Saturday, March 31, 2012

Quốc tổ

25/03/2012 3:17

Nét độc đáo đặc sắc của người Việt là có một ngày Quốc giỗ chung cho vị Quốc tổ - vua Hùng (10.3 âm lịch). Đạo lý của người Việt là luôn tôn kính, tưởng nhớ không chỉ với Quốc tổ, mà còn thờ phụng cả cha mẹ vua Hùng là Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, thờ tổ tiên và các anh hùng dân tộc.

Từ thời nhà Lý (thế kỷ 11) đã cho xây đền Vệ quốc, thờ các anh hùng dân tộc; đền thờ Đồng Cổ ở Thăng Long được Lý Thái Tông cho xây dựng năm 1028 và được lấy làm nơi để bách quan triều thần hằng năm đến đây thề hiếu, trung vào ngày 25.3 âm lịch. Đền Hùng (Phú Thọ) - nền móng kiến trúc bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh. Vua Lê Thánh Tông cho lấy giỗ Quốc tổ làm quốc lễ và từ đó ngày mùng 10.3 là ngày giỗ Quốc tổ.

Cũng thật hiếm thấy nước nào như Việt Nam có ngày giỗ Quốc tổ với truyền thuyết họ Hồng Bàng, cả dân tộc Việt có cùng cội nguồn, là con cháu Tiên Rồng (đồng bào); cùng với những truyền thuyết đầy tính nhân văn như bánh chưng bánh giầy: vua coi trọng ẩm thực của ngon vật lạ với ý nghĩa sâu xa triết lý vuông tròn, của đạo hiếu đối với cha mẹ tổ tiên nhằm chọn người kế vị ngôi báu.

Cũng hiếm có nước nào thời lập quốc có những truyện cổ tích như truyện Thánh Gióng với tinh thần thượng võ, tự hào dân tộc; truyện Trầu cau với tình chung thủy; truyện An Tiêm với tinh thần khai phá khẩn hoang, tự lập, không phân biệt sắc tộc màu da hay truyện Chử Đồng Tử đề cao tình yêu không phân biệt giai cấp...

Việt Nam thật sự đã có triết lý sống từ khi lập quốc cho đến nay và nó càng ngày càng phong phú, rất đáng tự hào, như: “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “thương người như thể thương thân” hay “ở đời muôn sự của chung”, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” khiến cho người Việt luôn giữ được độc lập dân tộc, luôn giữ được bản sắc văn hóa dù phải trải qua bao cuộc xâm lăng của kẻ thù nhằm chiếm đoạt nền độc lập, nhằm đồng hóa dân tộc Việt.

Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại, thế giới trở nên phẳng thì sự giao thoa, va chạm, thậm chí thôn tính văn hóa là một thách thức. Nhưng càng thách thức lại càng có thời cơ, nhất là khi nhà nước chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc đề cao, coi trọng trở về nguồn cội, đại hòa dân tộc, thờ Quốc tổ, thờ anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên tại các đền, các đình khắp nơi cùng các triết lý sống của người Việt Nam rất đáng tự hào và là cốt lõi giữ gìn bản sắc Việt để đất nước phát triển hùng mạnh.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120325/quoc-to.aspx

Monday, March 26, 2012

Các biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo

* Bài viết của TS. Nguyễn Nhã in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Nâng cao Chất lượng Đại học tháng 6/1997.

I. Vài hiện tượng về thực trạng chất lượng đào tạo tại Đại Học Việt Nam:

Chất lượng đào tạo phù thuộc vào các yếu tố: Thầày, trò (đầu vào), phương tiện dạy học, cơ sở vật chất, chương trình và quản trị. Tùy theo cách nhìn, mỗi người coi yếu tố quan trọng hàng đầu có khác nhau.

Để có cơ sở khoa học, chúng ta phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của các đại học Việt Nam, dĩ nhiên, giữa đại học công và đại học dân lập có sự khác biệt. Thực tế hiện nay ở nước ta, các đại học công có rất nhiều ưu thế về trường sở rộng rãi, khang trang, song phương tiện dạy học rất yếu do cách quản lý chưa tốt. Các đại học công có ưu thế về thu hút hầu hết trò giỏi ở phổ thông, vì các đại học dân lập chưa có đủ thời gian để tạo uy tín cho các học trò giỏi phổ thông tin cậy. Tuy nhiên, các học trò giỏi ở phổ thông chưa chắc đã xuất sắc ở đại học, song dễ dàng trở thành sinh viên học khá. Do chất lượng học tập ở phổ thông kiến thức tổng quát còn nhiều lỗ hổng, chất lượng thấp, hầu hết các học sinh, kể cả học sinh giỏi học theo lối học đối phó, ít có lòng say mê tìm tòi, học hỏi, chưa có thói quen đọc sách, càng không có khả năng đọc sách ngoại văn. Ở phổ thông, học sinh được sự hỗ trợ của phụ huynh, luôn thích học thêm nhiều thầy (học chạy sô), học sinh lười suy nghĩ, sáng tạo, thích học những mánh lới, hoặc đáp án của môn học, rất ít thời giờ tự học, tự tìm tòi, khám phá, luôn có kế hoạch ôn tập (giới hạn chương trình và đề thi ôn tập, một hình thức học tủ với đáp án có sẵn). Lên đại học, cung cách học tập ít thay đổi, sinh viên rất thích thi nhiều trường, học nhiều trường, học loáng thoáng, không chuyên sâu cũng không định hướng rõ ràng, không say mê học một môn gì. Thậm chí, hầu hết học sinh, kể cả học sinh giỏi, gần như kiệt sức cố công thi tuyển vào đại học, thi thật nhiều trường, đến khi đậu vào đại học, có tâm lý nghỉ xả hơi, không còn miệt mài học như ở phổ thông nữa. Sinh viên năm đầu hầu như ít nhiệt tình học, đáp ứng các yêu cầu học tập, nghiên cứu cao của một số các thày giỏi. Hầu hết các học sinh có học lực trung bình thường có phẩm chất rất kém, sẽ là gánh nặng lớn, nếu vì lý do nào đó đậu vào đại học. Hầu hết học sinh phổ thông đều coi thường các môn phụ nhất là các môn khoa học xã hội. Năm 1987, khoa Sử trường Cao đẳng Sư phạm có tới 20 thí sinh trúng tuyển với điểm Sử 1,5. Từ nhiều năm nay, số thí sinh thi môn Sử vào Đại học Sư phạm Tp.HCM chưa bao giờ đạt số điểm từ 5/10 trở lên. Hiện tượng quay cóp gần như phổ biến, rất tự nhiên. Một sinh viên vốn là học sinh trường điểm (trường Lê Hồng Phong) đang học một đại học, tâm sự rằng có bạn trong lớp của trường phổ thông là người lẻ loi không chịu quay cóp; bị hỏi tại sao mọi người quay cóp mà bạn lại không quay. Có một sinh viên học giỏi đã khoe với bạn đã “nghĩa hiệp” thi hộ bạn ở một trường khác. Và cũng có một sinh viên tiết lộ, tại lớp có hiện tượng thi hộ, chính một người nói, một sinh viên quên thẻ sinh viên ở nhà là người rất xa lạ với lớp, đã được phép thi “hộ”. Một số môn thi cho dùng tài liệu lại là giờ thi nghiêm túc, ít coi lẫn nhau. Tôi đã được chứng kiến trong một buổi thi ở học kỳ I, năm 1995-1996, hai giám thị đã không ngớt phát hiện sinh viên quay cóp, trong đó có cả cán bộ lớp.

Hiện nay, các thầy dạy giỏi chưa nhiều, có hiện tượng dạy rất nhiều trường. Nhiều người cho rằng ai dạy nhiều trường như một bằng chứng sáng giá. Các thầy dạy trường đại học công lập chưa được đảm bảo cuộc sống, nên phải tự giải quyết cuộc sống bằng nhiều cách, trong đó có cách dạy thêm các trường đại học dân lập, các trung tâm. Dĩ nhiên, những người ít khả năng hay ít quen biết, khó dạy nhiều trường, song người dạy nhiều trường chưa chắc đã là thầy dạy giỏi. Thế nào là một thầy cô dạy giỏi ở đại học thì thực tế hiện nay khó mà xác định. Tại các đại học tiên tiến trên thế giới, các thầy dạy giỏi, trước hết, phải là những người có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Các thầy ấy là gương sáng về nghiên cứu và sáng tạo, suy nghĩ độc lập để cho sinh viên noi theo, chính bề dày về nghiên cứu, sáng tạo, suy nghĩ độc lập tạo nên uy lực buộc sinh viên phải làm theo yêu cầu của người thầy. Người thầy dạy giỏi có phương pháp hướng dẫn khiến sinh viên biết tự học, tự nghiên cứu, độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Có hiện tượng không ít các thầy vẫn theo thói quen ở trường công dạy ôn tập (giới hạn chương trình, một hình thức học tủ), cách dạy như trung học phổ thông. Và do dạy nhiều trường, các thầy giỏi không có thì giờ ra bài tập, gần như rất hiếm các thầy biết trình độ học tập và sự chuyên cần của sinh viên trước khi thi cuối học phần để theo dõi, hướng dẫn sinh viên, nhất là các sinh viên học giỏi hay học yếu.

Tuy các trường đại học dân lập nỗ lực trang bị hiện đại (máy overhead, phim video), song các thầy vẫn chưa tích cực sử dụng và thư viện tuy cố gắng vẫn chưa đáp ứng vì cơ sở chật chội hoặc chưa đủ tiền mua sắm đủ sách báo, chưa kể thầy và trò chưa thật chuyển về việc tự học, tự nghiên cứu.

Chương trình đào tạo các đại học hiện nay, chủ yếu theo chương trình của Bộ, tuy các đại học dân lập có cố gắng xây dựng phần riêng của mình, song hiện nay, chưa có ai thử so sánh chương trình đào tạo tại các đại học Việt Nam với chương trình đào tạo tại các đại học tiên tiến trên thế giới. Đấy là chưa kể chúng ta thiếu hẳn những chuyên viên đội ngũ quản lý và giảng dạy, cập nhật hóa kiến thức của mình so với những tiến bộ hiện nay của thế giới.

Với thực trạng trên cho chúng ta kết luận chưa thể yên tâm về chất lượng đào tạo hiện nay của các đại học ở Việt Nam trong đó có các trường dân lập.

II. Những biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo tại đại học:

Cần phải có nhiều biện pháp cụ thể, và từng bước thực hiện như sau:

1. Về đầu vào của sinh viên:

Nên nhớ, bất cứ đại học nổi tiếng chất lượng cao trên thế giới đều có chính sách tuyển chọn những sinh viên hết sức kỹ càng, với tiêu chuẩn điểm cao một số các môn ở phổ thông và các trường “college”, hoặc căn cứ trên điểm cao trong kỳ thi, và cũng qua những cuộc tiếp xúc phỏng vấn hay viết tự thuật, thí dụ Applicant Essay của Nguyễn Thị Thanh Trúc (tài liệu 1 đính kèm Kỷ yếu) cho trường Nha, cho biết hoài bão, thành tích và một số khả năng của sinh viên. Các trường dân lập không hy vọng trong những năm đầu tiên thu hút những học sinh giỏi phổ thông của thành phố, song có thể vận động con em những thân hữu hay qua các sinh viên hiện đang học tại trường hoặc vận động tại các trường phổ thông ở các tỉnh, ngoài ra, cách ra đề thi chủ yếu loại những học sinh trình độ tiếp thu thấp, không có khả năng tư duy, không có độc lập suy nghĩ. Tóm lại:

- Vận động thu hút học sinh giỏi (con em thân hữu hay học sinh giỏi các tỉnh).
- Đề thi phát hiện trình độ tiếp thu tốt, độc lập suy nghĩ.
- Phỏng vấn, xét học bạ, bài tự thuật để cứu xét trường hợp vớt (song có tác dụng cụ thể khuyến khích, tạo uy tín cho trường).
- Số lượng đầu vào trong những năm đầu chưa nên nhiều. Càng ít thì chất lượng càng bảo đảm.

2. Đối với thầy nên có chính sách đãi ngộ và mời thầy dạy giỏi.

Cơ chế đại học dân lập cho phép có quyền lựa chọn thầy dạy giỏi. Thầy nào không đạt yêu cầu, có thể không để tiếp tục dạy nữa. Muốn thực hiện chính sách này nên có một cơ chế tuyển dụng hay mời thầy một cách khách quan. Tránh tình trạng vì phe nhóm, quen biết, ảnh hưởng đến chất lượng một cách lâu dài. Không nên để sự quyết định mời hay tuyển dụng nơi một người dù là Khoa Trưởng hay Hiệu Trưởng. Nên có kế hoạch “tầm sư” một cách hiệu quả. Nên có những tiêu chuẩn, yêu cầu rõ ràng. Các thầy Khoa Trưởng có chức năng đề nghị, sau đó một ban đứng đầu là Hiệu Trưởng, cứu xét từng trường hợp, nếu thấy đủ tiêu chuẩn yêu cầu thì chấp nhận. Bộ phận đào tạo phải theo dõi các thầy xem ai hiệu quả, đạt yêu cầu, để sàng lọc. Ngoài tiền thù lao giờ dạy cao để thu hút thầy dạy giỏi, cần có chính sách ân nghĩa, khiến các thầy giỏi không thể bỏ trường, phải tính đến thâm niên dạy cho trường, chứ không tính thâm niên trong ngành giáo dục, để tính tiền thâm niên hoặc các quyền lợi khác như chế độ hưu trí, nghỉ mát, tham quan, quan sát, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Hiện nay, các trường dân lập nên tranh thủ các thầy giỏi sắp hay đang về hưu trí, đồng thời, từng bước xây dựng đội ngũ trẻ không có biên chế ở đại học công mà ở các công ty hay các viện nghiên cứu.

Ngoài bộ phận theo dõi ở Phòng Đào tTạo, Ban Chủ nhiệm Khoa nên có chương trình thăm dò sinh viên một cách khách quan bằng bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi này không để tên sinh viên, có thể chỉ để cho thầy biết mà thôi (xem mẫu tài liệu 2 và tài liệu 3 đính kèm Kỷ yếu).

3. Tổ chức kiểm tra thi cử thật nghiêm ngặt, quản lý sinh viên chặt chẽ:

Đây là khâu quan trọng có tính quyết định vào bậc nhất về chất lượng đào tạo. Để tận diệt nạn quay cóp và thi hộ hiện nay, cần áp dụng các biện pháp sau đây:

a. Phòng đào tạo quản lý sinh viên, cùng các thầy dạy bộ môn hướng dẫn kỹ càng qui chế thi cử, kiểm tra, răn đe, kỷ luật nặng nề khi bắt gặp (áp dụng nghiêm khắc).
b. Sắp xếp phòng kiểm tra, thi rộng rãi (từ 1 đến 2 sinh viên ngồi một bàn, nên quay ngược hộc bàn nếu có thể được).
c. Cắt cử người có nghiệp vụ, từng là giáo viên mới làm giám thị (nếu cần nhờ giáo viên phổ thông có kinh nghiệm coi thi).
d. Khi bắt gặp, cần lập biên bản và xử lý nghiêm khắc.

Nhân viên quản lý sinh viên của trường, của khoa, phân công theo dõi, biết mặt biết tên từng sinh viên, phát hiện tức thì trường hợp thi hộ. Nên kiểm tra hình ảnh những trường hợp nghi ngờ, chụp hình trong kỳ thi tuyển sinh.

Có thể ra đề đòi hỏi khả năng tư duy, hệ thống và nghe giảng trên lớp. Cho sử dụng tài liệu, có lớp từ 60% đến 70% không đạt yêu cầu.

4. Cải tiến phương pháp dạy học:

a. Vận động đổi mới phương pháp dạy học:

Hội đồng Khoa học hay Ban Giáo hiệu cần phổ biến những yêu cầu mới thay đổi phương pháp:
Bãi bỏ việc ra đề ôn tập, thi kiểm tra (giới hạn chương trình học tủ).
Bãi bỏ phương pháp đọc chép.
Trước khi dạy, yêu cầu các thầy làm đề cương môn học (mẫu tài liệu 4 và 5 đính kèm Kỷ yếu) nộp cho Phòng Đào tạo.
Đề cương này được thầy phổ biến trong buổi học đầu tiên (ngoài giáo trình, ít nhất có 2 tài liệu tham khảo chính bắt buộc sinh viên phải tham khảo có thể 1 tài liệu bằng Anh ngữ).
Thống nhất phương pháp giảng bài trên lớp.
- Yêu cầu sinh viên đọc trước giáo trình, làm tóm tắt từng chương.
- Dành thời giờ trên lớp thầy và trò trao đổi, giải đáp các thắc mắc.
- Thầy chốt lại những vấn đề cốt lõi.
- Hướng dẫn, động viên sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đọc sách báo, sử dụng thư viện, liên hệ thực tế.
Tổ chức học tập nhóm, làm bài tập nghiên cứu, chuyên đề.

b. Xây dựng thư viện trở thành trung tâm học tập của sinh viên:

Nên xây dựng thư viện theo mô hình hiện đại:
- Dễ dàng sử dụng đọc sách báo (kho mở hay bán mở).
- Đọc CD-ROM và tra cứu bằng vi tính và nối mạng giữa các thư viện trong nước và với nước ngoài trong tương lai.
Vận động sinh viên tích cực sử dụng thư viện có hiệu quả:
- Phát động phong trào đọc sách (thống kê hàng tháng số người, số lượt đọc sách các lớp), trao giải thưởng hay tuyên dương “kiện tướng đọc sách”.
- Tổ chức hội thảo giới thiệu sách đặc biệt, sách Anh ngữ.

c. Xây dựng các nhóm chất lượng (QC Team):

Các nhóm chất lượng sinh viên từ 3 đến 5 sinh viên được xây dựng với các nhóm "leader members" có kế hoạch phối hợp học tập nhóm, xây dựng tinh thần "teamwork".

5. Tạo động lực cho sinh viên:

a. Khen thưởng: Đòi khen thưởng là nhu cầu tự nhiên song phải khen thưởng đúng và cách khen thưởng phải có hiệu quả.

Thư khen của một trợ lý khoa (Associate Dean for Undergraduate Affairs) của trường Đại Học Irvine, California có nội dụng tác dụng rất cao đối với sự học tập của sinh viên. Sinh viên đạt điểm giỏi (3,5 đến 4) được xếp hạng danh dự (Honor List) của khoa.

- Đủ điều kiện trở thành người trợ giáo, dạy kèm (tutor).
- Đồng thời cho biết điện thoại chương trình trợ giáo, dạy kèm (Tutorial Assitance Program) cùng tên người phụ trách.
- Chương trình không những trả tiền bồi dưỡng (thường do trường trả) mà còn được tính tín chỉ (unit credit) trong chương trình đào tạo song không cộng điểm (xem tài liệu 6 đính kèm Kỷ yếu).

Các hình thức giấy khen hoặc cấp học bổng cũng là hình thức khen thưởng tạo động lực học tập tốt cho sinh viên.

Nên tạo điều kiện nhiều mặt thi đua để sinh viên nào cũng có “mặt” được khen thưởng.

b. Các hoạt động thực tế bộ môn, thực tập cọ sát với thực tế xã hội thấy rõ lợi ích của sự học hỏi trong tương lai.

Trong nền kinh tế thị trường, thành công trong học tập dẫn đến thành công ngoài xã hội, kiếm việc làm có hiệu quả kinh tế cao khiến thúc đẩy động lực học tập của sinh viên. Các hoạt động thực tế bộ môn như tham quan, điều tra nghiên cứu, làm việc bán thời gian, thực tập phụ việc... là phương thức rất hiệu quả tạo sự hứng thú học tập cũng như nhận thức rõ về lợi ích thực tế của các ngành học, môn học.

Các hoạt động Câu lạc bộ như Câu lạc bộ Cung ứng Việc làm (làm thêm hoặc cho sinh viên tốt nghiệp) do chính sinh viên chủ động đứng ra thực hiện, không những khiến sinh viên sớm trưởng thành mà còn tạo động lực học tập các ngành chuyên môn, cọ sát với thực tế ngoài xã hội.

6). Đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả đào tạo.

Trong thời kỳ đại học mới thành lập, qui mô còn nhỏ, nhu cầu tạo sự gắn bó với trường, cung cách “quản lý kiểu gia đình, gia trưởng” có thể còn tác dụng, tuy rất khó khăn, bởi hiện tượng “con yêu, con ghét” dễ xảy ra, hiệu quả quản lý sẽ không cao. Cung cách quản lý kiểu gia đình, qui mô nhỏ sẽ không còn thích hợp, thậm chí là cản trở sự phát triển hay tiến tới sự tiêu vong khi trường ở giai đoạn phát triển.

Cách quản lý cổ điển, quyết định áp đặt từ trên xuống dưới đã trở thành lỗi thời. Xu thế hiện nay, cách quản trị chất lượng đồng bộ (TQM) theo phương pháp Deming, lật ngược trở lại, mọi đề xuất phải từ dưới lên trên, phát huy tính chủ động, tích cực của nhân viên, cải tiến không ngừng, đã được Nhật áp dụng thành công và các nước khác trong đó các nước khối ASEAN đang vận dụng. Mọi người trong trường phải thông suốt đường lối (vision), mục tiêu (objectives) của trường và làm việc theo tinh thần đồng đội (teamwork).

Mỗi bộ phận trong trường, mỗi người, nhất là Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm Khoa đều phải có những qui định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, những gì quản lý cấp trường, những gì quản lý cấp khoa. Phải soạn qui chế luân lý chức nghiệp (code ethic) cho từng người, từng bộ phận một cách rành mạch.
Dần dần trường phải ổn định, tránh tình trạng bị động, đối phó.

Nhà trường cũng như từng bộ phận phải có kế hoạch chương trình cụ thể được sớm phổ biến rộng rãi, chẳng hạn kế hoạch thời khóa biểu với tên người giảng dạy đã được phổ biến trước khi tuyển sinh hay ghi danh (tài liệu 7 đính kèm Kỷ yếu).

Cần phải quan tâm đến tính chuyên môn của mỗi người khi bố trí việc làm, trừ trường hợp những chuyên môn lỗi thời cần thay thế. Sự thiếu chuyên môn sẽ đưa tới những sai lầm nghiêm trọng. Chuyên môn nghiệp vụ thi cử, kiểm tra, nghiệp vụ quản lý hồ sơ hành chánh sinh viên, nghiệp vụ quản lý dự án, chương trình nghiệp vụ thư viện, nghiệp vụ hướng dẫn khải đạo sinh viên và cả chuyên môn quản trị đại học. Cần phải có kế hoạch bồi dưỡng nhân sự, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trên đây chỉ nêu ra một số biện pháp cụ thể về chấp lượng đào tạo.

Vấn đề không phải là biết mà là làm, và phải bắt đầu làm từ đâu, từ biện pháp nào, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi trường. Mọi sự sao chép chưa hẳn đã thành công, song qui luật khách quan cũng rất nghiêm khắc, bất cứ ai sẵn sàng bị đào thải nếu bản thân mỗi người không đáp ứng./.

Sunday, March 25, 2012

Rèn luyện và nhân cách sinh viên

*Bài viết của GS.TS.Nguyễn Chung Tú in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Sinh viên với vấn đề giáo dục và rèn luyện nhân cách, Đại học Hùng Vương, tháng 4/2001.

Giáo dục sinh viên ngày nay nên lấy vấn đề nhân cách là ưu tiên số 1, vì đó là cái thiếu thốn nhất hiện nay. Nhân cách là tính nết con người (Personnnalité), khiến ta có thể phân biêt con người này với con người khác. Nó gồm những ưu điểm của một người hay, cũng như những nhược điểm của một người dở.

Bắt đầu bằng một ưu diểm nhỏ nhoi, tưởng là trẻ con nhưng thực ra hậu quả của nó rất lớn. Mà trẻ con thật vì cha mẹ, thầy cô đòi hỏi ở một thiếu nhi từ khi mới cắp sách tới trường: ấy là sự đúng giờ (exactitude).

“Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng.
Hỏi rằng: “Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi”
Thu đáp lại: “Dẫu giờ còn sớm,
Cũng nên đi kẻo chậm làm sao?
Nếu chờ khi trống đánh vào,
Dẫu ta rảo bước tài nào kịp cho
Trễ giờ ta phải nên lo””.

Thủy Tinh ngày xưa tới trễ mà mất vợ. Huyền thoại này chính là một bài học về sự đúng giờ. Vua Louis XIV đã từng tuyên bố: "Đúng giờ là sự lễ phép của vua chúa”. Trong trận đánh cuối cùng của binh nghiệp Napoléon ở Waterloo, ngày đầu Napoléon thắng, nhưng hôm sau, quân Anh phản công và Napoléon có vẻ túng thế. Ông sai người mang thư gọi Grouchy đang đóng quân tại Đức về để cứu nguy gấp. Nhưng Grouchy về trễ quá, sau Blucher, tướng Đức. Sự thất trận này đưa Napoléon tới sự lưu đày ở đảo Sainte Hélène giữa Đại Tây Dương.

Ưu điểm thứ hai của một người hay là lao động đều đều (assiduité). Các cụ ngày xưa thường nói: “Trăm hay không bằng tay quen”; ngày nay người ta thường nói: “Hát hay không bằng hay hát”. Tục ngữ có câu: “Lưỡi cày để lâu không dùng sẽ bị hoen rỉ”. Những thi sĩ một thời vang bóng, khi còn là học sinh hay sinh viên , rồi bẵng đi một dạo "đàn treo vách" (theo cách nói của Thạc sĩ (agrégé) Sử Địa Phạm Huy Thông, đến khi cầm lại cây đàn thì "đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây" (Kiều)). Các vận động viên bóng đá hằng ngày phải tập thể dục và tập… đá bóng! Các nghệ nhân trong rạp xiếc trước khi trình diễn với công chúng, phải tập luyện chương trình của mình hằng trăm lần. Pierre Boileau, nhà phê bình văn học, trong tác phẩm bất hủ từ ba trăm năm nay (l'Art poétique) căn dặn:

"Cent fois sur le métier, remettez votre ouvrage"
(Sửa đi sửa lại hàng trăm lần)

Nếu An Dương Vương ngày xưa ngày nào cũng xem cái nỏ thần của mình còn hay mất thì đâu đến nỗi khi giặc tới nơi mới biết nỏ thần đã biến mất. Trước khi đổ bộ lên mặt trăng, các phi hành gia từ Apollo 11 đến Apollo 17 đều phải tập luyện trên mặt đất để thuộc lòng từng động tác sẽ thực hiện trên mặt trăng, bằng cách nhắc đi nhắc lại từ A đến Z các động tác chi tiết, cái nào cũng hàng trăm lần. Vì thế mà vô tình hay cố ý - có người cho rằng các phi hành gia từ Apollo 11 đến Apopllo 17 không hề lên mặt trăng bao giờ, các cuốn phim tưởng chừng là được thu hình trên đất chị Hằng, thực ra đã được nguỵ tạo ở hành tinh này!

Đặc điểm thứ ba của một người có nhân cách là trân trọng lời hứa (honorer la promesse). Một thí dụ đơn giản: một người gọi điện thoại muốn nói chuyện với ông A trong một cơ quan; lúc đó ông A đi vắng và người giữ điện thoại hẹn người gọi mười lăm phút sau gọi lại; người gọi đồng ý. Mười lăm phút sau, ông A chờ cú điện thoại nhưng không thấy người gọi gọi lại. Một người tới nhà ông X và tỏ ý muốn gặp ông chủ nhà. Ông này đi vắng và người nhà hẹn người đó 12 giờ trưa quay lại gặp ông X - khách nhận lời. 12 giờ trưa, ông X "mũ cao, áo dài" ngồi đợi nhưng không thấy ông khách quay lại!

Hồi tôi còn đi học, dù ở cấp 1,2,3 hay đại học, thầy không bao giờ nghỉ, bỏ giờ dạy, thậm chí không bao giờ đến trễ (trống vào lớp, học trò xếp hàng trước cửa lớp, thầy tới, ra lệnh vào lớp, chúng tôi mới tới chỗ ngồi).
Tục ngữ Pháp có câu: "Lời hứa là một món nợ" (La promesse est une dette). Ta cũng nói: "Quân tử nhất ngôn", quả thật "tiểu nhân mới đa ngôn" mà rút cuộc không thực thi một "ngôn" nào cả! Làm viêc theo lối tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thì không bao giờ tiến hành được, nước không bao giờ khá được.

Một yếu tố hàng đầu trong nhiệm vụ rèn luyện của sinh viên, ấy là tự học. Trong khoảng từ 18 đến 45 tuổi, thanh niên có thể làm việc 8 giờ một ngày (còn lại 8 giờ để ngủ, 8 giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí). Như vậy một tuần học với thầy cô là 25 giờ, còn 15 giờ còn lại là để tự học.

Thế nào là tự học? Trước hết là đọc giáo trình của thầy cô trước ở nhà, trước khi vào lớp. Như thế cũng hiểu được 70% bài học. Trong giờ học, hết sức chú ý khi thầy cô giảng đến chỗ 30% mà mình  chưa hiểu, ghi chép tất cả những gì mình nghe thấy, những gì ghi lên bảng. Hết giờ cũng hiểu được 90% bài học. Sau giờ học, trong vòng một tuần lễ, dùng giáo trình, những điều ghi được trong lớp, sách giáo khoa khác nếu có, để soạn một bài đầy đủ mà bây giờ mình hiểu được 95%. Còn lại 5% có thể hỏi lại các bạn trong những buổi học nhóm, tốt hơn hết là hỏi thầy cô trong những buổi học sau để hiểu được 100%.

Thư viện là một giảng đường thứ hai, thầy cô là các tác giả sách giáo khoa khắp năm châu. Nên tới đó để mà, như Louis de Broglie đã nói: "Suy tư lâu lung trong trầm tư mặc tưởng".

Nhưng muốn tham khảo sách báo trong thư viện, phải thành thạo ít ra là hai ngoại ngữ quốc tế, vì hầu hết các tài liệu không viết bằng tiếng Việt. Một ngoại ngữ quốc tế (thí dụ tiếng Anh) cũng chỉ là khí cụ của một nền văn minh (văn minh Anglo-Saxon) dù nền văn minh này phổ biến tới đâu và phát triển tới đâu. Một ngoại ngữ quốc tế nữa (thí dụ tiếng Pháp) tiêu biểu cho một nền văn minh nữa (văn minh Gréco-Latin) sẽ bao phủ quá nữa nền văn minh nhân loại.

Ngoại ngữ phải học càng sớm càng tốt, khi mà trí nhớ còn trong trắng, sáng suốt. Học càng nhiều giờ càng tốt (ở lớp 10 và lớp 11 tôi được học 6 giờ Anh văn một tuần). Và nên luôn dùng đến, đừng bỏ bẵng đi, lưỡi cày sẽ rỉ. Nếu chỉ để nghiên cứu thì có thể coi một sinh ngữ quốc tế là một tử ngữ, nghĩa là chỉ hiểu được các văn bản viết bằng ngoại ngữ đó thôi, dịch được các bài đó sang tiếng Việt. Nhưng muốn giao lưu quốc tế, tham dự các hội nghị quốc tế, thì phải đọc được sinh ngữ đó, nói được sinh ngữ đó, hiểu được khi nghe người ta nói bằng sinh ngữ đó.

Abstract:
In student education, the personality is the first importance
Personality includes exactitude, assiduity and promise respect
Student must train self - studying and well knowing two foreign languages

Saturday, March 24, 2012

Chất lượng đào tạo đại học: yếu tố quyết định và biện pháp thực hiện

* Bài viết của GS Ngô Gia Hy đăng trong Tập tin Xuân Kỷ Mão 99 của trường Đại học Hùng Vương (trang 5).

Trong giáo dục, mục tiêu là cơ sở chủ yếu cho đào tạo. Nếu không xác định rõ ràng mục tiêu thì bể học mênh mông, sẽ biết đi về đâu và đi đường nào. Tuy nhiên mục tiêu phải xác định bằng các công việc mà sinh viên một khi tốt nghiệp sẽ làm được, theo đòi hỏi của thực tế chứ không phải bằng những kiến thức và hiểu biết. Bởi vì biết mà không làm được thì chỉ là lý thuyết suông. Hòn đá thử vàng phải là công việc chứ không là lời và ý.

Mục tiêu của đại học là phát triển bốn mặt của con người. Trong những thập niên trước đây, các nhà giáo dục chỉ nói về kiến thức, về kỹ năng, mặt hành vi mà coi nhẹ hay không nói đến mặt nhân cách.
- Mặt kiến thức là hiểu sâu, biết rộng vượt khỏi vòng chữ nghĩa để đi đến tìm sự thật.
- Mặt kỹ năng là khéo léo và tinh xảo để đi đến sáng tạo.
- Mặt hành vi là quyết tâm, bền chí để đi đến say mê và hoà mình vào xã hội.

Nhưng thiếu nhân cách tức thiếu sự biết mình và phát triển các đức tính hay nói cho rõ hơn là thiếu đạo đức thì kiến thức, kỹ năng, hành vi chỉ thoả mãn tham vọng cá nhân và đôi khi là tai hoạ cho xã hội. Lịch sử nhân loại và những việc đang xảy ở một số vùng trên thế giới đã nói lên điều này. Do đó xin đề nghị:

Trong mỗi khoa cần xác định rõ ràng những mục tiêu tổng quát và những mục tiêu riêng biệt:
1. Mục tiêu tổng quát là mục tiêu đào tạo của Khoa theo từng mặt của con người như đã trình bày ở trên.
2. Mục tiêu riêng biệt gồm:
a) Mục tiêu các bộ môn
b) Mục tiêu của bài giảng và bài thực tập
Hai loại mục tiêu này sẽ hướng vào mục tiêu chung.

NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ BIỆN PHÁP ĐỀ NGHỊ QUYẾT ĐỊNH

I. Nhân tố chính: Là quá trình đào tạo với hai loại yếu tố: yếu tố vòng ngoài và yếu tố vòng trong.

1. Yếu tố vòng ngoài: là cơ sở phương tiện và quản lý
2. Yếu tố vòng trong : là dạy và học theo một chương trình và có phương pháp, tức là thầy và trò trong mối liên hệ hai chiều qua lại.

Trong hai loại yếu tố thì yếu tố vòng trong tức là dạy và học là then chốt nhưng với trò là chủ thể và là yếu tố quyết định chung cục.

Như vậy bài toán được đặt ra cho mỗi trường là bằng mọi giá thực hiện được những nhân tố nói trên, trong đó nhân tố vòng trong là chủ chốt. Nói một cách khác, chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dạy và chất lượng học tức thầy và trò.

Chất lượng của thầy là:
- Giỏi và nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học
- Tận tâm và thương trò
- Say mê với sự nghiệp, coi sự nghiệp là lẽ sống
- Có phương pháp giảng dạy.

Chất lượng của trò là:
- kiên trì, khiêm tốn và trung thực.
- Có phương pháp học tập và nhất là tự học(thư viện, sách giáo khoa, tạp chí, sinh hoạt)

II. Nhân tố phụ: nhân tố phụ là đầu vào và đầu ra

1. Đầu vào: để nâng cao chất lượng đầu vào, đề nghị:
- Tại trung học phổ thông hoàn chỉnh việc sửa soạn cho sinh viên vào đại học
- Giảng dạy phương pháp học tập đại học
- Sĩ số lấy vào phù hợp với đội ngũ thầy cô, nhất là thầy cơ hữu, cơ sở, phương tiện , điều kiện của trường.

2. Đầu ra: Đánh giá đầu ra phải dựa vào mục tiêu. Muốn nâng cao chất lượng đầu ra, trong quá trình đào tạo sẽ:
- Kết hợp chặt chẽ giữa trường và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, khoa học…bởi vì đây là những trường học có giá ttrị thực tiễn với những thành công và thất bại mà một khi ra trường, sinh viên sẽ phải trực tiếp đối đầu. Một đại học khép kín thiếu bài học của thực tiễn thì sẽ không đảm bảo được mục tiêu đào tạo  và giảm chất lượng đầu ra. Trên quan điểm này, cần mời các chủ xí nghiệp và cơ sở khoa học tham gia vào quá trình đào tạo.
- Theo dõi sát quá trình học tập của mỗi sinh viên và kiểm tra thường xuyên (cá nhân hoá đào tạo)
- Mở rộng giao lưu quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi.

KẾT LUẬN

Chất lượng đào tạo của một đại học là một kết quả mà mọi thành phần, mọi tổ chức của đại học đều tham gia nhưng cuối cùng thì thầy và trò là những yếu tố can hệ nhất.

Friday, March 23, 2012

Quan niệm về đại học tư - cái khó và cái dễ

* Bài viết của GS. Ngô Gia Hy đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 10/08/1993.

Ở một số nước, từ lâu đã có hai hệ thống đại học công và tư song song cùng phát triển. Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có một số kinh  nghiệm. Gọi là tư khi nào không phải nhà nước thành lập và điều hành. Tư ở đây có thể là một người, một nhóm người hay một tập thể có uy tín, có điều kiện vật chất và được tín nhiệm đứng lên mở trường và tự quản. Tự quản có thể thành công hay thất bại, một phần là do khả năng quản lý, nhưng phần chính là do chất lượng đào tạo thấp hay cao (mà suy cho cùng cũng do khả năng quản lý). Cao thì dân tin, thấp thì dân bỏ, hay Nhà Nước bắt đóng cửa và giải tán. Bởi vậy có những đại học tư nổi tiếng như Đại Học Harvard ở Hoa Kỳ đã đào tạo được những nhà bác học và những nhân tài. Những cũng ở Hoa Kỳ đã có những đại học tư sụp đổ sau một thời gian ngắn hoạt động. Đầu thế kỷ này đã có gần 100  đại học y khoa tư ở Hoa Kỳ phải đóng cửa sau bản phúc trình của Flexner vì chất lượng đào tạo quá kém, kỷ luật không nghiêm và nhất là vì theo đuổi lợi nhuận.

Thiết nghĩ đây là một bài học đáng giá cho những ai muốn mở đại học tư, vì đại học tư là một sự nghiệp chứ không phải là một xí nghiệp. Mà đã là một sự nghiệp thì phải có lý tưởng để theo đuổi và triết lý để chỉ đạo.
Đại học không có bờ bến, chỉ có trước mà không có sau, chỉ có dưới mà không có trên, bởi vì cái biết thì có giới hạn, mà cái không biết thì khôn cùng.

Đại học là mở rộng cửa đón nhận bất cứ ai, không hạn kỳ tuổi muốn bước vào ngưỡng cửa, miễn là đạt tiêu chuẩn yêu cầu và không khép kín (khép kín đối với nội bộ và khép kín đối với bên ngoài). Đại học có nhiệm vụ tìm hiểu những nhu cầu của đát nước và là nơi mà vị nguyên thủ đến trình bày và trao đổi những vấn đề quan trọng của đất nước. Đại học không chỉ dạy nghề mà còn đào tạo con người với bản chất đa năng và những gì cao đẹp của nó. Điều này chỉ thực hiện được trong một khuôn viên viện đại học rộng lớn tổ chức và sinh hoạt để đạt được mục tiêu trên. Trong khuôn viên này, không còn có sự xa cách giữa trường này và trường nọ, khoa này với khoa khác, giữa thầy và trò. Sinh viên ở đây không chỉ được học chữ và học nghề, mà còn học tất cả những gì mình thích, học ăn học nói, học võ thuật, nghệ thuật và học lãnh đạo, nói tóm lại là học làm người. Họ còn tìm thấy ở đây những điều kiện để sống tự túc, họ sẽ là người trông nom thư viện, thư quán, phục dịch trong quán ăn… ngoài giờ học tập. Ơ đây là gia đình của họ, một đại gia đình sống trong tình thương và giúp đỡ. Khuôn viên đại học là một xã hội thu nhỏ, một "làng" theo nếp sống của Việt Nam.

Quan niệm như vậy thì ngoài yếu tố nhân sự, cơ sở, chương trình kế hoạch, tài chánh, phương tiện, quản trị, để thành công đại học cần thêm yếu tố đường hướng và phương pháp đào tạo. Yếu tố này thể hiện tinh thần của một trường đại học và phản ánh một văn hoá dân tộc.

Đi từ không đến có, từ hai bàn tay trắng xây dựng sự nghiệp thì chắc chắn phải khó, mà nghĩ cho cùng, ở đời việc gì lớn mà không khó. Nhưng khó sẽ vượt qua và thành dễ, nếu người chủ trương thành lập đại học làm cho người chứ không phải cho mình. Lúc đó sẽ có hàng ngàn, hàng triệu bàn tay nâng đỡ, bởi vì như vậy là trực tiếp hay gián tiếp cùng xây dựng tương lai cho con cháu và đất nước. Nhờ vậy mà thành công. Vả chăng, đại học tư hiện thời là một nhu cầu và một thử thách. Nhu cầu vì sự hiếu học của người mình trong khi đại học công có giới hạn. Thử thách vì nếu thành công, chứng tỏ nền kinh tế quốc gia vững mạnh, dân trí cao. Nó còn thể hiện tinh thần đùm bọc của một mẹ đẻ ra trăm trứng, trong cùng một bào thai, và ý nghĩa nuôi dưỡng trăm họ của bánh chưng bánh dày. Nói như thế để quan niệm rằng đại học tư không phải chỉ là một công cuộc của một người hay một nhóm người, mà là của tất cả những ai tha thiết xây dựng cho con cháu mai sau.

Thursday, March 22, 2012

Có một đại học như thế tại Việt Nam

* Trích tài liệu lưu hành nội bộ "Có một đại học như thế tại Việt Nam: Trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Quá trình hình thành và phát triển (1993-2000)" do các thành viên Hội đồng Sáng lập trường Đại học Dân lập Hùng Vương biên soạn.

Năm 1919, khoa thi nho học cuối cùng ở Việt Nam đã kết thúc một thời kỳ dài hơn 800 năm của các trường lớp đại học do dân lập ra ở Việt Nam, bởi những nhà nho đỗ đạt thành lập và giảng dạy. Sau này chỉ còn lại trường đại học của nhà nước thời chính quyền thực dân hay thời Việt Nam độc lập và chiến tranh, trừ tại Miền Nam có một số đại học tư, không phải do chính quyền thành lập, cụ thể là đại học Đà Lạt, Minh Đức, Vạn Hạnh…

Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương được thành lập năm 1995 là một trong những trường đại học do dân lập ra trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong thời kỳ có chủ trương của Đảng và Nhà Nước xã hội hoá giáo dục, xây dựng một nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 6 năm vừa qua, Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương đã có nhiều nỗ lực trong hình thành chiến lược thành lập và phát triển Trường, một hướng đi riêng trong các hoạt động cụ thể từ kế hoạch phát triển, tài chính, đào tạo, hoạt động ngoại khóa cùng công tác sinh viên, công tác nghiên cứu khoa học và văn hóa dân tộc, xây dựng môn phương pháp học tập đại học, thư viện theo mô hình hiện đại, làm chuyên đề, bài tập nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, học việc hè, ngày nghề nghiệp, tiếp thị, quảng bá, đối ngoại, bảo trợ sinh viên, y học cổ truyền…

Mỗi hoạt động trong thời gian vừa qua của Trường đã được những người sáng lập tổng kết đóng thành từng tập tư liệu truyền thống. Mỗi tư liệu truyền thống dày trên dưới 100 trang trong đó có phần tổng kết của mỗi hoạt động. Riêng tập này bao gồm tất cả các phần tổng kết, đánh giá chung cũng như riêng của từng hoạt động và kèm theo có một số văn bản, bài phát biểu của những người sáng lập.

Sau 6 năm hoạt động cùng với 2 năm chuẩn bị thành lập Trường, những người sáng lập hầu hết là những người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, đã đúc kết những kinh nghiệm và nghiên cứu giáo dục của mình cùng vận dụng trong thực tế vào việc xây dựng Trường Đại Học Dân lập Hùng Vương.

Ngày 17 tháng 8 năm 2000, Thủ tướng ban hành qui chế số 86/2000/QĐ-TTg về “quy chế đại học dân lập”, quy định những người trên 70 tuổi không được tham gia Hội Đồng Quản Trị cũng như Ban Giám Hiệu. Quy chế này đã khiến hầu hết những thành viên sáng lập trường đã quá tuổi 70 không còn tham gia lãnh đạo Trường, dự vào những quyết định quan trọng của Trường. Chính vì vậy, những tập tư liệu tổng kết sẽ là những tập tư liệu di sản truyền thống của Trường và những người sáng lập có ước nguyện những người lãnh đạo kế tục của Trường tiếp nhận và tiếp bước. Rất mong những suy nghĩ và hành động trong những năm qua của những người sáng lập trường được phát huy một cách tối đa.

Hoài bão của những người sáng lập thể hiện trong mục tiêu của Trường là góp phần xây dựng một nền giáo dục đại học vừa mang tính Việt Nam vừa mang tính hiện đại, sánh với các nước tiên tiến trên thế giới, trước hết là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tâm huyết của những người sáng lập theo tôn chỉ bất vụ lợi, những người góp vốn không chia lời, không hoàn lại. Chủ trương quan trọng của những ngừơi sáng lập là "Chất lượng là mục tiêu đào tạo hàng đầu".

Sáu tuổi đời của một đại học thật còn quá non trẻ! Với hai bàn tay trắng, với vốn liếng chất xám, uy tín và tâm huyết, khi chưa có Trường, những người sáng lập huy động được hơn 2 tỷ đồng. Sau sáu năm hoạt động, dù không chạy theo số lượng và doanh thu, những người sáng lập đã để dành được hơn 4 tỷ đồng để cố có được một khu đất xây dựng cơ sở đầu tiên của Trường tại khu Nam đô thị mới (giá bồi hoàn là 45000đ /m2).

Sau sáu năm hoạt động, hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp, hầu hết sinh viên có công ăn việc làm, được xã hội chấp nhận hoan nghênh. Số dự thi trong kỳ tuyển sinh năm 2001 đã tăng gấp 3 lần so với kỳ tuyển sinh năm 2000 và đầu vào được cải thiện, điểm chuẩn cao, có ngành học như Công nghệ thông tin là 31/40 điểm.

Những người sáng lập tin tưởng với thành quả đã gặt hái được như thế, những người sáng lập có khả năng huy động từng bước sự đóng góp của xã hội ở trong và ngoài nước xây dựng cơ sở đầu tiên ở khu Nam Đô Thị Mới, một địa điểm rất gần trung tâm thành phố, gần hầu hết các quận quan trọng trong thành phố như Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, nằm trên một đại lộ rộng 120m mang tầm vóc quốc tế, chạy song song và cách đại lộ Đông Tây khoảng 2 km, một đường xương sống và là cửa ngõ giao lưu của thành phố. Bỏ địa điểm này là bỏ một địa điểm tốt có một không hai, khó mà có cơ hội nào lần thứ hai! Những người lãnh đạo Trường phải có một tầm nhìn chiến lược mới thấy tầm quan trọng của địa điểm đối với sự phát triển Trường mang tầm vóc quốc tế.

GS Ngô Gia Hy đã từng nói rằng: 'Trường Đại Học Dân Lập Hùng Vương là trường của thầy và trò, trước hết là của hơn 4000 thầy trò hôm nay và hàng vạn thầy trò trong tương lai.

Thầy trò nào chỉ thực sự là chủ ngôi trường này nếu thực sự chia sẻ với tôn chỉ, chủ trương của những người sáng lập đã vạch ra. Rất mong thầy trò và những mạnh thường quân ở trong và ngoài nước hãy tích cực hỗ trợ để ước mơ của những người sáng lập trường xây dựng "campus" đầu tiên tại Khu Nam Đô Thị Mới sớm trở thành hiện thực.

Dù thế nào đi nữa, thì đã có một đại học như thế: “Đại Học Dân Lập Hùng Vương" tại Việt Nam!

Chúng tôi cũng rất mong những người Việt Nam có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Việt Nam hãy cùng chúng tôi noi gương những nhà giáo lớn như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Văn Nghị… để tiếp tục xây dựng "một đại học như thế tại Việt Nam."

Tp.Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 9 năm 2001

GS Ngô Gia Hy
Nguyên chủ tịch Hội Đồng Sáng Lập

Ông Nguyễn Nhã
Đại diện thành phần sáng lập trong Hội Đồng Quản Trị nhiệm kỳ II

Ông Hà Bính Thân
Sáng lập viên, đại diện Cơ Quan Bảo Trợ Sáng Lập Trường (Cty Lạc Việt)

Wednesday, March 21, 2012

Nhà sử học dành trọn đời để chứng minh chủ quyền đất nước

3:35, 15/08/2009

“Mong ước của tôi là làm sao phổ biến một cách rộng rãi những nghiên cứu của mình về Hoàng Sa - Trường Sa đến mọi người, nhất là giới trẻ, để mọi người ý thức hơn nữa về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà bao thế hệ cha ông ta đã đổ máu xương gìn giữ” - Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã dành cả đời nghiên cứu và chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nói với tôi như vậy khi tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở đường Trần Kế Xương, TP HCM.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã và các tài liệu Hoàng Sa. 
Trong căn phòng làm việc mát mẻ và yên tĩnh, trên tường treo đầy ảnh chụp về các công trình nghiên cứu lịch sử liên quan đến vấn đề chủ quyền Việt Nam tại các quần đảo trên biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho tôi xem tấm bản đồ cổ An Nam Đại Quốc Họa Đồ do Giám mục Jean Louis Taberd (1794-1840) vẽ năm 1838. Trên bản đồ Việt Nam cổ này, quần đảo Hoàng Sa được thể hiện bằng chữ "Paracel seu Cát Vàng".

Điều đặc biệt là bản đồ có ghi tọa độ của Hoàng Sa, và tọa độ này trùng khớp với số liệu ngày nay. "Rõ ràng bản đồ này đã chứng minh Cát Vàng (tức Hoàng Sa) không phải ở ven bờ như các học giả Trung Quốc nói, và chủ quyền của nước ta trên quần đảo này đã được xác lập từ thời xa xưa" - ông nhận xét.

Năm 1966, người thanh niên 26 tuổi Nguyễn Nhã vừa mới tốt nghiệp hai trường đại học Sư phạm và Văn khoa đã tổ chức xuất bản Tập san Sử - Địa, vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút. 9 năm sau, vào ngày 20/1/1975, thời điểm tròn một năm sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, Nguyễn Nhã đã xuất bản Tập san Sử - Địa số 29,  Đặc khảo Hoàng Sa & Trường Sa và tổ chức "triển lãm sử liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa”. Triển lãm trưng bày tất cả những tài liệu và hình ảnh chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

"Tôi còn nhớ trong ngày khai mạc triển lãm, nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải và 4 bô lão trên 80 tuổi khác chủ tọa và nhiều người ôm nhau khóc, xúc động không kìm được nước mắt. Nhà văn Sơn Nam đã viết trong Sổ lưu niệm: "Cuộc triển lãm mang tầm vóc quốc tế, đề nghị mở cửa kéo dài thêm (thay vì 3 ngày)". Một phần phên dậu của Tổ quốc không còn, nỗi đau đó nung nấu trong tôi một quyết tâm phải làm điều gì đó chứng minh cho thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam" - ông nhớ lại.

Hơn 30 năm ký thác cuộc đời cho công việc thiêng liêng đó, ông đã chứng minh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sự thật lịch sử.

Ông đã lặn lội khắp vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, tìm những tư liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa. Ông ra tận đảo Lý Sơn, nơi xuất phát những đội dân binh Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, nơi có con cháu dòng tộc của những người phục vụ cho thủy quân nhà Nguyễn đi công tác ở Hoàng Sa ngày xưa đã hy sinh vì chủ quyền dân tộc trên biển Đông, mà tên của họ đã được đặt cho các đảo ở Hoàng Sa, như Phạm Quang Ảnh, Đội trưởng Đội Dân binh Hoàng Sa hay Phạm Hữu Nhật, suất đội thủy quân nhà Nguyễn... Từ đó đến nay, Nguyễn Nhã vẫn không ngừng nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa.

Năm 2003, ở tuổi 63, ông vẫn kiên trì nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học với đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" tại Đại học Quốc gia TP HCM.

Ông nói: "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của các nước ấy trước năm 1909 mang tính khoa học được như tôi".

Nguyễn Nhã khẳng định, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo đã được xác định từ rất lâu trước khi Trung Quốc lên tiếng xí phần vào năm 1909 khi cho đó là đất vô chủ với hành động theo phương cách chiếm hữu đảo của phương Tây và đặt lại tên là Tây Sa.

"Từ cuối thế kỷ XVII, Việt Nam đã có những bản đồ có vẽ và ghi chú về "Bãi Cát Vàng" tức Hoàng Sa trong Toàn tập “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ” của Đỗ Bá. Giữa thế kỷ XVIII, “Phủ Biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn miêu tả chi tiết hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, minh chứng cho sự xác lập và bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến thời nhà Nguyễn thì có cả một hệ thống biên niên sử, địa dư chí của Quốc sử quán, đặc biệt cả Châu bản tức văn bản của triều đình với các dụ, bản tấu, phúc tấu với lời châu phê của vua, ghi chép cụ thể các hoạt động của các đội thủy binh triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa mà hồi ấy người Việt Nam và phương Tây coi là một dãy dài vạn dặm. Tất cả đều là các văn bản của nhà nước hoặc chính sử do các sử thần chép lại.

Ngược lại, Trung Quốc không có tài liệu nào của chính quyền Trung Quốc chứng minh được nhà nước đã chiếm hữu trước khi Việt Nam xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa cả, mà chỉ suy diễn thôi. Tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc. Họ còn phát hiện ở mặt bắc đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) ngôi miếu Hoàng Sa Từ, dấu tích của người Việt".

Không những dùng chính tài liệu Trung Quốc như Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán để phản bác, Nguyễn Nhã còn sử dụng các tài liệu, bản đồ của phương Tây như Jean Baptiste Chaigneau (1769-1850), Gutzlaff, Taberd để chứng minh rằng người phương Tây và chính người Trung Quốc đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là "phên dậu của Việt Nam trên biển Đông".

Bằng việc lập luận, phân tích rõ ràng theo các nguồn sử liệu và bằng chứng điền dã đã tìm được, ông đã thẳng thắn bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lý luận của Nguyễn Nhã trong luận án của mình chặt chẽ đến mức Tiến sĩ Trần Đức Cường đã nhận xét: "Tác giả sử dụng nhiều tài liệu của Trung Quốc để nêu rõ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả...".

Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng quyết định của ta giải phóng ngay quần đảo Trường Sa tháng 4/1975 trước khi giải phóng Sài Gòn là hết sức sáng suốt. "Nếu để chậm thì nước ngoài nhân lúc quân đội Sài Gòn hoang mang tan rã sẽ xâm chiếm các đảo Trường Sa, ta càng gặp khó khăn về sau" - ông nhận định.

Ông nhấn mạnh: "Việt Nam phải luôn nhắc cho cả thế giới biết rằng việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, và một số đảo Trường Sa năm 1988 là hoàn toàn trái phép, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Phải dứt khoát không ký kết bất cứ hiệp định nào gây thiệt hại cho Việt Nam".

Ông đã thành lập tủ sách nghiên cứu Hoàng Sa -Trường Sa tại nhà, nhằm cung cấp tư liệu cho những ai quan tâm tìm hiểu. "Tôi sẵn sàng hỗ trợ các sinh viên, các nhà nghiên cứu muốn làm luận văn, luận án về đề tài Hoàng Sa - Trường Sa" - ông cho biết. Như trường hợp sinh viên Vương Quốc Khanh, với sự hỗ trợ tài liệu từ tủ sách của ông đã bảo vệ luận văn thạc sĩ sử học đầu tiên về tranh chấp Trường Sa tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã là sáng lập viên Trường đại học Dân lập Hùng Vương. Với tinh thần góp sức xây đắp lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, tuy bận giảng dạy tại Trường đại học Sài Gòn, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã cùng một số nhà nghiên cứu thành lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, mà ông hiện là viện trưởng. Ông chủ biên cuốn sách "Bản sắc ẩm thực Việt Nam" vừa ra mắt độc giả đầu năm 2009. Nguyễn Nhã say mê ca trù và ông đã lập câu lạc bộ ca trù tại nhà riêng với chủ trương đem ca trù vào cuộc sống và hát thơ vào trường học. Ông thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ ca trù và hát thơ Lạc Việt mà thành viên là các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu.

"Đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam cũng như bảo toàn quần đảo Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thành công, cũng như Việt Nam từng bị phong kiến phương Bắc đô hộ hơn một ngàn năm, khi có thời cơ sẽ giành lại độc lập tự chủ" - Tiến sĩ Nguyễn Nhã kết luận

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2009/8/70101.cand

Tuesday, March 20, 2012

Cái mặc của người Việt

18/03/2012 3:23

Trước Cách mạng Tháng tám, học sinh các trường sơ tiểu ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc đều mặc quần trắng, áo dài trắng loại vải bông. Nhiều bà cụ ở quê như bà nội tôi mặc váy hay quần nơm, yếm áo cánh. Tôi nhớ hồi 3, 4 tuổi, tết đến, tôi và các em vẫn súng sính bộ áo dài màu lam.

Hồi phong trào Duy Tân thế kỷ 20, hô hào nhau cắt tóc ngắn chứ không “búi tóc củ hành”, được nhiều người theo, song có một số người già như ông nội tôi vẫn không chịu cắt vì sợ bất hiếu. Phong trào cổ động theo mới, đoạn tuyệt với cái cũ thật sự thành công nhất là đầu tóc, cách ăn mặc của đàn bà cũng như đàn ông.

Chắc không ai phủ nhận cái đẹp, cái tiên tiến của Âu phục và trên thế giới rất nhiều người mặc Âu phục.

Song nhiều nước luôn có quốc phục mặc trong các buổi lễ gia đình hay lễ quốc gia. Ví dụ như Philippines hay các nước Nam Mỹ dù ảnh hưởng Âu Mỹ đậm đà cũng cố tạo cho mình quốc phục cách tân từ Âu phục.

Thói quen, tập tục cũng rất quan trọng đối với cách ăn, cách mặc, cách ở.

Những người dân Ả Rập phần lớn sống ở vùng gần sa mạc nóng bức, ấy thế mà họ vẫn thích mặc quần áo phủ kín cả người… Người Ấn có cách ăn mặc riêng. Người Nhật trong sinh hoạt bình thường mặc Âu phục, song ngày lễ họ vẫn mặc quốc phục hay Âu phục được Nhật hóa.

Người Việt chúng ta cũng thế, ngoài Âu phục, các kiểu quần Tây, áo sơ mi, giày dép, dây thắt lưng như phương Tây, chúng ta có áo dài Việt, áo cánh, áo bà ba Việt, có guốc Việt, giày Việt (giày Gia Định).

Chiếc áo dài phụ nữ từ thập niên 30 thế kỷ 20, khởi đầu từ áo dài “Le Mur” do họa sĩ Cát Tường thiết kế và sau đó đã canh tân không ngừng, song vẫn giữ được bản sắc Việt, rất đáng tự hào. Phụ nữ Việt đa phần gọn gàng, thanh mảnh, mặc càng đẹp, càng duyên dáng, vừa kín đáo lại rất gợi cảm.

Chiếc áo dài đàn ông rất ít thay đổi, ngày càng ít người mặc, nhưng trong các dịp tế lễ, cúng giỗ vẫn được các cụ sử dụng. Đặc biệt, trong dịp hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 tổ chức ở Việt Nam, các nguyên thủ quốc gia từ Tổng thống Mỹ George W.Bush, Tổng thống Nga V.Putin đến Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào… đã mặc bộ áo dài truyền thống của nước ta, cũng thấy tự hào.

Chiếc áo cánh đàn bà cũng như đàn ông miền Bắc hay chiếc áo bà ba miền Nam thông dụng một thời, cũng ít được canh tân và ngày càng ít người mặc.

Quyết định cho học sinh THPT mặc áo dài đồng phục, các cuộc thi hoa hậu có phần trang phục áo dài là việc làm rất cần thiết để giữ gìn bản sắc Việt. Song trong hôn lễ, thời khắc quan trọng nhất của người con gái, con trai Việt Nam thì người ta có vẻ không coi trọng: cô dâu mặc đầm, chú rể mặc áo vest. Nên chăng trong các tiệc cưới, khi ra mắt chào quan khách bà con hai họ nên mặc lễ phục. Sau đó có thể thay áo khác thì hợp lý hơn.

Chừng nào chúng ta biết coi trọng lễ phục truyền thống, biết giữ gìn bản sắc để hội nhập song không hòa tan nhỉ?

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120317/cai-mac-cua-nguoi-viet.aspx

Thư ngỏ gửi quý tộc họ và chính quyền huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, sau biến thành lễ khao lề tế lính Hoàng Sa của các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré, Quảng Ngãi là nét đẹp văn hóa của Việt Nam!

Lễ khao lề ấy vừa thể hiện truyền thống đi tiên phong làm kinh tế biển, đánh bắt xa bờ có từ đầu thế kỷ 17, không ngại hiểm nguy, dù đi dễ khó về, song những người thân ở nhà luôn cầu mong, lấy hình nhân thế mạng để người thân bình an trở về đất liền, đất đảo.

Lễ khao lề ấy vừa là chứng tích hùng hồn về trách nhiệm thực thi chủ quyền của nước Đại Việt cũng như nước Việt Nam tại Hoàng Sa của những suất đinh trong các tộc họ làng An Hải, An Vĩnh của Lý Sơn, Cù Lao Ré, cũng là những lính Hoàng Sa, một đội dân binh gồm 70 suất đinh, được nhà nước hỗ trợ 6 tháng lương thực đi làm nhiệm vụ khai thác các sản vật tại Hoàng Sa.

Chia sẻ với những khó khăn, hậu quả của cơn bão lụt gây thiệt hại nặng nề vừa qua ảnh huởng đến việc tổ chức lễ khao lề hàng năm của các tộc họ vào ngày 19, 20 tháng 2 âm lịch, tôi đã quyên góp được 11 triệu đồng từ những người thân trong gia đình, tộc họ, để thay vì cứu trợ bão lụt thì hỗ trợ cho các tộc họ tổ chức lễ khao lề năm nay.

Tôi đã chuyển khoản số tiền 11 triệu trên cho TS Nguyễn Đăng Vũ tại Ngân hàng Đầu tư & phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi. Riêng tộc họ Phạm Văn mà ông Phạm Thoại Tuyền cho biết chắc chắn sẽ tổ chức lễ khao lề của tộc họ vào đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 2 Âm lịch, tôi đã yêu cầu TS Nguyễn Đăng Vũ trích 4 triệu đồng trong số tiền quyên góp trên đã được chuyển khoản trao cho tộc họ Phạm Văn.

Tôi cũng kêu gọi những người hằng tâm, hằng sản, nhất là quí đọc giả trong trang web www.hoangsa.org hỗ trợ các tộc họ đã tổ chức, tiếp tục tổ chức thường xuyên lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, một nét đẹp văn hóa Việt Nam ấy và mong lễ khao lề ấy được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, để mọi người biết đến nét đẹp văn hóa Việt Nam cũng như sự thật về sự thực thi chủ quyền của Việt Nam bất khả tranh nghị tại Hoàng Sa vốn có từ lâu.

Trân trọng

Nguyễn Nhã
20 – 03- 2010

Danh sách những người thân của TS Nguyễn Nhã cứu trợ các tộc họ huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi bị bão lụt:

Gia đình TS Nguyễn Nhã tặng 11 triệu
TS Nguyễn Nhã 1 tháng lương hưu trí 2.200.000 đ
Vợ: Dược Sĩ Phạm Vân Loan 1.600.000 đ
Con nuôi: Nguyễn Đức Thiện 400.000 đ
Em gái: Cô Nguyễn Thị Nụ 200.000 đ
Các cháu:
- Nguyễn Trọng Dụng 500.000 đ
- Nguyễn Quý Đôn 500.000 đ
- Nguyễn Trịnh Tường 200.000 đ
- Nguyễn Đức Thành 200.000 đ
- Nguyễn Tuấn 200.000 đ
- Nguyễn Dương Bình 200.000 đ
- Nguyễn Đức 200.000 đ
- Nguyễn Thị Thủy Tiên 200.000 đ
- Nguyễn Thúy Oanh 200.000 đ
Người thân:
- Cô Thảo Dũng 200.000 đ
- BS Bùi Việt Hoàng 200.000 đ
- Bà Ninh 200.000 đ
- Chị Bùi Trung Huyền 2.000.000 đ
- Bà Vũ Thị Kim Dung 500.000 đ
- Bà Ngô Thị Nga 500.000 đ
- BS Hứa Thị Mỹ Trang 400.000 đ
- Dược Sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa 200.000 đ

Nguồn: http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=26582

Monday, March 19, 2012

Tiến sĩ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ ba 07/02/2012 00:01

ANTĐ - Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, những du khách đến tham quan hội chợ tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) rất ấn tượng với một chương trình biểu diễn ca trù và hát thơ về các món ăn của Việt Nam kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng có lẽ người tổng chỉ huy của chương trình ấy mới thực sự ấn tượng hơn cả. Ông là Tiến sĩ Nguyễn Nhã, là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến s ĩ  về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Luận án Tiến s ĩ  khoa học của TS. Nguyễn Nhã đã khẳng định thêm một lần nữa chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
“Dũng sĩ học thuật”

Năm 63 tuổi, ở độ tuổi mà những người cùng trang lứa đã “nghỉ ngơi” vui vầy cùng con cháu thì Nguyễn Nhã mới bắt tay vào việc bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ngay từ năm 26 tuổi, vừa tốt nghiệp 2 trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, Nguyễn Nhã làm chủ bút tờ Tập san Sử địa vào năm 1966. Rồi chỉ sau đó 9 năm, chàng thanh niên này đã tổ chức một triển lãm chuyên đề trưng bày tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa ở Thư viện Quốc gia. Vì thế, cái duyên của ông với Trường Sa và Hoàng Sa đã gắn kết ông với đề tài mang tầm quốc gia này.

Hôm bảo vệ Đề cương Luận án cũng có ý kiến cho rằng đề tài này phải là đề tài cấp quốc gia mới làm nổi. Song, với kinh nghiệm của một người nghiên cứu chuyên sâu về Trường Sa, Hoàng Sa, ông đã bảo vệ với luận điểm: cá nhân nghiên cứu cũng có mặt mạnh riêng, nhất là vấn đề học thuật. Với những lý lẽ riêng và bằng vốn kiến thức sâu rộng của một nhà sử học, đặc biệt là với cái tâm trong sáng của một người suốt đời dành cho học thuật, Nguyễn Nhã đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào năm 2003. Và có một câu chuyện vui đến giờ TS. Nguyễn Nhã mới chia sẻ sau khi ông bảo vệ luận án. Đó là việc mọi người ghi nhận ông như một “dũng sỹ học thuật”, dám vượt qua nhiều thử thách và kiên định theo đuổi đề tài đến cùng. PGS.TS Huỳnh Lứa đã nói với ông rằng “Bản thân anh đã dũng cảm mà ngay người nhận hướng dẫn cũng dũng cảm không kém”. Sau này khi bảo vệ thành công, một luật sư của Công ty Mai Linh đã đến nhà tặng TS Nguyễn Nhã chữ Dũng được lồng khung kính hiện ông vẫn treo ở nhà.

Chưa một lần đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa

Điều đặc biệt, cho dù nghiên cứu rất sâu về Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa nhưng TS. Nguyễn Nhã chưa một lần đặt chân tới 2 vùng biển này. Do đề tài chỉ “khoanh vùng” về “quá trình xác lập chủ quyền”, nên ông đã đi đến tất cả các thư viện sưu tập tài liệu và nơi xa nhất mà ông từng đến chỉ là cái nôi của đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn ngày nay.

Ấn tượng sâu sắc về những người dân đảo đã đọng lại trong ông là tình yêu với biển đảo quê hương. Những người dân ấy không chỉ gắn bó với lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19, 20 tháng 2 âm lịch mà còn dũng cảm tiếp nối truyền thống ấy của những người lính năm xưa đi đánh bắt cá xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa như một cách tự nhiên khẳng định chủ quyền của cha ông ta trên vùng biển đặc biệt này. Tận mắt chứng kiến những điều này, ông càng có thêm sức mạnh để vượt qua nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình bảo vệ luận án để một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam qua nhiều bằng chứng khoa học lịch sử.

Với tư cách là một nhà sử học yêu nước và nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, Trường Sa, TS. Nguyễn Nhã còn là một người rất yêu văn thơ, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam. Ông đã từng nói rằng: “Muốn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi người Việt Nam cần có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”. Vốn là người nghiên cứu và dạy môn văn hóa Việt Nam, TS. Nguyễn Nhã nhận thấy Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất độc đáo, có thể sánh với ẩm thực Trung Quốc hay Pháp. Vì thế, đã nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam và nay là Trưởng Đề án bếp Việt, ông đã nghiên cứu xây dựng lý luận bếp Việt, đã ra cuốn sách “Bản sắc ẩm thực Việt Nam”, “Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội”, “Độc đáo ẩm thực Huế” hiện đang biên soạn cuốn Phở Việt.

Tuy nổi tiếng trong lĩnh vực sử học và ẩm thực nhưng TS. Nguyễn Nhã luôn coi những việc ông đã và đang làm là một cách lui về “hậu đài” để cổ vũ những hạt nhân sáng tạo làm cho đất nước hùng mạnh. Như trong giảng dạy, ông luôn để học trò đi trước, làm việc nhiều, nói nhiều hơn thầy. Ông luôn tự nhủ: nên lấy vui làm lãi. Vui thì quên cả mệt nhọc, quên cả tuổi tác và hăng hái tiếp tục làm…

Phạm Thu Hương

Nguồn: http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Tien-sy-Viet-Nam-dau-tien-ve-Hoang-Sa-Truong-Sa/434934.antd

Sunday, March 18, 2012

Hoàng Sa - Trường Sa là chất men khơi dậy lòng yêu nước!

11/04/2009 22:36

Mỗi lần tư gia có “sự kiện” nào đấy, ông lại gọi điện thoại nhắn tôi đến: một đêm tổ chức hát ca trù, một buổi đến ăn và tôn vinh “phở Việt”... Nhưng cảm nhận của tôi về ông trên tất cả là tấm lòng của một công dân hướng về Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam...
Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên tủ sách về Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh: H.Đ.N  
* Nguyên nhân nào khiến tiến sĩ cất công sưu tầm rất nhiều tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa? Hiện bộ sưu tập này đã có khoảng bao nhiêu tư liệu?

- Tôi quan tâm đến Hoàng Sa - Trường Sa từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt trong giai đoạn Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa từ ngày 18-20.1.1974, tôi là chủ biên Tập San Sử Địa số 29, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều bài viết lấy tên Nguyễn Nhã, Hãn Nguyên, Hoàng Việt Tử... Ngày kỷ niệm 1 năm Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 20.1.1975 là ngày ra mắt số đặc khảo này. Tôi cũng là Trưởng ban tổ chức Triển lãm tư liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong 3 ngày tại Thư viện Quốc gia, báo chí hồi ấy đưa tin: “Triển lãm sử liệu Hoàng Sa - Các vị bô lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền - Nhiều người ôm nhau khóc ròng”. Có 5 vị  bô lão trên 80 tuổi tham dự, trong đó có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải.

Đến năm 1988, Trung Quốc lại lấn chiếm một số bãi đá ở Trường Sa, khiến tôi lại càng quan tâm. Năm 1996, tôi quyết định đi thi, học và làm luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Hồi ấy GS Hồ Sĩ Khoách cũng là người bạn trong Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người ban đầu sẵn sàng nhận bảo trợ có đưa ý kiến nên dùng công trình có sẵn “Tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình dưới thời Pháp thuộc” mà GS cho rằng rất có giá trị để làm luận án”. Song tôi trả lời: “Tôi chỉ lấy đề tài về Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, bằng không tôi sẽ không làm luận án nữa”.

Ngay hôm bảo vệ luận án, tôi có phát Lời tuyên bố. Đó là tâm nguyện của tôi khi làm luận án, và nhất là đến khi tôi đã về hưu (năm 2003) là đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ý thức được trách nhiệm của “kẻ thất phu” khi Hoàng Sa và Trường Sa là yết hầu của Việt Nam, rất quan trọng về mặt chiến lược và cũng là chất men làm nên lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc.

Hồi làm luận án tôi sử dụng hơn hai trăm tài liệu, hàng ngàn trang, hàng trăm bản đồ. Sau đó, tôi đã xây dựng Tủ sách Hoàng Sa và Trường Sa thì số tư liệu gấp bội, với mục đích giúp giới nghiên cứu, nhất là các bạn trẻ làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

* Trong số những tư liệu đó, tài liệu nào là chứng cứ khẳng định Hoàng Sa -Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam một cách rõ ràng và thuyết phục nhất?

- Theo pháp lý quốc tế, chiếm hữu phải thật sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Nên các văn bản mang tính nhà nước thời nhà Nguyễn trong đó các châu bản, lời tấu của Bộ Công, châu phê của vua cũng như sách Hội điển, sách chính sử trước năm 1909 (năm Trung Quốc bắt đầu tranh chấp và cho Hoàng Sa là đất vô chủ) thật sự có giá trị nhất bởi bất cứ một quốc gia tranh chấp nào cũng không có được như Việt Nam. Riêng bản đồ An Nam đại quốc họa đồ khổ 80,5 cm x 44 cm của giám mục Taberd in năm 1838, đính trong cuốn từ điển Latinh-Annan vẽ rất rõ Paracel (tiếng Latinh nghĩa là Cát Vàng) tại tọa độ hiện nay của Hoàng Sa, là bằng chứng hùng hồn nhất phản bác luận điểm của Trung Quốc cho Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là đảo ven biển, không phải Paracels mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

* Trong giai đoạn rất nhạy cảm hiện nay, khi một số quốc gia khác đang có những động thái nhằm áp đặt chủ quyền của họ lên một số lãnh hải của Việt Nam trong đó có Hoàng Sa - Trường Sa, theo ông, mỗi công dân Việt Nam nên có những thái độ  như thế nào để bảo vệ chủ quyền?

- Theo tôi, mỗi công dân Việt Nam trước hết phải biết rất rõ sự thật lịch sử xác lập chủ quyền của ông cha mình tại Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi người phải thấy tầm quan trọng chiến lược cũng như về tài nguyên của vùng Hoàng Sa và Trường Sa. Nó là yết hầu, cổ họng. Không có nó, Việt Nam sẽ gặp nhiều cái khó hơn để phát triển thành đất nước hùng cường. Có được nhận thức như thế thì phải quyết tâm đấu tranh đến cùng. Phải cho các thế hệ trẻ biết rõ sự thật và tầm quan trọng đến như thế và với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tin sẽ có sức mạnh.

Sau đó mỗi công dân và người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước phải nhận thức rõ một điều: “Để mất một tấc đất của Tổ quốc là có tội với quê hương đất nước, với tổ tiên”. Mỗi công dân, mỗi người Việt nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước. Riêng tôi cũng đang có một kế hoạch nhỏ, xây dựng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và khởi xướng chương trình Cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới, đang tích cực vận động ít nhất 100 cá nhân, đơn vị hưởng ứng tham gia chương trình này để đến cuối năm 2009 sẽ công bố Ngày cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới, dự kiến là ngày Ông Táo, 23 tháng chạp âm lịch hằng năm.

* Ngoài bộ sưu tập tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa, tiến sĩ có thu thập thêm tư liệu về những địa phương, lãnh hải khác (Côn Đảo, Phú Quốc...)?

- Chính tôi đã quay phim video tư liệu về Côn Đảo, viết bài về Phú Quốc, một  trung tâm du lịch sinh thái biển, trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và của các nước AsEan; phim video tư liệu Thăng Long Hà Nội xưa do GS Trần Quốc Vượng và nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc thuyết minh, rất quý giá, đang cần các nhà tài trợ để in phát tặng cho tất cả các học sinh, sinh viên thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

* Tuy chuyên ngành sử học nhưng tiến sĩ còn rất mê ca trù và chủ trương quảng bá, phát triển món ngon nước Việt ra thế giới. Vậy những sở thích này có hỗ trợ lẫn nhau?

- Tôi không những nghiên cứu lịch sử mà còn nghiên cứu văn hóa, quốc học. Tôi đã thấy nét độc đáo của ca trù và khởi xướng đem hát thơ vào trường học. GS Hoàng Như Mai cho rằng đây là sáng kiến cực kỳ hay. Trên thế giới khó nước nào như ở Việt Nam, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở nước ta lại học rất nhiều thơ, nhất là thơ truyền thống. Các em sẽ được nghe hàng trăm làn điệu dân ca, ca cổ ba miền. Điều này không những minh họa, đổi mới môn tiếng Việt, văn học mà còn đem âm nhạc truyền thống đến từng học sinh, giáo dục con người chất Việt, hồn Việt, món ăn tinh thần cho thế hệ trẻ Việt Nam. Lòng tự hào dân tộc là chất men yêu nước trong tâm hồn mỗi người Việt. Tôi cũng sáng tác những bài hát nói về quốc đạo, đúc kết những tinh hoa tư tưởng Việt như triết lý vuông tròn (bánh chưng bánh giày), triết lý bầu bí, thương người như thể thương thân, đại nghĩa chí nhân... làm thành CD ca trù quốc đạo. Tôi cũng đã hợp tác để Phương Nam phim ấn hành CD Hát thơ Kiều với hơn 30 làn điệu dân ca, ca cổ ba miền.

Tôi cũng thấy những độc đáo của nền ẩm thực Việt Nam: món ăn vừa ngon, vừa lành lấy tự nhiên làm gốc, nên tôi cũng khởi xướng Thực đạo Việt Nam và chương trình Cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới. Trước hết tôi chủ biên cuốn sách Bản sắc ẩm thực Việt Nam, đúc kết hơn 10 năm nghiên cứu với hơn 10 hội nghị khoa học, hội thảo, tọa đàm với gần 30 nhà nghiên cứu nổi tiếng trong vòng nửa thế kỷ qua như GS-TS Trần Văn Khê, GS Trần Quốc Vượng, Toan Ánh, Sơn Nam, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Văn Xuân...

Nếu Hoàng Sa và Trường Sa là chất men yêu nước, thúc đẩy người Việt ở trong và ngoài nước đoàn kết xây dựng nội lực thì ca trù quốc đạo, ca trù ẩm thực, hát thơ đem vào trường học, thực đạo, cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới là những ý tưởng tôi xin cống hiến cho Tổ quốc, quê hương mình.

Hà Đình Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200915/20090411223650.aspx

Saturday, March 17, 2012

Trường Sa của chúng ta

Thứ Năm, 15.1.2009 | 08:11 (GMT + 7)

(Xuân 2009) - Một nhà trí thức dành trọn đời mình để nghiên cứu sự thật lịch sử về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, người đó là Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - Tiến sĩ Sử học.

Tôi kính trọng ông bởi vì ông tự đặt cho mình một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng, giữ gìn bờ cõi đất nước bằng trí tuệ và tâm huyết của một nhà khoa học.

Lần gặp nhau đầu tiên, ông tặng tôi công trình luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của ông. Một người nho nhã như ông, vẫn tự cho mình được quyền nói một câu chắc nịch: “Tôi thách thức tất cả các nhà khoa học trên thế giới có thể phản biện được công trình này của tôi”.

Ông nói điều đó bằng sức nặng của hơn ba mươi năm nghiên cứu, dồn hết tâm huyết và trí lực cho một công trình khoa học. Năm 1974, khi có chiến sự ở Hoàng Sa, biến cố mất một phần đất của tổ quốc, đã dấy lên phong trào của trí thức miền Nam đòi chủ quyền biển đảo. Trong hàng vạn cánh tay đưa lên đó, có một cánh tay của Nguyễn Nhã.

Lúc đó Nguyễn Nhã đã tổ chức triển lãm sử liệu Hoàng Sa ở Sài Gòn. Buổi triển lãm có nhiều trí thức tiền bối tham dự, trong đó có cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, mọi người đã ôm nhau khóc. Chuyện đã quá lâu, những người tham dự hôm đó có người nhớ, có người quên, nhưng với Nguyễn Nhã thì đeo đẳng suốt đời. Bởi vì ngay lúc ấy, ông đã tự ký một bản hợp đồng với đời mình, đó là thực hiện một công trình khoa học chứng minh sự thật về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.

Hành trình đi tìm những chứng cứ khoa học để chứng minh sự thật lịch sử về biển Đông của Nguyễn Nhã rất gian truân. Thời bao cấp khó khăn kiếm cái ăn đã hết tâm lực, thời gian đâu để làm khoa học. Nhưng với quyết tâm tìm ra được sự thật, ông dày công nghiên cứu, thực hiện cho bằng được bản “hợp đồng” đã ký kết với đời mình.

Ông nói rằng để công trình có sức thuyết phục các nhà khoa học trên thế giới và ngay cả các nhà sử học Trung Quốc thì trước hết phải tìm cho ra sự thật khách quan, trung thực với lịch sử. Điều này thuộc về lĩnh vực học thuật, giá trị học thuật chứ không phải vì một mục tiêu chính trị hay lý do nào khác.

Đối với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã thực hiện một công trình nghiên cứu công phu, đầy sức thuyết phục, và có thể nói đây là công trình đầy đủ nhất về việc chứng minh chủ quyền của VN trên vùng biển đảo này. Một số trích đoạn trong luận án tiến sĩ của ông đã được đăng tải trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Các bài viết của ông đánh động đến giới trí thức, nhiều người từ nước ngoài gửi thư cảm ơn, cung cấp thêm tài liệu cho ông. Ông được bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước ủng hộ, trí thức trong và ngoài nước quan tâm động viên.
TS Nguyễn Nhã tặng hậu duệ suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật tấm “An Nam Đại quốc họa đồ” do Giám mục Taberd thực hiện. Ảnh: Tư liệu của TS Nguyễn Nhã. 
Ở cái tuổi gần 70, ông vẫn nợ nần với Hoàng Sa, Trường Sa. Ông muốn có thêm nhiều người bên cạnh, cùng làm việc, nghiên cứu để VN có thêm nhiều công trình biển đảo có giá trị. Giữ nước đâu chỉ bằng sức mạnh quân sự, dùng vũ lực để đe dọa nhau, mà bằng sự hiểu biết chân lý khoa học để tôn trọng và chấp nhận sự thật trên bàn hội nghị. Muốn được điều đó thì VN phải có lực lượng các nhà khoa học đủ sức gánh vác trọng trách, nhưng đáng tiếc là chúng ta có ít người tâm huyết với đề tài xương xóc này.

Một lần, ông mời tôi đến nhà, trao đổi rằng hiện thanh niên ít chịu học lịch sử nên kiến thức rất mỏng. Lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa lại càng ít ai biết đến. Đây là mối nguy, với sức lực ít ỏi của mình, chúng ta phải làm điều gì đó để đóng góp vào việc giáo dục lịch sử.

Ông đề xuất thành lập “Tủ sách Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông” để vận động, khuyến khích, giúp đỡ các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học thực hiện các đề tài về biển đảo. Ông nói: “Mình có khoảng 100 đầu sách và tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, có thể bắt đầu cho một tủ sách có giá trị”.

Được sự ủng hộ của bạn bè, ngày 20.1.2008, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, nhà báo Lam Điền của Báo Tuổi Trẻ, và một số bạn bè khác đã cùng nhau thành lập nhóm điều hành tủ sách. Chỉ năm anh em thôi, ngồi với nhau trong phòng khách của Tiến Sĩ Nguyễn Nhã, cùng nhau làm một việc và tự nghĩ rằng nó sẽ rất ý nghĩa nên ai cũng thấy hạnh phúc.

Cũng qua dịp đó, tôi biết thêm anh Phạm Hoàng Quân cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu về Trường Sa, Hoàng Sa. Công trình khảo cứu “Nam Hải chư đảo danh xưng sơ khảo” của anh là một công trình có nhiều chứng cứ khoa học quan trọng chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Hóa ra vẫn còn có những trí thức tâm huyết, thầm lặng làm việc, không ồn ào, không được sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính làm đề tài khoa học của nhà nước, nhưng làm là vì say mê, vì trách nhiệm của một trí thức.

Lê Thanh Phong

Nguồn: http://laodong.com.vn/Home/Truong-Sa-cua-chung-ta/20091/122099.laodong

Friday, March 16, 2012

Trọn đời tâm huyết với Hoàng Sa, Trường Sa

QĐND - Chủ Nhật, 17/07/2011, 21:44 (GMT+7)

QĐND - “Tôi mong muốn những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa trong các công trình nghiên cứu khoa học của chúng ta sẽ được dịch ra tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi các tài liệu này để giới nghiên cứu sử học, các cấp chính quyền và nhân dân Trung Quốc cũng như các học giả quốc tế tiếp cận, hiểu rõ sự thực Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam...”.

“Bảo tàng” Hoàng Sa, Trường Sa của nhà sử học

Người giới thiệu cho tôi gặp TS Nguyễn Nhã là nhà văn, đạo diễn Văn Lê. “Nói về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa thì ông ấy (TS Nguyễn Nhã) là số một. Cậu cứ liên hệ, nếu có khó khăn gì thì tôi sẽ hỗ trợ thêm” - Nhà văn Văn Lê nói với tôi vậy.

Trước khi đến gặp TS Nguyễn Nhã, tôi cứ hình dung ông là một con người đạo mạo, nghiêm cẩn. Nếu không có sự “bảo lãnh” của một người thân thiết với ông như nhà văn, đạo diễn Văn Lê thì sẽ rất khó được ông tiếp đón. Nhưng tôi đã nhầm. TS Nguyễn Nhã bình dị như một người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng chữ nghĩa. Nghe tôi trình bày nguyện vọng muốn được phỏng vấn ông về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông mỉm cười thân thiện:

- Đảng, Nhà nước ta đang xây dựng, phát triển nội lực dân tộc để xây dựng đất nước và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Để có được nguồn nội lực mạnh mẽ, bền vững, mỗi người dân Việt Nam cần hiểu rõ nguồn gốc lịch sử và ý thức sâu sắc về lịch sử chủ quyền quốc gia. Sau gần bốn mươi năm nghiên cứu, giảng dạy, tôi đã có một số công trình khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi sẵn sàng chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình cho bất kỳ ai với mục đích tuyên truyền cho mọi người dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài hiểu rõ, chủ quyền của Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa là một sự thật lịch sử không thể tranh cãi. Đó là tài sản của Tổ tiên, cha ông từ hàng trăm năm để lại. Mỗi người dân Việt Nam đều phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên một góc “bảo tàng” về Hoàng Sa, Trường Sa. 
Tại nhà riêng của ông, chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến thú vị và trên hết là lòng ngưỡng mộ, khâm phục khi được tham quan “bảo tàng” trong khuôn viên gia đình. Trong ngôi nhà nằm trên đường Trần Tế Xương, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã đã dành không gian đẹp nhất ở ngay tiền sảnh để lắp đặt trang trọng những chiếc tủ kính treo tường. Trong mỗi ngăn tủ ấy, ông trưng bày bản sao các hình ảnh, hiện vật, tài liệu lịch sử về chủ quyền Tổ quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, được ông sắp xếp theo tiến trình lịch sử. Chếch phía bên hông nhà là các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tại căn phòng chính của ngôi nhà, ông trưng bày các nhạc cụ truyền thống và kê một chiếc phản gỗ để hát ca trù. Chiếc tủ đặt ở phòng khách chứa đầy sách, tài liệu. Đó là những công trình nghiên cứu, các hiện vật, bằng chứng lịch sử và những bài viết của ông đăng trên các báo, tạp chí... về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua.

Tham quan “bảo tàng” về Hoàng Sa, Trường Sa của ông và nghe ông nói về lịch sử chủ quyền, một cảm giác thiêng liêng, tôn kính dậy lên trong chúng tôi. Đó là tình yêu Tổ quốc, đất nước, là những khoảnh khắc lắng lòng trước những giá trị văn hóa dân tộc. Với vị trí của ngôi nhà này, ông hoàn toàn có thể dành những không gian làm “bảo tàng” ấy để cho thuê mặt bằng mở văn phòng, địa điểm kinh doanh như rất nhiều người khác vẫn làm. Với mức giá cho thuê lên đến vài chục triệu đồng, đủ cho ông và gia đình có một cuộc sống khấm khá. Nhưng ông đã không làm thế. Cuộc sống vật chất của gia đình nhà khoa học khá đạm bạc, thanh tao. “Mọi thứ đều có thể thay đổi, hao mòn vì thời gian nhưng lịch sử, văn hóa dân tộc, giang sơn xã tắc thì muôn đời còn mãi. Khi mỗi người dân Việt Nam ý thức sâu sắc điều đó thì không một sức mạnh nào có thể lay chuyển được thế vững của quốc gia, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ” - Ông tâm sự.

Hành trình đi tìm sự thật và chân lý

TS Nguyễn Nhã sinh năm 1940, tại Ninh Bình. Con đường nghiên cứu sử học của ông bắt đầu từ những năm đầu thập niên sáu mươi. Nguyễn Nhã học cùng lúc hai trường đại học: Sư phạm và Văn khoa Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển chọn làm giảng viên chuyên ngành sử, địa và là chủ bút của tập san Sử Địa của Đại học Sài Gòn. TS Nguyễn Nhã kể lại: “Vào năm 1974, khi biết tin Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, tôi đã tìm gặp Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, là thầy giáo của tôi. Sau cuộc nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tôi quyết định sẽ đứng ra làm một cuốn đặc khảo về Trường Sa - Hoàng Sa và nhận được sự hưởng ứng của nhiều học giả, nhà nghiên cứu. Tôi bắt đầu tìm hiểu các tư liệu chữ Hán, tư liệu của một số nước phương Tây liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Được sự giúp đỡ, cộng tác của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sau hơn 3 tháng làm việc cật lực, miệt mài, chúng tôi đã cho xuất bản cuốn đặc khảo đầy tâm huyết ấy và tổ chức ngay một cuộc trưng bày các tư liệu, hiện vật, bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Sài Gòn. Tôi đã mời 5 vị cao niên chủ tọa cuộc trưng bày đó. Sự quan tâm đặc biệt của dư luận khiến tôi cảm động bật khóc làm nhiều người khóc theo”.

Sau những sự kiện đó, TS Nguyễn Nhã dồn tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Bước chân điền dã của ông đã lặn lội khắp đất nước, ra cả nước ngoài, tìm đến những vùng đất còn lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa để sưu tầm, nghiên cứu. Chính quyền và người dân ở nhiều vùng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là ở đảo Lý Sơn, Cù lao Ré... đã nhiều năm quen mặt một thầy giáo người dong dỏng, gầy gò, đeo kính cận, hàng ngày chăm chú ghi chép, tìm hiểu tại các đình, chùa, đến tận các gia đình, dòng họ... để tìm kiếm dấu vết, bằng chứng của đội Hoàng Sa từ thế kỷ 17-18. Sau nhiều năm miệt mài, tâm huyết với đề tài mình theo đuổi, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Công trình khoa học của ông được xếp loại xuất sắc, được các nhà sử học trong nước và quốc tế đánh giá cao và trở thành cẩm nang nghiên cứu, học tập của nhiều thế hệ học giả, sinh viên.

Thời gian gần đây, khi Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, TS Nguyễn Nhã đã lên tiếng thách thức giới sử học Trung Quốc trong việc đưa ra những bằng chứng lịch sử về chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông nói:

- Tôi đã thách thức nhưng chưa có nhà sử học nào của Trung Quốc trưng ra được những bằng chứng để phản bác lại. Các tài liệu, bằng chứng lịch sử mà chúng tôi tiếp cận, nghiên cứu đều là tài liệu của chính quyền qua các thời kỳ lịch sử. Nó mang tính pháp lý rất cao. Vua nói gì, bộ công nói gì, quan chức nói gì về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, đều được các sử gia ghi chép lại. Ngay ở thế kỷ 17 đã có tập bản đồ “Toản nam tứ chí lộ đồ thư” hay “Toản tập An Nam lộ” của Đỗ Bá Công Đạo có vẽ và ghi chú về “Bãi cát vàng” ở Biển Đông, tức Hoàng Sa. Tiếp đến là tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã ghi rằng, cuối thế kỷ 17, thời Chúa Nguyễn đã có đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ khai thác sản vật ở Hoàng Sa và đội Bắc Hải làm nhiệm vụ này ở Trường Sa. Trong các tài liệu từ các nước phương Tây như: Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định, năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels; An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam v.v.. Còn những cái mà nhiều nhà sử học Trung Quốc gọi là “bằng chứng” thực chất chỉ là sự suy diễn. Họ không có bất cứ tài liệu, bằng chứng lịch sử nào mang tính khoa học nói về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi Tây Sa cũng như Nam Sa mãi đến đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện, do Trung Quốc khi đi thám sát đã gọi Hoàng Sa là Tây Sa vì cho rằng, đây là đảo “vô chủ”?

Với TS Nguyễn Nhã, khoa học lịch sử là hành trình đi tìm, khẳng định sự thật thông qua những bằng chứng lịch sử. Ông đã thực hiện đề tài nghiên cứu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cuộc hành trình bền bỉ đi tìm những bằng chứng để khẳng định sự thật, chân lý. Và ông đã có được những bằng chứng xác đáng để khẳng định sự thật đó.

Tâm huyết trọn đời

Dù đã vào tuổi “cổ lai hy”, đã nghỉ hưu hơn chục năm nay nhưng ông vẫn miệt mài, tâm huyết với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc. Khi chúng tôi đến nhà riêng tìm gặp ông, cũng là lúc ông đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị đi Mỹ và một số nước châu Âu để truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời chuyển hơn 500 trang tài liệu khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sang tiếng Anh để phổ biến cho kiều bào và giới sử học quốc tế. Ông cũng mong muốn những công trình khoa học của ông và các học giả Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được dịch ra tiếng Trung Quốc để gửi cho các giới chức lãnh đạo, giới sử học Trung Quốc.

Trước lúc chia tay, TS Nguyễn Nhã đã tặng chúng tôi bản sao tấm bản đồ Việt Nam do người Pháp vẽ từ thế kỷ 18, trong đó thể hiện rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để nhân dân, nhất là lớp trẻ hôm nay thấu hiểu sâu sắc lịch sử chủ quyền lãnh thổ, vun đắp niềm tự hào dân tộc để đời đời con cháu thực hiện trọn vẹn bổn phận, trách nhiệm đối với từng tấc đất của cha ông” - TS Nguyễn Nhã bắt tay chúng tôi và nói như vậy.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/123/123/123/154613/Default.aspx

Thursday, March 15, 2012

Cả một đời nghiên cứu Hoàng Sa

Thứ Năm, 15/01/2004, 06:02 (GMT+7)

TT - Năm 1966, Sài Gòn chứng kiến sự ra đời của tập san Sử Địa mà người chủ trương là một chàng thanh niên 26 tuổi vừa tốt nghiệp hai trường đại học: sư phạm và văn khoa. Chín năm sau (20-1-1975), cũng chính người thanh niên ấy tổ chức một triển lãm tại Thư viện quốc gia kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền Hoàng Sa là của VN.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã 
Và đến 18-1-2003, 29 năm ngày biến cố Hoàng Sa, chàng thanh niên ngày xưa trình trước hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học KHXH&NV đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". "Với luận án tiến sĩ này, tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc (TQ), có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi", người đó là Nguyễn Nhã.
Bản đồ vùng đảo Hoàng Sa 
Từ tư liệu đến những bước chân điền dã

“Tôi còn nhớ như in mồng 3 tết năm 1974, khi tôi đang chúc  tết giáo sư Nguyễn Đăng Thục thì nghe trên đài phát thanh loan tin đang có chiến sự ở Hoàng Sa. Ngay lúc đó tôi đã dự định ra một số chuyên đề trên tập san Sử Địa bấy giờ về đề tài Hoàng Sa. Nhưng phải đợi một năm sau chúng tôi mới tổ chức một cuộc triển lãm, và nhân đó phát hành tập san Sử Địa số 29 chuyên về Hoàng Sa. Tôi còn nhớ lúc đó nhà văn Sơn Nam có đánh giá rằng đây là một triển lãm mang tầm cỡ quốc tế”.

Đó cũng là một sự kiện mang tính lịch sử, và tập san Sử Địa số 29 đó với tập hợp các bài viết của những giáo sư từ Hoàng Xuân Hãn đến các vị nghiên cứu đầu ngành lịch sử lúc đó là một nguồn tư liệu quí giá.

“Với tôi, một nhà nghiên cứu - ông nói - tôi bám sát theo tư liệu lịch sử. Việc xác lập chủ quyền là của Nhà nước chứ không phải của dân. Do vậy, phải sử dụng tư liệu của chính quyền. Mà ở mình thì tư liệu đáng tin cậy có nhiều. Xưa nhất, vào cuối thế kỷ 17 đã có tập bản đồ Toản nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lô của Đỗ Bá Công Đạo có vẽ và ghi chú về “bãi cát vàng”, tức Hoàng Sa."

"Tiếp đó là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn mô tả chi tiết về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải minh chứng sự xác lập và bảo vệ chủ quyền của VN trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
“Tôi nhìn vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật. Tôi thực hiện đề tài nghiên cứu Hoàng Sa là một hành trình đi tìm sự thật. Và tôi muốn các nhà nghiên cứu lịch sử trên thế giới kể cả TQ chia sẻ với tôi về sự thật này. Tôi nghiên cứu Hoàng Sa là nghiên cứu về chủ quyền của Hoàng Sa, chứ không phải nghiên cứu về các yếu tố khác của Hoàng Sa”. Đặt vấn đề chủ quyền Hoàng Sa như một sự thật lịch sử và đi tìm, đó là khí chất của một nhà sử học.
"Sang đến thời nhà Nguyễn thì một hệ thống biên niên sử và địa dư chí của Quốc sử quán, sách hội điển, châu bản của nội các triều đình nhà Nguyễn đã ghi chép sự hoạt động của đội thủy binh Hoàng Sa một cách rõ ràng, thể hiện sự xác lập cũng như bảo vệ chủ quyền của Nhà nước VN trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Trong đó có các bộ sử sách: Châu bản triều Nguyễn, Hội điển, Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ...”.

Ở VN có một điều đặc biệt là tất cả các tài liệu đều là tài liệu công. Vua nói gì, bộ công nói gì, quan chức nói gì về chủ quyền Hoàng Sa, tất cả đều được sử gia chép lại. Chứ TQ thì chỉ suy diễn thôi. TQ không có tài liệu nào của chính quyền TQ nói về chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa cả. Vì tên gọi Tây Sa cũng như Nam Sa là tên gọi sau này, bắt đầu từ 1909 mới có. Năm 1909 TQ đi  thám sát mới đặt tên quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa vì cho rằng đây là đảo vô chủ (res nullius)”.

Điều đáng quí là TS Nguyễn Nhã có bước chân điền dã thật dẻo dai. Ông đã lặn lội theo dấu tích của những gì liên quan đến Hoàng Sa còn sót lại. Ông giẫm nát vùng đất Quảng Ngãi, Quảng Nam và ra đến tận đảo Lý Sơn - cù lao Ré trong thư tịch cổ - để tìm dấu vết của Hoàng Sa.

“Theo thư tịch cổ tôi nắm được, những dân binh của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dưới thời nhà Nguyễn được tuyển mộ từ vùng cù lao Ré tức đảo Lý Sơn ngày nay. Và khi đặt chân đến đảo Lý Sơn thì quả là nơi đây còn những chứng tích quan trọng. Cụ thể là trên đảo còn nhà thờ của họ Phạm Quang, ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã Lý Vĩnh hiện còn nhà thờ và gia phả vị tổ gia tộc là Phạm Quang Ảnh - đội trưởng đội Hoàng Sa dưới thời vua Gia Long 1815”.

Đặc biệt, ông Nguyễn Nhã còn đưa ra được một chi tiết về miếu Hoàng Sa, hiện nay là đình làng Lý Hải, là nơi vào thời vua Tự Đức đã diễn ra những lễ “thế lính Hoàng Sa”, tức lễ tế sống lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ hằng năm: đi Hoàng Sa để đo đạc thủy trình và khai thác sản vật.

Trong luận án ghi rõ: “Cũng tại xã An Vĩnh và làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo cù lao Ré) có tục lễ tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hằng năm vào ngày 20-2 âm lịch, tại các đình làng”. “Khi tôi ra đảo Lý Sơn, những gia đình có truyền thống đi biển giỏi đã vẽ lại cho tôi kiểu thuyền buồm đi Hoàng Sa thời  trước. Bởi vì ngày xưa thủy quân của mình phải dựa vào những người giỏi đi biển, trong đó có những người ở cù lao Ré” - ông Nhã kể.

Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc

Lý luận của TS Nhã trong luận án của mình chặt chẽ đến mức TS Trần Đức Cường trong bài nhận xét của mình đã viết: “Tác giả đã sử dụng thành công phương pháp lịch sử và logic để nêu lên các luận điểm, luận cứ nhằm chứng minh chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cách lập luận của tác giả rất có sức thuyết phục. Việc sử dụng nhiều tài liệu của TQ để nêu rõ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là của VN chứ không phải của Trung Quốc tỏ ra có hiệu quả...".

Không những dùng tài liệu của TQ để biện bác, Nguyễn Nhã còn dùng tất cả tài liệu sách vở, bản đồ, nhật ký... của phương Tây có được để chứng minh rằng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác định từ rất lâu trước khi TQ lên tiếng “xí phần” vào năm 1909 với động tác đặt lại tên hai đảo này là Tây Sa và Nam Sa.

Ngoài việc lập luận, phân tích rõ ràng theo các nguồn sử liệu và chứng tích điền dã có được, TS Nhã dành một phần trong luận án của mình để “phản bác các quan điểm biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền VN của nước ngoài tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Trong đó, ông thẳng thắn phản bác các luận điểm của TQ biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

30 năm sau biến cố Hoàng Sa, trong một căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh,TP.HCM, nghe TS Nguyễn Nhã lật từng trang luận án và hùng hồn thuyết giảng về quan điểm của mình trước các luận điểm phi lý biện minh cho sự xâm phạm chủ quyền của VN tại quần đảo này mà lòng muốn rưng rưng.

“Đầu Công nguyên, VN đã chịu nô lệ ngót 1.000 năm nhưng vẫn giữ được độc lập. Thì bây giờ tôi cho rằng Hoàng Sa dẫu chịu 1.000 năm nữa cũng không sao, dẫu thế nào thì Hoàng Sa cũng vẫn cứ là của VN”. Câu nói ấy của TS Nguyễn Nhã đã được giáo sư Trần Văn Giàu chia sẻ bằng ý kiến: “Thời bây giờ thì chắc là không đến 1.000 năm đâu”. Và TS Võ Văn Sen nhận định: “Tôi nghĩ đây là một trong những đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vào bậc nhất mà khoa học lịch sử có thể đề cập đến”.

Tuy bận rộn rất nhiều công việc, nhưng khi nhắc đến Hoàng Sa, TS Nhã thoắt trở nên hăng hái, ông nói chuyện quên cả thời gian. Ông tự tin vào công trình của mình: “Tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Điều này khẳng định hội đồng phản biện đã không bác được ý kiến của tôi, và trong tương lai chắc cũng không ai bác tôi được, và khi không bác được thì mục đích của chúng ta về Hoàng Sa phải đạt được”.
Miếu Hoàng Sa, nay là đình làng Lý Hải ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 

Vẫn còn những điều băn khoăn. Ông Nhã cho rằng cần giáo dục cho các thế hệ con cháu VN hiểu rằng Hoàng Sa sự thật và mãi mãi là đất của VN. Nó thể hiện trong tư liệu thư tịch sử sách, trong chứng tích còn sót lại ở cù lao Ré và cửa biển Sa Kỳ... “Anh Dương Trung Quốc có đặt vấn đề nên có một đền thờ cho những liệt sĩ ở Hoàng Sa thì tôi cho biết ở Lý Sơn, tức cù lao Ré, đã có rồi. Vừa rồi truyền hình VN có quay cái miếu đó”.

Chia tay chúng tôi, vị tiến sĩ còn tâm sự một điều: “Tôi quan niệm mình là người đi học, tôi sẽ học cả một đời. Chính vì thế mà đợi đến về hưu tôi mới trình luận án tiến sĩ trong khi tôi hoàn toàn có thể trình trước đây rất lâu”.

Đối với nghề, ông nhấn mạnh: “Lịch sử rất công minh và nghiêm khắc đối với bất cứ ai, kể cả người viết sử. Người viết sử mà viết sai thì hậu thế sẽ phê phán. Phương pháp của tôi là phê khảo tài liệu. Đây là một bước quan trọng. Phải áp dụng một số phương pháp nghiên cứu sử học để phê khảo tài liệu. Ngay cả những tài liệu của chính sử cũng phải tìm tài liệu cấp I. Người nghiên cứu phải khách quan, không thiên lệch”.

LAM ĐIỀN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/16424/Ca-mot-doi-nghien-cuu-Hoang-Sa.html