Tuesday, April 22, 2014

Nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975: ngày hòa bình được lập lại và thống nhất đất nước


Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử Việt Nam cũng như của lịch sử thế giới.

Sau gần 40 năm, mọi phía sẽ nhìn lại ngày ấy một cách khách quan hơn, nhất là trong giới sử học.

Bên Thắng Cuộc, lúc đầu khi giương ngọn cờ Dân tộc và Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa cho là đó "Ngày giải phóng Sài Gòn", "Ngày giải phóng Miền Nam", "Ngày hòa bình lập lại và thống nhất đất nước và cả nước bước sang cách mạng xã hội chủ nghĩa". Bên thua cuộc cho là Ngày “mất nước”, ngày “quốc hận”, ngày mất “Tự do”. Có những người như Lý Quí Chung viết trong "Hồi ký không tên" cho là từ đó nhờ những nhà lãnh đạo cách mạng ở Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc.

Thực tế sau khi thống nhất đất nước, hòa bình được lập lại Việt Nam đã gặp bao nhiêu khó khăn, phải đương đầu cả cuộc chiến 1979 ở biên giới Phía Bắc cũng như chiến trường biên giới Tây Nam, buộc phải đổi mới kinh tế thị trường theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa. Song đã khiến hàng triệu người bỏ nước ra đi và không biết bao người đã chìm xuống Biển Đông. Đến năm 1990, Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ; Việt Nam phải ký ở Hội nghị Thành Đô và bắt đầu đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, đất nước nhiều đổi mới.

Chính vì phương hướng gặp nhiều biến đổi, gặp nhiều thách thức, nhiều nguy cơ, nhất là về phía Trung Quốc ngày càng hung dữ nhất là ở Biển Đông, nên đòi hỏi phải nhiều khôn khéo của lãnh đạo đất nước khiến phải tới nửa thế kỷ nữa mới thấy hết kết quả cũng như những hệ lụy ra sao.

Cũng có người nói rằng hiện nay Trung Quốc có rất nhiều chiêu rất độc ngoài chiêu mua chuộc bằng nhiều hình thức khác nhau, còn có khả năng xúi bậy người Việt làm bậy ở rất nhiều cấp kể cả người dân.

Trước những nguy cơ “mất nước” kiểu khác trước như thế, một hình thức thuộc quốc mà Trung Quốc không còn dấu giếm như học giả trẻ tuổi Trung Quốc Vương Hàn Lĩnh từng tuyên bố trên Tuần Việt Nam khi đến Việt Nam tham dự hội thảo về Biển Đông năm 2011, rằng "trước năm 1885 Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc", dù mọi người biết rất rõ từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, thời vua Bảo Đại, các vua Việt Nam luôn tự xưng là Hoàng đế hay Đại Hoàng Đế và lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt hay Đại Việt, Đại Nam.

Với sự nghiên cứu lịch sử của bản thân, tôi thấy rằng trong lịch sử, Người Việt Nam qua các thời đại luôn tự hào về sự kiên cường bất khuất, sẵn sàng chiến đấu tới cùng đối với bất cứ kẻ xâm lược vĩ đại tới đâu từ thế kỷ X đến hiện nay, dù cũng có thời, có người như Lê Chiêu Thống vì lợi ích của mình, phe nhóm mình nhắm mắt “cõng rắn cắn gà nhà”.

Thật sự hiện nay có quá nhiều nguy cơ như trong bài "Kế sách cứu nước", đã được thi hóa bằng "Kinh thư".

Hiện nay, nhiều chuyện đáng buồn như một du học sinh người Nhật đã nói những nhận xét về Việt Nam hiện nay của mình hay như ông Onuki Hiroo, một đầu bếp người Nhật khi đến giao lưu ẩm thực Việt Nhật ở nhà tôi, nói rằng ông rất ngưỡng mộ Việt Nam và đã nhiều lần đến thăm Việt Nam. Mỗi lần ông đến, đều rất thất vọng khi thấy thanh niên Việt Nam hiện nay cứ chăm chăm đi kiếm tiền mà không biết những giá trị lịch sử văn hóa quý giá của mình lại sinh ra nhiều tiền. Nếu như thanh niên Việt biết tự hào về đất nước mình, lo xây dựng đất nước hùng cường thì như nước Nhật, thiếu gì người có tiền chứ không như hiện nay đất nước tụt hậu, chỉ một nhóm lợi ích có tiền mà thôi!

Một điều đáng buồn nữa không những đạo đức xuống dốc thảm hại, nhất là những gì xấu xí của người Việt, sự tha hóa đến mức báo động, người Việt  ta ở trong cũng như ngoài nước rất mất đoàn kết, tự do bôi nhọ, phá nhau đến cùng cực khiến chẳng tha ai, nhất là chỉ khác nhau về chính kiến. Chính vì thế tôi đang tập trung lo nói lên những xấu xí của người Việt. Ngoài mười đặc điểm của người Việt như thiếu liên kết, thiếu đoàn kết, không quan tâm đến những gì hoàn hảo, thích hưởng thụ quá sớm… được thi hóa và đã được NSƯT Hồng Vân hát thơ với các làn điệu dân ca ba miền để giới trẻ cảm thụ dân ca, giữ hồn dân tộc mà còn thấm thía mà khắc phục những xấu xí của người Việt mình, nhất là biết xấu hổ, biết trọng danh dự và kỷ luật.

Như tôi đã nói ở thư viện San Jose, California, năm 2012 rằng người Việt Nam phải bừng tỉnh, thế kỷ XX, Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế trong đó có vấn đề mất quần đảo Hoàng Sa.

Lịch sử đã sang trang, như sự thay đổi bao các triều đại trong quá khứ không nên sợ gì cả, phải bỏ qua những thương đau trong chiến tranh mà cùng nhau tìm giải pháp tốt nhất cho đất nước hùng cường.

Vấn đề quan yếu là phải giáo dục các thế trẻ làm sao có kỹ năng sống yêu nước như thanh niên Nhật Bản những gì làm hại cho đất nước nhất định không làm và phải có kỹ năng tư duy sáng tạo như thanh niên Do Thái để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường, lấy mối nhục tụt hậu và nhục bị xử ép ở Biển Đông làm động cơ hành động như cha ông chúng ta lấy nhục vong quốc trước đây mà dốc lòng hy sinh cứu quốc.

Chúng ta cũng cố minh bạch, trung thực, không còn gian dối và đối xử tử tế với nhau giữa người Việt với nhau trong tinh thần đồng bào, đồng “bọc trăm trứng” kể cả bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc.

Những người có tâm có tầm, nhất là các trí thức trẻ phải đi tiên phong phát triển một nền kinh tế trí thức và cố giữ hồn dân tộc, giữ bản sắc riêng đáng tự hào của dân tộc như ẩm thực Việt, thơ ca Việt, triết lý sống “quốc đạo”, con đường Việt Nam như triết lý “vuông tròn”, bánh chưng bánh dầy, triết lý “bầu bí” thương nhau tuy rằng khác giống, khác chính kiến nhưng chung một giàn hay thương người như thể thương thân trong xu hướng toàn cầu hóa để tồn tại và phát triển.

Nhớ ngày 30 tháng 4 trong tinh thần bình tĩnh, không quá vui mà cũng không còn quá buồn như ông Võ Văn Kiệt nói rằng đã có một triệu người vui đồng thời có một triệu người buồn trong đó có cả những người thân của chúng ta, ngay trong gia đình, họ hàng của chúng ta, để chúng ta tôn trọng nhau hơn, thương nhau hơn, bỏ qua cho nhau hơn.

Một đất nước đại hòa tuy còn nhiều trở ngại song nếu cùng nhau thì đại hòa sẽ tới và đất nước sẽ hùng cường với sự góp sức của hàng triệu con em đang du học ở nước ngoài để lấy những tinh hoa của người về xây dựng đất nước phát triển như nước Nhật đã từng làm, đổi mới như thời Minh Trị cho đến ngày nay.

Nhớ ngày 30 tháng 4 không phải chỉ để hồi tưởng rồi với chính kiên của mình bên thắng cuộc hay thua cuộc mà nói cho sướng miệng, thóa mạ nhau, mà phải bình tâm tìm hiểu tận gốc rễ vì đâu nên nỗi và cùng nhau tìm giải pháp. Chắc không ai muốn đất nước này tiếp tục thù hận cùng những hệ lụy, song rất ít ai chịu bình tâm cho mình có trách nhiệm - lỗi tại tôi nên thế! Người ta có thể quên hồi 1975 chỉ có hơn 30 triệu người Việt; bây giờ ở hải ngoại có hơn 4 triệu; trong nước hơn 90 triệu. Hai phần ba (2/3) là giới trẻ không từng sống trong thời chiến tranh rất đỗi đau thương. Số lượng giới trẻ này phải làm gì cho Đất nước và hàn gắn những đau thương như thế nào! Đó là vấn đề của giáo dục cho hôm nay và những ngày mai.

Nhớ ngày 30 tháng 4 như thế, đúng đã là ngày như mơ và sẽ là ngày như mơ nữa các bạn trẻ ạ.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

Người sáng lập Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã và cổng thông tin học thuật www.hannguyennguyennha.com

* Đọc thêm các bài viết nghiên cứu và tư liệu lịch sử đặc biệt về chủ đề này trên cổng thông tin học thuật www.hannguyennguyennha.com của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã:

"Dinh Độc Lập chứng kiến giờ phút cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa qua các nhân chứng và văn bản": http://www.hannguyennguyennha.com/lich-su/nghien-cuu/83-dinh-doc-lap-30-4-1975

"Người lưu giữ khoảnh khắc trưa 30/04 lịch sử": http://www.hannguyennguyennha.com/thong-tin/bao-chi/hoat-dong-khac/139-nguoi-luu-giu-khoanh-khac-trua-30-thang-4

"Cuốn băng thu âm ngày 30/04/1975: Tiếng nói đầu tiên về sự Đổi Đời trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Sài Gòn": http://www.hannguyennguyennha.com/lich-su/tu-lieu-thu-tich/140-bang-ghi-am-ngay-30-thang-4-nam-1975-dai-phat-thanh-sai-gon

TS. Nguyễn Nhã trả lời cảm nghĩ về đoạn băng thu âm trong chuyên mục "Cà phê sáng" của chương trình "Thành phố hôm nay": http://youtu.be/7NLun-ntBug



Saturday, April 12, 2014

Kỷ lục tổ chức nhanh chưa từng có một chương trình Hát thơ Quốc đạo nhân ngày giỗ tổ năm 2014

"Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 ÂL, nhằm ngày 9 tháng 4 năm 2014, tại Quán Phở Phương, đường 34 Trần Não, Quận 2 TPHCM, hồi 17 giờ nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Hồng Oanh hát thơ với các làn điệu dân ca ba miền những vần thơ trích từ “Trường Ca giáo dục Gia đình & Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã."

Trên đây là bản tin vắn được gửi qua thư điện tử và đưa tin trên Cổng thông tin www.hannguyennguyennha.com khoảng 4 giờ sau khi ban tổ chức hình thành chớp nhoáng hồi 10 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 2014 tại Quán Phở Phương.

Vào hồi 17g30 ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng 3 ÂL, sau khi nghệ nhân dân gian Nguyễn thị Hồng Oanh, người con Xứ Nghệ Tĩnh giới thiệu chương trình và mời TS. Nguyễn Nhã phát biểu. TS. Nguyễn Nhã phát biểu rằng “trong đời tôi chưa từng có tổ chức một buổi có ý nghĩa hết sức trọng đại mà lại nhanh đến thế và rất xúc động có mặt đông đủ mọi thành phần” (có cả đài truyền hình đến đến quay hình làm tài liệu nữa).

TS. Nguyễn Nhã đã giới thiệu một số người tiêu biểu như TS. Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Khoa Văn hóa học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Tp.HCM); Nhạc sĩ Đỗ Ngọc Quang, NS. Võ Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm CLB Ca Huế Phú Xuân; KS Đỗ Bội Quyết, Việt kiều ở Pháp, người sành ăn đã viết trong sách Phở Việt rằng đã nếm phở từ năm học lớp ba trường làng từ thập niên 30 thế kỷ trước, từ những phở gánh đến quán phở ở Hà Nội, tại Paris quán phở đầu tiên thập niện 50, các nhà hàng phở ở trong và ngoài nước sau 1975; họa sĩ Caroline Ziep Pham (Phạm Ngọc Diệp), Việt kiều ở Mỹ đang có dự án học bổng nghiên cứu Fulbright về “Việt Nam Revisited and Rebuild” (tạm dịch: Thăm lại và Tái thiết Việt Nam), cùng các thành viên Câu lạc bộ Nguyễn Du, Câu lạc bộ Ca trù & Hát thơ Lạc Việt…

TS. Nguyễn Nhã nhấn mạnh hơn lúc nào hết cần cùng nhau trở về nguồn, thấy những nét độc đáo của Việt Nam mà tự hào, trong đó có Quốc đạo, con đường Việt Nam, thờ Quốc Tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc và tổ tiên cùng các triết lý sống của người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính kiến, địa phương.

Quốc đạo không phải là tôn giáo, khác với Do Thái Giáo, có kinh thánh và có vua lập quốc là vua David, thờ độc thần. Quốc đạo Việt Nam cũng khác với thần đạo của Nhật Bản, tuy cũng thờ đa thần, có đền thờ thần đạo mỗi địa phương có khác, song Việt Nam lại thờ Quốc Tổ là vua Dựng nước Văn Lang đầu tiên ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). Ngoài Quốc tổ Hùng Vương, Việt Nam còn thờ Mẫu (Mẹ từ Mẫu Liễu Hạnh đến bà Chúa Xứ) và Cha (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) cùng các anh hùng dân tộc khắp nơi như Ký Thường Kiệt, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trương Định, Nguyễn Trung Trực…

Mỗi gia đình Việt Nam khác với Nhật và các nước Á Đông là có bàn thờ tổ tiên rất hệ trọng không những trong lễ hội gia đình ngày Giỗ, ngày Tết. mà còn trong những ngày trọng đại như lễ Thành hôn, lễ Vu qui, lễ Khao vọng, Vinh qui bái Tổ, lễ Thượng thọ… không phân biệt tôn giáo, chính kiến, địa phương đều có lễ vật rất Việt, khấn vái kính trình Tổ tiên và xin Tổ tiên phù hộ độ trì.

Quốc đạo Việt Nam còn có hẳn triết lý sống được đúc kết trong hàng ngàn năm nay như  “Triết lý vuông tròn”, bánh chưng bánh dày; “Triết lý bầu bí”, thương nhau cùng chung một giàn từ cộng đồng, quốc gia đến nhân lọai, giàn trái đất; “Triết lý Thương người như thể thương thân”, cụ thể hơn “Từ bi”, “bác ái”; hay “Chết vinh còn hơn sống nhục” cùng hàng trăm triết lý sống được đúc kết trong hàng trăm, ngàn câu tục ngữ ca dao Việt Nam mà trên thế giới khó có nước nào có được.

Quốc đạo Việt Nam có ngày 10 tháng 3 ÂL. Thần đạo của Nhật Bản có ngày 31 tháng 12 Dương lịch, hàng năm con cháu trong gia đình cùng nhau đến Đền thờ thần đạo. Song ở Việt Nam trước đây chủ chốt là các người già đến Đền Hùng lễ bái, đi trẩy hội Đền Hùng.

Hiện nay Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đã được coi là quốc lễ như thời Vua Lê Thánh Tông cũng như Nhà Nguyễn, thực hiện câu ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng mười tháng Ba”

Chắn chắn sau này các đình, đền thờ và cả nhà thờ sẽ là nơi các thành viên gia đình sẽ rủ nhau đến như người Nhật đến đền thờ thần đạo ngày 31/12. Và như vậy phải có biểu tượng Quốc Tổ treo ở các Đình, Đền, Nhà thờ… Khi ấy là ước mơ Đại Hòa Dân tộc sẽ trở thành hiện thực sau hơn nửa thế kỷ chịu biết bao thương đau, là nạn nhân của thời cuộc quốc tế…

Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ cùng các tổ chức văn hóa giáo dục ở trong và ngoài nước tổ chức những cuộc thi vẽ Biểu tượng Quốc Tổ để treo ở tất cả các Đình, Đền Thờ, Nhà thờ và cả bàn thờ tổ tiên của mọi nhà.

Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã sẽ cùng các tổ chức văn hóa giáo dục ở trong và ngoài nước tổ chức những cuộc thi thực hiện các băng đĩa hát ca trù, hát thơ Quốc đạo, Kinh Quốc đạo với hàng trăm, hàng ngàn làn điệu dân ca, ca cổ ba miền với hơn 6000 câu thơ lục bát trong “Trường ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.

Ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm Giáp ngọ, 2014 đã bắt đầu buổi nghệ nhân dân gian Hà Tĩnh Hồng Oanh hát thơ Quốc đạo như là khởi đầu một hành trình mới vô cùng quan hệ với lịch sử đại hòa của Dân tộc Việt Nam…

Những vần thơ trích trong “Trường Ca Giáo dục Gia đình và Văn hóa Quốc đạo” của Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã được hát tại quán Phở Phương, một quán phở đã đăng ký danh sách quán phở đạt chuẩn về chất lượng phở ngon lành sạch và không gian thuần Việt vào ngày 09/04/2014.

Sau Quán Phở Phương sẽ còn nhiều quán phở khác ở trong và ngoài nước đăng ký đạt chuẩn. Về sau sẽ có tổ chức nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn.
HVT


Thursday, April 10, 2014

Buổi ra mắt cổng thông tin www.hannguyennguyennha.com

Buổi ra mắt cổng thông tin www.hannguyennguyennha.com diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 04/04/2014 tại Hội trường Cao ốc Thông Minh, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt (23 Nguyễn Thị Huỳnh, P8, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM). Ngoài chương trình chính, buổi ra mắt còn bao gồm:

- Giới thiệu cuốn sách Phở Việt do Đề án Bếp Việt ấn hành với nhiều bài viết nghiên cứu công phu và hình ảnh minh họa đẹp, quý hiếm bao quát toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của món Phở Việt Nam, là món quà tặng tinh tế dành cho những người yêu mến văn hóa ẩm thực Việt Nam trong và ngoài nước.

- Siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập biểu diễn món ăn "Chả đuôi phụng" để xác lập kỷ lục "món chả phục vụ nhiều thực khách nhất Việt Nam" (300 người ăn, dài 3,5 m, ngang hơn 1m, cao  1,5m).

http://www.hannguyennguyennha.com/thong-tin/gioi-thieu/108-buoi-ra-mat-cong-thong-tin