơn 4000 thầy trò hôm nay và hàng vạn thầy trò trong tương lai.

Thầy trò nào chỉ thực sự là chủ ngôi trường này nếu thực sự chia sẻ với tôn chỉ, chủ trương của những người sáng lập đã vạch ra. Rất mong thầy trò và những mạnh thường quân ở trong và ngoài nước hãy tích cực hỗ trợ để ước mơ của những người sáng lập trường xây dựng "campus" đầu tiên tại Khu Nam Đô Thị Mới sớm trở thành hiện thực.

Dù thế nào đi nữa, thì đã có một đại học như thế: “Đại Học Dân Lập Hùng Vương" tại Việt Nam!

Chúng tôi cũng rất mong những người Việt Nam có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Việt Nam hãy cùng chúng tôi noi gương những nhà giáo lớn như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Văn Nghị… để tiếp tục xây dựng "một đại học như thế tại Việt Nam."

Tp.Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 9 năm 2001

GS Ngô Gia Hy
Nguyên chủ tịch Hội Đồng Sáng Lập

Ông Nguyễn Nhã
Đại diện thành phần sáng lập trong Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ II

Ông Hà Bính Thân
Sáng lập viên, đại diện Cơ Quan Bảo Trợ Sáng Lập Trường (Cty Lạc Việt)

No comments:

Post a Comment