Monday, April 22, 2013

Tôi muốn bay cùng với đất sỏi mưa nguồn Quảng Nam

*Bài thu hoạch Đề án Bếp Việt - Đinh Khánh Trinh.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất “chưa mưa đà thấm”. Quê tôi nghèo lắm, quanh năm chỉ làm bạn với đất sỏi và mưa nguồn. Cái nắng, cái gió miền Trung đã tôi những con người xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung trở nên rắn rỏi, khỏe mạnh. Người xứ khác không rõ lại cho rằng người miền Trung (đặc biệt là người Quảng Nam) cộc cằn, thô lỗ. Người ta còn nháy lại giọng quê tôi “Thô chi mà thô đến cái giọng cũng thô”. Tuy nhiên, ít ai biết được bên trong cái vỏ bọc tưởng chừng thô lỗ, cộc cằn ấy là những trái tim đa cảm; đằng sau những lời lẽ có vẻ khô cứng ấy là những tình cảm chân thành và tha thiết. Không chỉ trong lời nói, ẩm thực Quảng Nam cũng như vậy. Những món ăn xứ Quảng không cầu kỳ như món xứ Bắc; cũng không đầy như món miền Nam; mà tao nhã, mặn mà.

Được tham gia vào Cổng thông tin ẩm thực Việt Nam, dưới sự hướng dẫn và gợi ý của Tiến sĩ Nguyễn Nhã cùng sự giúp đỡ của tất cả các thành viên trong dự án, đặc biệt là những kiến thức chuyên môn của Siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập. Tôi muốn giới thiệu đến độc giả gần xa những món thân thuộc, gắn liền với cái chân, cái bụng người Quảng Nam, nhưng chưa có cơ hội được đến với các bạn bốn phương như bánh tráng sắn cuốn cá, phở sắn, gỏi cá cải xanh, gà tre Đèo Le nướng hổi, cá chuồn kho mít non, mít hông, mè trộn măng, ngọn rau lang chấm mắm cái…

Bên cạnh đó, tôi sẽ đi sâu vào tìm hiểu mảng nguyên vật liệu chế biến. Ví dụ như, rau húng Trà Quế, mỳ Phú Chiêm, gạch cua Hội An, tro củi Cù Lao Chàm, bắp Hội An, gà tre Đèo Le, bê thui Cầu Mống,… Tôi không hiểu rõ lắm về ẩm thực các vùng miền khác, nhưng riêng với Quảng Nam thì ẩm thực có những nguyên tắc tối thượng mà chỉ cần sai một tí cũng có thể đánh mất giá trị và chất lượng của món ăn. Khâu quan trọng nhất trong chế biến món ăn đó chính là chọn nguyên vật liệu. Nếu ai đó có cơ hội về Quảng Nam và có hứng thú muốn kiểm chứng lời tôi thì cứ việc tìm đến thúng bắp ở các chợ và chọn mua hai trái bắp, một trái bắp Hội An và một trái bắp xứ khác (ví dụ như bắp Duy Xuyên, bắp Điện Bàn…). Bạn hãy tự thưởng thức và giác quan của bạn sẽ nói cho bạn biết rằng lời của tôi là đúng. Hay nếu bạn muốn ăn gà nướng mà được nếm một miếng gà tre Đèo Le nướng hổi và uống ly rượu gạo thì bạn sẽ thấy sướng run cả người. Chỉ cần ăn một lần cũng đủ khiến bạn da diết với vùng đất sỏi đá ấy nhường nào.

Tôi sẽ không nói nhiều về nguyên vật liệu ở đây. Nếu có cơ hội tìm hiểu sâu và rõ về vẫn đề này, tôi muốn viết nhiều và viết rõ để chúng ta có thêm cơ sở để tự hào về ẩm thực từng vùng miền của chúng ta, khi bắt tay vào chế biến, các bạn có thể chọn lựa đúng nguyên vật liệu để món ăn trở thành món quà yêu thương dành cho người thưởng thức.

Tôi không có ý định dừng lại ở việc khai thác đề tài ẩm thực Quảng Nam, tôi muốn mở rộng phạm vi đề tài ra ẩm thực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và quá trình Nam tiến của ẩm thực Quảng Nam nói riêng và ẩm thực miền Trung nói chung. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tôi cần tự tìm hiểu, nghiên cứu và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa – những người biết và có niềm đam mê với ẩm thực. Như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng và quảng bá ẩm thực cũng như củng cố nền văn hóa ẩm thực nước nhà, vừa ngon, vừa lành.

Để thực hiện được đề án này, trước tiên, tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu về những món ăn của quê tôi, đặc biệt là những món ngon chưa được phổ biến và những món có nguy cơ bị mai mọt. Song song, tôi sẽ chú ý đào sâu về nguyên vật liệu để tìm ra đặc trưng (bí quyết) của thô phẩm để tạo nên món ăn ngon. Ví dụ như tại sao chỉ có gà tre Đèo Le nướng mới ngon và khiến thực khách mê mẩn như vậy. Khi khai phá được vấn đề này, ta có thể khắc phục được tình trạng cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng làm giả nguyên vật liệu như hiện nay (ví dụ như thực tế vì không đủ lượng gà tre Đèo Le để chế biến, nhiều quán để mua gà Tam Hoàng nhỏ hoặc gà kiến về bôi mỡ nghệ cho da vàng…). Tiếp sau đó, tôi sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu vào phía Nam.

Trong quá trình thực hiện dự án, tôi sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia ẩm thực và chuyên gia dinh dưỡng để hiểu rõ hơn về giá trị dinh dưỡng và cách kết hợp các nguyên liệu sao cho ngon, lành và đẹp.

Tôi sẽ thực hiện những ý định trên thông qua việc viết bài quảng bá, nếu có cơ hội, tôi muốn được giới thiệu trong các hội thảo hay các chương trình ẩm thực. Bên cạnh đó, tôi có thể được sự giúp đỡ, cộng tác và tổ chức những buổi nói chuyện theo chuyên đề về ẩm thực. Trong buổi nói chuyện, chúng ta có thể tổ chức các trò chơi hay các cuộc thi liên quan đến ẩm thực để gây sự hứng thú và quan tâm của mọi người. Tôi cũng tham gia dịch những bài viết của tôi hay những bài hay khác sang Tiếng Anh để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới.

Mọi sự góp ý xin gửi về địa chỉ:
Đinh Khánh Trinh
Đề tài: Ẩm thực Quảng Nam
Điện thoại: 0122 44 188 50
Hộp thư: trinhkhanh.dinh@gmail.com

Wednesday, April 17, 2013

Thư ngỏ của Tiến sĩ Nguyễn Nhã về sự kế tục lãnh đạo của Đại học Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 2013.

Đối với nhà sáng lập và tài trợ - đã cùng bao thế hệ thầy cô, sinh viên chúng ta dày công vun đắp cho nhà trường một truyền thống; cùng nuôi dưỡng những ước mơ về một môi trường giáo dục đích thực, chân chính mà chỉ có trong môi trường giáo dục như thế, một trường đại học như thế thì các thế hệ trí thức, nhân tài mới thực sự được phát sinh và có được lòng nhiệt thành xây dựng cộng đồng, đất nước, tôn trọng nền tảng văn hóa  lịch sử dân tộc và con người.

Các nhà sáng lập và tài trợ ban đầu trong đó có tôi luôn quyết tâm thực hiện tôn chỉ giáo dục, lấy chất lượng đào tạo làm đầu, không chạy theo số lượng. Các thầy cô vì nhiệt tình giáo dục luôn chú trọng nâng cao chuyên môn, chuyên ngành cho chính đơn vị và đào tạo học trò có được đầy đủ tri thức, gánh vác được trách nhiệm tương lai, đồng thời duy trì những giá trị truyền thống nhân văn trong bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm lâu dài. Thế nên - con người mới được trưởng thành trong môi trường như vậy.

Tiếc thay! Trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước lúc đó rất dễ tạo ra sự hiểu lầm thiện chí của những người sáng lập, chủ đầu tư ban đầu; một số người vì lợi ích cá nhân và ham muốn thể hiện danh tiếng, quyền lực đã cố tình làm hoen mờ những giá trị truyền thống, dẫn đến những quyết định sai lầm loại bỏ những người sáng lập, chủ đầu tư ban đầu và tổ chức bảo trợ thành lập trường là Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt.

Bất cứ một tổ chức nào cũng có gốc có nguồn, có thủy có chung, có trật tự có trên có dưới, có trước có sau. Phủ định nguồn gốc, loại bỏ những người sáng lập, chủ đầu tư ban đầu của trường tưởng như áp đặt hành chính dễ dàng. Song những hậu quả vô cùng tai hại trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất rõ đến sự tồn vong, phát triển của một trường đại học do một nhóm trí thức tâm huyết, có năng lực ước mơ xây dựng một đại học vừa mang tính Việt Nam, vừa mang tính hiện đại, sánh vai với các đại học tiên tiến trên thế giới, trước hết với các đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Thời gian đã đủ dài trong hoàn cảnh lịch sử đất nước không ngừng đổi mới; đủ chứng tỏ mọi việc làm trong sáng, hoàn toàn vô vị lợi cá nhân; đủ chứng tỏ năng lực và khả năng đóng góp không mệt mỏi cho xã hội; cũng không còn nghi ngờ gì nữa về thiện chí yêu đất nước của những người sáng lập, chủ đầu tư ban đầu như tôi, nên tiếng nói chung ở trường là kêu gọi công nhận sai lầm, mời gọi nhà sáng lập, chủ đầu tư ban đầu trở về trường, trả lại trường cho nhà sáng lập, chủ đầu tư ban đầu, tổ chức bảo trợ xin thành lập trường trong đó có tôi, Kỹ sư Hà Bính Thân, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt. Chúng tôi rất hoan nghênh thiện chí này của mọi người đã có tiếng nói và hành động cụ thể.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh bất cứ ai đã từng biết đến ttường Đại học Hùng Vương trong thời gian vừa qua chia sẻ thiện chí đó.

Tiếp xúc các bạn vừa là học trò, đồng thời cũng đang giữ trọng trách Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội Sinh viên trường đến thăm viếng, mong tôi quan tâm đến trường, tôi đã nói một cách thân mật rằng:

“Tôi luôn có hai mối quan tâm: một là sứ mạng, tôn chỉ, mục tiêu giáo dục, chủ trương của trường đã thực hiện tới đâu mà tôi nhất định bảo vệ đến kỳ cùng và quan tâm đến sinh viên, nhất là tương lai của hơn 10.000 sinh viên đã tốt nghiệp sẽ bị  ảnh hưởng do gốc gác tốt nghiệp từ một trường không ra gì hay trường không còn tồn tại. Tôi cho đó là một tội ác nếu để ảnh hưởng đến tương lai của sinh viên như thế!"

Chính vì vậy, tôi quyết định lấy ngày truyền thống trường cũng là kỷ niệm ngày ra mắt Đoàn trường, ngày 9 tháng 3 âm lịch, năm 1996, công bố băng Ghi âm Di chúc của GS. Ngô Gia Hy về sự thừa kế lãnh đạo bền vững của trường Đại học Hùng Vương với hơn 10.000 sinh viên đã tốt nghiệp và hàng ngàn sinh viện đang theo học tại trường.

GS. Ngô Gia Hy từng nói: "Trường này là của thầy và trò; dĩ  nhiên phải là thầy và trò chia sẻ, thấm nhuần sứ mạng, tôn chỉ bất vụ lợi, mục tiêu, chủ trương giáo dục của trường."

Tôi kêu gọi tất cả thầy cô, tất cả sinh viên  đã và đang theo học tại trường quyết tâm đấu tranh để tất cả mọi người làm theo Di chúc của GS. Ngô Gia Hy để trường tồn tại và phát triển như ước mơ của những người sáng lập, chủ đầu tư ban đầu của trường.

Cũng như tinh thần của lời Di chúc của GS. Ngô Gia Hy, phải có tinh thần bao dung, bỏ qua những sai lầm của nhau, cùng nhau xây dựng phát triển trường, không còn tụt hậu như hiện nay và sẽ thành trường như ước mơ cũa những nhà sáng lập, chủ đầu tư ban đầu.

Cũng theo lời Di chúc của GS Ngô Gia Hy tất cả những ai không còn chia sẻ sứ mạng, tôn chỉ bất vụ lợi, mục tiêu, chủ trương giáo dục của nhà sáng lập, nhà đầu tư ban đầu hãy tự xử hoặc đi thành lập một trường khác theo ý của mình hoặc không còn tồn tại ở trường này nữa.

Tôi vốn đang theo đuổi sự nghiệp “Đại hòa Dân tộc Thế kỷ XXI”, đang chủ trương xây dựng chương trình "Ngàn thanh niên thế kỷ XXI” mỗi người một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường trở thành cường quốc biển trong tương lai để không còn bị xử ép, bị làm nhục ở Biển Đông.

Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, vừa được UNESCO công nhận là tín ngưỡng di sản quý giá của nhân loại, cũng như nhân ngày truyền thống của trường xin tặng quý thầy cô và sinh viên, cựu sinh viên Tập thơ Quốc đạo gồm "Thập nhị Hiền kinh Quốc đạo", "Ca trù Quốc đạo", "Hát thơ Quốc đạo", "Gia huấn ca", "Tình yêu là gì?"... đã được các nghệ sĩ tài danh hát, một phần đã đưa lên mạng (tìm từ khóa: Ca trù hát thơ 2012, 2013...) để phần nào thấy tâm nguyện của tôi.

Hãy nhìn sang các quốc gia khu vực cũng như Nhật Bản, Nam Hàn, Đức... họ đã thể hiện những năng lực tri thức, văn hoá nào để vươn lên từ những chua cay trong ảnh hưởng từ chiến cuộc thế giới vừa qua? Việt Nam chúng ta nhất định phải vươn lên, trước hết từ giáo dục, trong đó có trường thân yêu của chúng ta: Đại Học Hùng Vương - TP.HCM.

Cũng trong buổi lễ long trọng hôm nay, riêng các nhà sáng lập và tài trợ chúng tôi chân thành ghi nhận sự đấu tranh, nhân thức quý báu của quý thầy cô, cán bộ nhân viên trong trường, suy nghĩ đúng đắn của các sinh viên các khoa đã và đang theo học… đã vượt qua những khó khăn và nhất là duy trì được sự ổn định tốt nhất trọng tâm giáo dục của trường.

Chính sự đấu tranh kiên cường ấy, đã càng tô đậm cho lịch sử hình thành cuả trường và làm sáng tỏ tôn chỉ bất vụ lợi, không chấp nhận thương mại hóa giáo dục.

Kính chúc các bạn sinh viên cũng như các bạn cựu sinh viên luôn đạt được những thành công.

Kính chúc quý thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường, các vị lãnh đạo thiện chí ở các khoa, phòng, đơn vị, tổ chức trong nhà trường luôn khang an, hạnh phúc.

Chân thành cảm ơn Ban tổ chức ngày truyền thống đã cho tôi những cảm xúc ấm nồng tình nhà, tình trường trong ngày truyền thống trường Đại học Hùng Vương, Tp. Hồ Chí Minh.

Trân trọng kính chào,                                                                                

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học.

Nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Sáng lập,

Nguyên đại diện thành phần sáng lập trong Hội đồng Quản trị Nhiệm kỳ 2 (Đại học Hùng Vương).






Friday, April 12, 2013

Một người quyết gắn bó với món chè Việt, nghiên cứu quảng bá món chè Việt ra thế giới


* Bài thu hoạch Đề án Bếp Việt - Lê Thị Hương Quê.

Trong không khí vô cùng ấm cúng, 4 giờ chiều, ngày 07 tháng 04 năm 2013, tại tư gia của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, tôi đã có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với Tiến sĩ Nguyễn Nhã – người rất tâm huyết với ẩm thực Việt, anh Nguyễn Văn Lập – Siêu đầu bếp năm 2013, cùng các bạn nhóm nòng cốt trong Đề án Bếp Việt cho thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã – sau đây tôi xin gọi “thầy Nhã”, đã chia sẻ những nét đặc sắc về nền ẩm thực Việt Nam, xưa và nay, rồi những trăn trở của thầy đối với Đề án Bếp Việt lần này. Thầy cho chúng tôi xem những quyển sách do chính thầy dốc hết tâm huyết biên soạn như: Độc đáo ẩm thực Thăng Long-Hà Nội, Độc đáo ẩm thực Huế, Bản sắc ẩm thực Việt Nam cùng các tài liệu liên quan.

Những lời chia sẻ thân tình của thầy từ phong cách ẩm thực Bắc-Trung-Nam cho đến những giá trị cụ thể qua từng ví dụ sinh động. Nhất là phải kể đến “mắm Việt”. Thầy đặc biệt nhấn mạnh rằng trong mâm cơm của người Việt gần như không thể thiếu chén mắm và nó không hề lẫn với các loại nước chấm khác như nước tương của Tàu hay những loại nước chấm du nhập từ phương Tây. Dù hằng ngày trong mâm cơm của tôi vẫn không thể thiếu chén mắm chanh tỏi ớt nhưng từ khi gặp thầy tôi bắt đầu có cái nhìn rõ hơn về nó: mắm không chỉ là món chấm bình thường mà còn là một giá trị truyền thống của ẩm thực gia đình.

Cũng trong chiều hôm ấy, anh Nguyễn Văn Lập – Siêu đầu bếp năm 2013, đã biểu diễn nghệ thuật cắt tỉa củ quả. Chỉ trong nháy mắt anh đã tỉa xong một bông hồng rất tinh tế và sống động từ củ cà rốt. Mọi người ai cũng tấm tắt khen. Tiếp theo anh “chạm trổ” quả bí ngô thành một đầu người, cứ phải gọi là “y như thật”. Rất khéo léo, anh vừa trò chuyện rôm rả, vừa khắc nên hình hài một con người. Qua đó tôi nhận ra rằng mỗi một món ăn là một nghệ thuật và đặc biệt nghệ thuật trang trí đóng vai trò quan trọng để tạo cái “chất” của món ăn.

Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong đội nòng cốt của Đề án Bếp Việt cũng có dịp để lần lượt nêu lên suy nghĩ của mình về ẩm thực Việt Nam cũng như đề ra mục tiêu đồng hành với Bếp Việt. Để gìn giữ các giá trị truyền thống của ẩm thực Việt, để đưa ẩm thực Việt đến gần với thế giới hơn nữa thì đó quả là một chặn đường dài. Song, tất cả mọi người trong đề án đều đồng tâm nhất trí theo đuổi tới cùng.

Tôi cũng xin góp chút sức mọn của mình vào đề án vô cùng ý nghĩa này. Với tham vọng vừa quảng bá hình ảnh quê mình, vừa cóp nhặt kiến thức về ẩm thực Việt Nam để vươn ra thế giới tôi đã chọn cho mình một lối đi, đó là chè. Chè có nhiều loại và nhiều chức năng. Từ Bắc vô Nam bạn có thể kể bao nhiêu tên chè? Vô số phải không nào ? Đó là chưa kể cùng một tên gọi nhưng chỉ cần gia giảm các nguyên liệu ta đã có một hương vị hoàn toàn khác. Thật thú vị phải không nào? Lại thêm thức ăn (cũng có thể là thức uống) đặc biệt này có rất nhiều công dụng. Chè có thể làm món tráng miệng hay khai vị cũng giống như các nước phương Tây ăn súp trước bữa chính vậy. Hay chè còn có thể ăn dặm. Nghĩa là ăn chè giữa buổi, có thể là buổi sáng hoặc buổi trưa, để vừa không bị đói vừa không bỏ lỡ bữa chính vì ăn quá no. Hay chè làm món điển tâm giúp ta yên lòng mà tận hưởng giấc ngủ ngon lành. Cũng có những món chè có từ rất lâu rồi, cũng có những món mới sáng chế gần đây và cũng có những món đã thất truyền. Chẳng phải đấy cũng là một đề tài đáng được lưu tâm khi nhắc đến ẩm thực Việt sao?

Tôi thấy mình thật may mắn vì đã không bỏ lỡ buổi gặp mặt đầu tiên của Đề án Bếp Việt cho thế giới. Chặng đường phía trước còn dài nhưng tôi không đơn độc. Để đưa những giá trị Việt vươn ra thế giới thì đây, ngay từ bây giờ ai cũng có thể làm được. Tôi đã chọn khởi đầu con đường quảng bá hình ảnh Việt, một con đường đồng hành với Đề án Bếp Việt.

Mong một tương lai không xa sẽ trả lời một cách cụ thể.

Lê Thị Hương Quê
Đề tài: Chè Việt
Di động: 01636926295
Hộp thư: quehuong.huongque@gmail.com


Bảng mục tiêu những việc đã, đang và sẽ thực hiện

STT
Mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu dài hạn
Ghi chú
1
Cùng bạn bè quảng bá các sách và tài liệu của Thầy Nhã. (qua mạng, truyền mệng, đi đến những nơi cần thiết,…)
Viết các bài báo có liên quan
Hiển nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra tôi phải có sự giúp đỡ rất lớn từ phía gia đình, bạn bè và thầy cô.
2
Tham gia các buổi giao lưu gặp gỡ tại cơ sở của Bếp Việt.
Tìm hiểu tài liệu về ẩm thực Việt xưa và nay, đặc biệt là món chè. (qua sách báo, Internet, người thân, bạn bè,…)

3
Chọn cho mình một món chè tâm đắc nhất, chuẩn bị cho “màn trình diễn” sắp tới.
Dịch các bài báo, các sách viết về ẩm thực (đặc biệt là của thầy Nhã) sang tiếng Anh và tăng cường quảng bá Bếp Việt.

Wednesday, April 10, 2013

Cảm xúc của người quyết theo con đường nghiên cứu và quảng bá ẩm thực Bắc Bộ


* Bài thu hoạch Đề án Bếp Việt - Trần Thị Thiềm.

Niềm đam mê ẩm thực đã nhen nhóm trong tôi ngay từ khi tôi còn nhỏ. Mỗi khi có dịp tôi luôn tự tay nấu cho những người mình yêu thương nhất những món ăn ngon. Niềm vui hạnh phúc nhất của người đầu bếp là khi mọi người thưởng thức được món ăn do mình nấu và cảm nhận được tình yêu thương trong đó. Giây phút cả nhà quây quần bên mâm cơm thật là ấm cúng và hạnh phúc biết chừng nào. Mẹ tôi thường bảo những món ăn ngon sẽ khiến các thành viên trong gia đình cho dù có đi xa tới đâu thì vẫn nhớ tới gia đình mà quay trở về.

Có thể nói ẩm thực là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi thích ngồi xem bà, mẹ nấu những bữa cơm cho gia đình để rồi khi lớn tôi bắt đầu tự nấu và còn sáng chế ra ra nhiều món ăn nữa. Khi rảnh tôi cũng hay xem những chương trình dạy nấu ăn trên ti vi hay trên mạng internet do cô Diệu Thảo hay cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân dạy nữa. Chỉ xem qua một lần rồi tôi mày mò nấu thử cho cả nhà ăn. Bởi vậy chẳng quá ngạc nhiên, khi Tiến sĩ Nguyễn Nhã hỏi bạn nào thích ẩm thực thì đăng kí vào dự án Bếp Việt, ngay lập tức tôi đã giơ tay. Trong buổi hội thảo của bộ môn Biên Phiên Dịch, tôi đã thực sự bị thu hút bởi cách nói chuyện tâm tình với sinh viên của thầy Nhã. Thầy đã chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm và những thành công mà thầy đã đạt được. Ngoài ra những thành quả mà thầy có được khi mới ở độ tuổi 26 cũng khiến tôi vô cùng xúc động.

Là một sinh viên năm cuối sắp rời khỏi ghế nhà trường, cũng có lúc tôi hoang mang lo sợ rằng không biết sau này mình sẽ làm được những gì. Tôi thầm ước giá mà mình cũng được như thầy cho dù chỉ một phần nhỏ bé thôi cũng được. Nhưng tôi sẽ chẳng làm được gì nếu như tôi không chịu hành động. Thực sư tôi rất háo hức với dự án này và hi vọng rằng mình có thể đóng góp chút gì đó đối với nền ẩm thực Việt Nam. Hôm nay, là buổi họp đầu tiên của nhóm nòng cốt dự án. Tôi đã rất háo hức mong chờ được gặp thầy và mọi người trong nhóm. Tôi và nhỏ bạn trong nhóm đã hẹn nhau tìm đường tới nhà thầy. Đoạn đường tuy không dài nhưng mà số nhà thì thật là khó kiếm. Số nhà cũ rồi số nhà mới khiến chúng tôi bấn loạn. Loay hoay gần một tiếng đồng hồ hỏi tới hỏi lui chúng tôi cũng tìm được đến nhà thầy.

Khung cảnh trước nhà thầy kéo tôi quay trở về những ngày còn thơ bé. Tôi và các bạn thường hay tụ tập chơi những trò trẻ con dưới bóng râm của giàn hoa giấy. Khi thầy mở cửa mời chúng tôi vô nhà, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi khối lượng sách, tài liệu, tranh ảnh trong nhà thầy. Chúng được sắp xếp rất gọn gang, ngăn nắp và sạch sẽ. Thầy trân trọng giữ gìn sách giống như những tài sản vô giá vậy. Cách bài trí đồ đạc trong nhà thầy rất khoa học. Không gian ấm cúng nhưng không kém phần sang trọng, cổ kính mà hiện đại bởi cách phân chia các gian phòng hợp lý, phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, nhà bếp.

Thầy tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, tận tình giảng giải như một người thầy, một người cha. Luôn nở nụ cười trên môi, khiến cho khoảng cách giữa thầy và trò dường như tan biến. Chúng tôi có buổi nói chuyện rất thân mật với thầy. Thầy đưa ra những gợi ý và hướng chúng tôi theo những mảng đề tài mà chúng tôi yêu thích.

Chúng tôi cùng nhau chia sẻ cơ duyên đến với dự án và những dự định sắp tới. Có cơ hội được nói chuyện, tiếp xúc với những người nổi tiếng như thầy, anh Lập thật đúng là may mắn của bất cứ ai trong nhóm nòng cốt. Mọi người ai cũng thân thiện và gần gũi giống như những thành viên trong một gia đình.

Anh Lập, một đầu bếp nổi tiếng và cũng là siêu đầu bếp 2013. Anh cũng rất tâm huyết với dự án Bếp Việt. Với mong muốn khôi phục và gìn giữ tinh hoa ẩm thực Việt, anh đã hết lòng chia sẻ những thành công, đam mê, kinh nghiệm của mình với chúng tôi. Anh còn hứa sẽ hết lòng giúp đỡ chúng tôi khi cần. Tôi không thể nào quên được màn biểu diễn ấn tượng tỉa trái cây của anh. Từ một củ cà rốt vô tri anh có thể biến nó thành một bông hồng rất ý nghĩa, từ một trái bí ngô anh có thể tạc hình khuôn mặt của một ông cụ với vẻ trầm tư. Thật đáng nể phục! Bàn tay anh điêu luyện trong từng bước ngồi tỉ mẩn gọt, tỉa. Nhìn thì tưởng chừng đơn giản nhưng anh cho biết để có thể đưa dao như vậy anh đã phải luyện tập trong 8 năm ròng.

Người tiếp theo tôi muốn nhắc tới đó là anh Nemo Phan, một dịch giả trẻ. Anh cũng là một đàn anh rất đáng kính của chúng tôi. Anh chăm chú lắng nghe thầy giảng giải, rồi giải đáp thắc mắc của chúng tôi. Bận rộn rót nước cho mọi người, lo ghi hình, chụp ảnh. Anh thật là chu đáo. Cũng không thể không nhắc tới phía gia đình thầy, những con người vô cùng đáng mến.

Đó là vợ thầy, mặc dù tay đau nhưng vẫn lo lắng, hỏi han chúng tôi. Lo dọn đồ ăn cho chúng tôi, kể cho chúng tôi nghe thành quả mà cô đã đạt được. Cô đã cho chúng tôi xem những bông hồng trắng cô tỉa từ đu đủ. Ôi nó mới giống thật làm sao!

Nếu cô không nói thì chắc chẳng ai biết đó là hoa làm từ trái cây cả. Cô còn chia sẻ cách phân chia nguyên liệu như thế nào để làm được món chả giò.

Món chả giò ăn kèm với bún và rau sống cùng với nước mắm có pha ớt chanh tỏi rất vừa ăn. Anh Quốc, cháu thầy cũng là một đầu bếp. Anh đã trổ tài và còn hướng dẫn chúng tôi làm món chả đẫy, một món ăn gia truyền của gia đình. Nhìn anh làm có vẻ đơn giản, nhưng khi làm mới biết khó như thế nào. Nó đòi hỏi phải có sự khéo léo, nhanh nhậy của đôi bàn tay. Lửa vừa đủ, lượng dầu vừa đủ thì món này mới có thể thành công được. Anh rất hiền lành và tử tế với chúng tôi. Thưởng thức những món ăn truyền thống trong một không gian ấm cúng, ai nấy trong số chúng tôi đều cảm thấy rất vui.

Mọi người cùng trò chuyện rôm rả về đề tài ẩm thực. Nhất định khi nào trở về nhà tôi sẽ làm cho cả nhà thưởng thức món chả đẫy. Một món ăn đậm đà, cùng với món nước mắm chấm kèm, một món mà không thể nào thiếu được trong mỗi bữa ăn của gia đình Việt. Lần này tôi đã học thêm được một món ăn mới, và nhiều bài học bổ ích từ thầy cô, các anh và các bạn.

Khi ra về thầy còn chu đáo tặng chúng tôi sách ẩm thực Huế, Hà Nội, Bản sắc ẩm thực Việt Nam do chính thầy chủ biên và thầy cũng cho mượn thêm các tài liệu để chúng tôi có điều kiện tốt nhất để viết bài.

Trong lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng, bởi nhờ có thầy tôi lại được sống với chính niềm đam mê ẩm thực của mình. Nhờ có thầy và mọi người tôi mới có thể nhìn lại và định hướng cho con đường phía trước mà tôi sắp đi.

Mỗi người chúng tôi tuy đến từ những vùng miền khác nhau, làm những công việc chẳng giống nhau, nhưng ở chúng tôi có thể tìm thấy một tiếng nói chung: đó chính là niềm đam mê ẩm thực Việt. Chúng tôi sẽ quyết tâm đóng góp sức mình vào việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và khôi phục những nét tinh hoa của ẩm thực Việt.

Đề tài mà tôi sẽ theo đuổi là Ẩm thực Bắc Bộ - quê hương của tôi. Nếu bạn cũng có chung niềm đam mê về ẩm thực và đặc biệt là ẩm thực Bắc Bộ thì đừng ngại ngần chia sẻ với đề án Bếp Việt hoặc với tôi nhé.

Trần Thị Thiềm

Đề tài: Ẩm thực Bắc Bộ

Di động: 0989886401

Email: bluebelltran2705@gmail.com

Friday, April 5, 2013

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bật khóc trước lá thư của học sinh gửi lãnh đạo Trung Quốc

Thứ tư 03/04/2013 07:13

TS. Nguyễn Nhã nói: “Việc con người sợ hãi là một điều gì đó là không tránh khỏi nhưng lịch sử của Việt Nam cho biết một điều rằng mỗi một khi đất nước nguy khốn thì người dân sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng. Biết bao thế hệ thanh niên đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc”.


TS. Nguyễn Nhã.

Là nhà nghiên cứu Sử học, TS. Nguyễn Nhã (SN 1939) nổi tiếng với công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng đã từng tham gia nhiều hội thảo về Biển Đông và nhiều lần xúc động, rơi nước mắt mỗi khi nghe tin tức về các tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, gây thiệt hại. Một ngày đầu tháng 4/2013, TS. Nguyễn Nhã đã dành cho báo Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện về vấn đề này.

"Trong lịch sử chưa có hành động nào man rợ như thế”

Nghẹn ngào xúc động và có những lúc ông đã bật khóc khi nghe bức thư của một học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc và khi được hỏi cảm nhận về việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắn cháy cabin vừa qua, ông Nguyễn Nhã chia sẻ:

“Trước hết tôi cũng rất xúc động khi có những bức thư như thế. Tôi thấy trong lịch sử loài người, chưa có tiền lệ nào về việc một tàu được trang bị vũ trang của một nước lại nã đạn vào tàu của ngư dân một nước khác như Trung Quốc vừa làm vừa qua với Việt Nam. Dù có lý do chính đáng nào đi chăng nữa thì cũng không thể có những hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo, man rợ như vậy, chứ chưa kể là tàu cá đó của Việt Nam lúc đó đang ở trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đó là một sự đáng tiếc”.

TS. Nguyễn Nhã nói tiếp: “Tôi rất khâm phục các sử thần của TQ như Thái Sử Bá, xưa kia khi họ không sợ bị chém đầu mà nhất quyết viết đúng sự thật. Chẳng hiểu sao, đến nay, truyền thống đó  TQ không còn giữ được, nhất là về sự thật chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX mới gọi là Tây Sa và Nam Sa.


Đề văn cô Đặng Nguyệt Anh ra cho học sinh lớp 4 Trí Đức.


Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo TQ của em Vũ Tuyên Hoàng.

Trong khi nhiều tài liệu Phương tây từ thế kỷ XIX  ghi rõ Paracel là Cát Vàng tức Hoàng Sa. TQ đang muốn vươn lên làm một siêu cường trên thế giới, những những hành động vừa qua của họ trên Biển Đông và với Việt Nam thì chỉ gây bất lợi cho họ.

Dù sao chăng nữa, Việt Nam có một câu triết lý: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tôi nghĩ rằng, trong thời đại này, cả trái đất này là một “giàn” thì chỉ cần một sự hung hãn nào đó thì cả trái đất có thể bị tiêu diệt luôn vì kho vũ khí hạt nhân hay vũ khí hóa học còn rất lớn. Nếu không có sự thay đổi thái độ thì đến một lúc nào đó, thế giới này không còn nữa”.

“Trong những hội thảo về Biển Đông, có nhiều học giả quốc tế nói rằng: “E rằng châu Á sẽ xảy ra những bi kịch giống như của châu Âu ở thế kỷ XX vừa qua khi các hành động hung dữ cứ tiếp tục xảy ra”. Sự lo ngại của các vị học giả đó không phải không có lý khi TQ liên tục có những hành động hung hãn trên khu vực Biển Đông”, TS. Nguyễn Nhã nói.

"Nhiều người dân Việt Nam do lợi mà đã vô tình bị TQ xúi giục”?

Rưng rưng nói về truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, ông Nhã cho rằng: “Việc con người sợ hãi là một điều gì đó là không tránh khỏi nhưng lịch sử của Việt Nam cho biết một điều rằng mỗi một khi đất nước nguy khốn thì người dân sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng.

Biết bao thế hệ thanh niên đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc. Việt Nam chưa bao giờ tự coi là một nước nhỏ cả. Và việc đó đã được thể hiện qua cách đặt quốc hiệu của các triều đại trong lịch sử: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam và các vua Việt Nam luôn tự xưng hoàng đế từ ngàn năm nay…”
Liên hệ đến những sự việc vừa qua như SGK có cờ Trung Quốc, thương lái trộn lẫn hàng của Trung Quốc vào hàng của Việt Nam để bán cho dễ, đèn lồng có chữ “TAM SA”…, TS. Nguyễn Nhã cho hay: “Trung Quốc có nhiều chiêu trò và những việc mà chúng ta thấy vừa qua như SGK có cờ Trung Quốc, đèn lồng của TQ ở Hội An được treo tràn lan, Hải Phòng có chữ “TAM SA”, nho ở siêu thị được dán cờ Trung Quốc, nước tương thay thế nước mắm khắp các nhà hàng một cách vô tư… không phải là một sự ngẫu nhiên, vô tình.

Nhiều người dân Việt Nam do lợi mà đã vô tình bị TQ xúi giục. Nhiều người lớn chúng ta khi đọc được bức thư gửi ông Tập Cận Bình của một cháu nhỏ lớp 4 có lẽ sẽ phải cảm thấy xấu hổ và hãy lấy đó là tiếng chuông thức tỉnh để không còn những nhầm lẫn tai hại như trên”.

TS. Nguyễn Nhã nói tiếp: “Bài học lịch sử cho thấy mình cứ lùi thì người ta cứ lấn tới. Cho nên chúng ta phải có thái độ dứt khoát trước những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Như tôi từng phát biểu tại Hội thảo Biển Đông tại Hà Nội, nên thêm 1K nữa là “K : Không sợ” vào 8K chỉ đạo. Bởi nếu Biển Đông nổi sóng thì chẳng có ai được lợi cả , song thiệt hại nhất chính là Trung Quốc, làm sao trở thành siêu cường được!.

Các ngư dân của chúng ta vẫn tiếp tục ra khơi, bám biển quê hương để bảo vệ chủ quyền. “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Cả nước sẽ cùng hướng về những ngư dân ra khơi đánh cá và để thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đồng thời có những biện pháp giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Các tàu kiểm ngư, của Cảnh sát biển cũng phải đi cùng để bảo vệ và hỗ trợ các ngư dân”.

Các ngư dân của chúng ta cũng nên ghi lại các hành ảnh về việc đe doạ, xua đuổi của tàu TQ với tàu cá Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Cần có một sự thay đổi là: Hãy để cho các ngư dân của chúng ta phản ứng khi cần thiết, la toáng lên cho cả thế giới biết sự thật tàn nhẫn vô nhân đạo mà cả loài người không ai chấp nhận như thế!

Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam về những cảm xúc trong từng giọt nước mắt mỗi khi nghe tàu cá của Việt Nam ở Hoàng Sa bị TQ xua đuổi, gây thiệt hại, TS. Nguyễn Nhã nói: "Từ hồi năm 1975, tôi bắt đầu xúc cảm như vậy.

Tôi xúc cảm như vậy từ thân phận của những nước nhỏ như Việt Nam thì có thể là nạn nhân của thời cuộc quốc tế. Tất cả những cảm xúc ấy cứ dồn nén.

Nói đến Hoàng Sa là nhớ tới biến cố năm 1974 và năm 1975 kỷ niệm 1 năm TQ dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Và từ đó cho đến nay, mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa tôi lại có xúc cảm như thế.

Vì khi đó, mình thành cường quốc như những nước khác rồi thì không ai bắt nạt được nữa, không bị xử ép nữa, không bị làm nhục nữa. Đó là tâm trạng trong tim của mình không kìm nén được chứ những việc khác, ít khi tôi tâm trạng lắm".

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/TS-Nguyen-Nha-bat-khoc-truoc-la-thu-cua-hoc-sinh-gui-lanh-dao-TQ/288016.gd