Saturday, March 17, 2012

Trường Sa của chúng ta

Thứ Năm, 15.1.2009 | 08:11 (GMT + 7)

(Xuân 2009) - Một nhà trí thức dành trọn đời mình để nghiên cứu sự thật lịch sử về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, người đó là Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - Tiến sĩ Sử học.

Tôi kính trọng ông bởi vì ông tự đặt cho mình một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng, giữ gìn bờ cõi đất nước bằng trí tuệ và tâm huyết của một nhà khoa học.

Lần gặp nhau đầu tiên, ông tặng tôi công trình luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của ông. Một người nho nhã như ông, vẫn tự cho mình được quyền nói một câu chắc nịch: “Tôi thách thức tất cả các nhà khoa học trên thế giới có thể phản biện được công trình này của tôi”.

Ông nói điều đó bằng sức nặng của hơn ba mươi năm nghiên cứu, dồn hết tâm huyết và trí lực cho một công trình khoa học. Năm 1974, khi có chiến sự ở Hoàng Sa, biến cố mất một phần đất của tổ quốc, đã dấy lên phong trào của trí thức miền Nam đòi chủ quyền biển đảo. Trong hàng vạn cánh tay đưa lên đó, có một cánh tay của Nguyễn Nhã.

Lúc đó Nguyễn Nhã đã tổ chức triển lãm sử liệu Hoàng Sa ở Sài Gòn. Buổi triển lãm có nhiều trí thức tiền bối tham dự, trong đó có cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, mọi người đã ôm nhau khóc. Chuyện đã quá lâu, những người tham dự hôm đó có người nhớ, có người quên, nhưng với Nguyễn Nhã thì đeo đẳng suốt đời. Bởi vì ngay lúc ấy, ông đã tự ký một bản hợp đồng với đời mình, đó là thực hiện một công trình khoa học chứng minh sự thật về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông.

Hành trình đi tìm những chứng cứ khoa học để chứng minh sự thật lịch sử về biển Đông của Nguyễn Nhã rất gian truân. Thời bao cấp khó khăn kiếm cái ăn đã hết tâm lực, thời gian đâu để làm khoa học. Nhưng với quyết tâm tìm ra được sự thật, ông dày công nghiên cứu, thực hiện cho bằng được bản “hợp đồng” đã ký kết với đời mình.

Ông nói rằng để công trình có sức thuyết phục các nhà khoa học trên thế giới và ngay cả các nhà sử học Trung Quốc thì trước hết phải tìm cho ra sự thật khách quan, trung thực với lịch sử. Điều này thuộc về lĩnh vực học thuật, giá trị học thuật chứ không phải vì một mục tiêu chính trị hay lý do nào khác.

Đối với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã thực hiện một công trình nghiên cứu công phu, đầy sức thuyết phục, và có thể nói đây là công trình đầy đủ nhất về việc chứng minh chủ quyền của VN trên vùng biển đảo này. Một số trích đoạn trong luận án tiến sĩ của ông đã được đăng tải trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Các bài viết của ông đánh động đến giới trí thức, nhiều người từ nước ngoài gửi thư cảm ơn, cung cấp thêm tài liệu cho ông. Ông được bạn bè, đồng nghiệp, các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước ủng hộ, trí thức trong và ngoài nước quan tâm động viên.
TS Nguyễn Nhã tặng hậu duệ suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật tấm “An Nam Đại quốc họa đồ” do Giám mục Taberd thực hiện. Ảnh: Tư liệu của TS Nguyễn Nhã. 
Ở cái tuổi gần 70, ông vẫn nợ nần với Hoàng Sa, Trường Sa. Ông muốn có thêm nhiều người bên cạnh, cùng làm việc, nghiên cứu để VN có thêm nhiều công trình biển đảo có giá trị. Giữ nước đâu chỉ bằng sức mạnh quân sự, dùng vũ lực để đe dọa nhau, mà bằng sự hiểu biết chân lý khoa học để tôn trọng và chấp nhận sự thật trên bàn hội nghị. Muốn được điều đó thì VN phải có lực lượng các nhà khoa học đủ sức gánh vác trọng trách, nhưng đáng tiếc là chúng ta có ít người tâm huyết với đề tài xương xóc này.

Một lần, ông mời tôi đến nhà, trao đổi rằng hiện thanh niên ít chịu học lịch sử nên kiến thức rất mỏng. Lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa lại càng ít ai biết đến. Đây là mối nguy, với sức lực ít ỏi của mình, chúng ta phải làm điều gì đó để đóng góp vào việc giáo dục lịch sử.

Ông đề xuất thành lập “Tủ sách Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông” để vận động, khuyến khích, giúp đỡ các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học thực hiện các đề tài về biển đảo. Ông nói: “Mình có khoảng 100 đầu sách và tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, có thể bắt đầu cho một tủ sách có giá trị”.

Được sự ủng hộ của bạn bè, ngày 20.1.2008, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, nhà báo Lam Điền của Báo Tuổi Trẻ, và một số bạn bè khác đã cùng nhau thành lập nhóm điều hành tủ sách. Chỉ năm anh em thôi, ngồi với nhau trong phòng khách của Tiến Sĩ Nguyễn Nhã, cùng nhau làm một việc và tự nghĩ rằng nó sẽ rất ý nghĩa nên ai cũng thấy hạnh phúc.

Cũng qua dịp đó, tôi biết thêm anh Phạm Hoàng Quân cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu về Trường Sa, Hoàng Sa. Công trình khảo cứu “Nam Hải chư đảo danh xưng sơ khảo” của anh là một công trình có nhiều chứng cứ khoa học quan trọng chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Hóa ra vẫn còn có những trí thức tâm huyết, thầm lặng làm việc, không ồn ào, không được sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính làm đề tài khoa học của nhà nước, nhưng làm là vì say mê, vì trách nhiệm của một trí thức.

Lê Thanh Phong

Nguồn: http://laodong.com.vn/Home/Truong-Sa-cua-chung-ta/20091/122099.laodong

No comments:

Post a Comment