“Mong ước của tôi là làm sao phổ biến một cách rộng rãi những nghiên cứu của mình về Hoàng Sa - Trường Sa đến mọi người, nhất là giới trẻ, để mọi người ý thức hơn nữa về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà bao thế hệ cha ông ta đã đổ máu xương gìn giữ” - Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã dành cả đời nghiên cứu và chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nói với tôi như vậy khi tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở đường Trần Kế Xương, TP HCM.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã và các tài liệu Hoàng Sa. |
Điều đặc biệt là bản đồ có ghi tọa độ của Hoàng Sa, và tọa độ này trùng khớp với số liệu ngày nay. "Rõ ràng bản đồ này đã chứng minh Cát Vàng (tức Hoàng Sa) không phải ở ven bờ như các học giả Trung Quốc nói, và chủ quyền của nước ta trên quần đảo này đã được xác lập từ thời xa xưa" - ông nhận xét.
Năm 1966, người thanh niên 26 tuổi Nguyễn Nhã vừa mới tốt nghiệp hai trường đại học Sư phạm và Văn khoa đã tổ chức xuất bản Tập san Sử - Địa, vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút. 9 năm sau, vào ngày 20/1/1975, thời điểm tròn một năm sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, Nguyễn Nhã đã xuất bản Tập san Sử - Địa số 29, Đặc khảo Hoàng Sa & Trường Sa và tổ chức "triển lãm sử liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa”. Triển lãm trưng bày tất cả những tài liệu và hình ảnh chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
"Tôi còn nhớ trong ngày khai mạc triển lãm, nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải và 4 bô lão trên 80 tuổi khác chủ tọa và nhiều người ôm nhau khóc, xúc động không kìm được nước mắt. Nhà văn Sơn Nam đã viết trong Sổ lưu niệm: "Cuộc triển lãm mang tầm vóc quốc tế, đề nghị mở cửa kéo dài thêm (thay vì 3 ngày)". Một phần phên dậu của Tổ quốc không còn, nỗi đau đó nung nấu trong tôi một quyết tâm phải làm điều gì đó chứng minh cho thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam" - ông nhớ lại.
Hơn 30 năm ký thác cuộc đời cho công việc thiêng liêng đó, ông đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sự thật lịch sử.
Ông đã lặn lội khắp vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, tìm những tư liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa. Ông ra tận đảo Lý Sơn, nơi xuất phát những đội dân binh Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, nơi có con cháu dòng tộc của những người phục vụ cho thủy quân nhà Nguyễn đi công tác ở Hoàng Sa ngày xưa đã hy sinh vì chủ quyền dân tộc trên biển Đông, mà tên của họ đã được đặt cho các đảo ở Hoàng Sa, như Phạm Quang Ảnh, Đội trưởng Đội Dân binh Hoàng Sa hay Phạm Hữu Nhật, suất đội thủy quân nhà Nguyễn... Từ đó đến nay, Nguyễn Nhã vẫn không ngừng nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa.
Năm 2003, ở tuổi 63, ông vẫn kiên trì nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học với đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" tại Đại học Quốc gia TP HCM.
Ông nói: "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của các nước ấy trước năm 1909 mang tính khoa học được như tôi".
Nguyễn Nhã khẳng định, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã được xác định từ rất lâu trước khi Trung Quốc lên tiếng xí phần vào năm 1909 khi cho đó là đất vô chủ với hành động theo phương cách chiếm hữu đảo của phương Tây và đặt lại tên là Tây Sa.
"Từ cuối thế kỷ XVII, Việt Nam đã có những bản đồ có vẽ và ghi chú về "Bãi Cát Vàng" tức Hoàng Sa trong Toàn tập “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ” của Đỗ Bá. Giữa thế kỷ XVIII, “Phủ Biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn miêu tả chi tiết hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, minh chứng cho sự xác lập và bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến thời nhà Nguyễn thì có cả một hệ thống biên niên sử, địa dư chí của Quốc sử quán, đặc biệt cả Châu bản tức văn bản của triều đình với các dụ, bản tấu, phúc tấu với lời châu phê của vua, ghi chép cụ thể các hoạt động của các đội thủy binh triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa mà hồi ấy người Việt Nam và phương Tây coi là một dãy dài vạn dặm. Tất cả đều là các văn bản của nhà nước hoặc chính sử do các sử thần chép lại.
Ngược lại, Trung Quốc không có tài liệu nào của chính quyền Trung Quốc chứng minh được nhà nước đã chiếm hữu trước khi Việt Nam xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa cả, mà chỉ suy diễn thôi. Tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc. Họ còn phát hiện ở mặt bắc đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) ngôi miếu Hoàng Sa Từ, dấu tích của người Việt".
Không những dùng chính tài liệu Trung Quốc như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán để phản bác, Nguyễn Nhã còn sử dụng các tài liệu, bản đồ của phương Tây như Jean Baptiste Chaigneau (1769-1850), Gutzlaff, Taberd để chứng minh rằng người phương Tây và chính người Trung Quốc đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là "phên dậu của Việt Nam trên biển Đông".
Bằng việc lập luận, phân tích rõ ràng theo các nguồn sử liệu và bằng chứng điền dã đã tìm được, ông đã thẳng thắn bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lý luận của Nguyễn Nhã trong luận án của mình chặt chẽ đến mức Tiến sĩ Trần Đức Cường đã nhận xét: "Tác giả sử dụng nhiều tài liệu của Trung Quốc để nêu rõ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả...".
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng quyết định của ta giải phóng ngay quần đảo Trường Sa tháng 4/1975 trước khi giải phóng Sài Gòn là hết sức sáng suốt. "Nếu để chậm thì nước ngoài nhân lúc quân đội Sài Gòn hoang mang tan rã sẽ xâm chiếm các đảo Trường Sa, ta càng gặp khó khăn về sau" - ông nhận định.
Ông nhấn mạnh: "Việt Nam phải luôn nhắc cho cả thế giới biết rằng việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, và một số đảo Trường Sa năm 1988 là hoàn toàn trái phép, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Phải dứt khoát không ký kết bất cứ hiệp định nào gây thiệt hại cho Việt Nam".
Ông đã thành lập tủ sách nghiên cứu Hoàng Sa -Trường Sa tại nhà, nhằm cung cấp tư liệu cho những ai quan tâm tìm hiểu. "Tôi sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên, các nhà nghiên cứu muốn làm luận văn, luận án về đề tài Hoàng Sa - Trường Sa" - ông cho biết. Như trường hợp sinh viên Vương Quốc Khanh, với sự hỗ trợ tài liệu từ tủ sách của ông đã bảo vệ luận văn thạc sĩ sử học đầu tiên về tranh chấp Trường Sa tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã là sáng lập viên Trường đại học Dân lập Hùng Vương. Với tinh thần góp sức xây đắp lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, tuy bận giảng dạy tại Trường đại học Sài Gòn, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã cùng một số nhà nghiên cứu thành lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, mà ông hiện là viện trưởng. Ông chủ biên cuốn sách "Bản sắc ẩm thực Việt Nam" vừa ra mắt độc giả đầu năm 2009. Nguyễn Nhã say mê ca trù và ông đã lập câu lạc bộ ca trù tại nhà riêng với chủ trương đem ca trù vào cuộc sống và hát thơ vào trường học. Ông thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ ca trù và hát thơ Lạc Việt mà thành viên là các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu.
"Đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam cũng như bảo toàn quần đảo Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thành công, cũng như Việt Nam từng bị phong kiến phương Bắc đô hộ hơn một ngàn năm, khi có thời cơ sẽ giành lại độc lập tự chủ" - Tiến sĩ Nguyễn Nhã kết luận
Hoàng Trung Hiếu
Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2009/8/70101.cand
No comments:
Post a Comment