Thursday, August 30, 2012

Người hai lần rơi lệ vì Hoàng Sa, Trường Sa

08:26 | 22/08/2012

TP - Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã là một chuyên gia về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nghiên cứu khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Gặp ông tại nhà riêng ở TPHCM vào một ngày giữa tháng 8, ông nói: “Anh biết không, tôi đã hai lần không cầm nổi nước mắt vì Hoàng Sa và Trường Sa”.


Bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ của Taberd xuất bản năm 1838 (có ghi Hoàng Sa của Việt Nam) được đặc san Sử Địa in lại để truyên truyền về chủ quyền của Việt Nam .

Khóc cùng các bô lão

Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể, ngày 20-1-1975, một năm sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Tạp chí Sử Địa do ông chủ trương đã ra mắt số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tổ chức cuộc triển lãm “Tư liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa” tại Sài Gòn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể: “Tết năm 1974, tôi nghe báo chí loan tin Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Ngay lúc đó tôi đã có ý định phải tập trung làm ngay một số đặc khảo về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi bèn về họp ban biên tập và viết thư liên hệ mời các học giả cộng tác. Chỉ sau 3 tháng chúng tôi đã có đủ bài vở rồi. Các giáo sư ở xa xôi như Hoàng Xuân Hãn ở Pháp, Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham ở Nhật, anh Quốc Tuấn ở Ấn Độ đều gửi bài về ngay”.

Cuốn đặc khảo được in với 350 trang, phát hành 5.000 cuốn, giá 980 đồng, giá cao kỷ lục của tạp chí hồi đó. Các công sở mua phải trả giá gấp đôi vì họ trả chậm.

Nhà sách Khai Trí mua đứt 1.000 cuốn, hai nhà phát hành khác là Nam Cường và Đồng Nai mua 2.000 cuốn trả chậm, còn lại là các đại lý nhận.

Nguyễn Nhã là người chủ trương đặc san Sử Địa, mặc dù đặc san 3 tháng ra một số nhưng ít khi ông trực tiếp viết bài.

Riêng số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, một mình Nguyễn Nhã đã chấp bút mà viết tới 4 bài, là điều chưa từng xảy ra. Nguyễn Nhã khi ấy mới 36 tuổi.

Thời điểm đó chiến sự đang xảy ra gay gắt, chính quyền miền Nam hầu như không tổ chức sự kiện gì liên quan đến sự kiện 1 năm Hoàng Sa rơi vào tay ngoại bang.
Triển lãm sử liệu Hoàng Sa, Các vị quốc lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền, nhiều người ôm nhau khóc
Trước tình hình ấy, Ủy ban Vận động xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương do giáo sư Ngô Gia Huy đại diện, Môn phái võ Vovinam do võ sư Trần Huy Phong đại diện, nhóm chủ trương tạp chí Sử Địa do Nguyễn Nhã đại diện đã quyết định đứng ra tổ chức sự kiện truyên truyền về chủ quyền biển đảo tại Thư viện Quốc gia, nay là Thư viện Tổng hợp TPHCM.

Trọng tâm của sự kiện là ra mắt cuốn đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa và triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.


Các cụ bô lão miền Nam dự triển lãm chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa,Trường Sa tại Sài Gòn năm 1975. Ảnh: Tư liệu của TS Nguyễn Nhã

Sự kiện thu hút nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, bạn đọc tham gia. Nổi bật nhất là sự có mặt của 5 cụ bô lão mà anh em văn nghệ sĩ yêu nước lúc ấy suy tôn là “quốc lão”.

Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, sinh năm 1895 gốc Mỹ Lộc, Nam Định, một nhà văn lão thành. Cụ cử nhân Tả Chương Phùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nhất Thanh, cụ Trần Văn Quế giảng sư Đại học Văn khoa. Các cụ đều khăn đóng áo dài đứng lặng người trước tấm bản đồ Việt Nam từ thế kỷ 19 có ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa.

Cụ Trần Văn Quế nghẹn ngào đứng lên đọc diễn văn: “Hoàng Sa là đất thiêng của dân tộc mình bị mất đi, tôi rất đau xót”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã phát biểu nửa chừng thì òa lên khóc. Các cụ bô lão không ai cầm được nước mắt, cùng khóc theo.

Hôm sau báo chí Sài Gòn đưa tin: “Triển lãm sử liệu Hoàng Sa, các vị quốc lão đốt trầm khai mạc, chiêng trống vang rền, nhiều người ôm nhau khóc ròng”.

Nói chuyện Hoàng Sa, Trường Sa trên đất Mỹ

Suốt đời nghiên cứu giới thiệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Nhã như cánh chim không mỏi.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết ông mới đi Mỹ về, thực hiện được một số buổi giới thiệu chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa, thu hút nhiều người Mỹ, người Việt tới nghe.

“Tôi phân tích cho các bạn Việt kiều, các nhà khoa học của Mỹ biết rằng khi đề cập chủ quyền của một quốc gia đối với phần lãnh thổ lãnh hải của mình thì luật pháp quốc tế đề cao nhất là những bằng chứng về sự quản lý mang tính nhà nước.

Xét về khía cạnh này, từ triều đình nhà Nguyễn đến thời hiện đại, Việt Nam luôn có sự quản lý chặt chẽ và nhất quán đối với Hoàng Sa và Trường Sa, một điều mà nhà nước Trung Quốc không hề có”.

Tiến sĩ cho biết: “Trong thời hiện đại, sau chiến tranh thế giới thứ II, các nước đồng minh giải giáp vũ khí của Nhật trên nhiều nước bị quân Nhật chiếm đóng, tuy nhiên không bao gồm vấn đề chủ quyền của các vùng lãnh thổ lãnh hải đó.

Các nước giải giáp vũ khí Phát xít rồi thoái lui, trao lại chủ quyền cho các nước sở tại. Hiệp định Geneva năm 1954, cộng đồng quốc tế đã trao quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa cho miền Nam Việt Nam- chính quyền này là một bộ phận của đất nước Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử trên toàn quốc theo hiệp định Geneva.

Chính quyền miền Nam từ đó đã tiếp tục truyền thống lịch sử, liên tục quản lý và khai thác Hoàng Sa và Trường Sa cho đến khi Trung Quốc tổ chức đánh chiếm một số đảo”.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã với chiếc ghe bầu mô hình mà các đội dân binh được triều đình cử đi quản lý khai thác Hoàng Sa thế kỷ 19. Ảnh: N.A .

Tiến sĩ Nguyễn Nhã giới thiệu cho tôi rất nhiều tài liệu, bản đồ, khẳng định chủ quyền nhiều thế kỷ của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa và sự công nhận, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ông bùi ngùi kể: “Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, tại Đại học Harvard, tôi đã giới thiệu với các bạn nhiều tài liệu. Khi được hỏi về cảm xúc của tôi khi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bị xâm phạm, một lần nữa tôi đã không cầm được nước mắt.

Tôi nói với các vị đại biểu, các nhà khoa học quốc tế rằng câu hỏi đã xoáy vào nỗi đau của tôi. Là công dân của một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể bàn cãi về Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ và quan tâm của bạn bè quốc tế trước cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Những nhà khoa học chân chính, các nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền lợi chính đáng của các dân tộc trên thế giới, nhân dân thế giới luôn ủng hộ quyền lợi và sự toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc nhỏ bên cạnh các nước lớn, để đảm bảo sự tồn tại công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia trên trái đất.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã tin tưởng nói: “Sự thật và chân lý luôn là sức mạnh. Dư luận luôn đứng về phía chính nghĩa”.

Nguyên Anh

Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/589192/Nguoi-hai-lan-roi-le-vi-Hoang-Sa-Truong-Sa-tpp.html

Friday, August 24, 2012

TS. Nguyễn Nhã: “Mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ để bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa”

Thứ Tư 09:34 | 22/08/2012

(Petrotimes) - Thời gian qua, Trung Quốc đưa gần 200 nghiên cứu sinh đi học tại các trường đại học trên thế giới, họ vừa làm nghiên cứu sinh vừa tuyên truyền và quảng bá vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam ngày càng lớn mạnh và trong giới nghiên cứu có người đã dành gần trọn đời nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa; đã vài lần mang tài liệu về Hoàng Sa - Trường Sa đi phổ biến ra thế giới, trong đó có Mỹ. Ông là TS Nguyễn Nhã. Chính việc làm này đã giúp các học giả, chính khách, dư luận quốc tế… đặc biệt là cộng đồng người Việt và du học sinh ở Mỹ hiểu rõ hơn về vấn đề biển đảo của Việt Nam.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã gặp TS Nguyễn Nhã sau khi ông trở về Việt Nam.

PV: Vừa qua, ông có dịp đi Mỹ hơn 2 tháng, mà như ông nói là chuyến đi đem thông tin, tài liệu, sách vở nói về Hoàng Sa - Trường Sa để phổ biến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, kể cả người Mỹ. Chuyến đi Mỹ lần này so với những chuyến đi Mỹ trước, ông thấy nhận thức của cộng đồng người Việt tại Mỹ về Biển Đông như thế nào?

TS Nguyễn Nhã: Mục tiêu quan trọng nhất lần này của tôi là muốn đối thoại, đánh động dư luận với các du học sinh Việt Nam ở vùng Boston có hơn 1.000 người và cộng đồng người Việt vùng Boston. Tôi có gửi một tâm thư và thư tóm tắt hồi đáp của bạn đọc trong hai ngày ở Báo Dân trí. Cả hai thư “tâm thư” và thư “Tôi rất xúc động” đã được đưa lên website của cộng đồng vùng Boston, cũng được sự hồi đáp trên mạng của cộng đồng với những ý tưởng rất sâu sắc về vấn đề biển đảo của đất nước.

Tôi cũng đã đặt vấn đề làm sao có người giúp tôi hoàn chỉnh tập hồ sơ tư liệu đã được dịch ra tiếng Anh hơn 500 trang về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các du học sinh đã trả lời phải có quỹ để thuê người chỉnh sửa thì mới được.

PV: Trong chuyến đi lần này, ông đã tham gia hội thảo về “Biển đảo Việt Nam”. Cuộc hội thảo này do ai tổ chức thưa ông?

TS Nguyễn Nhã: Hội thảo “Biển đảo Việt Nam” do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức. Qua đó cũng thấy được là du học sinh ở Mỹ đã quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc hội thảo Biển Đông trong cũng như ngoài nước và cuộc hội thảo tại Trường đại học Havard vừa qua để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm vì người tổ chức rất trẻ, họ lại có tầm và họ là những nghiên cứu sinh, những tiến sĩ tại Havard. Điều mừng nữa là được trực tuyến qua Youtube, chỉ mấy giờ sau hội thảo có người từ Việt Nam gửi cho tôi Youtube về cuộc hội thảo này.


TS Nguyễn Nhã (thứ 2 bên phải) tại Hội thảo tại Harvard ngày 16/6/2012

PV: Từ hội thảo “Biển đảo Việt Nam” lần này, ông có những mong muốn gì tiếp theo?

TS Nguyễn Nhã: Tôi mong muốn có thêm nhiều hội thảo tương tự như hội thảo vừa diễn ra tại Trường đại học Harvard. Những hội thảo như thế không chỉ giới hạn trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh, giới trí thức mà có thể mở rộng ra cho nhiều tầng lớp người Việt đang sinh sống nhiều nơi trên thế giới. Chính sự hiểu biết về sự thật, về những luật lệ liên quan sẽ giúp hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng biển, hải đảo của Việt Nam tại Biển Đông trước những diễn biến phức tạp như hiện nay.

PV: Trong chuyến đi này, có dịp tiếp xúc với học giả Mỹ, người dân Mỹ thì ông thấy họ có quan tâm nhiều đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?

TS Nguyễn Nhã: Thực sự dân Mỹ, chính quyền Mỹ họ chỉ quan tâm đến Biển Đông chứ không quan tâm đến những tranh chấp chủ quyền nên vấn đề chủ quyền Biển Đông chủ yếu vẫn là các nước ASEAN tự giải quyết. Dù bên ngoài có hỗ trợ cách này cách khác nhưng quan trọng vẫn là ở chính mình.

PV: Trong các sinh viên, nghiên cứu sinh và các giảng viên đại học người Việt tại Mỹ mà ông tiếp xúc thì xung quanh vấn đề ở Biển Đông họ quan tâm đến vấn đề gì nhiều: lịch sử hay pháp lý…

TS Nguyễn Nhã: Có người quan tâm đến lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa, có người quan tâm đến vấn đề pháp lý, có cả những câu hỏi như Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế không? TS Tạ Văn Tài (giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc đại học Harvard) đã phát biểu tại hội thảo: Với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển mà các bên đều ký, Việt Nam có thể đơn phương kiện ra tòa Luật biển, không như việc tranh chấp chủ quyền biển đảo cần sự thỏa thuận của đôi bên.

PV: Trong cuộc hội thảo này có nhiều giảng viên trẻ, chắc họ cũng để lại trong ông nhiều ấn tượng trước những câu hỏi nóng liên quan đến vấn đề của Tổ quốc hôm nay.

TS Nguyễn Nhã: Khi tôi nói chuyện ở Harvard Yenching Library do Hội Thanh niên Sinh viên vùng Boston tổ chức, TS Minh Phương, giảng viên ở Trường đại học Harvard đã hỏi một câu xoáy vào trái tim tôi về sự kiện ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa mà đồng minh Hoa Kỳ cho đó là chuyện nội bộ của hai nước, không can thiệp! Mội lần nữa tự nhiên tôi ứa nước mắt khi nói rằng, vào ngày 20/1/1975, đã cùng với võ sư Trần Huy Phong, GS Ngô Gia Hy, với tư cách Trưởng ban Tổ chức, tôi đã phát biểu, cũng không cầm nước mắt, khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như bão Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin. Giọt nước mắt của tôi cũng như của mọi người về Hoàng Sa và Trường Sa không phải để tỏ sự hèn yếu mà chỉ cốt bộc lộ một tâm tư khắc khoải, cần cho mọi người Việt Nam nhất là các bạn trẻ phải thức tỉnh.

PV: Nhưng hiện nay cũng có không ít giới trẻ, kể cả du học sinh ở nước ngoài thờ ơ trước những vấn đề nóng của dân tộc, trong đó có vấn đề Biển Đông. Có thể nói những việc làm của ông sẽ phần nào đốt lên ngọn lửa yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc cho giới trẻ hiện nay.

TS Nguyễn Nhã: Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân để tôi viết tâm thư gửi các bạn trẻ hôm nay. Và khi ngồi trên máy bay đi tới Boston, cái nôi cách mạng lập quốc Hoa Kỳ và hiện có 1.000 du học sinh Việt Nam, tôi cứ bồi hồi lo lắng không biết những tâm tư của mình có bị rơi vào sa mạc hay không.

PV: Tôi tin bức tâm thư của ông sẽ có tác dụng!

TS Nguyễn Nhã: Mừng thay. Khi đọc hơn 70 phản hồi của các bạn trẻ trên Báo Dân trí chỉ trong vài ngày sau khi đăng bức tâm thư, tôi thật sự đã xúc động khi có bạn trẻ viết rằng: “Sau khi đọc đoạn trích của bức tâm thư tôi đã rơi nước mắt. Người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, ý chí vượt mọi khó khăn để thắng thù trong giặc ngoài. Giờ chúng ta giành được độc lập, tự do đã gần 40 năm nhưng tinh thần và ý chí trong kháng chiến không được các bạn trẻ áp dụng vào trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước. Tôi mong rằng các bạn trẻ và tất cả người dân Việt Nam hãy luôn luôn nêu cao tinh thần và ý thức dân tộc, dám nghĩ, dám làm, đóng góp xây dựng Việt Nam hùng mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng xứng đáng với niềm vinh dự được là người Việt Nam”.


PV: Ông có mong ước ra sao đối với các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài khi đọc tâm thư của mình?

TS Nguyễn Nhã: Tôi ước mong đó cũng là những lời hồi đáp tâm thư của 1.000 du học sinh ở vùng Boston, của 15.000 du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ; hơn thế nữa của hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương mình đang sinh sống ở khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.

Như tôi đã từng nói, muốn lấy lại Hoàng Sa hay giữ những gì còn lại ở Trường Sa, mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước hùng cường. Tôi đang có một kế hoạch nhỏ là xây dựng Bếp Việt - bếp của thế giới với một nền ẩm thực Việt lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, lợi cho sức khỏe con người hơn cả ẩm thực có bề dày như Tây lẫn Tàu.

PV: Nếu mỗi du học sinh nắm kiến thức lịch sử cơ bản về Hoàng Sa - Trường Sa thì tôi nghĩ rằng họ sẽ là những cầu nối tuyên truyền và phổ biến kiến thức biển đảo quê hương đối với quốc tế, để thế giới tránh hiểu sai lệch trước sự tuyên truyền phi lý của Trung Quốc.

TS Nguyễn Nhã: Không cần các bạn ấy nhớ quá nhiều, nếu với những người dân bình thường hay các du học sinh không mấy quan tâm đến lịch sử - địa lý thì họ chỉ cần nhớ: Sự thật lịch sử chỉ có một! Lịch sử rất công bằng! Trung Quốc không thể nào bóp méo lịch sử, không thể nào che giấu mãi sự thật lịch sử khi năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ cũng như năm 1898 khi bị Công ty Bảo hiểm Anh yêu cầu bồi thường các tàu Le Bellona đắm ở Paracel năm 1895 và tàu Imaji Maru đắm năm 1896, bị dân Hải Nam hôi của, chính quyền Trung Quốc đã trả lời Paracel không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cũng như năm 1754 khi hai dân binh đội Hoàng Sa gặp bão trôi dạt lên đảo Hải Nam, chính quyền Hải Nam tra xét đúng sự thật đi làm công tác với 8 dân binh khác còn ở trên thuyền, đã chu cấp lương thực trở về nguyên quán, khiến Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã phải viết công văn cảm ơn. Đã được chính sử “Đại Việt sử ký tục biên” cũng như dã sử “Phủ biên tạp lục” ghi rất rõ ràng! Trong “Tâm thư” tôi đã dành khoảng 3 trang chứa nội dung về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa mà nhiều người cho tôi biết rất thuyết phục khi đọc qua. Ước gì nội dung tóm tắt này được phổ biến rộng rãi.

Mong hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam bất cứ ở nơi đâu, dù khác nhau về chính kiến, mỗi người một kế hoạch nhỏ như tôi, cùng nhau làm, cùng nhau yêu thương nhân ái như Vua Trần Nhân Tông khi xưa. Tại sao không? Cứ như thế, tôi tin chắc rằng một ngày không xa sẽ có dân tộc phải nói, nên bắt chước dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ XXI này như có bạn trẻ đã viết.

PV: Cảm ơn ông!

Thiên Thanh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 148, ra thứ Ba ngày 21/8/2012)

Nguồn: http://www.petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/moi-nguoi-viet-nam-phai-co-mot-ke-hoach-nho-de-bao-ve-hoang-sa-truong-sa.html

Sunday, August 19, 2012

“Không thể bóp méo sự thật lịch sử”

Thứ Sáu 17/08/2012 06:00

ANTĐ - Tiếp theo loạt bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng Nhà nghiên cứu lịch sử - TS. Nguyễn Nhã.


Tàu cảnh sát biển Việt  Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Quân đội Nhân dân

- PV: Vừa có thông tin, một số học giả Trung Quốc lên tiếng bác bỏ những lập luận của các nhà khoa học nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- TS. Nguyễn Nhã: Một số nhà nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng Lịch sử Trung Quốc đã từng nói đến việc người Trung Quốc đánh bắt cá và đưa thuyền buồm tới khu vực từ đời nhà Tần, từ năm 221 tới 206 trước Công nguyên, và bắt đầu có quyền tài phán đối với 2 quần đảo này ít nhất là từ đời nhà Đường, từ năm 618 tới năm 907. Họ cũng cho rằng các quần đảo mà sách sử Việt Nam nói là do Việt Nam khám phá từ thế kỷ thứ 17 thật ra không phải là 2 quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa, mà là các quần đảo và bãi cạn khác gần khu vực duyên hải của Việt Nam. Tôi  khẳng định, những lập luận họ đưa ra mơ hồ thậm chí xuyên tạc và thiếu tôn trọng lịch sử. Có rất nhiều tư liệu của chúng ta đã chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa.

- Điều đó có nghĩa, bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra nhằm bóp méo sự thật?

- Đúng như vậy, tôi xin dẫn ra 2 sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến sự việc này trong Lịch sử Trung Quốc: Năm 1909, Chính quyền Quảng Đông tuyên bố Paracels - Cát Vàng (tức Hoàng Sa) là đất vô chủ (res - nul -lius), đã cho tàu chiến đến thám sát, thực hiện chủ quyền theo cách thức phương Tây như bắn 21 phát súng đại bác, cắm cột mốc chủ quyền nhưng khi ấy Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất quyền tự chủ ngoại giao.

Trước đó, năm 1898 nhằm từ chối bồi thường theo yêu cầu của công ty bảo hiểm Anh, việc dân Hải Nam hôi của tàu Le Bellona của Đức đắm năm 1895 và tàu Imazi Maru của Nhật đắm năm 1896 ở khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc đã khẳng định Paracels không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Qua đó thấy rõ Trung Quốc không hề có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa và dĩ nhiên trước năm 1909, Trung Quốc không có bất cứ bản đồ nào hay bất cứ tư liệu lịch sử nào từ chính sử, địa chí đến các văn bản của nhà nước ghi nhận việc xác lập chủ quyền  của các chính quyền Trung  Quốc tại đây. Ngay tên Tây Sa, Trung Quốc cũng chỉ mới đặt sau năm 1909 và Nam Sa lúc đầu gọi là  Trung Sa, đến năm 1947 mới chỉ vị trí hiện nay. Vì sự thật là như thế, nên tất cả tài liệu viện dẫn của Trung Quốc khi thời Minh, khi thời Tống khi thời Đường, thời Hán, thời Tần Thủy Hoàng đều mang tính suy diễn, bóp méo xuyên tạc sự thật.

- Như vậy, chưa hề có một tài liệu nào của Trung Quốc từ trước năm 1909 thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thưa ông?

- Trong Nhị thập ngũ sử (25 Bộ chính sử) của Trung Quốc, chưa hề nhắc đến việc Trung Quốc đã từng có chủ quyền tại 2 quần đảo của nước ta. Những thông tin, bằng chứng, lập luận của phía Trung Quốc là xuyên tạc sự thật. Còn cứ nói bừa Hoàng Sa của Việt Nam  thế kỷ 19 là đảo ven bờ khi viện lý do các bản đồ Việt Nam thế kỷ XIX vẽ không có tọa độ là quá phiến diện. Tôi cho đó là sự ngụy biện, bằng chứng còn thể hiện ở việc phía Trung Quốc ngụy tạo các ghi chép về quãng đường và thời gian từ cửa Đại Chiêm ra Hoàng Sa chỉ mất nửa ngày. Trong khi đó, chính sử của chúng ta chép rõ ràng rằng, từ Đại Chiêm ra Hoàng Sa đi mất 3 ngày 3 đêm hoặc cũng có tài liệu viết là 3, 4 ngày đêm. Hơn nữa, các tài liệu này không chỉ Việt Nam còn lưu giữ, mà ở rất nhiều tài liệu khách quan của Phương Tây, thậm chí của chính Trung Quốc cũng khẳng định Paracel - Cát Vàng (tức Hoàng Sa) ở tọa độ hiện nay như trong tấm bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Giám mục Taberd vẽ năm 1838.

- Trung Quốc đang ngụy tạo bằng chứng, nói không thành có?

- Thời đại hiện nay không gian trái đất ngày càng thu nhỏ, tình trạng cá lớn nuốt cá bé đã qua rồi, mọi sự ngụy tạo những chứng cứ, không tôn trọng lịch sử chắc chắn chỉ nhất thời. Khi sự thật lịch sử được minh chứng chắc chắn được mọi người kể cả người Trung Quốc bảo vệ,  tôn trọng.

- Theo ý kiến cá nhân của ông, chúng ta cần phải làm những gì để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo trên?

- Chúng ta chỉ cần làm như Trung Quốc đã làm đó là Thành lập một Viện nghiên cứu Biển Đông trực thuộc Chính phủ, tập trung các viện nghiên cứu địa phương có quy mô nhỏ lẻ thành một mối. Cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo trong và ngoài nước quảng bá về Biển Đông. Chúng ta phải luôn bám sát những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền có từ lâu đời tại Hoàng Sa và Trường Sa.

- Được biết, ông vừa tham gia một cuộc hội thảo về vấn đề biển Đông được tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ). Xin ông cho biết những thông tin về cuộc hội thảo này.

- Trong cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Đại học Harvard, tôi nhận thấy quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh tham luận của các diễn giả về những căn cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, hội thảo đã dành nhiều thời gian bàn và kiến nghị các giải pháp giải quyết những vấn đề về biển Đông và việc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Về mặt pháp lý quốc tế duy nhất chỉ có Việt Nam có rất nhiều văn bản nhà nước cụ thể các châu bản triều Nguyễn, văn bản hành chính thế kỷ 19 và sau đó luôn ghi nhận Việt Nam cho thủy quân đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, trồng cây, đào giếng, xây dựng miếu thể hiện dấu ấn nhà nước tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chính sử, địa chí, bản đồ của Việt Nam cũng như Phương Tây và của chính người Trung Quốc cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

- PV: Xin cảm ơn ông.


Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 
(Ảnh: Vũ Anh Tuấn)
“Tất cả các dân tộc đều phải tôn trọng lịch sử, việc cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật phải chấm dứt ngay lập tức”. 
Nhà nghiên cứu lịch sử - TS. Nguyễn Nhã
Tiến sĩ  sử học Tạ Ngọc Liễn: “Cần cơ quan chuyên trách thu thập chứng cứ” 
Chúng ta đang làm rất tốt công tác tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, nhiều nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu rất có giá trị. Không ít trong số họ hiện đang sở hữu rất nhiều tư liệu quý giá về Hoàng Sa và Trường Sa mà ta đang muốn đưa ra làm chứng cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên những chứng cứ, tài liệu đó lại chưa tập trung còn rải rác khắp nơi. Như tôi được biết nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu hay nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã đều đang sở hữu những tư liệu quý, có giá trị cao. Tôi nghĩ, chúng ta cần lập ra một cơ quan chuyên trách phụ trách thu thập các tư liệu, chứng cứ cũng như tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học để công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống. 
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Đỗ Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn: http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Khong-the-bop-meo-su-that-lich-su/460606.antd

Wednesday, August 15, 2012

Một đời vì Hoàng Sa - Trường Sa

Chủ Nhật 12/08/2012 3:30

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã vừa có chuyến đi Mỹ giới thiệu công trình Hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa với mong mỏi khẳng định trước dư luận thế giới chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, trong bối cảnh hết sức phức tạp trên biển Đông hiện nay. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.


Ảnh: Diệp Đức Minh 

Theo TS, chúng ta phải làm thế nào trong việc tuyên truyền quảng bá cho thế giới hiểu rõ thực chất tính chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này?

Hiện nay tại các trường đại học (ĐH) có ngành, môn học châu Á hay Đông Nam Á ở Mỹ hay một số các nước khác đang thiếu những tài liệu về biển Đông, về chủ quyền các biển đảo, nhất là của Việt Nam. Trung Quốc đã đưa hàng trăm nghiên cứu sinh đến các trường ĐH nước ngoài. Các tạp chí chuyên môn thiếu vắng những bài viết của người Việt. Các du học sinh Việt Nam rất lúng túng khi trao đổi về chủ quyền biển đảo ở biển Đông.
Việc trang bị kiến thức về chủ quyền biển đảo và địa lý chính trị của biển Đông đến các học sinh, sinh viên, nhất là các du học sinh Việt Nam trở thành yêu cầu bức thiết cần có sự phối hợp và thật nhiều người tham gia, chứ không thể như hiện nay chỉ mang tính đánh động dư luận mà thôi 
TS Nguyễn Nhã
Chính vì thế nhân chuyến đi Mỹ vừa qua, tôi đã lên Boston (hiện có 1.000 du học sinh Việt Nam) để đánh động dư luận qua tham dự Hội thảo về biển Đông tại ĐH Harvard do Hội Thanh niên và sinh viên vùng Boston mở rộng tổ chức. Tôi cũng đã nói chuyện trên Đài truyền hình cộng đồng người Việt ở Boston, gửi Tâm thư tới thanh niên sinh viên Việt Nam nói về Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa. Tôi hy vọng qua đó, các sinh viên Việt Nam sẽ không còn lúng túng khi trao đổi với các du học sinh Trung Quốc về chủ quyền biển đảo ở biển Đông.

Dịp này, tôi cũng đưa tập hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa đã dịch sang tiếng Anh (hơn 500 trang) và yêu cầu làm cách nào chỉnh sửa cho chính xác và theo văn phong người bản xứ.

Việc đưa các tài liệu đến các thư viện các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu, việc nỗ lực viết các bài báo chuyên môn, việc in sách do các nhà xuất bản nước ngoài kể cả của các trường ĐH nước ngoài, việc gửi các nghiên cứu sinh, tổ chức hội thảo từ giới học thuật đến giới học sinh, sinh viên, việc trang bị kiến thức về chủ quyền biển đảo và địa lý chính trị của biển Đông đến các học sinh, sinh viên, nhất là các du học sinh Việt Nam trở thành yêu cầu bức thiết cần có sự phối hợp và thật nhiều người tham gia, chứ không thể như hiện nay chỉ mang tính đánh động dư luận mà thôi.

Hiện tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa rất phong phú, nhưng có cảm giác chúng ta vẫn chưa hệ thống hóa, chưa có một lộ trình bài bản trong việc phản bác những quan điểm phi lý của Trung Quốc (trong khi họ làm một cách rất bài bản, khoa học), TS nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng vậy. Từ năm 1909 (khi chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ bắt đầu tranh chấp chủ quyền) trở về trước, không có nước nào như nước ta có rất nhiều văn bản nhà nước, chính sử, địa chí cũng như nhiều tài liệu của phương Tây kể cả của Trung Quốc khẳng định Việt Nam đã chiếm hữu thật sự liên tục và hòa bình tại Hoàng Sa - Trường Sa, theo đúng pháp lý quốc tế hồi bấy giờ. Thế kỷ 19 có hai sự kiện đặc biệt: một là năm 1816 theo chính sử như Đại Nam thực lục chính biên ghi vua Gia Long sai thủy quân với sự hỗ trợ của đội dân binh Hoàng Sa đi khảo sát, đo đạc thủy trình tại Hoàng Sa. Các tài liệu phương Tây thì ghi chép năm 1816 Cát Vàng hay Hoàng Sa tức Paracel chính thức sáp nhập vào xứ An Nam còn gọi là Cochinchina, hay đích thân vua Gia Long chỉ dụ cho cắm cờ chủ quyền ở đây hoặc đặt trại binh và trưng thuyền ở đây. Hai là theo chính sử như Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu hay sách Đại Nam hội điển sự lệ năm 1836 trở thành lệ hàng năm thủy quân với sự hỗ trợ của các dân binh Hoàng Sa đi vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền các đảo của Hoàng Sa - Trường Sa. Có lần vẽ được 11 hòn đảo…
TS Nguyễn Nhã sinh năm 1939 tại Yên Mô, Ninh Bình. 
Tốt nghiệp ban Sử địa (1965), Cao học giáo dục (1971) ĐH Sư phạm Sài Gòn; Cử nhân văn khoa ĐH Văn khoa Sài Gòn (1966), TS sử học ĐH KHXH-NV TP.HCM (2003). Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa (1966-1975). Trưởng nhóm Nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam (1974). Chủ nhiệm CLB Ca trù và hát thơ Lạc Việt (2000 đến nay). Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam (2007-2012). Trưởng đề án bếp Việt - Bếp của thế giới (2009).
Như thế Việt Nam chỉ cần lấy năm 1909 trở về trước và trở về sau làm mốc để tùy theo từng thời kỳ lịch sử xem pháp lý quốc tế ra sao sắp xếp các chứng cử văn bản, chính sử, địa chí, bản đồ của Việt Nam cũng như nước ngoài để vừa quảng bá để thuyết phục dư luận trong và ngoài nước cũng như chuẩn bị đưa ra Tòa án quốc tế. Về chủ quyền biển đảo thì cần các bên phải đồng thuận ra tòa. Riêng về luật Biển, nếu thấy bất cứ nước nào vi phạm như thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước mình, ta có thể đơn phương đưa đơn kiện ra tòa luật Biển.

TS từng là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa trước 1975  - một tạp chí khoa học khá uy tín thời bấy giờ, TS có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với việc làm tập san đó?

Sau biến cố lịch sử năm 1963 ở miền Nam, khi ấy tôi là sinh viên năm thứ  hai ban Sử Địa Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, tôi quyết đi vào con đường học thuật. Cùng với các lớp trưởng, đại diện các lớp thành lập nhóm Sử Địa ĐH Sư phạm Sài Gòn. Hồi đầu tôi làm Phó chủ tịch, sau trở thành Chủ tịch nhóm. Nhóm chúng tôi có rất nhiều hoạt động như tổ chức diễn thuyết, sưu tầm nghiên cứu, lấy nội san Tin Sử Địa làm phương tiện kết nối với cựu sinh viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng tổ chức du khảo... Trong một lần tổ chức diễn thuyết lịch sử mà diễn giả là GS Nguyễn Đăng Thục tại hội trường của Trường Quốc gia âm nhạc, tôi đã làm quen với ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí và tặng ông cuốn Nội san Tin Sử Địa số 11. Ông mời tôi đến chơi nhà sách Khai Trí rất nổi tiếng hồi bấy giờ và ngỏ ý muốn giúp in typo Tạp chí Sử Địa. Tôi nhận lời và hẹn đến sau khi tốt nghiệp, soạn thảo bản quy chế Tập san Sử Địa và ký kết với ông trước sự chứng kiến của GS-TS Trần Văn Tấn lúc ấy là khoa trưởng Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Sau một năm chuẩn bị bài vở và xin giấy phép, Tập san Sử Địa số 1 ra mắt tại CLB Báo chí ở Sài Gòn mà ông Trần Thức Linh đã viết trên báo Thần Chung cho đây cùng với sự kiện chính trị ở Honolulu là sự kiện quan trọng nhất trong năm 1966.

Tập san được nhiều học giả đánh giá cao. GS-TS Lê Văn Hảo cho rằng bắt đầu từ số 7-8 và số 9, Tập san Sử Địa đã bắt đầu khởi sắc với sự tham gia của các học giả nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Kham, Phan Khoang, Bùi Quang Tung, Nguyễn Thế Anh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Hồ Hữu Tường, Thái Văn Kiểm, Phạm Văn Sơn...

Sau 1975, một phái đoàn của Viện Khoa học xã hội ở miền Bắc do Phó viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo dẫn đầu đã chính thức thăm Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa, và trong kỷ yếu kỷ niệm 30 năm ngành xuất bản của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đánh giá Tập san Sử Địa là một trong hai tạp chí tiến bộ, toát lên tinh thần dân tộc.

Được biết TS đang chủ trì dự án Bếp Việt cho thế giới nhằm xây dựng thương hiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, xin TS giới thiệu vài nét về dự án này.

Tôi vốn nghiên cứu rất sâu về quốc học, văn hóa Việt Nam, từ năm 1974 tôi thành lập Nhóm nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam tới khi tham gia sáng lập, quản lý Trường ĐH Hùng Vương, tôi thành lập Nhóm nghiên cứu ăn uống Việt Nam và từng  hợp tác tổ chức nhiều hội nghị khoa học như năm 1997 Hội nghị khoa học bản sắc Việt Nam trong ăn uống và giới thiệu 170 món ăn ba miền; năm 1999 Hội thảo ẩm thực trị liệu, tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam...

Năm 2007 tôi cùng với 8 người nữa đồng sáng lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam mà tôi là viện trưởng. Năm nay trước khi đi Mỹ, Viện chúng tôi  đã trả con dấu và giấy phép hoạt động, song vẫn duy trì Đề án bếp Việt. Tôi đang kết nối với các nhà nghiên cứu ẩm thực xây dựng lý luận bếp Việt và đề ra Đề án bếp Việt, bếp của thế giới với tính tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành. Tôi đã lập trang web www.amthuc.net.vn, chủ biên bộ sách gồm 6 cuốn hiện đã ra 3 cuốn: Bản sắc ẩm thực Việt Nam, Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội, Độc đáo ẩm thực Huế...

Tôi cũng đang cố kết nối từ thực phẩm sạch đến bếp sạch từ đó quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới, đề xuất thành lập các công ty phát triển quảng bá bếp Việt ra thế giới…

Xin cảm ơn TS!

Hiếu Dũng (thực hiện)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120812/mot-doi-vi-hoang-sa-truong-sa.aspx

Sunday, August 12, 2012

Một Tiến sĩ khóc trên đất Mỹ khi nói về biển đảo Việt Nam

Thứ Sáu 10/08/2012 17:34

Ông là TS Nguyễn Nhã, người đã cống hiến cả cuộc đời mình nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, điều mà ông chỉ nghĩ đơn giản quan niệm là "một sứ mạng nặng nề và cái nghiệp phải mang".

Tại Hội thảo Biển đảo, do Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam vùng Boston (Mỹ) mở rộng tổ chức, một cảm xúc thật đặc biệt xuất hiện trong tôi, khi tôi nhìn một người đàn ông khóc trong lúc nói về Việt Nam, về chủ quyền của nước nhà. Ông là TS Nguyễn Nhã, người đã cống hiến cả cuộc đời mình nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, điều mà ông chỉ nghĩ đơn giản quan niệm là "một sứ mạng nặng nề và cái nghiệp phải mang". Không chỉ tôi mà mọi người trong khán phòng hôm đó đều không thể kìm nén xúc động...

Sau khi trở về từ cuộc thảo luận, tôi luôn nhớ hình ảnh đó: "Một người đàn ông đã rơi lệ khi nói về Tổ quốc". Tôi suy nghĩ về bản thân, về những người bạn xung quanh mình. Chúng tôi, thế hệ thanh niên - luôn "được" và "tự coi" là rường cột của nước nhà. Không phải là hô hào, càng không phải là giáo điều nhưng tôi rất băn khoăn: Chúng ta đang làm gì, đang suy nghĩ gì về thế hệ cha anh đi trước, về Tổ quốc, về chủ quyền đất nước?

Tôi nghĩ về bản thân, về sự ích kỷ mà đã đến lúc tôi cần nhìn lại. Ngày ở Việt Nam, khi là một sinh viên, tốt nghiệp ra trường, rồi đi làm, tôi chỉ sống cho bản thân mình. Hầu như tôi chưa làm đúng nghĩa vụ và quyền lợi công dân mà xã hội đã cho và tạo cơ hội. Tôi nhớ rằng, mình chưa biết cầm lá phiếu để đi bầu cử, chưa biết "tổ dân phố" hay "khu phố" nhà mình ở đâu. Tất cả những kiến thức về Nhà nước của tôi chỉ đến từ các môn học bắt buộc trong chương trình đại học hoặc tin tức hằng ngày. Kiến thức ấy còn cứng nhắc và xa rời thực tiễn để có thể  đánh thức, khơi dậy được cái tố chất của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong tôi. Tôi - một điển hình phổ biến của cá nhân chủ nghĩa.


TS Nguyễn Nhã khóc khi nói về chủ quyền của nước nhà tại Hội thảo Biển đảo do Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam vùng Boston (Mỹ) mở rộng, tổ chức.

Ngày hôm nay, là sinh viên du học, sống trong môi trường mới, thật may mắn, tôi đã và đang thay đổi. Tôi  tham gia vào các hoạt động tập thể nhiều hơn. Tôi nghĩ đến người khác nhiều hơn. Sự thay đổi tích cực này, thực ra cũng vì lợi ích cá nhân, bởi tôi cần bạn bè ở nơi "đất khách quê người". Một ngày tháng Sáu đẹp trời, tôi tham gia cuộc tọa đàm về biển Đông như một hoạt động đoàn thể bình thường. Tôi đến dự vì có bạn bè và cũng vì tôi có một ngày rảnh rỗi.

Kết thúc hội thảo, thật bất ngờ khi chính tôi đã ý thức rất rõ, bản thân đã nhận ra một điều có ý nghĩa rất đặc biệt về tuổi trẻ, về ý thức "dấn thân vì cộng đồng". Tôi muốn tự soi mình và mong muốn dẹp bỏ đi thói vị kỷ thường ngày để bản thân xứng đáng và có thể tự hào là "Thanh niên Việt Nam".

Học tập trong môi trường nào đi chăng nữa, sự âu lo về điểm số, hay tìm kiếm cơ hội thực tập, đều khiến chúng ta tập trung rất nhiều thời gian. Đối với du học sinh, có cơ hội học trong những ngôi trường danh tiếng, được làm trong những tập đoàn đa quốc gia là niềm tự hào và hạnh phúc của bản thân và gia đình. Nhưng mỗi người trong chúng ta, đã mấy ai nghĩ đến cái gọi là "trách nhiệm công dân" với đất nước, quê hương? Ở đó ta có "mẹ hiền", có "tình quê ấm" và là nơi ta vẫn "mỏi mắt" nhìn về mỗi buổi hoàng hôn như Phan Tưởng Niệm đã viết trong bài thơ Nấm đất quê mẹ. Dù đi đâu xa ta vẫn "trọn tình yêu - thuở mới vào đời, trọn tình yêu - tiếng mẹ à ơi !"  và lớn hơn nữa là trọn tình yêu với quê hương.

TS Nguyễn Nhã cũng đã khóc nhưng ông khóc khi nghĩ về "đất mẹ". Điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Ông chia sẻ rất thật: "Tôi có món quà mang từ Việt Nam. Nếu ai muốn giúp tôi hoàn thiện bản dịch và đưa những thông tin mà tôi nghiên cứu ra các bạn bè quốc tế thì cuối giờ tôi sẽ gửi tặng thay cho lời cảm ơn". Tôi mỉm cười vì thấy lạ nhưng đó là nét đẹp. TS Nguyễn Nhã đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, đã nói và hành động rất giản dị, rất Việt Nam.

Tôi trân trọng tình yêu cao đẹp với Tổ quốc, quê hương và những tâm sự của ông. Chợt thấy mình trầm tĩnh hơn. Từ tình cảm của một cá nhân với gia đình đến tình cảm với quê hương, đất nước, hai thứ trở nên hòa quyện và gần gũi đến khó tách bạch. Không phải gồng mình hay gượng ép, từ tình cảm đến ý nghĩ rồi tự hứa với bản thân sẽ học nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa trong những hoạt động cộng đồng để tự hào là một người Việt, để ngày càng tự hào hơn về Tổ quốc Việt Nam.

Theo bài viết "Nghĩ về tôi và Tổ quốc" của Lê Minh Đức (hiện đang là sinh viên cao học chuyên ngành Quản trị thông tin tại ĐHTH Massachusetts – Lowell) đăng trên trang thông tin của Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Mot-Tien-si-khoc-tren-dat-My-khi-noi-ve-bien-dao-Viet-Nam/207655.gd

Sunday, August 5, 2012

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói về tấm bản đồ cổ từ đời nhà Thanh của Trung Quốc: Đối với lịch sử, sự thật chỉ có một

Thứ Sáu, 03/08/2012, 23:33 (GMT+7)

QĐND - Tiến sĩ Nguyễn Nhã là nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam với công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau chuyến đi tham dự hội thảo khoa học về Biển Đông tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ), ông đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trò chuyện.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã. Ảnh: Thanh Kim Tùng

PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Nhã! Sự kiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam trưng bày tấm bản đồ cổ từ đời nhà Thanh của Trung Quốc, do Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng hiến tặng, đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dưới góc nhìn của một nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, ông suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Việc công bố tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 có ý nghĩa rất quan trọng. Nó góp thêm một chứng lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Tài liệu lịch sử do chính nhà vua Trung Quốc ban hành đã xác định điểm cuối cực Nam của nước này là đảo Hải Nam. Hoàng Sa, Trường Sa chưa và không bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây là loại bản đồ do nhà vua, là chính quyền nhà nước trong lịch sử Trung Quốc xuất bản, nên nó thực sự có giá trị về lịch sử, pháp lý.

PV: Trong việc đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa - Trường Sa, tấm bản đồ cổ này và những tài liệu tương tự có vai trò như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Nó là những bằng chứng lịch sử bổ trợ cho hệ thống các văn bản của chính quyền nhà nước qua các triều đại, các thời kỳ. Quá trình nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, chúng tôi khẳng định chúng ta đã có đầy đủ văn bản pháp lý thể hiện chủ quyền không thể tranh cãi ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay từ thế kỷ 18 - 19, các tài liệu của chính quyền Nhà nước Việt Nam (các triều Vua) đã thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Chẳng hạn trong “Đại Việt sử ký tục biên” ( 1676 - 1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, có ghi rõ về hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải. Trong “Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ” từ đời vua Gia Long cũng ghi rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1838, Giám mục Taberd đã vẽ bản đồ có tọa độ An Nam Đại Quốc Họa Đồ cũng ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Phúc tấu của Bộ Công năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng, thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…

Tài liệu của chính quyền nhà nước trong lịch sử chính là chứng cứ pháp lý quan trọng nhất để khẳng định chủ quyền quốc gia. Việc phát hiện và công bố những tài liệu có giá trị như tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" giúp chúng ta có thêm tài liệu chính thống, tiếp tục làm phong phú những bằng chứng lịch sử để đấu tranh, khẳng định, bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đó cũng là điều mà các nhà chức trách và nhân dân Trung Quốc cần tôn trọng. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng đề nghị các nhà sử học Trung Quốc trưng ra các bằng chứng lịch sử để phản bác, nhưng họ không làm được, bởi ai cũng biết, đối với lịch sử, sự thật chỉ có một. Mọi tranh luận đều phải dựa vào những chứng cứ khoa học chứ không thể dựa thế để áp đặt, nói lấy được.

PV: Tiến sĩ vừa tham dự hội thảo khoa học về Biển Đông tại Đại học Harvard (Mỹ) với tư cách là khách mời đặc biệt. Xin Tiến sĩ cho biết những vấn đề cốt lõi từ hội thảo này?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Vấn đề Biển Đông và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của kiều bào nước ngoài và dư luận quốc tế. Hội thảo về Biển Đông tổ chức tại Đại học Harvard là một trong những hoạt động quan trọng thể hiện điều đó. Khách mời đặc biệt của hội thảo có ông Thomas Vallely của Đại học Harvard, Tiến sĩ Tạ Văn Tài và tôi. Hội thảo được tường thuật trực tiếp trên trang YouTube. Bên cạnh tham luận của các diễn giả về những căn cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, hội thảo đã dành nhiều thời gian bàn và kiến nghị các giải pháp giải quyết những vấn đề về Biển Đông và việc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Tôi đã viết một bức tâm thư gửi các đại biểu tham dự hội thảo. Việc bảo vệ chủ quyền quốc gia hơn lúc nào hết cần có sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Mỗi người dân Việt Nam dù ở đâu, làm gì cũng cần trau dồi lòng yêu nước chân chính, có tâm, có tầm để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

PV: Được biết chuyến đi Mỹ của Tiến sĩ vừa qua còn nhằm phổ biến những tài liệu, công trình khoa học về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa đến với bạn bè quốc tế?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với sự thật và lẽ phải sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh để đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn dư luận quốc tế hiểu rõ sự thật, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại. Tâm huyết của tôi về việc dịch và phổ biến tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ra thế giới chính là muốn góp phần thực hiện điều đó. Đó là bổn phận của một nhà khoa học và trước hết là trách nhiệm của một công dân.

PV: Công việc này đã thực hiện đến đâu rồi, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Tài liệu của tôi gồm hơn 500 trang, được kết cấu thành ba phần: Phần thứ nhất là các văn bản, tư liệu của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và các tài liệu của phương Tây từ thế kỷ 19 trở về trước, chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phần thứ hai là các tham luận của tôi tại các hội thảo về Biển Đông được tổ chức trong nước và tại một số nước như Pháp, Mỹ. Phần thứ ba là toàn văn luận án tiến sĩ của tôi: “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” đã được bổ sung thêm nhiều tư liệu mới. Đến nay, phần dịch sang tiếng Anh được các trí thức Việt kiều tại Mỹ hỗ trợ, về căn bản đã xong. Tôi đang rà soát, chỉnh sửa cho hoàn thiện để in ấn, phát hành. Công việc đang được tiến hành khẩn trương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Tôi cũng có ý định sẽ dịch các tài liệu này sang tiếng Trung Quốc để các nhà chức trách, giới sử học và nhân dân Trung Quốc tiếp cận, nhằm hiểu rõ hơn về sự thật lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

PV: Tiến sĩ có đánh giá gì về công tác nghiên cứu, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia của chúng ta hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Chúng ta đã và đang làm tốt nhưng cần phải quyết liệt, mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa. Tôi sẵn sàng chia sẻ thành quả nghiên cứu và kinh nghiệm của bản thân cho tất cả các nhà sử học, các trí thức trẻ để tiếp tục làm phong phú hơn nữa tư liệu lịch sử chủ quyền quốc gia. Công tác tuyên truyền của chúng ta không chỉ hướng đến nâng cao trình độ, nhận thức, xây dựng, củng cố lòng yêu nước, ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trước vận mệnh của dân tộc mà phải hướng mạnh hơn nữa, sâu rộng hơn nữa đến cộng đồng quốc tế. Xây dựng nội lực đất nước đi đôi với tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đó là hai mặt của một vấn đề. Cuộc đấu tranh để khẳng định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia dù gian nan, phức tạp, cam go và thậm chí phải trả giá, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng ở sự thành công, bởi cuối cùng, lẽ phải và sự thật phải được tôn trọng.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Phan Tùng Sơn (thực hiện)

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/200550/Default.aspx

Saturday, August 4, 2012

Ngày biển đảo Việt Nam – Tại sao không?

Thứ Năm, 02/08/2012 - 07:47

(Dân trí) - Đây là câu hỏi ngược lại với nhà báo của nhiều đại biểu Quốc hội cách đây mấy năm khi báo chí đặt vấn đề có nên chọn một ngày trong năm làm Ngày biển đảo Việt Nam không? Và giờ đây, câu hỏi đó lại một lần nữa tiếp tục được đặt ra…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

Năm 2008, từ đề xuất của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, trong các cuộc hội nghị, hội thảo về Biển Đông, nhiều đại biểu tham dự cũng đã đặt ra câu hỏi này. Năm 2009, Thiếu tướng Võ Trọng Việt, Chính ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng. Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cũng chính thức đề nghị cần tổ chức Ngày biển đảo hàng năm trong cả nước để mọi thế hệ người Việt Nam hiểu tầm quan trọng của biển, dồn sức, dồn lực cho biển… Đồng thời, Thiếu tướng Việt cũng đề nghị nên lấy ngày 15-3 làm “Ngày biển Đông và hải đảo Việt Nam”. Lý do, đây là ngày Bác Hồ đi thăm lực lượng hải quân (15-3-1961) và có câu nói nổi tiếng về biển, đảo: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Đồng tình với Thiếu tướng Võ Trọng Việt, ông Trần Ngọc Vinh (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cho rằng việc có “Ngày biển Đông và hải đảo Việt Nam” là hết sức quan trọng đối với đất nước có hơn 3200km bờ biển như Việt Nam.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng rất hoan nghênh đề xuất này, đồng thời đặt ra hai thời điểm kỉ niệm. Một là ngày 20/2 âm lịch (ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ tiễn lính (dân binh) Hoàng Sa lên đường ra hải đảo). Theo ĐB. Quốc, đây là ngày tưởng nhớ cha ông đã thực thi một đường lối sáng suốt đồng thời thể hiện một ý chí kiên cường của tổ tiên. Hai là ngày 9/5 – Ngày Bác Hồ thăm đảo Cô Tô. Ông Quốc cho rằng có thể Bác Hồ đã thăm nhiều hòn đảo khác, nhưng việc Bác thăm đảo Cô Tô là một sự kiện rất có ý nghĩa vì ngày 9-5-1961 lần đầu tiên Bác Hồ đã ra thăm đảo bằng máy bay trực thăng và căn dặn đồng bào, chiến sĩ đảo Cô Tô: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.

Đại biểu Dương Trung Quốc còn bày tỏ sẽ có nhiều ngày được đề xuất, nên chọn ngày nào chứa đựng ý nghĩa có giá trị bền vững và thông điệp cho lâu dài.” Theo tôi, nên chọn một ngày vào mùa hè vì thời gian này con người dễ hướng ra biển hơn”. Ông Quốc nói.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa rất hoan nghênh ý tưởng Ngày biển đảo Việt Nam. Ông cho rằng một đất nước có gần 30 tỉnh thành có biển với hơn 3200km trải dọc theo chiều dài đất nước, có truyền thống lâu đời chinh phục biển khơi rất cần phải có Ngày biển đảo Việt Nam. Về thời điểm kỉ niệm, ông Nhã đề nghị chọn ngày 20/2 âm lịch (ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa).

Có thể nói, việc có một Ngày biển đảo Việt Nam là điều cần thiết, đặc biệt là vào thời điểm hiện nay. Nó không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, tình yêu quê hương đất nước, hiểu biết về những giá trị kinh tế để phục vụ công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc.

Vì vậy theo tôi, chúng ta hãy kiến nghị lên Quốc hội nên có Ngày Biển đảo Việt Nam đồng thời cùng nhau bàn bạc để tìm một ngày thích hợp nhất.

Bạn có đồng ý với tôi không và theo bạn, nên chọn ngày nào?

Bùi Hoàng Tám

Nguồn: http://dantri.com.vn/c702/s702-625444/ngay-bien-dao-viet-nam-tai-sao-khong.htm