Sunday, May 25, 2014

Lửa tự thiêu nữ anh thư Tuyết Mai

Đọc tin Thanh Niên đưa tin Tuyết Mai tự thiêu, Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã cảm xúc làm bài thơ "Lửa tự thiêu nữ anh thư Tuyết Mai". Tác giả có mong muốn nhà thơ Mai Trinh và các bạn thanh niên viết tiếp thành trường ca, nhất là các bạn thanh niên viết về đề án để đời cùa mình.

Trong số các bức thư để lại trước khi tự thiêu, bà Tuyết Mai có ghi ước nguyện của mình là: “Xưa kia có Bà Trưng dùng ngọn đuốc của Thi Sách để đánh chiếm thành Ngọc Hồi. Hôm nay tôi dùng ngọn đuốc thân này để hậu thuẫn cho cảnh sát biển và ngư dân”, “Suốt 10 ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước. Hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình làm ánh đuốc soi đường cho những ai xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải của chúng tôi”.

Ôi hào hùng quá đi thôi!
Lửa thiêu cảnh tỉnh bao lời thiết tha
Giận quân ngang ngược gian tà
Giàn khoan không rút nước ta đâu còn
Thế nên lửa cháy dạy con
Rằng sao kiên quyết không còn viển vông
Đâu còn đồng chí phải không?
Đâu còn hữu hảo mà trông với chờ
Âm mưu thuộc quốc bấy giờ
Tưởng như sẽ đạt đâu ngờ lại không.
Dân Nam sẽ quyết một lòng
Ngàn năm lịch sử đừng hòng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm gì
Nước Nam rồi sẽ thần kỳ mà coi
Thoát vòng Đại Hán qua rồi
Sẽ thành cường quốc một thời quang vinh
Thanh niên phải hết sức mình
Mỗi người đề án thật tình góp công
Dựng xây nội lực hùng cường!
23g30 ngày 23/5 /2014

Nguồn: http://www.hannguyennguyennha.com/am-nhac-dan-toc/sang-tac-tho-ca/155-lua-tu-thieu-nu-anh-thu-tuyet-mai

Wednesday, May 14, 2014

Nói chuyện chuyên đề: "Đem hát thơ (dân ca) vào trường học" tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình


Buổi nói chuyện chuyên đề "Đem hát thơ (dân ca) vào trường học" tại Phòng sinh hoạt Câu lạc bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình do CLB Thơ nhạc Dân tộc Hương Việt tổ chức lúc 16 giờ chiều ngày Thứ Tư 14/05/2014. Diễn giả chính của chương trình là TS. Nguyễn Nhã - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Âm nhạc Dân tộc Hương Sắc Ba Miền (trực thuộc Trung tâm Văn hóa Tp.HCM). Buổi nói chuyện nằm trong chương trình "Cùng nhau đem âm nhạc dân tộc vào trường học" của Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã.

CHƯƠNG TRÌNH ĐEM HÁT THƠ VÀO TRƯỜNG HỌC

+ TỪ ĐÂU CÓ TỪ HÁT THƠ?

Ca trù có 46 thể loại, trong đó có thể loại hát thơ. Song đến nay thể loại này thất truyền, không rõ thơ được hát như thế nào.

Khi nghiên cứu và tổ chức hát ca trù tại Tp.HCM sau khi tổ chức hội thảo khoa học "Bản sắc Việt Nam trong âm nhạc" năm 1998 tại Khách sạn Majestic mà tôi là Trưởng Ban tổ chức, tôi thấy thể loại "Ả phiền", tức 36 giọng, rất đặc biệt, không phải là thể loại chính thống của ca trù mà khi xưa các quan viên nghe ca trù thường hút thuốc phiện. Khi hút đào nương tha hồ hát làn điệu nào cũng được từ sa mạc đến hát tì bà hành, chầu văn, hát trống quân... Trong khi tổ chức hát ca trù ở Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Kiều (OV Club) ở Khách sạn Equatorial, do ca trù rất kén người hát, người đàn cả người nghe, nên có lần chương trình hát ca trù đến tiết mục thứ năm thì còn rất ít khách. Từ đó tôi rút kinh nghiệm đưa những bài thơ lục bát đưa các nghệ sĩ hát các làn điệu dân ca. Cũng từ khi Cô Hồng Oanh hát bài thơ của Cô sáng tác tặng GS. Trần Văn Khê ngay trong buổi hát ca trù tại nhà, đã khiến tôi quyết định ngoài hát ca trù còn có hát thơ với nhiều làn điệu dân ca, ca cổ ba miền và báo Thanh Niên đã đăng bài cho rằng hát thơ là sáng tạo tuyệt vời, dẫn lời GS. Trần Văn Khê phát biểu như thế với điều kiện được quần chúng chấp nhận. Cũng từ đó các báo chí đã đưa nhiều thông tin như Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Thi ca mới được nửa đường" rồi Thế hệ trẻ Thủ Đô đưa bài "Đem hát thơ vào trường học" khi phỏng vấn tôi… Sau đó CLB Ca trù Đại Học Hùng Vương được đổi là CLB Ca trù & Hát thơ ĐHHV và Hãng phim Truyền hình Tp.HCM làm phim "Hát thơ thời mới".

+ HÁT THƠ LÀ GÌ?

Hát thơ là hát những bài thơ, thường là thơ lục bát thì hát được hát nhiều làn điệu dân ca ba miền từ ru, lý đến hò… Hát khác với ngâm là có tiết tấu, nhịp điệu.

Song tôi nghĩ hát thơ là một nghệ thuật tạp kỹ cả đàn và hát. Có thể rất đơn giản một người vừa đàn vừa hát, có khi chỉ cần 1 cây đàn nguyệt hay 1 cây đàn sến hay một cây đàn đáy.

+ Vì SAO PHẢI ĐEM HÁT THƠ VÀO TRƯỜNG HỌC?

Chưa có một nước nào từ Tiểu học đến Trung học học sinh học nhiều thơ như Việt Nam, cũng chưa có nước nào thơ được hát với hàng trăm, hàng ngàn làn điệu dân ca, ca cổ như Việt Nam. Nếu từ ngoại khóa đến các tiết học chính khóa, môn Tiếng Việt, môn Văn, Ngữ văn từ Tiểu học đến Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đều có thể hát thơ với nhiều làn điệu khác nhau tùy theo vùng miền.

Như thế chính khóa môn Văn hay ngoại khóa của rất nhiều môn học khác đều có thể có thơ và hát thơ thì giới trẻ sẽ yêu thích dân ca hay ca cổ, giúp giới trẻ giữ hồn dân tộc, có lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, không còn bị tụt hậu, bị xử ép như Biển Đông hiện nay.

Chính đem hát thơ vào trường học vô hình chung là một bước đem âm nhạc vào trường học.

+ KẾ HOẠCH ĐEM HÁT THƠ VÀO TRƯỜNG HỌC NHƯ THẾ NÀO?

+ Đánh động dư luận; đã thực hiện thử nghiệm tại Trường Ngô Sĩ Liên và Trường THPT Trần Hữu Trang vào những năm 2002 trở đi

+ Tham gia bước đầu công trình nghiên cứu khoa học "Hát thơ môn Tiếng Việt bậc tiểu học" của Sở Giáo dục Tp.HCM (giai đoạn đầu)

+ Đi đến các trường học nói chuyện đem âm nhạc dân tộc và hát thơ vào trường học, mở đầu là trường Đức Trí.

+ Thúc đẩy chương trình ngoại khóa dân ca, hát thơ tại các trường học

+ Vận động tài trợ làm băng hát thơ cho môn học tiếng Việt

+ Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục vào cuộc

* Hát thơ Tiểu học
Lớp 1:
Chào mào có áo màu nâu
Cứ mùa ổi tới từ đâu bay về

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Cái gì cao lớn lênh khênh
Đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra

Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Trong vòm lá mới chồi non
Chùm cam bà giữ vẫn còn đung đưa
Quả non dành tận cuối mùa
Chờ con, phần cháu bà chưa trảy vào

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo

Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm

Lớp 2
Mẹ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng ơi,
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lá ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thữc vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời
(Trần Quốc Minh)

Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch chạy quanh xóm làng
Trên bờ, vải nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng

Lớp 4
Mẹ ốm
Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.

Cánh màng khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ trưa tan.

Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người chi trứng, người cho cam
Và anh y sĩ mang thuốc vào.

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt nào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

Mẹ vui, con có quảng gì
Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca
Rồi cho diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo.

Vì con, mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.

Rồi ra đọc sách, cấy cầy
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

Truyện cổ nước mình
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cha tôi nhận mặt ông cha của mình.
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang
Thị thơm người giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cầy theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời ông cha dạy cũng vì đời sau.