Sunday, March 18, 2012

Hoàng Sa - Trường Sa là chất men khơi dậy lòng yêu nước!

11/04/2009 22:36

Mỗi lần tư gia có “sự kiện” nào đấy, ông lại gọi điện thoại nhắn tôi đến: một đêm tổ chức hát ca trù, một buổi đến ăn và tôn vinh “phở Việt”... Nhưng cảm nhận của tôi về ông trên tất cả là tấm lòng của một công dân hướng về Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam...
Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên tủ sách về Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh: H.Đ.N  
* Nguyên nhân nào khiến tiến sĩ cất công sưu tầm rất nhiều tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa? Hiện bộ sưu tập này đã có khoảng bao nhiêu tư liệu?

- Tôi quan tâm đến Hoàng Sa - Trường Sa từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt trong giai đoạn Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa từ ngày 18-20.1.1974, tôi là chủ biên Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều bài viết lấy tên Nguyễn Nhã, Hãn Nguyên, Hoàng Việt Tử... Ngày kỷ niệm 1 năm Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 20.1.1975 là ngày ra mắt số đặc khảo này. Tôi cũng là Trưởng ban tổ chức Triển lãm tư liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong 3 ngày tại Thư viện Quốc gia, báo chí hồi ấy đưa tin: “Triển lãm sử liệu Hoàng Sa - Các vị bô lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền - Nhiều người ôm nhau khóc ròng”. Có 5 vị  bô lão trên 80 tuổi tham dự, trong đó có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải.

Đến năm 1988, Trung Quốc lại lấn chiếm một số bãi đá ở Trường Sa, khiến tôi lại càng quan tâm. Năm 1996, tôi quyết định đi thi, học và làm luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hồi ấy GS Hồ Sĩ Khoách cũng là người bạn trong Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người ban đầu sẵn sàng nhận bảo trợ có đưa ý kiến nên dùng công trình có sẵn “Tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình dưới thời Pháp thuộc” mà GS cho rằng rất có giá trị để làm luận án”. Song tôi trả lời: “Tôi chỉ lấy đề tài về Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, bằng không tôi sẽ không làm luận án nữa”.

Ngay hôm bảo vệ luận án, tôi có phát Lời tuyên bố. Đó là tâm nguyện của tôi khi làm luận án, và nhất là đến khi tôi đã về hưu (năm 2003) là đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ý thức được trách nhiệm của “kẻ thất phu” khi Hoàng Sa và Trường Sa là yết hầu của Việt Nam, rất quan trọng về mặt chiến lược và cũng là chất men làm nên lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc.

Hồi làm luận án tôi sử dụng hơn hai trăm tài liệu, hàng ngàn trang, hàng trăm bản đồ. Sau đó, tôi đã xây dựng Tủ sách Hoàng Sa và Trường Sa thì số tư liệu gấp bội, với mục đích giúp giới nghiên cứu, nhất là các bạn trẻ làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

* Trong số những tư liệu đó, tài liệu nào là chứng cứ khẳng định Hoàng Sa -Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam một cách rõ ràng và thuyết phục nhất?

- Theo pháp lý quốc tế, chiếm hữu phải thật sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Nên các văn bản mang tính nhà nước thời nhà Nguyễn trong đó các châu bản, lời tấu của Bộ Công, châu phê của vua cũng như sách Hội điển, sách chính sử trước năm 1909 (năm Trung Quốc bắt đầu tranh chấp và cho Hoàng Sa là đất vô chủ) thật sự có giá trị nhất bởi bất cứ một quốc gia tranh chấp nào cũng không có được như Việt Nam. Riêng bản đồ An Nam đại quốc họa đồ khổ 80,5 cm x 44 cm của giám mục Taberd in năm 1838, đính trong cuốn từ điển Latinh-Annan vẽ rất rõ Paracel (tiếng Latinh nghĩa là Cát Vàng) tại tọa độ hiện nay của Hoàng Sa, là bằng chứng hùng hồn nhất phản bác luận điểm của Trung Quốc cho Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là đảo ven biển, không phải Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

* Trong giai đoạn rất nhạy cảm hiện nay, khi một số quốc gia khác đang có những động thái nhằm áp đặt chủ quyền của họ lên một số lãnh hải của Việt Nam trong đó có Hoàng Sa - Trường Sa, theo ông, mỗi công dân Việt Nam nên có những thái độ  như thế nào để bảo vệ chủ quyền?

- Theo tôi, mỗi công dân Việt Nam trước hết phải biết rất rõ sự thật lịch sử xác lập chủ quyền của ông cha mình tại Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi người phải thấy tầm quan trọng chiến lược cũng như về tài nguyên của vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Nó là yết hầu, cổ họng. Không có nó, Việt Nam sẽ gặp nhiều cái khó hơn để phát triển thành đất nước hùng cường. Có được nhận thức như thế thì phải quyết tâm đấu tranh đến cùng. Phải cho các thế hệ trẻ biết rõ sự thật và tầm quan trọng đến như thế và với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tin sẽ có sức mạnh.

Sau đó mỗi công dân và người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước phải nhận thức rõ một điều: “Để mất một tấc đất của Tổ quốc là có tội với quê hương đất nước, với tổ tiên”. Mỗi công dân, mỗi người Việt nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước. Riêng tôi cũng đang có một kế hoạch nhỏ, xây dựng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và khởi xướng chương trình Cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới, đang tích cực vận động ít nhất 100 cá nhân, đơn vị hưởng ứng tham gia chương trình này để đến cuối năm 2009 sẽ công bố Ngày cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới, dự kiến là ngày Ông Táo, 23 tháng chạp âm lịch hằng năm.

* Ngoài bộ sưu tập tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa, tiến sĩ có thu thập thêm tư liệu về những địa phương, lãnh hải khác (Côn Đảo, Phú Quốc...)?

- Chính tôi đã quay phim video tư liệu về Côn Đảo, viết bài về Phú Quốc, một  trung tâm du lịch sinh thái biển, trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và của các nước AsEan; phim video tư liệu Thăng Long Hà Nội xưa do GS Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc thuyết minh, rất quý giá, đang cần các nhà tài trợ để in phát tặng cho tất cả các học sinh, sinh viên thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

* Tuy chuyên ngành sử học nhưng tiến sĩ còn rất mê ca trù và chủ trương quảng bá, phát triển món ngon nước Việt ra thế giới. Vậy những sở thích này có hỗ trợ lẫn nhau?

- Tôi không những nghiên cứu lịch sử mà còn nghiên cứu văn hóa, quốc học. Tôi đã thấy nét độc đáo của ca trù và khởi xướng đem hát thơ vào trường học. GS Hoàng Như Mai cho rằng đây là sáng kiến cực kỳ hay. Trên thế giới khó nước nào như ở Việt Nam, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở nước ta lại học rất nhiều thơ, nhất là thơ truyền thống. Các em sẽ được nghe hàng trăm làn điệu dân ca, ca cổ ba miền. Điều này không những minh họa, đổi mới môn tiếng Việt, văn học mà còn đem âm nhạc truyền thống đến từng học sinh, giáo dục con người chất Việt, hồn Việt, món ăn tinh thần cho thế hệ trẻ Việt Nam. Lòng tự hào dân tộc là chất men yêu nước trong tâm hồn mỗi người Việt. Tôi cũng sáng tác những bài hát nói về quốc đạo, đúc kết những tinh hoa tư tưởng Việt như triết lý vuông tròn (bánh chưng bánh giày), triết lý bầu bí, thương người như thể thương thân, đại nghĩa chí nhân... làm thành CD ca trù quốc đạo. Tôi cũng đã hợp tác để Phương Nam phim ấn hành CD Hát thơ Kiều với hơn 30 làn điệu dân ca, ca cổ ba miền.

Tôi cũng thấy những độc đáo của nền ẩm thực Việt Nam: món ăn vừa ngon, vừa lành lấy tự nhiên làm gốc, nên tôi cũng khởi xướng Thực đạo Việt Nam và chương trình Cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới. Trước hết tôi chủ biên cuốn sách Bản sắc ẩm thực Việt Nam, đúc kết hơn 10 năm nghiên cứu với hơn 10 hội nghị khoa học, hội thảo, tọa đàm với gần 30 nhà nghiên cứu nổi tiếng trong vòng nửa thế kỷ qua như GS-TS Trần Văn Khê, GS Trần Quốc Vượng, Toan Ánh, Sơn Nam, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Văn Xuân...

Nếu Hoàng Sa và Trường Sa là chất men yêu nước, thúc đẩy người Việt ở trong và ngoài nước đoàn kết xây dựng nội lực thì ca trù quốc đạo, ca trù ẩm thực, hát thơ đem vào trường học, thực đạo, cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới là những ý tưởng tôi xin cống hiến cho Tổ quốc, quê hương mình.

Hà Đình Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200915/20090411223650.aspx

No comments:

Post a Comment