Friday, March 16, 2012

Trọn đời tâm huyết với Hoàng Sa, Trường Sa

QĐND - Chủ Nhật, 17/07/2011, 21:44 (GMT+7)

QĐND - “Tôi mong muốn những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa trong các công trình nghiên cứu khoa học của chúng ta sẽ được dịch ra tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi các tài liệu này để giới nghiên cứu sử học, các cấp chính quyền và nhân dân Trung Quốc cũng như các học giả quốc tế tiếp cận, hiểu rõ sự thực Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam...”.

“Bảo tàng” Hoàng Sa, Trường Sa của nhà sử học

Người giới thiệu cho tôi gặp TS Nguyễn Nhã là nhà văn, đạo diễn Văn Lê. “Nói về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa thì ông ấy (TS Nguyễn Nhã) là số một. Cậu cứ liên hệ, nếu có khó khăn gì thì tôi sẽ hỗ trợ thêm” - Nhà văn Văn Lê nói với tôi vậy.

Trước khi đến gặp TS Nguyễn Nhã, tôi cứ hình dung ông là một con người đạo mạo, nghiêm cẩn. Nếu không có sự “bảo lãnh” của một người thân thiết với ông như nhà văn, đạo diễn Văn Lê thì sẽ rất khó được ông tiếp đón. Nhưng tôi đã nhầm. TS Nguyễn Nhã bình dị như một người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng chữ nghĩa. Nghe tôi trình bày nguyện vọng muốn được phỏng vấn ông về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông mỉm cười thân thiện:

- Đảng, Nhà nước ta đang xây dựng, phát triển nội lực dân tộc để xây dựng đất nước và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Để có được nguồn nội lực mạnh mẽ, bền vững, mỗi người dân Việt Nam cần hiểu rõ nguồn gốc lịch sử và ý thức sâu sắc về lịch sử chủ quyền quốc gia. Sau gần bốn mươi năm nghiên cứu, giảng dạy, tôi đã có một số công trình khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi sẵn sàng chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình cho bất kỳ ai với mục đích tuyên truyền cho mọi người dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài hiểu rõ, chủ quyền của Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa là một sự thật lịch sử không thể tranh cãi. Đó là tài sản của Tổ tiên, cha ông từ hàng trăm năm để lại. Mỗi người dân Việt Nam đều phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên một góc “bảo tàng” về Hoàng Sa, Trường Sa. 
Tại nhà riêng của ông, chúng tôi đi từ ngạc nhiên đến thú vị và trên hết là lòng ngưỡng mộ, khâm phục khi được tham quan “bảo tàng” trong khuôn viên gia đình. Trong ngôi nhà nằm trên đường Trần Tế Xương, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã đã dành không gian đẹp nhất ở ngay tiền sảnh để lắp đặt trang trọng những chiếc tủ kính treo tường. Trong mỗi ngăn tủ ấy, ông trưng bày bản sao các hình ảnh, hiện vật, tài liệu lịch sử về chủ quyền Tổ quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, được ông sắp xếp theo tiến trình lịch sử. Chếch phía bên hông nhà là các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tại căn phòng chính của ngôi nhà, ông trưng bày các nhạc cụ truyền thống và kê một chiếc phản gỗ để hát ca trù. Chiếc tủ đặt ở phòng khách chứa đầy sách, tài liệu. Đó là những công trình nghiên cứu, các hiện vật, bằng chứng lịch sử và những bài viết của ông đăng trên các báo, tạp chí... về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua.

Tham quan “bảo tàng” về Hoàng Sa, Trường Sa của ông và nghe ông nói về lịch sử chủ quyền, một cảm giác thiêng liêng, tôn kính dậy lên trong chúng tôi. Đó là tình yêu Tổ quốc, đất nước, là những khoảnh khắc lắng lòng trước những giá trị văn hóa dân tộc. Với vị trí của ngôi nhà này, ông hoàn toàn có thể dành những không gian làm “bảo tàng” ấy để cho thuê mặt bằng mở văn phòng, địa điểm kinh doanh như rất nhiều người khác vẫn làm. Với mức giá cho thuê lên đến vài chục triệu đồng, đủ cho ông và gia đình có một cuộc sống khấm khá. Nhưng ông đã không làm thế. Cuộc sống vật chất của gia đình nhà khoa học khá đạm bạc, thanh tao. “Mọi thứ đều có thể thay đổi, hao mòn vì thời gian nhưng lịch sử, văn hóa dân tộc, giang sơn xã tắc thì muôn đời còn mãi. Khi mỗi người dân Việt Nam ý thức sâu sắc điều đó thì không một sức mạnh nào có thể lay chuyển được thế vững của quốc gia, dân tộc, chủ quyền lãnh thổ” - Ông tâm sự.

Hành trình đi tìm sự thật và chân lý

TS Nguyễn Nhã sinh năm 1940, tại Ninh Bình. Con đường nghiên cứu sử học của ông bắt đầu từ những năm đầu thập niên sáu mươi. Nguyễn Nhã học cùng lúc hai trường đại học: Sư phạm và Văn khoa Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển chọn làm giảng viên chuyên ngành sử, địa và là chủ bút của tập san Sử Địa của Đại học Sài Gòn. TS Nguyễn Nhã kể lại: “Vào năm 1974, khi biết tin Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, tôi đã tìm gặp Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, là thầy giáo của tôi. Sau cuộc nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tôi quyết định sẽ đứng ra làm một cuốn đặc khảo về Trường Sa - Hoàng Sa và nhận được sự hưởng ứng của nhiều học giả, nhà nghiên cứu. Tôi bắt đầu tìm hiểu các tư liệu chữ Hán, tư liệu của một số nước phương Tây liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Được sự giúp đỡ, cộng tác của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, sau hơn 3 tháng làm việc cật lực, miệt mài, chúng tôi đã cho xuất bản cuốn đặc khảo đầy tâm huyết ấy và tổ chức ngay một cuộc trưng bày các tư liệu, hiện vật, bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Sài Gòn. Tôi đã mời 5 vị cao niên chủ tọa cuộc trưng bày đó. Sự quan tâm đặc biệt của dư luận khiến tôi cảm động bật khóc làm nhiều người khóc theo”.

Sau những sự kiện đó, TS Nguyễn Nhã dồn tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Bước chân điền dã của ông đã lặn lội khắp đất nước, ra cả nước ngoài, tìm đến những vùng đất còn lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa để sưu tầm, nghiên cứu. Chính quyền và người dân ở nhiều vùng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là ở đảo Lý Sơn, Cù lao Ré... đã nhiều năm quen mặt một thầy giáo người dong dỏng, gầy gò, đeo kính cận, hàng ngày chăm chú ghi chép, tìm hiểu tại các đình, chùa, đến tận các gia đình, dòng họ... để tìm kiếm dấu vết, bằng chứng của đội Hoàng Sa từ thế kỷ 17-18. Sau nhiều năm miệt mài, tâm huyết với đề tài mình theo đuổi, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Công trình khoa học của ông được xếp loại xuất sắc, được các nhà sử học trong nước và quốc tế đánh giá cao và trở thành cẩm nang nghiên cứu, học tập của nhiều thế hệ học giả, sinh viên.

Thời gian gần đây, khi Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, TS Nguyễn Nhã đã lên tiếng thách thức giới sử học Trung Quốc trong việc đưa ra những bằng chứng lịch sử về chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông nói:

- Tôi đã thách thức nhưng chưa có nhà sử học nào của Trung Quốc trưng ra được những bằng chứng để phản bác lại. Các tài liệu, bằng chứng lịch sử mà chúng tôi tiếp cận, nghiên cứu đều là tài liệu của chính quyền qua các thời kỳ lịch sử. Nó mang tính pháp lý rất cao. Vua nói gì, bộ công nói gì, quan chức nói gì về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, đều được các sử gia ghi chép lại. Ngay ở thế kỷ 17 đã có tập bản đồ “Toản nam tứ chí lộ đồ thư” hay “Toản tập An Nam lộ” của Đỗ Bá Công Đạo có vẽ và ghi chú về “Bãi cát vàng” ở Biển Đông, tức Hoàng Sa. Tiếp đến là tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã ghi rằng, cuối thế kỷ 17, thời Chúa Nguyễn đã có đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ khai thác sản vật ở Hoàng Sa và đội Bắc Hải làm nhiệm vụ này ở Trường Sa. Trong các tài liệu từ các nước phương Tây như: Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định, năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels; An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam v.v.. Còn những cái mà nhiều nhà sử học Trung Quốc gọi là “bằng chứng” thực chất chỉ là sự suy diễn. Họ không có bất cứ tài liệu, bằng chứng lịch sử nào mang tính khoa học nói về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi Tây Sa cũng như Nam Sa mãi đến đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện, do Trung Quốc khi đi thám sát đã gọi Hoàng Sa là Tây Sa vì cho rằng, đây là đảo “vô chủ”?

Với TS Nguyễn Nhã, khoa học lịch sử là hành trình đi tìm, khẳng định sự thật thông qua những bằng chứng lịch sử. Ông đã thực hiện đề tài nghiên cứu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cuộc hành trình bền bỉ đi tìm những bằng chứng để khẳng định sự thật, chân lý. Và ông đã có được những bằng chứng xác đáng để khẳng định sự thật đó.

Tâm huyết trọn đời

Dù đã vào tuổi “cổ lai hy”, đã nghỉ hưu hơn chục năm nay nhưng ông vẫn miệt mài, tâm huyết với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc. Khi chúng tôi đến nhà riêng tìm gặp ông, cũng là lúc ông đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị đi Mỹ và một số nước châu Âu để truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời chuyển hơn 500 trang tài liệu khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sang tiếng Anh để phổ biến cho kiều bào và giới sử học quốc tế. Ông cũng mong muốn những công trình khoa học của ông và các học giả Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được dịch ra tiếng Trung Quốc để gửi cho các giới chức lãnh đạo, giới sử học Trung Quốc.

Trước lúc chia tay, TS Nguyễn Nhã đã tặng chúng tôi bản sao tấm bản đồ Việt Nam do người Pháp vẽ từ thế kỷ 18, trong đó thể hiện rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để nhân dân, nhất là lớp trẻ hôm nay thấu hiểu sâu sắc lịch sử chủ quyền lãnh thổ, vun đắp niềm tự hào dân tộc để đời đời con cháu thực hiện trọn vẹn bổn phận, trách nhiệm đối với từng tấc đất của cha ông” - TS Nguyễn Nhã bắt tay chúng tôi và nói như vậy.

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/123/123/123/154613/Default.aspx

No comments:

Post a Comment