Friday, June 22, 2012

Tường thuật hội thảo biển đảo Việt Nam do Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức

Ngày 16/06/2012, Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam vùng Boston Mở rộng (Hội TNSV Boston) đã tổ chức buổi thảo luận về chủ đề biển đảo Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên trên nguyên tắc phi tập trung và đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thành viên trong Hội. Đây cũng là sự kiện đầu tiên về chủ đề này do du học sinh tổ chức trong bối cảnh vấn đề Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt ở khắp nơi trên thế giới.


Sunday, June 17, 2012

Tâm thư của một người yêu nước

Thứ Sáu, 15/06/2012 - 07:46

(Dân trí) - Cách đây gần hai tháng, Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã có cuộc chia tay với bạn bè trí thức ở Sài Gòn trước khi sang Mỹ để thực hiện một công việc mà theo ông, đó là sự nghiệp mà ông theo đuổi cả đời người.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cụ thể là dịch các công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông.

Công trình gồm có ba phần. Phần thứ nhất là tư liệu của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và các tài liệu của phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước, chứng minh chủ quyền của VN trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Phần thứ hai là các tham luận của TS Nguyễn Nhã tại các hội thảo về biển Đông được tổ chức tại VN, Pháp và Mỹ. Phần thứ ba là toàn văn luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa” của TS Nguyễn Nhã, có thêm phần phụ lục bổ sung các tư liệu mới. Theo TS Nguyễn Nhã, năm trước, ông gửi hồ sơ tư liệu này cho Văn phòng Quốc hội Mỹ, ông Jim Webb - Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Hội Địa lý quốc gia Mỹ, cùng Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế Mỹ.

Từ Mỹ, Tiến sĩ Nguyễn Nhã gửi một bức tâm thư cho các bạn trẻ Việt Nam, xin được trích ra để giới thiệu cùng bạn đọc Dân trí.

“Tháng 8 năm 2011, tôi cùng nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy nói chuỵên về Hoàng Sa & Trường Sa tại Trường Đại học Ngọai thương ở Hà Nội. Một nữ sinh viên đã phát biểu một câu: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa & Truờng Sa đều có tội với tổ tông và dân tộc”, sau khi nghe tôi nói: “Bất cứ ai làm cho đất nước suy hèn đều có tội với tổ tông và dân tộc”. Tôi cũng đã từng nói: “Sự thật lịch sử chỉ có một. Lịch sử rất công bằng và nghiêm khắc với bất cứ ai kể cả nhà sử học”.

Ngày 16 tháng 6 năm 2012 tới, từ Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao, tôi vẫn cố lặn lội đến Boston, chỉ cốt nói với các du học sinh tại Trường Đại học Harvard về sự thật lịch sử chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa, với ước mong các bạn du học sinh ở Trường Harvard giúp tôi hoàn chỉnh bản tiếng Anh hơn 500 trang hồ sơ tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa, cùng giúp tôi đưa đến các thư viện có trong danh sách mà năm 1960, Headquarters, U.S. Pacific Broadcasting and Visual Activity AP0331 đã gửi tài liệu “Analysis on The Spratley – Paracel Islands Dispute”, no 010660.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã lưu ý các bạn trẻ tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử để nắm chắc kiến thức, chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Cụ thể là tập trung vào ba tài liệu sau:

Một là Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789) do các sử thần thời Lê – Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, đã nói rõ về họat động của đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải.  Hai là Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) một lần nữa ghi rõ ràng về  chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa & Trường Sa. Đặc biệt năm 1838, Giám mục Taberd đã vẽ bản đồ có tọa độ An Nam Đại Quốc Họa Đồ đính kèm trong cuốn tự điển Latin – An Nam ghi rõ Paracel seu Cát Vàng; seu tiếng Latin có nghĩa: hay là.

Ba là Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng…

Cuối thư, tiến sĩ Nguyễn Nhã viết:

Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt Nam như quá ham những tư lợi, thiếu đoàn kết… mà phải có lòng yêu nước chân  chính, có tâm, có tầm như người Nhật Bản để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

Mong vậy thay!

Các bạn có suy nghĩ gì về những lời tâm huyết của trí thức yêu nước Hãn Nguyên Nguyễn Nhã?

Lê Chân Nhân

Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-607141/tam-thu-cua-mot-nguoi-yeu-nuoc.htm

Wednesday, June 13, 2012

Tâm thư của Tiến sĩ Sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã gửi các bạn trẻ Việt Nam



Hoàng Sa ơi, Việt Nam ơi,
Hoàng Sa mãi mãi của người Việt ta
Đừng ai vô cảm Hoàng Sa
 Để mà mang tội ông cha muôn đời
Cũng đừng làm nước suy đồi,
Lịch sử phán xét ôi thôi còn gì!
Mỗi người kế hoạch khả thi
Sao cho nội lực ai bì kịp ta!
Xâm lăng, tằm thực tránh xa
 Đừng hòng làm nhục nước nhà Việt Nam, 
Biển Đông bắt nạt ngư dân!
Đừng hòng xử ép, nào thân nỗi gì!

Tháng 8 năm 2011, tôi cùng nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy nói chuyện về Hoàng Sa & Trường Sa tại Trường Đại Học Ngoại Thương ở Hà Nội. Một nữ sinh viên đã phát biểu một câu nói bất hủ: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa & Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc!” sau khi nghe tôi nói “Bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc!".

Tôi cũng đã từng nói: “Sự thật lịch sử chỉ có một. Lịch sử rất công bằng và nghiêm khắc với bất cứ ai kể cả nhà sử học!”

Gần đây xảy ra câu chuyện giữa một du học sinh Việt Nam với các du học sinh Trung Quốc, du học sinh Việt Nam trên đã tỏ ra rất lúng túng khi trao đổi về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông!

Từ hồi tôi còn trẻ, hơn 30 tuổi cho đến nay đã 74 tuổi, tôi vẫn đeo đuổi đi tìm sự thật về chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa.

Ngày 20 tháng 1 năm 1975, nhân kỷ niệm một năm ngày Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, tôi cùng Võ sư Trần Huy Phong và Giáo sư Ngô Gia Hy tổ chức triển lãm trưng bày Tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa ở Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn. Với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu, đã xúc động không cầm được nước mắt và như Báo Sóng Thần hồi ấy đưa tin "mọi người ôm nhau khóc ròng"!

Trong cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ ba tại Hà Nội cuối năm 2011 vừa qua, một học giả Trung Quốc đã phát biểu rằng trong các thế kỷ vừa qua Trung Quốc đã bị các nước Phương Tây xử ép và làm nhục; thời nay đã khác và kêu gọi các nước Á Đông đoàn kết với Trung Quốc! Tức thì tôi đã phát biểu rằng vậy thì Trung Quốc có chia sẻ với Việt Nam đang bị xử ép và làm nhục không? Cũng trong hội thảo quốc tế trên, để phản bác một học giả khác của Trung Quốc phát biểu rằng sự kiện Trung Quốc đăng ký với Ủy ban Đăng ký Thềm lục địa Liên hiệp quốc “Đường lưỡi bò” ở Biển Đông chỉ là sự kế thừa lịch sử. Tôi đã hỏi rằng:  "Vậy quí học giả đã kế thừa, tiếp cận được hay không sự kiện lịch sử năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho là Paracels tức Hoàng Sa là đất vô chủ (res-nullius), đã tổ chức chiếm hữu theo phương cách Phương Tây như đem tàu chiến đến bắn 21 phát súng, cắm cột mốc chủ quyền.., và đã tiếp cận được hay không biết bao tài liệu của Phương Tây bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Paracels đã thuộc về từ lâu chủ quyền của xứ An Nam hay Cochin China – Xứ Đàng Trong của Đại Việt hay chưa? Và có biết đến luận án tiến sĩ sử học của tôi về “Quá trình xác lập chủ quyền cuả Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa” hay không? Và để lấp đầy sự khác biệt về lịch sử, tôi đề nghị nên có một hội thảo quốc tế về chủ quyền tại Hòang Sa & Trường Sa."

Ngày 16 tháng 6 năm 2012, từ Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao, tôi vẫn cố lặn lội đến Boston, chỉ cốt nói với các du học sinh tại trường đại học Harvard, một đại học uy tín chất lượng cao nổi tiếng trên thế giới về sự thật lịch sử chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa với ước mong các bạn du học sinh ở trường Harvard giúp tôi hoàn chỉnh bản tiếng Anh hơn 500 trang Hồ sơ tư liệu về Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa, cùng giúp tôi đưa đến các thư viện có trong danh sách mà năm 1960, quân đội Hoa Kỳ đã gửi tài liệu “Analysis on The Spratley-Paracel Islands Dispute,” no 010660, 6 June 1960, Headerquarters, U.S. Pacific Broadcasting and Visual Activity AP0331.

Trong hơn 500 trang tư liệu kể trên, tôi chỉ mong các bạn lưu ý, tập trung thảo luận và quảng bá 3 thông tin chi tiết cụ thể sau đây:

Một là "Đại Việt sử ký tục biên" (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, đã nói rõ về hoạt động của Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải và có đoạn viết: “Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo.”. “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của qúy ít khi lấy được..." (quyển 2, từ tờ 82b - 85a).

Hai là "Đại Nam thực lục chính biên", đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) một lần nữa lại ghi rõ ràng: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình...”. Trong khi những tài liệu của những người Phương Tây từng hoạt động trong Triều Gia Long như Chaigneau, Taberd đã công bố những hành động của vua Gia Long cụ thể hơn. Chaigneau, đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochinchine": “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy” hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia Long) đã long trọng cắm tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong". Gutzlaff năm 1849 đã cho biết "chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam". Đặc biệt năm 1838 giám mục Taberd đã vẽ bản đồ "An Nam Đại Quốc Họa Đồ" đính kèm trong cuốn tự điển Latin –An Nam có tọa độ ghi rõ Paracel seu Cát Vàng; seu tiếng Latin có nghĩa "hay là".

Ba là Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Vua cũng phê rằng “thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu". Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa.

Trong khi chính sử, "Đại Nam thực lục chính biên", đệ nhị kỷ, quyển 165 (đời vua Minh Mạng), viết rất rõ quan điểm của Bộ Công và hoạt động của Bộ này tại Hoàng Sa: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời nhà Thanh) Bộ Công tâu: “xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ riêng về hình thế xa rộng, ta mới chỉ vẽ được một, rồi lại cũng chưa biết vẽ nên làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, và nước biển, bãi biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ…" "Đại Nam thực lục chính biên", đệ nhị kỷ, quyển 165 còn chép: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc, chủ quyền”. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ Hán: “Minh Mạng thập thất niên (1836), Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa đương độ chí thủ lưu chí đẳng tự”.

Với kiến thức về pháp lý quốc tế từ đầu thế kỷ đến nay cùng những thông tin lịch sử cụ thể trên thì chắc chắn các bạn không thể lúng túng khi tranh luận với các bạn trẻ Trung Quốc về Hoàng Sa & Trường Sa. Dù thế nào đi chăng nữa, dù lý của kẻ mạnh như thế nào chăng nữa thì lịch sử dân tộc ta không cho phép chúng ta hèn yếu. Như tôi đã từng nói: “Muốn lấy lại Hoàng Sa, giữ những gì còn lại của Trường Sa thì mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”.

Đầu thế kỷ 20, cụ Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du hầu canh tân đất nước hùng cường để cứu nước. Nay chúng ta đang có phong trào thế giới du. Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại Biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt như quá ham những tư lợi hại nước hại dân, thiếu đoàn kết, đố kỵ khích bác lẫn nhau… mà phải có lòng yêu nước chân chính có tâm, có tầm như người Nhật Bản để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

Mong vậy thay!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học
Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới
hannguyen1940@yahoo.com - www.amthuc.net.vn

Tuesday, June 12, 2012

Hội thảo biển đảo Việt Nam tại Đại học Harvard (Mỹ)

Ngày 11-6, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng cho biết: ngày 16-6 tới đây, tại Đại học Harvard (Mỹ), Hội sẽ phối hợp tổ chức một hội thảo chuyên đề về biển đảo Việt Nam, với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam và quốc tế.

Theo đó, các diễn giả tham gia hội thảo gồm: TS Nguyễn Nhã, TS Tạ Văn Tài và ông Thomas Vallely (Đại học Harvard). Trong đó, TS Nguyễn Nhã là một nhà nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam, từng cho xuất bản một Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975. TS Tạ Văn Tài là giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc Ðại học Harvard. Với chuyên môn về ngoại giao và luật quốc tế, TS Tài có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thềm lục địa, các đặc quyền kinh tế và các văn bản pháp lý của các tranh luận về chủ quyền biển đảo. Riêng nhà nghiên cứu người Mỹ - Thomas Vallely (Đại học Harvard) được nhiều người Việt Nam biết tới, do ông làm Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, và là một trong những học giả có vai trò rất lớn trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.

Thông qua tham luận được trình bày của các diễn giả, hội thảo nhằm cung cấp cho sinh viên, kiều bào ta ở hải ngoại và công chúng Mỹ các thông tin bổ ích về tình hình biển đảo Việt Nam, các bằng chứng xác đáng về chủ quyền, cùng những cập nhật về luật quốc tế liên quan đến vấn đề biển đảo.

THÀNH LUÂN

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51444&menu=1420&style=1