Friday, December 14, 2012

Thư mời đến dự Đêm ca trù và hát thơ báo hiếu nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất cố nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi



LỜI NGỎ ĐÊM CA TRÙ & HÁT THƠ BÁO HIẾU TẠI NHÀ LƯU NIỆM CỐ NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH PHẠM VĂN MÙI 

191/1D Trần Kế Xương, P7, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
Ngày 14 tháng 12 năm 2012 (nhằm  Ngày 2 tháng 11 ÂL)

Trong bài thơ “Quê hương tôi” của thân phụ chúng tôi là cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi đã viết:

“Bản tính tôi nặng mang mối tình dân tộc
Mê thích thi ca yêu văn học dân gian
Uẩn súc cao sâu nền văn hóa Việt Nam
Sau này lớn lên tôi quyết làm thi sĩ
Ca tụng quê hương ôi Núi sông hùng vĩ
Những con người thông minh tài trí hiên ngang
Từ ngàn xưa đồng lòng giữ vững biên cương
Đưa Dân tộc hùng cường nhất vùng Đông Á…”

Chúng tôi coi đây là những lời di huấn của cha chúng tôi. Cha chúng tôi còn nói nhiều đến giữ gìn bản sắc dân tộc.

Khi viết Lời tựa cho một tác phẩm nhiếp ảnh gồm các tác phẩm được giải thưởng quốc tế  lớn, cha chúng tôi viết: “Nhiếp ảnh Việt Nam trong nhiều năm trước năm 1975 đã đạt được những thành tích sáng chói trong những kỳ thi ảnh và triển lãm quốc tế. Sở dĩ được thế là do nhiếp ảnh Việt Nam đã mang đậm màu sắc dân tộc, phong phú về nội dung với hình thức mỹ thuật và kỹ thuật điêu luyện diễn tả rõ những ý nghĩa người nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn truyền đạt qua tác phẩm và đậm nét tinh hoa của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam”.

Toàn bộ 200 tác phẩm ảnh nghệ thuật trong đó có những tác phẩm đã được in trong cuốn sách “Ảnh nghệ thuật Việt Nam Phạm Văn Mùi” cũng như đang được trưng bày tại Nhà Lưu niệm Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi đã thể hiện tinh thần trên đây từ bộ ảnh tóc dài người phụ nữ Việt Nam như Duyên dáng, Suối tóc, Tâm tư... hay Nón lá bài thơ, Nát óc… hay Trâu bên lũy tre, Vườn cau trăng sương, Cấy lúa đêm trăng, Chị em… hay Vịnh Hạ Long, Trên dòng suối tiên, Nhạc thu… hay Chùa Thày, chùa Một cột… hay Chung thủy, Hoa Quỳnh…

Với tinh thần giữ hồn dân tộc rất cần thiết trong lúc này cho tất cả chúng ta không phân biệt chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, địa phương, để dạy dỗ con cháu chúng ta,  chúng tôi đã soạn ra những vần thơ gọi là kinh Quốc tổ, thập nhị hiền kinh, thờ kính Quốc tổ, anh hùng dân tộc, tổ tiên , ông bà cha mẹ chúng ta.

Tại gia đình, chúng ta có thể mở đầu bằng Kinh báo hiếu hay kinh Chúc phúc; tại các đền, đình chùa, nhà thờ… chúng ta có thể bắt đầu bằng kinh thích hợp trong mỗi trường hợp như Kinh Thơ Quốc đạo, kinh Thư hay kinh Nhật tụng hoặc kinh Tưởng nhớ, kinh Cầu an hay kinh Xá tội vong nhân, Kinh Chiêu hồn tử sĩ, kinh Kính mừng, kinh Nguyện...

Với ước mong tinh thần “Sấm Truyền Ca”, Việt hóa Thánh Kinh của thầy giảng Lữ Y Đoan ở Đàng Trong vào khoảng năm 1670 cũng như tinh thần Việt hóa các loại kinh hiện nay sẽ góp phần xây dựng Hồn Việt ngày càng phàt triển để văn hóa Việt sáng chói trên thế gian này.

Sau những thành tích sáng chói của Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới, ước mong rồi đây các di sản văn hóa  phi vật thể và vật thể từ thiên nhiên đến thơ ca, ẩm thực Việt… sẽ được tỏa sáng trên thế giới. Ngôi nhà lưu niệm này cũng là nơi tôn vinh Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, Thơ ca Việt Nam, ẩm thực Việt Nam.

Đó cũng là lý do, mục tiêu của Đêm Ca trù & hát thơ Báo Hiếu ngày hôm nay. Mong được chia sẻ của quí vị có mặt hay không có mặt ngày hôm nay. Xin Quí vị ghi cảm nhận trong Cuốn Sổ Vàng hay trong thư hay phát biểu trong Buổi họp mặt đêm nay.

Xin chân thành Cám ơn Quí vị.

Nguyễn Nhã & Phạm Vân Loan


*Chương trình dự kiến:

17g-17g30 Đón khách

17g30 Ăn nhẹ, ca trù & hát thơ
1. Ngưỡng Trông (Ca trù hát nói Nguyễn Quảng Tuân), NS Thục An.
2. Kinh Báo Hiếu (Chầu văn Bắc, Chầu Văn Huế , dân ca Ba miền), NSUT Hồng Vân.
3. Kinh Tưởng Nhớ (Chầu văn Bắc, Quan Họ, xẩm), NS Vũ Huy Dự.
4. Kinh Thơ (Chầu văn Bắc, chầu văn Huế, dân ca ba miền), NSUT Hồng Vân.
5. Kinh Thư (Chầu văn, dân ca Nghệ Tĩnh), NS Hồng Oanh.
6. Kinh Kính Mừng (Chầu văn Huế, chầu văn Bắc, dân ca Huế, Bắc), NS Đức Tâm.
7. Kinh Xá Tội Vong Nhân (Bài chòi, hò bá lý…), NS Thúy Hồng.
8. Kinh Chiêu Hồn Tử Sĩ (Hát ru ca trù, dân ca Bắc Bộ), NS Kim Thoa.
9. Kinh Nhật Tụng (Rỗi Bóng, tài tử Nam Bộ, Dân ca Nam Bộ), NS Đại Lợi.
10. Kinh Báo Ân (Ả Phiền; hát xẩm huê tình, hát ru), NS Thục An.
11. Kinh Nguyện (Chầu văn Bắc, dân ca Bắc Bộ), NS Vũ Huy Dự.

20g Kết thúc

(Thơ thập nhị hiền kinh trích trong Mai Trinh & Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Giáo Dục Gia Đình & Văn Hóa Quốc Đạo)

Với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, các thân hữu & gia đình.

Xin lưu ý: Vì chương trình nhiều tiết mục, mỗi tiết mục tối đa 12 phút

Ban nhạc: Vũ Huy Dự, Mạnh Thắng…"

No comments:

Post a Comment