Wednesday, March 19, 2014

Báo Đà Nẵng: Xây dựng thương hiệu quốc gia cho ẩm thực và phở Việt

Đón nghe bài phỏng vấn do VOV thực hiện nhân tọa đàm Xây dựng thương hiệu quốc gia: “Ẩm thực Việt - Phở Việt" (08/03/2014). Chương trình dự kiến phát sóng trên hệ VOV1, 23/03/2014, lúc 13h00 (nghe trực tuyến tại đây: http://vov1.vov.vn//Default.aspx), trên hệ VOV22, 23/03/2014, lúc 11h30, phát lại lúc 21h00 cùng ngày (nghe trực tuyến ở đây: http://vov2.vov.vn/Default.aspx). 
pho
 Phở là món ăn tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam.

TS Nguyễn Nhã cho rằng, nếu chúng ta khắc phục được chuyện an toàn thực phẩm, cộng thêm tiếp thị tốt thì ẩm thực Việt Nam nói chung và phở Việt Nam nói riêng sẽ trở thành thương hiệu quốc gia. Đó là cách tiếp thị tốt cho hình ảnh của Việt Nam trên phương diện văn hóa.
* Thưa TS Nguyễn Nhã, nhiều người biết tới ông với tư cách là nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Nhưng có lẽ chưa mấy người biết, một quan tâm rất lớn nữa của ông bên cạnh sử học là ẩm thực. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Tôi là nhà nghiên cứu lịch sử, mà lịch sử là quá khứ. Tôi cũng từng là trưởng nhóm nghiên cứu phát huy truyền thống Việt Nam. Từ năm 1975, tôi xây dựng nhóm nghiên cứu văn hóa ăn uống Việt Nam.
Năm 1996, ngay tại nhà, tôi giới thiệu 40 món ăn 3 miền với các nhà nghiên cứu như: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Sơn Nam, Toan Ánh, Hoàng Xuân Việt… Năm sau, tôi giới thiệu 170 món ăn tại một khách sạn lớn tại Sài Gòn. Tiếp đó, chúng tôi còn tổ chức hội nghị khoa học có quy mô quốc gia lần đầu tiên về bản sắc Việt Nam. Tôi cũng tổ chức vài hội thảo khoa học khác về ẩm thực trị liệu cũng như các tiệc đãi quốc khách.
Năm 2007, tôi cùng 8 người sáng lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và tôi là Viện trưởng. Năm 2012, tôi ngừng tham gia đơn vị này nhưng lại tiếp tục làm trưởng đề án Bếp Việt. Trước mắt, tôi đã thành lập CLB văn hóa ẩm thực Việt Nam của các doanh nhân. Các chuyên gia ẩm thực của Pháp khuyên rằng, muốn quảng bá bếp Việt ra thế giới, vai trò của giới doanh nhân rất quan trọng.
* Như vậy có thể thấy mối quan tâm của ông với ẩm thực đã bắt đầu từ rất lâu và song song với niềm đam mê nghiên cứu sử học. Sự khác biệt và thú vị giữa hai lĩnh vực nghiên cứu này như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, về việc nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, giới sử học trong nước lâu nay ít quan tâm. Bây giờ, tôi là một trong những người nghiên cứu trở lại quá khứ. Cho đến nay, tôi mới chỉ tiếp cận được những món ăn có công thức làm từ thế kỷ 18 trở lại.
Tôi nghĩ, món ăn truyền thống trong gia đình hay trong cung đình xưa rất phong phú. Nhưng bây giờ, khi đưa các món ấy ra nhà hàng, các đầu bếp cũng ít biết về những món đó. Vì vậy, các món ăn bị pha tạp quá nhiều.
Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam là cả vấn đề lớn. Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu và tổ chức các hội thảo, tôi đã có 3 cuốn sách: Bản sắc ẩm thực Việt Nam, Độc đáo ẩm thực Thăng Long - Hà Nội, Độc đáo ẩm thực Huế. Mỗi cuốn sách là đặc điểm ẩm thực tiêu biểu của từng vùng. Thăng Long - Hà Nội có khoảng hơn 100 công thức nấu món ăn truyền thống trong gia đình. Ở Huế còn khoảng 200 công thức.
Sau khi nghiên cứu ẩm thực các vùng, bây giờ tôi muốn đi vào món ăn cụ thể. Và tôi đang nghiên cứu lịch sử của phở, cách chế biến và những nét văn hóa đi liền với món ăn này. Tôi cho rằng, phở là món ăn tiêu biểu cho ẩm thực Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam. Hy vọng với công trình nghiên cứu thật sâu của tôi, người ta sẽ hiểu hơn về những đặc trưng độc đáo của món ăn đã có khoảng hơn 100 năm nay.
* Từ nghiên cứu theo diện (tức là ẩm thực các vùng miền), tới nghiên cứu theo điểm (đi vào cụ thể từng món ăn), hẳn ông đã nhận ra một nét nào đó xuyên suốt trong tinh thần ẩm thực của người Việt từ góc nhìn văn hóa?
- Ngay tại Hội nghị khoa học Bản sắc Việt Nam trong ăn uống vào năm 1997, tôi đã có bài về chiến lược định hình và phát huy truyền thống ăn uống của Việt Nam. Khi đó, tôi đã đưa ra 9 đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.
Sau này, khi tham gia Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, tôi đúc kết mấy điều: ẩm thực Việt Nam lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon lại vừa lành. Rất ít mỡ, ít thịt, nhiều rau, củ, quả. Từ nguyên liệu chính tới các gia vị đi kèm, ăn kèm cũng đều là tươi sống. Trong cách nấu, người Việt thích luộc, hấp để giữ được vị tự nhiên của thực phẩm.
Chẳng hạn, với món phở, trong thành phần chính của nó đã có nhiều chất bổ dưỡng, lại có thêm các loại rau và gia vị đi kèm cũng là những chất bổ dưỡng khác. Ngay cả hành ăn kèm phở cũng có tác dụng tiêu mỡ, tốt cho sức khỏe.
Như vậy, chỉ một món ăn như phở, tùy theo cơ thể mỗi người, có thể ăn thêm hay bớt tùy theo nhu cầu. Phở có khả năng đáp ứng sở thích của từng người. Người ta nói ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, theo tôi, phở là một trong những cái tiêu biểu cho tính đa dạng ấy. Vì nếu phở truyền thống là phở gánh ở Hà Nội, nhưng vào Nam đã khác, sang nước ngoài lại khác nữa. Vì vậy, tôi mới nói, chúng ta phải có cái “chuẩn Việt”; từ cái chuẩn đó, người Việt Nam khi giới thiệu phở truyền thống có thể sẽ khác phở đã được biến tấu đi ở các vùng miền, nhưng vẫn giữ được cái được gọi là “chuẩn Việt” ấy.
* Ông có dịp thưởng thức ẩm thực của nhiều nước trên thế giới. Theo ông, vị thế của ẩm thực Việt trên mặt bằng chung của thế giới như thế nào?
- Tất cả các nguyên vật liệu và mùi vị trong món ăn Việt Nam luôn bảo đảm sự cân bằng. Khi đã cân bằng, tự nhiên nó hợp với nhiều người.
Và nữa, như tôi đã nói, món ăn của mình lại có chuyện “thêm” và “bớt”. Ví dụ, tôi là người thích ăn cay thì có thể thêm ớt. Tôi thích ăn béo thì có nước béo. Tôi thích thêm thịt thì có thịt, v.v…
Tôi từng gặp Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ thực phẩm, là Tổng Giám đốc của một công ty kinh doanh gạo và thực phẩm ở Hàn Quốc. Ông cho biết, ông đi từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh, ở đâu ông ăn cũng thấy ngon. Điều này không có ở những nước khác.
Hiện nay, CNN cũng đánh giá, trong 50 món ăn ngon của thế giới có món phở, gỏi cuốn của Việt Nam.
Như vậy, hiện nay Việt Nam có khoảng vài món mà đâu đâu người ta cũng biết và thích. Nhưng chúng ta có tới hơn 3.000 món ăn. Bên cạnh những món đã quen, biết đâu còn nhiều món ăn truyền thống khác có thể đã mai một, ví như món chả đẫy tôi từng giới thiệu và nhiều người rất thích.
Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, nếu các doanh nhân của ta làm tốt, sẽ không chỉ có vài món, mà có thể là hàng chục món ăn của ta được thế giới biết đến.
Nếu chúng ta khắc phục được chuyện an toàn thực phẩm, cộng thêm tiếp thị tốt thì đến một lúc, theo tôi, ẩm thực Việt Nam nói chung và phở Việt Nam nói riêng sẽ trở thành thương hiệu quốc gia. Đó là cách tiếp thị tốt cho hình ảnh của Việt Nam trên phương diện văn hóa.
* Tại sao ông cho rằng, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho ẩm thực Việt và phở Việt?
- Theo tôi, tất cả những gì xuất khẩu ở hạng nhất nhì thế giới hiện nay đều liên quan đến ẩm thực. Đó là gạo, cà-phê, hạt điều, cá, tôm, v.v… Khắp nơi trên thế giới đều có các quán ăn Việt Nam, nhất là phở. Nhìn lại thị trường trong nước cũng thấy ẩm thực là lĩnh vực rất quan trọng.
Việt Nam có nhiều món ăn ngon, nhưng phở vẫn là món mang nhiều đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa Việt. Văn hóa Việt là nền văn hóa được giao lưu với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Phở cũng vậy, nó phát triển rất mở, đến nỗi phở mỗi vùng lại có những khác biệt. Sự biến tấu đúng hay không còn do hoàn cảnh, nhưng nếu biến tấu mà vẫn giữ được bản sắc thì rất tốt, vì nó thể hiện tính đa dạng, tính mở của văn hóa Việt Nam. Ngay trong cách ăn phở cũng thể hiện sự toàn tâm toàn ý. Vì ăn phở mà không tập trung ăn khi nóng sốt thì làm sao ngon được.
Tôi nghĩ rằng tất cả những điểm vừa nêu đã thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam. Và tất cả những gì nằm trong văn hóa Việt Nam đều có những cái hay, nhưng chưa có cái nào nổi bật bằng văn hóa ẩm thực và văn hóa phở.
* Ông và các cộng sự đã và đang làm gì để cụ thể hóa chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia cho ẩm thực Việt và phở Việt?
- Trước mắt, chúng ta phải quảng bá ngay với những người nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, tình trạng pha tạp giữa ẩm thực Việt và ẩm thực các nước Tàu, Tây rất rõ. Do đó, nếu muốn quảng bá, phát triển ẩm thực ra thế giới, ta cũng cần chuẩn hóa hệ thống nhà hàng, chuẩn hóa những món ăn của ta. Nước ta chưa có công ty nào như công ty Hoàng gia ở Thái Lan. Họ đã phát triển hơn 8.000 nhà hàng chuẩn kinh doanh ẩm thực Thái Lan trên khắp thế giới.
Vấn đề yếu nhất của ẩm thực Việt Nam hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện mẫu chuỗi nhà hàng bảo đảm từ thực phẩm sạch đến bếp sạch…
* Xin cảm ơn ông!
“Ngày 10-4 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo Pháp - Việt về vấn đề quảng bá bếp Việt ra thế giới, trong đó nói nhiều về chuyện phục dựng ẩm thực cung đình Huế về an toàn thực phẩm. Ngày xưa, khi hoàng đế ăn, nếu thức ăn không an toàn thì người phục vụ bị xử trảm. Bây giờ khách hàng là “thượng đế”, nếu thượng đế ăn mà không an toàn thì cũng phải bị xử lý thôi”.
TS NGUYỄN NHÃ
TRẦN ĐẮC LUÂN thực hiện

Wednesday, March 12, 2014

Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”: Hoàng Sa, Trường Sa là chất men yêu nước

Các chiến sĩ hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa. Ảnh: GIANG HUY

Hoàng Sa, Trường Sa là chất men yêu nước, bởi có biết bao nhiêu người Việt thân yêu của chúng ta đã ngã xuống vì tổ quốc, vì bảo vệ một phần lãnh thổ của đất nước! Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ đất nước ấy thì tổ quốc phải ghi công và gia đình họ phải được Nhà nước và nhân dân quan tâm đến.

Sau bốn mươi năm lịch sử, Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và sau đó năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đá, bãi cạn ở Trường Sa, tôi đã bỏ hết công sức mình đi tìm hiểu đâu là sự thật về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Song học lịch sử Việt Nam, chúng ta đều thấy không nghi ngờ gì nữa về lòng yêu nước của người Việt Nam qua các thời đại, nếu cần, người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Hơn 4 năm nay, năm nào tôi cũng đi các nước để nói về sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cùng những nguy cơ có thể nảy sinh. Tại các cuộc tiếp xúc, tôi cũng đã tiếp nhận và suy nghĩ nhiều về hai chữ “Đại hòa” cho dân tộc.

Bởi theo tôi, chỉ có “Đại hòa” từ chất men yêu nước mới có thể xây dựng nội lực hùng cường, mới không còn bị xử ép ở biển Đông, cũng như thoát khỏi các nguy cơ luôn rình rập.

Khát vọng “Đại hòa” không chỉ đối với người Việt trong nước, mà cũng là mối quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong một buổi tôi tham gia nói chuyện về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường Đại học Melbourne, ban tổ chức cho chiếu lại phim cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 do Đài Truyền hình Đồng Nai phát sóng từ những năm trước đây. Xem xong, nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Australia có thái độ rất thiện chí và có suy nghĩ về sự “Đại hòa” mà tôi đề cập.

“Đại hòa” là nền tảng để xây dựng nội lực hùng cường.

Làm việc này là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Vì thế, giới trẻ nên có kỹ năng sống và yêu nước như thanh niên Nhật và kỹ năng sáng tạo như thanh niên Do Thái. Hãy đừng vì lợi ích riêng tư mà làm hại đến đất nước hay khiến cho đất nước kém phát triển, tụt hậu.

Chúng ta vẫn có niềm tin vào thế hệ trẻ về lòng yêu nước của họ. Trong những lần giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường Đại học Harvard hay tại Trường Đại học Melbourne (Australia), tôi cảm nhận được sự chia sẻ của các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn phát biểu rất cảm kích, có bạn ôm lấy tôi mà khóc, có bạn tự trách mình chưa làm được gì để xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, con người mới làm được nhiều điều cho đất nước, vì đất nước.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học

Nguồn: http://laodong.com.vn/xa-hoi/hoang-sa-truong-sa-la-chat-men-yeu-nuoc-185291.bld

Friday, March 7, 2014

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: 20 năm với giấc mơ đưa bếp Việt ra thế giới

Sau lời khuyên của “huyền thoại marketing” Philip Kotler khi ông tới TP.HCM lần đầu tiên vào tháng 8/2007, rằng Việt Nam nên xây dựng thương hiệu quốc gia “bếp ăn thế giới”, ẩm thực Việt bắt đầu được chính người Việt quan tâm.

Gần đây, khi thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald đổ bộ vào Việt Nam, chuyện xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt ra với thế giới một lần nữa lại nóng lên trên nhiều diễn đàn. Nhưng không nhiều người biết, hơn 10 năm trước khi Philip Kotler đưa ra gợi ý nổi tiếng này, giấc mơ xây dựng thương hiệu bếp Việt đã được nhen nhóm trong ngôi nhà của một người Việt - tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã. Tháng 4 tới, ông cùng dự án Bếp Việt của mình sẽ tổ chức hội thảo quốc tế Pháp - Việt về quảng bá Bếp Việt ra thế giới và phục dựng ẩm thực cung đình Huế.

 * Thưa, tôi đang thắc mắc không hiểu cơ duyên nào đưa một tiến sĩ sử học đến với nghiên cứu ẩm thực: ông thích nấu ăn, hay đơn giản là thích… ăn ngon?

- (Cười). Tôi học ngành Sư phạm Khoa Sử - Địa, trước năm 1975, là trưởng nhóm nghiên cứu phát huy truyền thống Việt Nam, rồi làm chủ bút tập san Sử - Địa nghiên cứu về lịch sử văn hóa. Chính quá trình nghiên cứu này đưa tôi đến với ẩm thực Việt Nam và nhận thấy văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều thứ rất hay. Các nền ẩm thực lớn Tây, Tàu đều quá công phu, quá bổ dưỡng, trong khi ẩm thực Việt Nam trước đây hay bị coi thường toàn món ăn nhẹ, nay mới thấy đó là những món ăn lành, tốt cho sức khỏe, tránh được những căn bệnh thời đại như tim mạch, béo phì, tiểu đường, gút…

TS Nguyễn Nhã

* Không chỉ nghiên cứu trên sách vở mà ông còn trực tiếp thực hành dự án quảng bá ẩm thực Việt Nam từ rất sớm, khi ở Việt Nam hầu như chưa ai nghĩ tới điều này. Mọi việc bắt đầu thế nào thưa ông?

- Với ẩm thực Việt Nam, tinh hoa nằm trong các gia đình, chính vì vậy mà dự án của chúng tôi mới mang tên là Bếp Việt. Năm 1996, tôi tổ chức một buổi giới thiệu món ăn của 3 miền ở chính nhà tôi, khách mời là những người quan tâm đến văn hóa, lịch sử, ẩm thực như Giáo sư Trần Văn Giàu, Giám đốc khách sạn Majestic… Tại đây tôi đã giới thiệu những người trong các gia đình có truyền thống nấu ăn lâu đời ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong số đó có người trước đây vẫn nấu ăn cho vua Bảo Đại ở miền Trung thì nấu món miền Trung. Bà xã tôi là người gốc Hà Nội thì giới thiệu các món ăn Bắc, rồi có đầu bếp nấu món của miền Tây Nam bộ… Từ thành công của bữa giới thiệu món ăn Việt tại nhà này, năm sau, năm 1997, bên khách sạn Majestic mời tôi tổ chức giới thiệu 170 món ăn tại đó trong vòng một tháng và cùng với Saigon Times Group (nhóm của Thời báo Kinh tế Sài Gòn) tổ chức Hội nghị khoa học Bản sắc Việt Nam trong ẩm thực với sự tham dự của rất nhiều người.

Năm 1999, tôi tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học về ẩm thực trị liệu và tiệc cưới của Việt Nam. Đến năm 2007 thì lập nên Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, lập cổng thông tin điện tử và tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khác, viết sách về ẩm thực…

* Bếp Việt tại gia hiện giờ có còn duy trì không thưa ông?

- Trước đây khi nhà tôi là trụ sở của Viện Nghiên cứu ẩm thực, tôi đã làm một cái bếp cho các đầu bếp nổi tiếng đến đây nấu nướng và giao lưu, mời những vị khách đặc biệt, khách nước ngoài đến thưởng thức. Gần 7 năm nay, cứ mùng 3, mùng 4 Tết, Saigon Tourist lại đưa khách du lịch đến ăn Tết Việt ở nhà tôi. Tôi cũng đang dự định thành lập một công ty để duy trì nhiều Bếp Việt ở nhiều nơi chứ không chỉ ở nhà tôi.

Một số công trình nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam của TS Nguyễn Nhã

* Điều gì khiến ông tin rằng ẩm thực Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nền ẩm thực khác?

- Như tôi đã nói, ẩm thực Việt Nam với đặc tính lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, đang có thời cơ để lên ngôi, so với các loại ẩm thực quá bổ dưỡng dễ gây ra các căn bệnh thời đại.

Ví như nói về cách nấu, người Việt là dân tộc ưa luộc (gà luộc, vịt luộc, rau luộc…), là cách chế biến lành, không dầu mỡ và giữ gần như nguyên vị. Về cách ăn, hầu hết các món đều có thể thêm, bớt gia vị theo ý thích và cả tình trạng sức khỏe của người ăn, ví dụ khi ăn phở thì thanh niên thích thêm rau, trứng, thịt; người lớn tuổi muốn bớt bánh, thịt, thêm rau, hành củ chần, hành giấm vào. Có rất nhiều món có thể trở thành một bữa ăn hoàn chỉnh dựa vào cơ sở thêm bớt. Như món chả giò hay nem ăn với rau, đồ chua bún chấm nước mắm pha - người phương Tây ăn món này như một món ăn nhẹ nhưng người Việt có thể ăn như một bữa no chỉ bằng cách thêm bún, rau sống, đồ chua... Nói về ẩm thực Việt Nam thì nhiều lắm, viết nhiều cuốn sách còn chưa hết…

* Trong lúc ẩm thực Việt Nam đi ra thế giới chưa được bao nhiêu thì các thương hiệu đồ ăn nước ngoài đã và đang đổ bộ vào Việt Nam, TP.HCM có cả những phố ẩm thực Hàn, phố ẩm thực Nhật… Theo ông điều này có đặt ẩm thực Việt Nam trước những nguy cơ?

Hiện nay sản phẩm quan trọng khiến thế giới biết tới Việt Nam hầu hết liên quan đến thực phẩm, ẩm thực: gạo, cà phê, hạt điều, phở, chả giò, gỏi cuốn…

- Món ăn Việt Nam có rất nhiều mặt mạnh mà mặt mạnh nhất là người ta muốn ăn bất cứ món gì thì chỉ cần ra khỏi nhà là có thể ăn được rồi. Sự đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài chẳng thấm tháp gì so với hàng quán Việt đang có mặt đầy rẫy khắp hang cùng ngõ hẻm, cứ để họ đổ bộ để cạnh tranh. Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam xem lại mình trong công cuộc cạnh tranh với đồ ăn ngoại. Đó là dấu hiệu vui. Mặt khác, cũng phải thấy rằng người Mỹ đang khốn khổ vì béo phì, đó là hậu quả của việc bán những loại thức ăn nhanh đấy!

* Ông đã gắn bó, đau đáu với việc quảng bá ẩm thực Việt Nam trong suốt gần 20 năm bằng những đề án cụ thể, lập và điều hành Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam để rồi lại phải khai tử nó. Điều gì khiến cho các đề án của ông sau 20 năm vẫn còn đang khởi đầu?

- Có lẽ do tôi chỉ là người nghiên cứu còn nơi có tính quyết định trong việc quảng bá phải là Nhà nước và doanh nghiệp. Như ở Thái Lan chẳng hạn, có hẳn một công ty của hoàng gia phụ trách việc xây dựng văn hóa ẩm thực cho nước này và hiện đã có khoảng hơn 8.000 nhà hàng Thái chuẩn trên thế giới, không kể các nhà hàng Thái không thuộc công ty của Hoàng gia Thái.

Khi tôi sang Paris gặp các chuyên gia ẩm thực người Pháp và Việt kiều, họ đã đề nghị tôi lập Viện Nghiên cứu du lịch bền vững, tức du lịch ẩm thực, thì tôi đề nghị họ cùng tôi tổ chức hội thảo về quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới cũng là về du lịch bền vững. Rồi chính ông Etienne Coffin, Chủ tịch Hội Du lịch bền vững ở Paris cũng khuyên tôi nên tập trung kết nối các doanh nghiệp thì mới thành công được. Và tôi đang tiến hành cùng một số các doanh nghiệp từ thực phẩm sạch đến bếp sạch lập CLB Văn hóa ẩm thực Việt Nam của các doanh nghiệp do tôi làm chủ nhiệm, hai phó chủ nhiệm khác một người là nguyên Phó tổng giám đốc khách sạn Caravelle, một người là tiến sĩ nông nghiệp, chủ một trang trại hữu cơ. Họ sẽ làm nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành ẩm thực.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc ông và các cộng sự sớm thành công với các dự án thú vị.

Thủy Anh (thực hiện)

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tien-si-nguyen-nha-20-nam-voi-giac-mo-dua-bep-viet-ra-the-gioi-n20140303154331664.htm