Sunday, July 29, 2012

Tiếp tục tìm kiếm thêm bằng chứng chủ quyền

Thứ Sáu, 27/07/2012 - 07:32

(Dân trí) - Người Việt ở khắp nơi trên thế giới hãy góp sức bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có việc rất quan trọng là tìm kiếm và cung cấp thêm nhiều tư liệu, bằng chứng như tấm bản đồ mà TS. Mai Ngọc Hồng vừa hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.


Trường Sa, Hoàng Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Ở các quán cà phê cóc bên đường phố Sài Gòn, trong các cơ quan, công ty, câu chuyện được bàn luận sôi nổi mấy hôm nay là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc. Sự xuất hiện của tấm bản đồ này cùng với thông điệp khẳng định thêm rằng, Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc, không phải ai khác nói mà chính Trung Quốc thừa nhận. Đó chính là điều mà người dân quan tâm, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Trước đây, không ít người Việt Nam chưa biết tới Hoàng Sa, Trường Sa, chưa nhận thức đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo này. Có người coi đó chỉ là “bãi hoang”, thậm chí có những bạn trẻ hỏi “Hoàng Sa ở đâu vậy?”. Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc tấn công hai đảo Gạc Ma, Colin năm 1988 từng được xem như là chuyện “nhạy cảm”. Sự thật lịch sử đó dần dần mới công khai, báo chí gần đây đưa tin về các buổi lễ cầu siêu cho những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Colin năm 1988.

Trung Quốc ngày càng công khai tham vọng chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam trên biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đã khiến cho mỗi người Việt Nam đều thấy đau lòng vì từng thước núi tấc sông của cha ông để lại đang bị chiếm đoạt. Điều đáng lo ngại là cái tham vọng đó đang cố liếm hết cả biển Đông, sát vào bờ biển của Việt Nam. Nếu căn cứ vào cái lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra thì con cá cũng không có để mà ăn, nói chi đến giọt dầu, hàng hải...

Trước những hành động đó của Trung Quốc,  nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Khi tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được công bố, không chỉ người dân trong nước mà người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều rất quan tâm. Ba ngày qua, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhận rất nhiều email của nhiều người từ nhiều nước, trong đó có các bạn trẻ, gửi về giới thiệu các tấm bản đồ mà họ phát hiện được, xin ý kiến tư vấn của ông để liên hệ mua lại các tấm bản đồ đó.

Việt Nam có đầy đủ hồ sơ, tư liệu làm chứng cứ lịch sử và khoa học để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng để giành thắng lợi trong ngoại giao, thương lượng hoặc tranh tụng trước tòa án quốc tế, rất cần có nhiều bằng chứng, chứng cứ để sức thuyết phục cao hơn hoặc thuyết phục tuyệt đối. Chính vì vậy, người Việt ở khắp nơi trên thế giới hãy góp sức bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có việc rất quan trọng, đó là tìm kiếm và cung cấp thêm nhiều tư liệu, bằng chứng như tấm bản đồ mà tiến sĩ Mai Ngọc Hồng vừa hiến tặng cho Bảo tàng  Lịch sử quốc gia.

Lê Chân Nhân

Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-623423/tiep-tuc-tim-kiem-them-bang-chung-chu-quyen.htm

Tuesday, July 17, 2012

Phải nỗ lực đoàn kết trong ASEAN

07:52 | 15/07/2012

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cho rằng, không có con đường nào khác là phải đa phương hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đoàn kết với ASEAN phải là nỗ lực lớn. Dù Trung Quốc có muốn hay không đều khó ngăn được xu thế của thế giới hiện nay.


Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã.

Chiến lược bá quyền của trung quốc ở Biển Đông

Liên tiếp gần đây, Trung Quốc có một loạt động thái ngang ngược trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), ông có đánh giá gì về các động thái này?

Những động thái vừa qua nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc, chứ không chỉ mang tính trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Trung Quốc cho rằng hiện là thời cơ tốt nhất để thực hiện chiến lược bá quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ trong UNCLOS khi ngang ngược tự tổ chức đấu thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lại bảo Việt Nam đừng làm cho tình hình thêm phức tạp khi Việt Nam cực lực phản đối. Việc đó chẳng khác nào Trung Quốc dùng lý của kẻ mạnh, không thèm đếm xỉa đến luật pháp quốc tế.

Theo dõi những phản ứng của Việt Nam thời gian qua ông có đánh giá gì?

Theo tôi dĩ nhiên chúng ta phải khôn khéo trong ngoại giao như cha ông, song phải kiên quyết bảo vệ lẽ phải và luật pháp quốc tế. Nên chăng tất cả các giới từ học sinh, sinh viên đến các cơ quan, đoàn thể, phường xóm trong và ngoài nước phải tìm hiểu thật rõ nội dung Luật Biển Việt Nam cũng như UNCLOS cùng những bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa để ta kiên quyết đấu tranh đến cùng kể cả thuyết phục mọi người trong đó có nhân dân và chính quyền Trung Quốc thấy đâu là sự thật, lẽ phải.

Cũng nên tránh mọi kích động không cần thiết mà phải thật bình tĩnh tìm mọi cách để chúng ta cũng như người Trung Quốc tìm hiểu sự thật và lẽ phải. Hòa bình - sự thật- công lý - hùng cường phải là một khát vọng vô bờ bến của cả dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 21.

Phải quốc tế hóa


Ngư dân ra đánh bắt cá ở Hoàng Sa.  Ảnh: Nam Cường.

Luật Biển Việt Nam tác động gì đến công cuộc bảo vệ chủ quyền trong thời gian tới?

Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam đã đáp ứng được lòng dân kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Luật Biển Việt Nam dựa trên UNCLOS 1982 cũng như Hiến chương LHQ sẽ là cơ sở đấu tranh một cách hòa bình, chắc chắn sẽ được quốc tế tích cực ủng hộ.

Ông có thể dẫn ra ngắn gọn những căn cứ lịch sử tiêu biểu để chứng minh cho lập luận chủ quyền của chúng ta?

Một là với những chính sử như Ðại Việt sử ký tục biên (1676-1789) đã nói rõ về hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải gồm 70 suất (từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX), lấy người xã An Vĩnh mỗi năm cứ tháng Ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo khai thác các sản vật từ các tàu đắm đến các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm…

Hai là theo rất nhiều tài liệu của phương Tây như Chaigneau, Taberd, Gutzlaff, vào năm 1816, Gia Long đã long trọng cắm cờ tại đó. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.

Chính sử Việt Nam như Ðại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) ghi rõ ràng: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình”.

Ðặc biệt năm 1838, Giám mục Taberd đã vẽ bản đồ có tọa độ An Nam đại quốc họa đồ đính kèm trong cuốn tự điển Latin - An Nam ghi rõ Paracel seu Cát Vàng; (seu tiếng Latin có nghĩa hay là).

Ba là rất nhiều văn bản nhà nước trong đó các châu bản như phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”.

Vua cũng phê: “Thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu”. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa.

Và biết bao tài liệu khác từ châu bản, tờ lệnh của chính quyền địa phương, nhất là từ năm 1836 thành lệ hàng năm thủy quân được sự trợ giúp của dân binh Hoàng Sa đi vẽ bản đồ, cắm cột mốc hay dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa.

Việt Nam nhấn mạnh chủ trương lấy lại chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, theo ông chúng ta cần có những chiến lược như thế nào?

Không có con đường nào khác là phải theo con đường đa phương hóa, quốc tế hóa. Đoàn kết trong ASEAN với nỗ lực lớn, dù Trung Quốc có muốn hay không đều khó ngăn được xu thế của thế giới hiện nay.

Chiến lược lâu dài phải là chiến lược hòa bình, đại hòa dân tộc xây dựng đất nước hùng cường không để ai bắt nạt, xử ép nước mình nữa.

Các bạn trẻ phải thức tỉnh

Ông nghĩ sao khi có luồng dư luận Trung Quốc tỏ ra hiếu chiến, ủng hộ chính sách bá quyền trên Biển Đông?

Một số người dân Trung Quốc bị kích động bởi tham vọng bá quyền “Đại Hán” muốn tranh giành với Hoa Kỳ quyền bá chủ thế giới.

Song, xu thế thế giới hiện nay không cho phép bất cứ siêu cường nào muốn làm gì thì làm, vì chẳng ai có lợi nếu bi kịch xảy ra do sự hung dữ như ở châu Âu ở thế kỷ trước.

Việt Nam chúng ta rất mạnh về những bằng chứng lịch sử, pháp lý quốc tế về chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa nhưng nhiều người Việt nhất là giới trẻ còn khá mơ hồ, chưa biết phát huy sức mạnh này thuyết phục người nước ngoài kể cả nhân dân Trung Quốc tiếp cận đến sự thật lịch sử và pháp lý quốc tế về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông kỳ vọng gì về đóng góp của những người trẻ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, những người sẽ tiếp bước ông sau này?

Mới đây, khi tôi nói chuyện ở Harvard Yenching Library do Hội Thanh niên, sinh viên vùng Boston – Mỹ tổ chức, Tiến sĩ Minh Phương, giảng viên ở Đại học Harvard đã hỏi một câu hỏi mà tôi đã nói là “câu hỏi xoáy vào trái tim tôi” về sự kiện ngày 19-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.

Một lần nữa tự nhiên tôi cũng đã ứa nước mắt, giọt nước mắt của tôi cũng như của nhiều người về Hoàng Sa và Trường Sa không phải để tỏ lộ sự hèn yếu mà chỉ cốt bộc lộ một tâm tư khắc khoải, cần cho mọi người Việt Nam nhất là các bạn trẻ phải thức tỉnh.

Cá nhân tôi cũng rất tin tưởng, kỳ vọng vào sự đóng góp của giới trẻ ở trong và ngoài nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như tiếp bước công việc nghiên cứu của tôi, nhất là mỗi người phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước hùng cường để không ai còn xử ép, bắt nạt đất nước này.

Xin cảm ơn ông.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn từ năm 1966, ông đã cho xuất bản một Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975. Đó là thời điểm ngay sau khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc ấy còn thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. 
Từ năm 1975 cho đến nay, ông vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa. Năm 2003, dù tuổi đã cao (63 tuổi), ông vẫn kiên trì thực hiện và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Cao Nhật

Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/584698/Phai-no-luc-doan-ket-trong-ASEAN-tpp.html

Thursday, July 5, 2012

Biển Đông ở Harvard

Thứ Hai 10:54 | 02/07/2012

TP - Lần đầu tiên, những người Việt trẻ xa xứ tổ chức hội thảo về biển Đông tại Đại học Harvard danh tiếng.


Lưu học sinh Việt dự Hội thảo biển Đông tại ĐH Harvard.

Vùng Boston mở rộng được xem là đất học của nước Mỹ với rất nhiều trường có thứ hạng cao trên thế giới. Ngoài những trường có truyền thống và quy mô lớn như Boston University, Harvard và MIT, còn rất nhiều ngành, trường trong lĩnh vực chuyên sâu mà hầu như tất cả những người hàng đầu trong lĩnh vực đó đều học qua như ngành ngoại giao và quan hệ quốc tế của trường Fletcher, Tuffs.

Đây là một trong những khu vực đông lưu học sinh (LHS) Việt Nam nhất ở Hoa Kỳ.

Hoạt động của LHS Việt tại Boston có truyền thống và tạo ra nhiều ảnh hưởng từ hơn 2 thập kỷ qua và hội thảo về biển Đông tại ĐH Harvard gần đây là một minh chứng.

Hội thảo do LHS tổ chức nhưng danh sách những người tham gia đều nổi tiếng như TS Nguyễn Nhã, TS Tạ Văn Tài và ông Thomas Vallely (ĐH Harvard).

Trong đó, TS Nguyễn Nhã là một nhà nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam, từng cho xuất bản Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975. TS Tạ Văn Tài là giảng viên luật Việt Nam tại trường Luật (ĐH Harvard).

Với chuyên môn về ngoại giao và luật quốc tế, TS Tài có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thềm lục địa, các đặc quyền kinh tế và các văn bản pháp lý của các tranh luận về chủ quyền biển đảo.

Riêng nhà nghiên cứu người Mỹ - Thomas Vallely được nhiều người Việt Nam biết tới, do ông làm Giám đốc Chương trình Việt Nam của ĐH Harvard, và là một trong những học giả có vai trò rất lớn trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua.

Cuộc hội thảo được Hội thanh niên Việt Nam vùng Boston truyền hình trực tiếp trên trang Youtube.

TS Nguyễn Nhã cho biết ông từng tham gia nhiều cuộc hội thảo biển Đông nhưng sự kiện tại ĐH Harvard để lại ấn tượng: “Những người tổ chức rất trẻ. Họ là những nghiên cứu sinh, tiến sĩ tại Harvard. Hội thảo lại được trực tuyến qua Youtube. Chỉ mấy giờ sau hội thảo có người từ Việt Nam gửi cho tôi đường link”.

Với những thông tin ba diễn giả chia sẻ, phần thảo luận kéo dài hơn so với dự định. Bài học thực tế của chính Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới cho thấy việc giành lại và bảo vệ chủ quyền của chúng ta sẽ là quá trình hết sức gian nan cần có sự đồng sức, đồng lòng của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi.

Nếu có sự đồng lòng, như hình ảnh “bó đũa” TS Tài nhắc đi nhắc lại trong buổi tọa đàm, cùng với câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” như cha ông đã dạy để phấn đầu vì một Việt Nam hùng cường.

Những người Việt trẻ xa xứ ở Boston đã rất chia sẻ bức tâm thư của TS Nguyễn Nhã, ông viết: “Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại Biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt tại đây như tư lợi, thiếu đoàn kết, đố kỵ, khích bác lẫn nhau… mà phải có lòng yêu nước chân chính, có tâm, có tầm để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường”.

Phùng Nguyên

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/583076/Bien-Dong-o-Harvard-tpp.html